Tại sao có hiệp định giơ ne vơ

Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Ảnh tư liệu)

Ngày 25-01-1954, tại Béc-lin, Hội nghị ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã thống nhất thỏa thuận về triệu tập hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 08-5-1954, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, bước vào hội nghị với tư thế đại biểu một dân tộc vừa chiến thắng. Đoàn đại biểu Pháp do ngoại trưởng Bi-đôn dẫn đầu, thông báo tin quân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ và đề nghị về nguyên tắc một cuộc tổng ngừng chiến ở Đông Dương.

Đối với Pháp, thất bại ở Điện Biên Phủ làm tiêu tan cố gắng lớn nhất của giới cầm quyền, làm cho họ không còn hy vọng vào một thắng lợi bằng quân sự trên chiến trường. Trong khi đó, phong trào phản chiến ở Pháp ngày càng dâng cao, buộc Chính phủ của Thủ tướng La-ni-en phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh. Nội bộ giới cầm quyền Pháp càng thêm chia rẽ, lục đục, đấu tranh gay gắt với nhau. Mặc dù có sự cản trở của phái chủ chiến, nhưng ngày 10-3-1954, Quốc hội Pháp vẫn thông qua nghị quyết hoan nghênh Hội nghị Giơ-ne-vơ để tìm giải pháp hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Về phía ta, mặc dù thời điểm và kế hoạch họp bàn tại Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ấn định trước và hoàn toàn độc lập với chiến sự đang diễn ra tại Đông Dương, nhưng trên chiến trường, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương đang trên đà thắng lợi, nhất là thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mang lại những điều kiện thuận lợi cho Đoàn đại biểu Chính phủ ta trên bàn Hội nghị.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tiến công trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để nhanh chóng  chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh với Pháp và Mỹ. Một mặt, ta phê phán mạnh mẽ thái độ ngoan cố của Pháp và mưu đồ phá hoại Hội nghị của Mỹ. Mặt khác, ta khôn khéo chủ động đề xuất phương án giải quyết từng vấn đề bất đồng.

Trải qua 75 ngày đấu trí căng thẳng giữa các bên, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 20-7-1954, các văn bản chính của Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Tuy kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ không phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường và những yêu cầu do đoàn đại biểu của ta đưa ra, nhưng Hiệp định đã góp phần quan trọng chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chính phủ Pháp phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng ba nước Đông Dương; là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để nhân dân ta ra sức đấu tranh, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Cần thấy rằng, đàm phán hòa bình tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (năm 1954) chủ yếu diễn ra giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Pháp, nhưng lại chịu sự tác động, thỏa hiệp, dàn xếp của các nước lớn. Vì thế, việc Hiệp định quy định Quân đội Pháp buộc phải rút hết khỏi Việt Nam là một thắng lợi quan trọng, quyết định việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.

Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược; giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Nếu trước đây, tại Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì tại Hội nghị này, trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, Pháp buộc phải công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó tạo cơ sở pháp lý để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất hoàn toàn.

Với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tiêu biểu là đường lối kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn. Trong đó, cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ để lại nhiều bài học quý. Đó là các bài học về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao; về kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa đấu tranh chính trị - quân sự - ngoại giao, tận dụng tốt nhất những thắng lợi trên chiến trường để tạo thế mạnh trên bàn Hội nghị. Đó còn là bài học kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những đòi hỏi vô lý của đối phương,... Những bài học này, không chỉ được vận dụng thành công trong Hội nghị Pa-ri (năm 1973) mà còn có giá trị thực tiễn cao trong công cuộc xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc hiện nay.