To trình chuẩn y kết quả Đại hội phụ nữ

Sau 2 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả cao, chiều ngày 25/11/2021, Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã bế mạc, kết thúc tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Hội LHPN Hà Nội đã ra Thông báo nhanh kết quả đại hội. Xin trân trọng trích đăng nội dung quan trọng của Thông báo nhanh

Tổng số đại biểu chính thức được triệu tập là 489 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hàng triệu phụ nữ Thủ đô. Trong đó có 63 đại biểu đương nhiên (chiếm tỉ lệ 12,9%) (bao gồm ủy viên BCH khóa XV), 403 đại biểu được bầu từ Đại hội phụ nữ cấp quận/huyện, được giới thiệu từ Liên đoàn lao động thành phố và tổ chức thành viên (chiếm tỉ lệ 82,4%); 23 đại biểu chỉ định (chiếm tỉ lệ 4,7%). Số đại biểu có mặt dự đại hội là 482 đại biểu. Có 22 đại biểu dự khuyết thuộc các đoàn đại biểu thay thế đại biểu chính thức vắng mặt có lý do.

 Về thành phần của đại biểu: Cán bộ chuyên trách Hội phụ nữ Thành, quận, huyện và cơ sở là 284 đại biểu (59%); nữ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành, đoàn thể thành phố 46 đại biểu (9,5%); nữ trí thức, nhà giáo ưu tú, nghệ sỹ, nghệ nhân ưu tú… là 13 đại biểu (2,69%); nữ công nhân viên chức là 26 đại biểu (5,4%); Hội viên tiêu biểu là 45 đại biểu (9,3%); phụ nữ khối chợ và doanh nghiệp là 26 đại biểu (5,4%); nữ thanh niên tiêu biểu là 09 đại biểu (1,87%); phụ nữ tôn giáo và dân tộc tiêu biểu 8 đại biểu (1,66%); nữ lực lượng vũ trang là 22 đại biểu (4,56%); phụ nữ khuyết tật tiêu biểu là 03 đại biểu (0,62%).

Về trình độ chuyên môn của đại biểu: 130 đại biểu có trình độ trên Đại học (27%), trong đó có 3 giáo sư, Phó giáo sư; 127 Tiến sỹ, Thạc sỹ; 298 đại biểu có trình độ Đại học, Cao đẳng (61,8%); 31 đại biểu có trình độ Trung cấp, Sơ cấp (6,4%).

Về trình độ lý luận chính trị: 143 đại biểu có trình độ cao cấp, cử nhân (29,7%); 261 đại biểu trình độ trung cấp LLCT (54,1%);

Về độ tuổi: Dưới 40 tuổi có 115 đại biểu (23,7%); từ 40 tuổi đến 50 tuổi có 221 đại biểu (46%); trên 50 tuổi có 146 đại biểu 30,3%.  

Đại biểu cao tuổi nhất dự Đại hội là Bà Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội (78 tuổi); đại biểu trẻ tuổi nhất là Nguyễn Diệp Anh – Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Đại hội rất vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo Thành uỷ – HĐND – UBND, Ủy ban MTTQ, các sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị thành phố Hà Nội, lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy, các đơn vị kết nghĩa, lãnh đạo Hội LHPN thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) qua các thời kỳ và một số đơn vị phối hợp công tác.

Tại Đại hội, đồng chí Đinh Tiến Dũng – Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và đồng chí Hà Thị Nga – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội. Các đồng chí khẳng định và đánh giá cao vai trò, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và sự phát triển của phong trào phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh những thành tích đạt được, các đồng chí cũng chỉ rõ những mặt hạn chế của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Thành phố trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời đề nghị các cấp Hội phụ nữ cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, trí tuệ và tâm huyết của các tầng lóp phụ nữ Thủ đô đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nhân dịp Đại hội, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trao tặng Đại Hội bức trướng mang dòng chữ: Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, xây dựng phụ nữ Thủ đô “Đoàn kết – Trách nhiệm – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển”.

Đại hội đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất lần thứ hai của Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng cho Hội LHPN Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ.

Tại Đại hội XVI, Ban Chấp hành Hội LHPN Hà Nội khóa XV đã trình Đại hội các văn kiện gồm: Báo cáo Chính trị với chủ đề “Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, phụ nữ Hà Nội trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội LHPN Hà Nội khoá XV; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và dự thảo Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, các đại biểu dự đại hội đã tập trung trí tuệ nghiên cứu kỹ các văn kiện, sôi nổi thảo luận, tích cực đóng góp ý kiến với 35 tham luận được chuẩn bị, 07 tham luận phát biểu tại hội trường. Đại biểu dự Đại hội đã nhất trí cao thông qua các văn kiện Đại hội; mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

  1. Về kết quả đạt được nhiệm kỳ 2016 – 2021:

Báo cáo chính trị trình trước Đại hội đã khẳng định: Trong nhiệm kỳ qua, phong trào phụ nữ Thủ đô đã có những bước phát triển vững chắc, phụ nữ Hà Nội trong tất cả các ngành, lĩnh vực đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 để không ngừng nỗ lực vươn lên, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của Thủ đô, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của giới nữ trong gia đình và xã hội. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng cao.

Hoạt động của Hội LHPN Thành phố đã bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành uỷ Hà Nội, với nhiều cách làm sáng tạo, quyết tâm cao tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ Thành phố lần thứ XV, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI. 

Nội dung, phương thức hoạt động Hội có nhiều đổi mới, tạo nên những dấu ấn nổi bật: Các cấp Hội triển khai có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, các đợt thi đua cao điểm, thi đua đặc biệt, hành động thiết thực vì cộng đồng, vì phụ nữ, trẻ em, với hàng nghìn công trình, phần việc gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tham gia xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình xuất sắc được tôn vinh giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Công dân Thủ đô ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Người tốt việc tốt, Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu…

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục của Hội bám sát nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước; đổi mới, linh hoạt về hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để kết nối tới hội viên, đáp ứng yêu cầu thông tin trong tình hình mới. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng  nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền phê duyệt, tổ chức triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế, đảm bảo sự an toàn và hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ, trẻ em. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hậu phương quân đội, nhân đạo từ thiện, tinh thần phụ nữ Hà Nội cùng phụ nữ cả nước được thể hiện rõ nét.

Các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ đô đoàn kết, đồng lòng chung tay cùng Thành phố triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổ chức Hội thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh được tập trung đầu tư trọng tâm là kiện toàn, củng cố tổ chức Hội cơ sở, chi hội, tổ phụ nữ. Mở rộng các mô hình tập hợp phụ nữ đặc thù, phát triển hội viên tại địa bàn khó khăn. Hà Nội là địa phương đứng thứ hai cả nước về dân số và có số hội viên Hội quản lý cao nhất cả nước. Đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trẻ hóa, có tinh thần trách nhiệm, có kiến thức, tâm huyết với công tác Hội. Hoạt động giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu hội nhập; quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

Với sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các cấp Hội, 5 năm qua, các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XV đề ra đã hoàn thành. Sáu nhóm chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2016-2021 đề ra đều đạt và vượt, trong đó 4/6 nhóm chỉ tiêu vượt cao, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, đóng góp tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô; khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị. Nhiều tập thể, cá nhân trong hệ thống Hội được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Hội LHPN Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục trong phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Hà Nội. Đó là: Phong trào phụ nữ phát triển còn chưa đồng đều giữa các ngành, các lĩnh vực, địa phương; Trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của một bộ phận lao động nữ chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, có lối sống thực dụng, cá biệt có phụ nữ chưa thực hiện tốt trách nhiệm công dân; Việc triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động của Hội có thời điểm còn biểu hiện hình thức; Công tác nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận của hội viên, phụ nữ có lúc chưa kịp thời; Vai trò của tổ chức Hội trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về một số vấn đề liên quan đến phụ nữ có lúc còn thiếu chủ động, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội tại một số cơ sở chưa cao; Tỷ lệ tập hợp thu hút hội viên chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng phụ nữ Thủ đô, công tác quản lý hội viên ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, sinh hoạt Hội có nơi chưa hấp dẫn; Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ Hội chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là năng lực nghiên cứu, phát hiện vấn đề, kỹ năng giám sát, phản biện.

  1. Mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2021-2026

2.1. Mục tiêu tổng quát

Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch”; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và vị thế của tổ chức Hội; huy động sự tham gia của xã hội vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

2.2. Một số chỉ tiêu cơ bản

(1). Hàng năm, 90% cán bộ, 85% trở lên hội viên, phụ nữ được tuyên truyền nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi cơ sở Hội tổ chức ít nhất 02 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, phẩm chất đạo đức cho hội viên, phụ nữ.

(2). Mỗi quận/huyện/thị xã chỉ đạo ít nhất 01 mô hình vận động phụ nữ thực hiện nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hằng năm, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 01 mô hình vận động phụ nữ rèn luyện sức khỏe; phấn đấu 45% trở lên hội viên, phụ nữ tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

(3). Hàng năm, toàn Thành phố vận động, hỗ trợ 1.200 hộ gia đình đạt tiêu chí 5 không 3 sạch, văn minh hạnh phúc; Hỗ trợ xây, sửa 60 mái ấm tình thương; Mỗi cơ sở Hội có 01 một công trình/phần việc tham gia xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, nông thôn mới nâng cao.

(4). Hàng năm, toàn Thành phố tư vấn, giới thiệu việc làm cho 15.000 lao động (trong đó có 70% lao động nữ); Vận động, hỗ trợ 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; Hỗ trợ nâng cao năng lực cho 1500 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ nâng cao mức sống. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn Thành phố giúp 10.000 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, ra khỏi diện cận nghèo; hỗ trợ thành lập 15 hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành.

(5). Đến cuối nhiệm kỳ, 100% vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em khi phát hiện được Hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng; 80% phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về địa phương khi phát hiện được các cấp Hội hỗ trợ kịp thời. 60% phụ nữ khuyết tật được Hội giúp đỡ bằng các hình thức khác nhau.

(6). Đến cuối nhiệm kỳ, toàn Thành phố phát triển 40.000 hội viên mới. Hằng năm, có từ 90% cơ sở Hội xếp loại tốt trở lên, không có cơ sở xếp loại kém.

(7). 100% cán bộ Hội các cấp được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác Hội, chuyển đổi số; 100% cán bộ Hội chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội.

(8). Đến cuối nhiệm kỳ, Thành hội tham mưu đề xuất được ít nhất 02 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ. Hàng năm, từng cấp Hội chủ trì, phối hợp giám sát ít nhất 01 chính sách và góp ý phản biện xã hội ít nhất 02 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền.

2.3. Phong trào thi đua, cuộc vận động, khâu đột phá trong nhiệm kỳ

Đại hội thống nhất thực hiện phong trào thi đua trong nhiệm kỳ là: Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch”.

Thực  hiện hai Cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không – 3 sạch” và “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”.

Thực hiện hai khâu đột phá:

(1) Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động Hội và kết nối thu hút phụ nữ.

(2) Nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ Hội, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp.

2.4. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm  

Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới gồm: (1) Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập; xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. (2) Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. (3) Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

5 nhóm giải pháp gồm: (1) Đổi mới hoạt động truyền thông trong hệ thống Hội. (2) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cấp Hội. (3) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. (4) Nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội và phát huy vai trò làm chủ, thực hành dân chủ của hội viên, phụ nữ. (5) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, tăng cường hoạt động liên kết, vận động khai thác nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động Hội và chăm lo cho sự tiến bộ của phụ nữ.

III. VỀ BẦU CỬ BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ, CÁC CHỨC DANH CHỦ CHỐT; BẦU ĐOÀN ĐẠI BIỂU DỰ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII.

  1. Kết quả bầu cử Ban chấp hành Hội LHPN Hà Nội khóa XVI

Với tinh thần dân chủ và thống nhất cao, Đại hội đã bầu 65 đồng chí tiêu biểu cho trí tuệ, phẩm chất và năng lực của phụ nữ Thủ đô tham gia vào Ban Chấp hành Hội LHPN Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021- 20216. Trong đó có: có 18 đồng chí là lãnh đạo Thường trực, Trưởng, phó các ban, đơn vị Thành Hội, 33 đồng chí Chủ tịch Hội LHPN quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc; 14 đồng chí đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, các tổ chức thành viên, đại diện phụ nữ tôn giáo và phụ nữ tiêu biểu.

  1. Kết quả bầu Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt

Phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành đã bầu 19 ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội gồm: 12 đồng chí thuộc cơ quan chuyên trách Thành hội (Thường trực, Trưởng các ban, đơn vị) , 04 đồng chí đại diện Hội LHPN khối quận và khối huyện, 03 đồng chí đại diện lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể thành phố)

Đồng chí Lê Kim Anh được tín nhiệm tái cử chức danh Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khóa XVI.

Các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Thủy, Lê Thị Thiên Hương, Phạm Thị Thanh Hương được tín nhiệm tái cử chức danh Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khoá XVI.

  1. Kết quả bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Căn cứ quyết định phân bổ Đại biểu và thông báo duyệt Đại hội của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Đại hội đã tiến hành bầu 21 đại biểu chính thức vào đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 và 06 đại biểu dự khuyết.

Sau 2 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả cao, chiều ngày 25/11/2021, Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã bế mạc, kết thúc tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Phát huy thắng lợi của Đại hội, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội cần khẩn trương triển khai và sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống. Trước mắt cần tuyên truyền sâu rộng về kết quả Đại hội; Tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng thành công Đại hội; đồng thời cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Đại hội trong xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động toàn khóa của từng cấp Hội; đẩy mạnh phong trào thi đua trong mọi lĩnh vực công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội.

Với tinh thần đoàn “Đoàn kết – Trách nhiệm – Sáng tạo – Hội nhập – Phát triển”, Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô tự hào, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, tiềm năng, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.