Tóm tắt lãng khách kenshin

Nhắc đến samurai, ắt hẳn ai yêu thích manga cũng sẽ nghĩ ngay đến tác phẩm lừng danh Rurouni Kenshin của tác giả Nobuhiro Watsuki. Câu chuyện là sự đan cài giữ các yếu tố vừa thực tế vừa lãng mạn, vừa nhẹ nhàng vừa dữ dội, vừa đau đớn lại vừa bình yên. Có thể nói, chính những điều đó đã góp phần tạo nên một tác phẩm kinh điển của thế giới manga nói chung và thể loại samurai nói riêng.

Tóm tắt cốt truyện:

Rouroni Kenshin là một bộ manga đỉnh cao của tác giả Nobuhiro Watsuki với nhiều lần được xếp vào hàng top ten trong các bảng xếp hạng manga tại Nhật Bản.

Himura Kenshin là một tay kiếm huyền thoại chưa từng có đối thủ trong thời kì Tokugawa của Nhật Bản. Sau khi cuộc Duy tân Minh Trị thành công, Himura biến mất không để lại dấu tích. Thời gian dần trôi, câu chuyện về người sát thủ ấy tưởng đã trở thành huyền thoại thì bỗng nhiên anh lại xuất hiện ở Tokyo trong dáng dấp của một lãng khách (rurouni) với vết sẹo chữ thập đặc trưng trên má và thanh kiếm lưỡi ngược độc đáo đeo bên hông.

Và đây chính là lúc mà câu chuyện bắt đầu. Anh gặp Kaoru Kamiya, quyền sư phụ của một võ đường nhỏ. Hai người từ chỗ hiểu lầm đã trở thành bạn của nhau. Từ đây, bánh xe số mệnh đã lăn những vòng vô thường để những con người trong thời buổi loạn lạc ấy có thể tìm đến nhau và chiến đấu vì nhau.

Xuyên suốt câu chuyện là những trận chiến gây cấn nhằm tìm kiếm câu trả lời cho lí tưởng mà mình đã chọn. Thông qua đó, từng nhân vật hiện lên với những nét tính cách độc đáo, sắc sảo tuyệt vời.

Rurouni và những sự thật lịch sử

Tác giả đã khéo léo lồng vào những trận chiến hư cấu, cái bối cảnh, cái không khí thật sự của Nhật Bản lúc bấy giờ.

Nhật Bản những năm cuối cùng của thời đại Edo là một thời kỳ hỗn loạn vô cùng. Sự xuất hiện và tham vọng của các nước đế quốc phương tây được đánh dấu bằng sự kiện Con tàu đen do Perry làm thuyền trưởng bất ngờ xuất hiện nã pháo vào Edo (Tokyo hiện nay) vào năm Kael 6 (1853) để gây sức ép buộc chính phủ Nhật Bản phải mở cửa thông thương với bên ngoài. Nhật Bản lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, nội chiến nổ ra liên miên.

Mười năm sau cuộc Duy tân Meiji, hoà bình đã được lập lại trên đất nước hoa anh đào. Nhưng hoà bình đi cùng với nó là đạo luật phế đao đã giết chết cả một lớp người sinh sống bằng gươm đao, bằng loạn thế, những samurai. Thêm vào đó, 10 năm đổi mới là chưa đủ để người ta có thể tin tưởng vào chính quyền Meiji. Thế nên, thấp thoáng trong Rouroni Kenshin vẫn còn những samurai lang bạt trên khắp đất nước, những con người sinh ra không gặp thời nhưng vẫn mang khát vọng được một lần dấy binh đao để tìm kiếm tương lai cho kiếm thuật Nhật Bản. Himura Kenshin cũng như bao samurai khác, luôn trăn trở tìm giải pháp cho thanh kiếm của chính mình. Liệu sức mạnh và hoà bình có phải là 2 thái cực không bao giờ cùng song song tồn tại?

Rurouni và những con người trong dòng chảy số phận

Một điểm cực kì đặc sắc của tác giả Nobuhiro Watsuki đó chính là cách xây dựng hình tượng nhân vật. Trong Rurouni Kenshin, không có 2 nhân vật nào tốt giống nhau và cũng không có 2 kẻ nào ác giống nhau. Mỗi nhân vật là 1 khía cạnh riêng, 1 cá tính riêng nên khi xem Rurouni Kenshin, có thể thấy được cả xã hội Nhật Bản thu nhỏ lúc bấy giờ.

Đó là cậu bé Yahiko với ý chí quả cảm và kiên cường, là Sanosuke bộc trực và táo bạo nhưng luôn hết lòng vì bạn bè. Megumi lạnh lùng và kiêu kì, mạnh mẽ và thất thường một cách thú vị. Con sói xám của Shinsengumi, Hajime, với chính nghĩa “Ác tức trảm”. Và còn có cả Aoshi và Misao cùng đội mật thám, Shishio Makoto cùng 10 tay kiếm bậc nhất, Enishi cùng đội quân “Nhân tru”,…. Sợi chỉ xuyên suốt gắn kết các nhân vật chính là lãng khách Kenshin luôn muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh của quá khứ.

Trong thời kì khởi đầu một kỉ nguyên mới, khi mà những cái mới chưa thể thay thế được những tập tục cổ xưa và lâu đời, trắng-đen, đúng-sai, thực-hư vẫn lẫn lộn, con người vẫn cứ loay hoay tìm cho mình một con đường để sống, để tồn tại.

Hàng triệu độc giả của Kenshin đã say mê, không chỉ dàn nhân vật chính diện, mà còn cả những nhân vật phản diện. Có lẽ, ít bộ truyện nào mà nhân vật lại khó phân loại như trong Rurouni Kenshin. Ai có thể khẳng định rằng Makoto sai hoàn toàn, Enishi là một người mất hết nhân tính hay Saito Hajime là một kẻ lạnh lùng không biết gì khác hơn cái chính nghĩa “Ác tức trảm” của anh ta? Và thậm chí là Kenshin, người anh hùng tuyệt vời của thời đại đó, không có những giây phút lầm đường lạc lối?

Có lẽ đúng như lời Kenshin đã nói “Là đúng hay sai, hãy để lịch sử trả lời” Khi mà chưa có con đường nào vạch sẵn trước mắt, tất cả những điều mà con người trong thời buổi ấy có thể làm là đi theo chính nghĩa của bản thân mình, điều mình tin là đúng, thứ mình cần bảo vệ. Câu nói của Kenshin ít nhiều sẽ khiến các otaku liên tưởng đến một câu nói của Okita Souji trong một manga cũng nổi tiếng không kém, Kaze hikaru: “Đúng hay sai, hãy để hậu thế phán xét”.

Trong mỗi nhân vật đều có lí tưởng riêng của mình. Xây dựng một đất nước giàu mạnh, trả thù cho người thân, tiêu diệt hết những kẻ thủ ác, tìm kiếm một tương lai cho kiếm thuật Nhật Bản mục đích ấy có gì sai không? Hoàn toàn không. Tuy có thể xuất phát từ những lí do cá nhân nhưng mục tiêu của những hành động ấy đều hướng đến giải pháp tìm kiếm 1 hướng đi mới. Từ đó, có thể thấy góc độ phản ánh những nhân vật trong Rurouni Kenshin là hết sức nhân bản. Tác giả Nobuhiro không xây dựng những nhân vật hoàn hảo. Mỗi nhân vật đều có những cái tốt, cái xấu riêng và cũng rất “đời”. Họ cùng chung mục đích, nhưng con đường mà họ đi chẳng có điểm chung. Ai cùng quan điểm thì thành bạn, khác thì là thù. Có lẽ hơi phủ phàng nhưng trong thâm tâm họ đều công nhận lẫn nhau. Tôi vẫn nhớ câu nói của Kenshin về Shinsengumi: “Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy họ gần gũi và thân thiết hơn những người đã từng sát cánh với tôi vào cuối thời nhà Mạc”.

Trong dòng chảy của số phận, đôi khi người ta gặp nhau để thành tri kỉ, có khi chạm mặt để trở thành những kẻ cựu thù. Và đúng hay sai, hãy để mỗi độc giả tự cảm nhận.

Rurouni – cuộc chiến đấu với ám ảnh quá khứ, cuộc hành trình tìm kiếm lí tưởng và hạnh phúc

Xuyên suốt bộ truyện là cuộc chiến đấu của các nhân vật, với nhau có, với chính mình cũng có. Ai cũng có một quá khứ muốn quên đi nhưng để quên được nó là một điều thật khó khăn. Sanosuke một thời từng là thành viên đội quân cái cách, Yahiko cũng phải từng lang thang trộm cắp để kiếm sống, Megumi từng tiếp tay điều chế thuốc phiện,… Nhưng nổi bật trong bộ manga này vẫn là nỗi ám ảnh về một thời làm hitokiri của Kenshin.

Để xây dựng một chế độ mới, Kenshin đã thẳng tay giết hại không biết bao nhiêu người. Bi kịch lên tới đỉnh điểm khi anh lỡ tay giết chết người vợ thân yêu của mình. Danh hiệu tay kiếm bậc nhất có thể làm cho nhiều người khao khát nhưng với Kenshin, có được danh hiệu đó, người sát thủ phải sống những giây phút địa ngục. Cái bóng ma sát thủ không cho anh một phút nào bình yên. Chỉ khi đến Tokyo, gặp được Kaoru và những người bạn, bức màn đen tối che phủ cuộc đời người sát thủ ấy mới dần được gỡ bỏ. Qua những cuộc chiến đấu, Kenshin đã dần dần tìm ra được lẽ sống của mình. Đó là bảo vệ những người thân yêu nhất, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.

“Tôi đã trót giết rất nhiều người, lấy mất biết bao nhiêu sinh mạng…  Tôi chưa từng nghĩ rằng họ cũng như tôi… Tất cả đều là lỗi của tôi, nên tôi chấp nhận mọi hình phạt.Tôi phải sống để thực hiện tâm nguyện của những người đã chết.. Mang ánh sáng đến cho thế giới này, mang hạnh phúc, niềm vui cho mọi người, đó là lẽ sống của tôi. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu nhưng vẫn giữ lời thề không phạm sát giới. Sự trừng phạt cuối cùng có thể là cái ‘chết’… hoặc là một cách nào khác tôi vẫn chưa biết trước được.

Nhưng khi còn đủ sức vung kiếm, tôi sẽ chiến đấu đến cùng.”

Đây là một trong số rất nhiều câu nói trong Kenshin mà tôi yêu thích. Đối với một hitokiri không biết bao lần phải đối mặt với tử thần, chết có thể rất đơn giản, nhưng để sống sao cho không hổ thẹn với lương tâm là một điều khó vô cùng

Khi đấu với Kenshin, Seta đã nói: “Anh nói không phạm sát giới, bảo vệ kẻ yếu… đó chỉ là lời nói! Nhưng lúc tôi gặp nạn, anh đâu có đến cứu tôi.” Và Kenshin đã trả lời một câu mà tôi nhớ mãi: “Nếu chưa quá muộn, tôi có thể cứu cậu ngay bây giờ… Được chứ?”

Con người dù thế nào cũng không phải là một vị thánh. Người ta có thể phạm sai lầm, nhưng việc sửa chữa nó không bao giờ là quá muộn.

Số phận khắc nghiệt đã tước đoạt của Kenshin hạnh phúc nhưng lại ban cho anh một tình yêu mới. Có lẽ với Kaoru, Kenshin không có những cảm xúc mãnh liệt như anh dành cho Tomoe nhưng ở Kaoru lại mang đến một cảm giác thân thương, ấm áp như gia đình. Kaoru đã giúp Kenshin dám đối diện với quá khứ vì dù sao thì đó vẫn là một phần đời của anh. Và cuối cùng, những ám ảnh đã thôi dày vò, hình bóng của Tomoe trong Kenshin đã mỉm cười với anh. Kenshin đã trả hết món nợ cho quãng đời từng làm hitokiri của mình.

Trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc và lí tưởng, có những người ngẩng cao đầu bước đi, có người loay hoay mãi mà không tìm thấy lối. Và đôi khi, hạnh phúc và lí tưởng lại không chung một con đường.

Kết thúc của rurouni

Rurouni Kenshin có 1 kết thúc đơn giản và có hậu. Mỗi nhân vật đều tìm được hướng đi riêng và bằng lòng với con đường mình đã chọn. Một số độc giả lại không đánh giá cao kết thúc này như trong anime, phần Seisohen (Cuối đời). Và quả thật, phần kết trong anime đã để lại cho người xem những dư âm sâu sắc và ấn tượng.

Có lẽ không bao giờ tôi quên được hình ảnh Kenshin và Kaoru cố tìm nhau trong ánh sáng chập choạng hoàng hôn và sắc tím của những cánh hoa đào bay lả tả. Chút sức lực cuối cùng của Kenshin khiến anh có thể bước đi chính là khao khát được gặp lại Kaoru. Lúc này, những lời mà Kenshin có thể nói đó chính là: “I’m home, Kaoru” và Kaoru đã vui mừng thốt lên: “Welcome, Shinta”. Kenshin đã ra đi thanh thản trong vòng tay người vợ yêu dấu, lúc này vết sẹo trên mặt anh đã hoàn toàn biến mất. Một cuộc đời có lẽ không hoàn hảo và tốt đẹp như mong muốn nhưng nó đã trọn vẹn theo cách mà một người có thể đạt được.

Giá trị của tác phẩm

Rurouni Kenshin là một bộ manga thành công ở cả hai phương diện: historical và shounen (cả 1 chút romance nữa). Những pha đấu kiếm (đặc biệt là những chiêu thức riêng của mỗi nhân vật) đều được đầu tư công phu và kĩ lưỡng, tạo được nhịp điệu và độ nhấn riêng cho mỗi trận đấu. Điều này cũng khá tinh tế vì mỗi trận đấu, nếu độc giả để ý kĩ, sẽ thấy tính chất và không khí khác nhau.

Về phương diện lịch sử, bộ manga đã chuyển tải rất thành công, tuy không thể nói là toàn bộ, nhưng là những khía cạnh rất sắc nét trong lịch sử thời bấy giờ, cả những tâm tư và số phận của con người trong thời đại ấy mà chắc hẳn không có cuốn sách giáo khoa lịch sử nào có thề phản ánh được.

Ý tưởng và hình vẽ rất tuyệt vời, nhất là những lúc chuyển đổi giữa 2 trạng thái của Kenshin, ánh mắt được vẽ sắc sảo và có hồn. Những trận đánh được vẽ rõ ràng (điều khá hiếm đối với một manga thể loại shounen). Tuy không hiểu tại sao ở những vol cuối, tác giả lại vẽ xuống tay rõ rệt (thể hiện vẫn rõ nhất ở ánh mắt, sau đó là tóc của nhân vật), có thể là do phải hoàn thành gấp rút bản thảo. Đó là một nhược điểm nhỏ của Rurouni, những yếu tố còn lại đều ở mức khá và tuyệt.

Đây thực sự là một bộ truyện không thể thiếu trong bộ sưu tập manga của các fan truyện tranh.

Hajime