Câu lục là như thế nào

Không giống như các kiểu câu khác, câu lục là 1 trong những kiểu câu vô cùng linh hoạt, yêu cầu tập trung cao độ và cần thủ cần trang bị đầy đủ các kỹ năng. Câu lục có cái thú là phải chủ động, kiên nhẫn chờ đợi và cảm nhận tinh tế, quyết đoán (giật) nhanh và mạnh như một con báo vồ mồi. Để hiểu tường tận về kỹ thuật câu lục, hãy cùng Maxping fishing tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Câu lục là như thế nào

Câu lục là cách câu cá cho lưỡi câu và thính nằm tại đáy nước. Lưỡi câu lục có loại 3, 4, 5, 6, 8 lưỡi, nhưng phổ biến nhất vẫn là 6 lưỡi nên kỹ thuật này mới có tên là câu lục. Nghe qua, nhiều anh em nghĩ rằng, có lẽ chỉ có cá ở tầng đáy mới ăn mồi và câu đáy là câu lục. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật câu đặt mồi ở đáy nhưng rất nhiều loài cá ở tầng cao hơn vẫn bị cắn câu. Đó là bởi vì câu lục dựa vào mồi câu và thính câu để thu hút các loại cá sống ở các tầng cao hơn xuống đáy nước để ăn mồi và cắn câu.

Nguyên lý của câu lục

Trong câu lục đầu cần, lưỡi lục sẽ đi lên theo hướng đi lên của đầu cần. Lưỡi câu lục nằm trên đường thẳng vuông góc với đáy hồ đi qua tâm lưỡi lục và đầu cần câu nên khi kéo cần, lưỡi lục sẽ đi thẳng lên. Nguyên lý của câu lục chính là nguyên lý của ròng rọc, với phao là điểm tựa cho lưỡi câu lục đi thẳng lên theo lực giật của cần câu.

Tuy nhiên, thực chất lưỡi chỉ đi thẳng trong một khoảng nhất định, sau đó sẽ đi chéo về phía cần thủ. Và vì thế, để đạt được hiệu quả cao, thì yêu cầu đường lên thẳng của lưỡi lục phải càng dài càng tốt, và với phao càng to nặng, quãng đường đi lên thẳng của lưỡi lục càng dài.

Chọn cần câu lục

Cần câu lục thường sử dụng có độ dài từ 3.6m, 3.9m, 4.05m, 4.25m, 4.5m, 5.3m, 6.3m hay 7.2m. Việc lựa chọn cần câu phải phù hợp với thể trạng cũng như chiều dài khổ tay của người sử dụng.

Khi câu xa bờ, có khoảng cách từ vài chục mét trở lên, việc ném chính xác lưỡi lục vào ổ thính sẽ khó khăn, vì thế nên chọn những loại cần có đường kính ngọn là 2.8mm, 3.0mm, 3.2mm hay 3.4mm.

Với người Việt chúng ta, thường sẽ có chiều cao dưới 1m8, nếu sử dụng các loại cần câu dài hơn 4.05m khi câu xa bờ sẽ làm chúng ta khó xoay sở trong quá trình câu cá, vì vậy anh em nên chọn cần có chiều dài dưới 4.05m.

Với những người mới tập câu, thường sẽ câu không quá xa bờ, như vậy thì việc ném lưỡi câu lục vào ổ thính sẽ không khó khăn lắm, vì thế ở phạm vị này, nên sử dụng những cần câu có đường kính ngọn là 2.4mm, 2.6mm, 2.8mm cùng với lưỡi lục cỡ 5, 6, 7, 8 là tốt nhất.

Nói về cần câu thì chúng ta có rất nhiều lựa chọn, từ giá tốt khoảng mấy trăm nghìn đồng cho đến hơn chục triệu đồng đều có, của các thương hiệu cần câu lớn như Shimano, Daiwa, Pioneer, Tica. Cách lựa chọn tốt nhất là phù hợp với túi tiền của mỗi người và mục đích sử dụng như đã nói ở trên.

Trong đó, chú ý khi mua các loại cần có giá dưới 1 triệu đồng, những loại cần này thường được sản xuất ở các nước như Trung Quốc, Malaysia… thường được chia ra thành 4 hay 5 khúc, đôi khi cũng có những loại tới 6 hay 7 khúc, tùy vào độ dài tổng thể của cần sau khi lắp ráp.

Tuy nhiên, khi mua những loại cần này anh em phải chú ý đến khuyên dây, xem có bị sứt mẻ gì không? Vì nếu có sẽ có thể dẫn đến dây cước sẽ bị đứt trong quá trình câu. Tương tự với chân máy, kiểm tra kĩ khi lắp máy vào có bị lỏng lẻo không?

Đây là một số kinh nghiệm khi chọn cần câu lục, hy vọng với những kinh nghiệm đơn giản thế này sẽ giúp anh em có những lựa chọn chính xác và phù hợp với nhu cầu câu lục của mình

Câu lục là như thế nào

Khoảng cách ném và khoảng cách câu

Trước hết để câu với khoảng cách xa 30m, anh em phải ném xa được 55m khi thuận lợi. Với các môn câu khác như lăng xê bom, SURF …thì khoảng cách ném này quá dễ đạt được cả chiều dài và độ chính xác. Nhưng với câu lục xa bờ thì điều đó khá khó khăn, bởi việc anh em ném 2 vật thể nặng trên cùng chiếc dây câu sẽ tạo ra sự giằng cản lẫn nhau. Đặc biệt nếu 2 vật này trọng lượng càng giống nhau và khoảng cách giữa chúng càng dài thì càng khó ném chính xác. Hơn thế một chiếc phao lục bầu to làm vật cản gió, cản không khí rất nhiều.

Việc ném xa như vậy sẽ giải quyết được việc: ném chưa chính xác, không làm cho cá gần ổ thính sợ, có thể kéo dần vào để chỉnh.

Tác động của gió, sóng, nước trôi

Trong thực tế, nếu không có gió, không có sóng và nước không chảy, anh em có thể ném đúng hướng và chỉ cần kéo dần lưỡi lại cho vào ổ thính. Nhưng nếu có gió, sóng, nước trôi thì anh em cần làm như thế nào, hãy đọc tiếp nhé.

Trước hết khi lưỡi và phao chưa tiếp nước, gió tác động vào phao vào dây câu làm lệch hướng bay của phao và lưỡi theo chiều gió. Càng cuối quỹ đạo bay, phao và dây càng bị đánh dạt nhiều.

Tiếp theo, sự tác động của gió, sóng, nước trôi trong thời gian từ khi chiếc phao tiếp nước cho tới khi chiếc lưỡi lục chìm hết và chạm đáy (khi lưỡi đã chạm đáy, nó chính là một mỏ neo, neo giữ chiếc phao tại vị trí đó). Trong khoảng thời gian đó, chiếc phao, đoạn dây từ cần tới phao và cả chiếc phao bị sóng đánh bạt; kèm theo nước trôi kéo lệch phao và chiếc lưỡi lục đi cho tới khi chiếc lưỡi tiếp đáy. Quãng thời gian này còn lặp đi lặp lại từng quãng trong quá trình anh em kéo rê phao vào vị trí ổ cho chính xác. Anh em chỉ khắc phục được phần nào sự tác động của sóng và gió trên đoạn dây trục bằng cách dìm đầu cần, hất dây câu cong vòng về phía ngược hướng gió để trừ hao. Còn việc trôi phao khi lưỡi lục đang chìm chỉ còn bằng cách tăng chì lục và ném chệch để trừ hao mà thôi.

Lưỡi lục và phao

Một điều rõ ràng, muốn ném xa, yêu cầu trọng lượng của lưỡi và phao phải nặng. Khi anh em câu càng xa thì nguy cơ tác động của gió, sóng, nước trôi càng mạnh và càng có nguy cơ bị. Để hạn chế, chì lục phải nặng, nặng để đủ sức neo chiếc phao chống lại 3 yếu tố trên và nặng để chìm nhanh, rút ngắn thời gian chết tới khi chì chạm đáy thể hiện vai trò mỏ neo.

Phao yêu cầu nặng và nổi: nặng để góp phần cùng lục ném được xa, nổi để cùng với chì nặng neo phao tại vị trí cần thiết chống lại sóng gió.

Chì phao nặng phải cân đối với độ nổi của bầu nó tạo ra độ nổi còn lại của phao phù hợp đủ để neo giữ làm căng dây trục. Chì phao còn phải đủ nặng để tạo ra tính ổn định của cần phao dưới tác động của sóng và gió gây lắc chao phao qua lại.

Cần phao càng mảnh, càng dài càng triệt tiêu sóng tốt.

Mũ phao yêu cầu ít cản gió tốt nhất nhưng phải rõ ràng dễ quan sát.

Để chống lại 3 yếu tố gió, sóng và nước trôi, thường đi song hành nhau, độ nặng của chì lục phải nặng và độ nổi của phao phải cao. Như thế sẽ tạo cho đoạn dây linh và phần dây trục dưới phao rất căng. Phần này càng căng thì càng làm con cá khủng nhút nhát, va chạm nhiều thuộc loài có râu như chép và trôi khủng ít chạm hơn. Chúng sử dụng bộ râu rà rẫm và lùi ngay lại khi chạm phải dây linh căng như dây đàn. Chính vì thế anh em cần thủ phải cân nhắc lựa chọn giữa độ nổi của phao, độ nặng của chì lục và đường kính dây trục.

Từ trước tới nay, chì phao luôn được gắn sát với bầu phao. Việc làm này chỉ tạo ra độ dài ngắn nhất của cả chiếc phao và nhìn chiếc phao có vẻ đẹp hơn, hợp mắt hơn. Nhưng nó không có được tính cắt sóng tạo sự ổn định bằng việc hạ thấp chì của phao.

Anh em dễ nhận ra, độ dài dây linh càng dài thì ném càng khó xa và khó chính xác do chúng tạo ra sự nhùng nhằng, cái này kéo cản cái kia giữa phao và lục, đôi khi khiến cho lưỡi lục mắc quấn vào phao. Việc rút ngắn dây linh sẽ hạn chế được việc đó nhưng lại làm tăng nguy cơ gây lộ. Điều này hơi khó đánh giá và thường các cần thủ tự an ủi rằng, câu xa thế, cá nó không còn sợ. Một độ dài dây linh dài hơn chiều dài chiếc phao 6cm là phù hợp.

Câu lục là như thế nào

Đặc tính dây trục và khoảng cách ném, khoảng cách câu

Đường kính dây trục càng nhỏ, cho anh em khoảng cách ném càng xa và càng chính xác do độ thoát của dây cao, độ mềm suôn nhỏ vốn có của dây bé, độ cản gió và chịu tác động của gió thấp. Nhưng đường kính càng nhỏ, chịu lực càng thấp. Một đường câu cần có một độ chịu được hai lực chính sau:

  • Sức kéo của phao và lục khi ném. Lực này nhỏ, không đáng kể so với lực thứ 2
  • Lực xung tức thời khi giật (rất mạnh) do độ cản nước của lưỡi, của phao và đoạn dây trục trùng chìm dưới nước. Lực này được cộng hưởng rất nhiều khi lưỡi đóng vào cá tạo ra một lực xung rất mạnh.

Một thói quen của người câu là tự yêu cầu một hệ số an toàn cho cả dây linh và dây trục quá cao trên 2 khía cạnh:

  • Vượt quá nhiều độ chịu lực của dây linh, đó là điều không cần thiết và lợi bất cập hại. Rõ ràng một điều, nếu như vậy, đường kính dây trục rất lớn, làm tăng sự tác động của gió, sóng, nước trôi làm hạn chế khoảng cách ném, tính chính xác và làm tăng sức cản của nước trên quãng dây chìm.
  • Chọn dây linh chịu lực quá lớn: dây linh chịu lực lớn ắt dây trục phải chịu lực lớn theo. Làm cho cả 2 dây trở nên to ảnh hưởng rất nhiều tới khoảng cách câu và tính chính xác khi ném. Việc chọn dây có đường kính dây càng nhỏ, chịu lực càng lớn đó là lý tưởng.

Tính suôn, mềm chống xoắn :Việc suôn mềm do bản thân dây như vậy chứ không phải suôn mềm do đường kính dây bé. Việc xoắn dây khi ném đi ném lại ra xa là hiện tượng xảy ra như một điều tất yếu. Chúng làm giảm tính chịu lực của dây câu do dây chịu lực xung kém trong tình trạng xoắn vặn.

Tính chống mài mòn (chịu ma sát): Việc anh em ném một vật nặng đi xa với lực rất mạnh tạo ra sự va chạm vào khoen cần và việc ma sát rất lớn khi dòng cá làm mòn dây nhanh chóng. Dây câu bị mài mòn sẽ dễ dàng bị đứt khi gặp lực xung.

Độ chìm của dây (hay tỷ trọng của dây so với nước): Mỗi loại dây được sản xuất theo đúng mục đích cho việc câu (câu chép dây có tỷ trọng lớn, chìm nhanh và mạnh, dây câu mồi giả tỷ trọng nhẹ nên nổi). Nhưng không có nhà sản xuất nào sản xuất ra thứ dây chuyên cho câu lục đặc biệt lục xa đầu cần vì rằng môn câu đó của riêng nước ta. Chúng ta thử nghiệm, đúc rút rồi tự thấy rằng dây câu này chìm lửng hay chìm quá không phù hợp. Nếu dây trục chìm quá nhiều, chúng tạo ra độ võng rất nhiều từ phao tới đầu cần. Quãng dây này trở nên dài làm cho mất đi rất nhiều lực khi giật. Nếu dây quá nổi, anh em sẽ hứng chịu rất nhiều tác động của sóng gió. Một loại dây chìm lửng vừa tránh dây quá võng, vừa tránh đi những tác động của sóng gió.

Màu dây trục và dây linh: dây linh cần có đặc tính trong suốt và tàng hình thì càng hay nhưng không nên chọn dây trục trong suốt, độ trong suốt luôn kèm theo tính dẫn quang rất tốt, trở thành yếu điểm khi bạn câu ban ngày. Một dây câu có màu gần giống màu nước: xanh nhẹ hoặc màu hơi xám chì nên được ưu tiên hơn.

Hy vọng những chia sẻ của Maxping Fishing sẽ giúp anh em cần thủ có thêm những hiểu biết, kinh nghiệm trong bộ môn câu cá và trở thành những “tay to sát cá” nhé!