Chữ văn hiến trong văn bản nước Đại Việt ta được hiểu như thế nào

ĐỀ BÀI

Hình ảnh đất nước văn hiến qua đoạn trích Nước Đại Việt ta [Bình Ngô đại cáo] của Nguyễn Trãi.

Bài làm.

Sử sách nước ta có lẽ sẽ mãi còn đó ghi dấu nốt nhạc trầm buồn của vụ án “lệ chi viên” đầy tang tóc, vụ án đã giết đi một người anh hùng, một người thơ lỗi lạc nhất thời đại : nhà thơ Nguyễn Trãi. Thế hệ muôn đời sau vẫn nhắc nhớ đến ông với tấm lòng thành kính. Ông là người đầu tiên đã khẳng định nền văn hiến đời đời của đất nước Đại Việt trước thế giới, nhân loại qua áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo. Áng văn đã khơi dậy mạch nguồn tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người dân nước Việt bởi lẽ hình ảnh đất nước Đại Việt văn hiến nghìn đời ngời sáng.
Bình Ngô đại cáo được viết theo thể loại “đại cáo”. Nếu như cáo là thể văn cổ đời xưa, các hoàng đế thường dùng để bổ nhiệm, ban tặng, bảo ban các quan hay toàn dân, được gọi là “cáo bệnh”, “cáo phong”,… thì “đại cáo” là thể cáo dùng đê ban bố những sự kiện trọng đại cho dân tộc biết. Đây vốn là một thiên trong Thượng thư do Chu Công làm để tuyên, bố việc phò tá nhà Thành Vương, phế bỏ nhà Ân. Ngay nhan đề Bình Ngô đại cáo đã cho người đọc thấy đây là bài công bố việc lớn của triều đình cho thiên hạ. Đồng thời nó mang ý nghĩa sâu sắc. Bởi lẽ “bình” là dẹp yên, xây dựng hoà bình, lập lại trật tự ; “Ngô” không phải là từ chỉ Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương, mà là tên gọi quân xâm lược phương Bắc từ thời Tam Quốc của nhân dân ta. Như vậy : Bình Ngô đại cáo là tuyên bố với thiên hạ về việc dẹp yên giặc Ngô, lập lại hoà bình cho nước Đại Việt, nhan đề tự nó đã ngầm chứa một niềm tự hào dân tộc.
Mở đầu bài đại cáo tác giả đã nêu lên tư tưởng nhân nghĩa sâu sắc :

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Đối với nhà thơ, nhà quân sự Nguyễn Trãi, nhân nghĩa không phải là cái gì quá cao xa mà chính là việc đem lại bình yên, no ấm cho nhân dân ; muốn vậy thì phải “trừ bạo”, phải đánh tan lũ quân cướp nước. Hơn ai khác, Nguyễn Trãi là người hiểu được sức mạnh to lớn của những người dân áo vải : chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Tư tưởng nhân nghĩa vì dân mãi là sợi chỉ đỏ soi đường cho việc đi tìm chân lí của độc lập, tự do.
Không chỉ nêu lên một tư tưởng nhân nghĩa tiến bộ, với giọng văn đanh thép, tác giả đã khẳng định dõng dạc :

Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác,

Nguyễn Trãi đã đập tan định kiến của các triều đại phong kiến phương Bắc khi cho rằng : nhân dân nước Nam là mọi rợ, là “Nam man”, họ kia mới là văn minh “Hoa Hạ”. Ông khẳng định nước Đại Việt là một quốc gia có “nền vãn hiến” lâu đời. “Văn” là văn hoá, vãn minh ; “hiến” là nhân tài, hào kiệt. Nước Đại Việt từ lâu đã có một nền văn hoá riêng của mình. Bọn giặc phương Bắc luôn tìm cách đồng hoá, thống trị nền văn hoá đó để biến nước ta thành châu quận của chúng. Nhưng nhân dân nước Nam đã đấu tranh mạnh mẽ, đập tan âm mưu thâm độc của chúng. Lời khẳng định “Như nước Đại Việt ta từ trước – Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” chứa chan niềm tự hào, tự hào vể văn hoá, về nhân tài nước ta. Nếu trong Nam quốc sơn hà [tương truyền là của Lí Thường Kiệt] khẳng định chủ yếu mật chủ quyền độc lập, bờ cõi của đất nước : “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, thì ở đây, bên cạnh việc khẳng định đó Nguyễn Trãi còn khẳng định “Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Điều đó có nghĩa : mỗi dân tộc có những nét văn hoá, phong tục riêng, người Trung Quốc có phong tục riêng của mình thì người Đại Việt cũng vậy. Văn hoá riêng làm nên một dân tộc tự chủ. Do đó, Nguyễn Trãi đã chú ý đến bề sâu, bề mặt tinh thần của đất nước. Vì vậy, áng văn của ông thật hào hùng, đanh thép, khẳng định chắc chắn tính bất khả xâm phạm bờ cõi Đại Việt và văn hiến Đại Việt, suy cho cùng là khẳng định nền độc lập vững vàng của dân tộc ta. Để lời khẳng định thêm sức mạnh, nhà quân sự đã đưa ra dẫn chứng :

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương.

Ý thức và niềm tự hào kiêu hãnh về quốc gia dân tộc được thể hiện rõ nét thống qua phép đối rất chỉnh. Tác giả đã đặt các triều đại của Đại Việt ngang hàng với các triều đại phong kiến phương Bắc. Đặc biệt chữ “đế” đã phủ định hoàn toàn tư tưởng thống trị của Trung Hoa. Các triều đại phong kiến luôn cho rằng mình là đại quốc, chỉ mình có Đế vương, Thiên tử ; còn các nước khác chỉ là phiên thuộc, thì Nguyễn Trãi đã phủ nhận hoàn toàn điều đó. Nước Đại Việt cũng có các đế vương ngang hàng với các đế vương Trung Hoa.
Nguyễn Trãi đã đi từ khẳng định này đến khẳng định khác, tựu trung lại ông đã cho toàn thể nhân dân thấy rằng, nước ta là nước văn hiến nghìn đời, với biết bao nhân tài, nước ta lấy tư tưởng nhân nghĩa làm nền tảng, do đó muôn đời vững bền. Để những kẻ xâm lược phải “tâm phục, khẩu phục”, ông tiếp tục nêu ra dẫn chứng xác đáng, với giọng điệu lập luận lô gích :

Vậy nên :

Lưu Cung tham công nện thất bại,

Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

Sông Bạch Đằng giết tươi 0 Mã

Việc xưa xem xét

Chứng cớ còn ghi.

Nguyễn Trãi đã nhắc lại với kẻ thù rằng : vì chúng làm những việc trái với đạo trời, lòng dân, nên chúng sẽ bị trừng trị thích đáng.
Nước Đại Việt ta là đoạn trích ngấn gọn nhưng với lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác đáng của một nhà quân sự đại tài đã nêu lên những nền tảng chân lí có giá trị sâu sắc. Việc khẳng định một đất nước Đại Việt văn hiến nghìn đời thể hiện một lòng tự hào, kiêu hãnh, một tấm lòng yêu nước thiết tha không chỉ với riêng Nguyễn Trãi mà với mọi người con đất Việt.
“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, tấm lòng sáng như sao khuê của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, con người đã trải qua bao vinh quang và khổ đau sẽ toả rạng mãi mãi với muôn đời. Bình Ngô đại cáo sẽ mãi là áng “thiên cổ hùng văn” bất tử.

HÀ VƯƠNG ANH

Lời nhận xét :
– Bạn Hà Vương Anh đã bám sát đặc điểm văn chính luận, phân tích đúng đắn, chính xác hình ảnh đất nước văn hiến qua đoạn trích. Đặc biệt, bạn đã chú ý liên hệ so sánh với các tác phẩm khác như Nam quốc sơn hà để làm nổi bật chủ đề chính : “Nếu trong Nam quốc sơn hà [tương truyền là của Lí Thường Kiệt] khẳng định chủ yếu mặt chủ quyền độc lập, bờ cõi của đất nước : “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, thì ở đây, bên cạnh việc khẳng định đó Nguyễn Trãi còn khẳng định “Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Điều đó có nghĩa : mỗi dân tộc có những nét văn hoá, phong tục riêng, người Trung Quốc có phong tục riêng của mình thì người Đại Việt cũng vậy. Văn hoá riêng làm nên một dân tộc tự chủ
– Người viết đã thể hiện năng lực phân tích ngôn từ văn bản khá tốt : “Nguyễn Trãi đã đập tan định kiến của các triều đại phong kiến phương Bắc khi cho rằng : nhân dân nước Nam là mọi rợ, là “Nam man ”, họ kia mới là văn minh “Hoa Hạ Ông khẳng định nước Đợi Việt là một quốc giơ có “nền văn hiến ” lâu đời ăn” là văn hoá, văn minh ; “hiến” là nhân tài, hào kiệt. Nước Đại Việt từ lâu đã có một nền văn hoá riêng của mình
– Bố cục sáng rõ, mạch lạc, có sức lôi cuốn đặc biệt, vừa thuyết phục vé trí tuệ, vừa hấp dẫn bởi cảm xúc. Lời kết bài thực sự nêu được sức sống bất diệt của áng “thiên cổ hùng văn” : “ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, tấm lòng sáng như sao Khuê của vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, con người đã trải qua bao vinh quang và khổ đau sẽ toả rạng mãi mãi với muôn đời. Bình Ngô đại cáo sẽ mãi là áng “thiên cổ hùng văn ” bất tử.

Xem thêmPhân tích bài thơ Đi đường của Hồ Chí Minh tại đây

Related

Tags:Văn hay lớp 8

Phạm Cao Dương

Văn hiến chi bang

Câu văn “Duy ngã Đại Việt chi quốc thực vi văn hiến chi bang” mà học giả Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử Lược dịch là: “Như nước Việt ta từ trước vốn xưng văn hiến đã lâu là một câu văn không một người Việt Nam gọi là có học nào không một lần có dịp được đọc và ghi nhớ. Câu này nằm ngay trong phần đầu của bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, vị đệ nhất công thần triều Lê hồi đầu thế kỷ XV, thời dân tộc ta mới đánh đuổi quân Minh ra khỏi bời cõi, giành lại nền độc lập cho nước nhà.

Toàn bộ bài cáo kể trên đã được coi như một bản hùng văn hiếm có trong văn học dân tộc, đồng thời cũng là một bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của người Việt, sau bài Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”của thời nhà Lý, hồi Lý Thường Kiệt phá quân nhà Tống.  Riêng hai chữ văn hiến dường như  đã được dùng lần thứ nhất trong văn chương và ngôn ngữ Việt Nam và đã trở thành vô cùng phổ biến. Các câu nói quen thuộc như : Nước ta là một nước văn hiến, Dân tộc ta có bốn ngàn năm [hay năm ngàn năm] văn hiến đã trở thành câu nói cửa miệng của bất cứ một người Việt Nam nào hãnh diện về đất nước và dân tộc mình. Người ta dùng chúng một cách tự nhiên và coi đó là một sự thực không có gì phải thắc mắc. Người ngoại quốc khi nghe và đọc những câu này cũng coi đó là một sự bình thường, dẫn xuất từ lòng hãnh diện về quê hương, giòng giống mình. Một sự hãnh diện mà dân tộc nào cũng có.

Thắc mắc          

Hãnh diện, nhưng đôi lúc người ta cũng thắc mắc là căn cứ vào đâu cổ nhân ta và bà con ta trong hiện tại có thể khẳng định như vậy? Những người thuộc thế hệ lớn tuổi có căn bản học vấn ở trong nước hay từ trong nước thắc mắc ít; những người trẻ nhất là những người trẻ sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại thắc mắc nhiều hơn. Họ căn cứ vào kho tàng sách vở hay những di tích từ thời xưa còn để lại để so sánh với những gì người Việt Nam có với những gì người Tàu và người Đại Hàn có. Họ căn cứ vào sự phá hoại các công trình xây dựng có tính cách văn hóa và lịch sử sau những cuộc thay đổi hay binh biến trong lịch sử truyền thống, đặc biệt trong những năm khói lửa vừa qua của chính người Việt. Họ căn cứ vào cách đối xử với nhau giữa chính người Việt và người Việt trong chính trị cũng như trong xã hội. Họ cũng căn cứ vào tình trạng nghèo nàn, băng hoại, thiếu văn hóa trong cách con người đối xử với nhau ở Việt Nam hiện tại trong khi nhiều người vẫn giữ tật tự cao tự đại một cách vô lối, coi khinh các dân tộc khác từ Tàu đến Tây, từ Nhật đến Mỹ, từ Miên đến Lào không chịu nhận rằng mình thua xa các dân tộc này không về phương diện này thì cũng về phương diện khác để cố gắng sửa đổi và để học hỏi. Kết luận của họ liên hệ tới bài này là người Việt đã quá chủ quan và tự đề cao một cách quá lố. Theo họ hai chữ văn hiến là do chính người Việt tự nhận cho mình nếu so sánh với thực tế và nếu cứ tiếp tục được sử dụng hai chữ này một cách thiếu thận trọng, người ta sẽ vô tình tự làm cản bước tiến chung của cả dân tộc. Câu hỏi được đặt ra là do đâu người ta lại có thể nói dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tới bốn ngàn năm văn hiến như vậy? Phải chăng đó là do chính người Việt tự gán cho mình hay do người ngoài gọi?

Ai đã dùng hai chữ Văn Hiến để chỉ đất nước và dân tộc ta?

Thắc mắc phần lớn là của những người trẻ kể trên, mà người viết được nghe thấy rất nhiều trong các buổi họp mặt hay trong các lớp học,  rất đáng để mọi người chú ý tới và tìm hiểu.  Đó cũng chính là mục đích chính của bài này. Ở đây người viết không phân tích các hiện tượng và các dữ kiện để xác định xem có thật nước Việt Nam là một nước văn hiến và dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tới bốn ngàn năm [hay năm ngàn năm] văn hiến hay không mà chỉ nhằm tìm hiểu xem từ thuở nào và ai hay những ai là người lần đầu tiên đã dùng từ ngữ văn hiến này để nhận diện người Việt và đất nước Việt.          

Để đạt được mục tiêu kể trên, điều chúng ta có thể làm là trở lại với nguyên văn câu chữ Hán đã dẫn. Nguyên văn câu này là “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang” Chữ thực vi ở đây có nghĩa là thực là, một ý nghĩa còn mạnh hơn ý nghĩa của hai chữ vốn xưng mà tác giả Việt Nam Sử Lược đã dùng để dịch chúng vì chúng có một ý nghĩa khẳng định. Giáo Sư Trương Bửu Lâm, nguyên giám đốc Viện Khảo Cổ Saigon, sau này là giáo sư Đại Học Hawaii, trong bài dịch tiếng Anh của bài cáo này của ông đã dịch là “is indeed” [Our state of Dai Viet is indeed a country wherein culture and institutions have flourished].[1] Câu hỏi được đặt ra là căn cứ vào đâu Nguyễn Trãi lại có thể khẳng định như vậy? Lý do là vì không lẽ một đại văn hào, một anh hùng nổi tiếng vào bậc nhất của một dân tộc, một trí thức đã từng dày công học tập và đã đỗ đại khoa lại có thể hồ đồ, chủ quan mà hãnh diện như vậy sao?          

Để trả lời câu hỏi kể trên, người ta có thể mở các sách cổ của người Việt được soạn thảo trước đó như Việt Điện U Linh Tập,[2] Lĩnh Nam Chích Quái,[3] Nam Chí Lược,[4] Việt Sử Lược[5]… để xem hai chữ văn hiến có được dùng để chỉ dân tộc ta và đất nước ta hay không? Câu trả lời có thể nói là không. Nếu vậy thì hai chữ này chỉ xuất hiện từ thời Nguyễn Trãi hay không lâu trước đó. Có hai loại tài liệu người ta có thể dùng để tra cứu được là những sách vở về lịch sử nước ta cuối thời nhà Trần và những sách do chính Nguyễn Trãi hay những người đồng thời với ông biên soạn. Những sách do chính Nguyễn Trãi biên soạn đã giúp chúng ta tìm được câu trả lời. Cuốn được dùng ở đây là Dư Địa Chí.[6] Đây là cuốn thứ sáu trong bộ Ức Trai Tướng Công Di Tập. Gọi là của Nguyễn Trãi nhưng thực sự đây là một công trình tập thể do nhiều người đóng góp, trong đó có Nguyễn Thiên Túng, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn…sống đồng thời với Nguyễn Trãi và nhiều người sau này nữa. Tác phẩm này đã được các dịch giả của cả hai miền Nam, Bắc trước kia dịch sang tiếng Việt. Trong Dư Địa Chí, Chương XLVIII, bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải của miền Nam, và Chương 48, bản dịch của của Viện Sử Học Hà Nội, nói về việc cấm người trong nước không được học theo các tiếng nói  và phục sức của các nước Ngô, Chiêm, Lào và Chân Lạp để làm loạn phong tục ở trong nước, trong phần thông luận Lý Tử Tấn có viết đại khái là từ sau khi quân Nguyên vào chiếm Trung Quốc, thiên hạ biến theo cách nói năng, ăn mặc của rợ Hồ, chỉ riêng có Đại Việt cùng với họ Chu ở Kim Lăng, họ Triệu ở Kim Sơn là không thay đổi mà thôi. Tới khi vua Thái Tổ nhà Minh lên ngôi, Dịch Tế Dân được phái sang thông hiếu với nước ta, vua Dụ Tông nhà Trần sai Doãn Thuấn Thuần sang sứ nhà Minh đáp lễ. Vua nhà Minh trong khi ủy lạo sứ thần nước ta đã khen phong tục, y phục của dân ta vẫn giữ nguyên văn minh Trung Hoa từ thời nhà Chu và nhà Tống, nhân đó ngự ban cho mấy câu thơ như sau:                      

An Nam tế hữu Trần
Phong tục bất Nguyên nhân
Y quan Chu chế độ
Lễ nhạc Tống quần thần

[An Nam có họ Trần
phong tục không theo Nguyên
áo mũ vẫn theo chế độ nhà Chu
lễ nhạc vẫn hệt như vua tôi nhà Tống][7]         

Sau đó vua nhà Minh còn tặng bốn chữ Văn Hiến Chi Bang và thăng địa vị cho sứ thần Đại Việt lên trên sứ thần Triều Tiên ba cấp. Đồng thời khi sứ thần ta ra về, vua nha Minh lại sai Ngưu Lượng mang sắc và ấn vàng sang phong thưởng cho vua ta.       

Lời ghi của Lý Tử Tấn kể trên cho ta thấy rõ nguồn gốc của hai chữ văn hiến mà Nguyễn Trãi đã dùng trong Bình Ngô Đại Cáo và sau này người Việt thường dùng khi nói tới văn minh, văn hóa, phong tục, tập quán nói riêng và dân tộc mình nói chung. Nó không phải là tự người Việt đặt ra cho mình để tự tôn xưng mình mà là do vua nhà Minh tặng. Đồng thời nó cũng cho người ta thấy được phần nào thành quả của chiến thắng quân Nguyên của dân tộc ta dưới thời nhà Trần cùng những thay đổi đã xảy ra ở nước Tàu khi nước này đã thất bại không ngăn chặn được cuộc xâm lăng của người Mông Cổ và bị Mông Cổ đô hộ. Thành quả đó không phải chỉ là Việt Nam đã không bị quân Mông Cổ đô hộ, không bị Mông Cổ ảnh hưởng mà còn giữ nguyên được nền văn hoá truyền thống cũ của mình, trong khi người Tàu đã không làm được chuyện này. Hoàng Đế Nhà Minh khi tặng Đại Việt bốn chữ Văn Hiến Chi Bang đã mặc nhiên và công khai công nhận giá trị đó của người Việt trước sứ thần của các nước khác. Ngoài ra khi đọc đoạn văn liên hệ tới sự kiện này người ta cũng nên lưu tâm tới chính sách văn hoá của chính quyền Đai Việt buổi đầu thời Lê. Chính sách này đã được thấy rõ ngay trong tiểu đề của phần này với nguyên văn như sau:            

“Người trong nước không được bắt chưóc ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô [nước Tàu, PCD chú thích], Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước.”[8]   

Theo dương lịch, năm trao đổi sứ thần kể trên là năm 1368, trùng hợp với những gì được ghi trong Minh sử và trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Duy về tên các sứ thần là hơi khác và sử Tàu không nói đến các sự kiện kể trên.Có điều tất cả đã không xảy ra quá lâu trước thời Nguyễn Trãi và Lý Tử Tấn, đồng thời ngoài bốn chữ Văn Hiến Chi Bang, họ Lý còn nhớ được cả bốn câu thơ đi kèm và quyết định thăng địa vị cho sứ thần Việt Nam một cách rành rẽ hay gởi Ngưu Lượng mang sắc rồng và ấn vàng sang phong thưởng cho vua ta… Tất cả đều ăn khớp với nhau khiến cho người ta có thể tin rằng những điều ông kể là khả tín. Còn nếu sử Tàu không ghi lại thì có lẽ là vì người Tàu vốn tự kiêu và trịch thượng nên sau này đã xét lại đã bỏ đi những chi tiết không có gì đáng hãnh diện cho họ. Hy vọng chú giải này có thể giúp giải toả phần nào thắc mắc của các bạn trẻ kể trên trong khi chờ đợi những công trình qui mô, chi tiết hơn.

Phạm Cao Dương, 2012

Chú thích: 

1. Trương Bửu Lâm, Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention, 1858-1900. New Haven: Yale University, Southeast Asian Studies, 1967, tr. 56.

2. Lý Tế Xuyên, Việt Điện U Linh Tập Toàn Biên, Những Chuyện Thần Linh Cổ Nhất Của Ta, bản dịch của Ngọc Hồ. Saigon, Sống Mới, 1974. Việt Điện U Linh Tập, bản dịch của Lê Hữu Mục. Saigon, Khai Trí, 1960.

3. Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam Chích Quái, bản dịch của Lê Hữu Mục. Saigon, Khai Trí, 1961; Vĩnh Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam Chích Quái, Truyện Cổ Dân Gian Việt Nam [sưu tập từ thế kỷ XV]. Đinh Gia Khánh-Nguyễn Ngọc San phiên dịch, chú thích và giới thiệu. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Hóa, Viện Văn Học, 1960.

4. Lê Tắc, An Nam Chí Lược, bản dịch của Ủy Ban Phiên Dịch Sử Liệu Việt Nam Viện Đại Học Huế. Huế, Viện Đại Học Huế, 1961.

5. Tác giả khuyết danh đời Trần, Thế Kỷ XIV,  Việt Sử Lược,bản dịch và chú giải của Trần Quốc Vượng. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Văn Sử Địa, 1960.

6. Nguyễn Trãi, “Dư Địa Chí” trong Nguyễn Trãi Toàn Tập, bản dịch của Viện Sử Học. Hà Nội, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1976, tr. 207-246.

7. Lời khen này phản ảnh quan điểm của người Tàu đối với các lân bang chung quanh nước họ, một quan điểm nặng tính cách chủng tộc trung tâm và trịch thượng. Tuy nhiên dù nhìn thế nào đi chăng nữa, người Tàu đương thời vẫn ghi nhận các phong tục tập quán và các chế độ liên hệ của người Việt khác với phong tục tập quán và các chế độ liên hệ của người Tàu dưới thời nhà Minh; còn chúng có hoàn toàn giống với thời nhà Tống hay không lại là một chuyện khác.

8. Nguyễn Trãi, Dư Địa Chí, đã dẫn, tr. 212.

Nguồn bài đăng

Video liên quan

Chủ Đề