Cúm từ nào thể hiện cuộc chiến đấu ác liệt trong đợt hai của chiến dịch Điện Biên Phủ

QĐND - Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được cấp trên điều động từ Trung đoàn 174 lên làm Phó ban tác chiến Đại đoàn 316 và được phân công xuống trực tiếp theo dõi Trung đoàn 174 trong suốt thời gian tiến hành chiến dịch.

Ngày 13-3-1954, ta nổ súng tấn công Him Lam mở màn chiến dịch, tiêu diệt gọn cứ điểm. Tiếp đó, ngày 15-3, cứ điểm đồi Độc Lập cũng bị bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn. Ngày 16-3, địch cho 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ. Ở phía đông, Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ xây dựng trận địa từ Khe Chít xuống Tây Nam nối liền với trận địa Đại đoàn 308 ở Cò Mỵ. Trung đoàn 174, trong đội hình của Đại đoàn 316, được phân công xây dựng công sự đoạn từ chân đồi A1 xuống Cò Mỵ, đồng thời hoàn chỉnh trận địa tiến công và tuyến xuất phát xung phong.

Đến cuối tháng 3-1954, Trung đoàn 174 đã hoàn thành hơn 15km đường giao thông hào, gần 6000 hầm hố và trận địa hỏa lực. Trận địa xuất phát xung phong của trung đoàn đã làm xong dưới chân đồi A1. Đêm 30-3, trong khi Trung đoàn 98 tiến công đồi C1, Trung đoàn 141 tiến đánh đồi E, Trung đoàn 209 tiến đánh đồi D, thì Trung đoàn 174 cũng bắt đầu tiến công đồi A1.

Cúm từ nào thể hiện cuộc chiến đấu ác liệt trong đợt hai của chiến dịch Điện Biên Phủ

Trung tướng Nguyễn Ân (bên trái) gặp lại đồng đội. Ảnh: XUÂN DÂN

Đồi A1 là cứ điểm có tầm quan trọng bậc nhất trong các cứ điểm phòng ngự phía đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiếm được A1, ta có thể uy hiếp mạnh mẽ và phong tỏa khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, khống chế vùng trời, thu hẹp phạm vi thả dù tiếp tế của địch, tiến tới triệt hẳn đường tiếp viện hàng không của chúng. Nơi đây còn là bàn đạp rất tốt để cho quân ta vượt cầu Mường Thanh tiến đến khu trung tâm chỉ huy của địch.

Để tiến công A1, Trung đoàn 174 được tăng cường một đại đội cối 120mm, một đại đội sơn pháo 75mm và được chi viện trực tiếp của đại đội pháo 105mm ở Pú Hồng Mèo. Trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 249 làm nhiệm vụ chủ yếu, đánh từ hướng đông vào các khu A, B, C. Tiểu đoàn 251 đánh vào khu A (đông nam) rồi phát triển sang khu D của đồi A1. Tiểu đoàn 255 làm nhiệm vụ dự bị.

17 giờ ngày 30-3, trung đoàn chiếm lĩnh trận địa xong. Gần đến giờ nổ súng, đường dây thông tin giữa Bộ tư lệnh Đại đoàn với Ban chỉ huy Trung đoàn bị pháo địch bắn đứt nhiều đoạn, nên trung đoàn không liên lạc được với đại đoàn để nhận lệnh (theo kế hoạch khi chưa nổ súng không được dùng vô tuyến điện để liên lạc). Đến 17 giờ 30 phút, tôi cùng ở chỗ đồng chí Nguyễn Hữu An, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, lúc đó pháo binh chiến dịch của ta bắn nhiều vào khu vực trung tâm Mường Thanh. Đồng chí An lệnh cho hỏa lực của trung đoàn bắn theo kế hoạch và ra lệnh cho bộ binh tiến vào vị trí xuất phát xung phong. Như vậy, so với mặt trận, trung đoàn nổ súng chậm 30 phút, địch có thời gian chuẩn bị đối phó, khiến cho cuộc chiến đấu ngay từ đầu đã rất gay go, quyết liệt.

Từ đêm 1-4 đến sáng 3-4, trên đồi A1 đã diễn ra nhiều đợt tiến công và phản kích quyết liệt giữa ta và địch. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 và Trung đoàn 174 đã sát cánh bên nhau chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều tên địch. Đến ngày 4-4, mỗi bên ta-địch chiếm giữ một nửa đồi A1. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm dừng tiến công A1, giao cho Trung đoàn 174 kiên quyết giữ phần cứ điểm đã chiếm được, chuẩn bị chu đáo để tiếp tục tiến công.

Trong thời gian này, qua quá trình nghiên cứu tình hình và khai thác thông tin từ tù binh, cơ quan tác chiến của đại đoàn cùng với chỉ huy Trung đoàn 174 đã tập trung nghiên cứu phương án tiến công đợt 3. Nhiều phương án được đưa ra bàn bạc, cuối cùng đã quyết định kế hoạch đào một đường hầm từ tuyến bố trí đội hình chiến đấu của ta đến chân hầm ngầm của địch và được đại đoàn đồng ý, báo cáo lên Bộ chỉ huy Chiến dịch phê chuẩn. Sau khi phương án được đại đoàn chấp nhận và được Bộ chỉ huy Chiến dịch phê chuẩn, thì bộ phận công binh của bộ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, bắt đầu triển khai đào hầm từ tối 20-4. Những ngày tiếp theo, năng suất đào ngày một khá hơn, nhưng càng vào sâu càng thiếu không khí, phải dùng quạt nan quạt vào hầm cho bộ đội dễ thở. Hầm càng vào sâu, đất đá càng nhiều, bộ đội ta phải khâu những túi dù để chứa đất kéo ra ngoài, đắp thành công sự nổi. Hầm càng vào sâu càng tối, càng bí hơi, tim đường hầm không thẳng, việc giữ cho đúng hướng rất khó khăn. Giữa lúc ấy, đại đoàn đã gửi cho đơn vị chiếc đèn sô-lếch, nhờ đó công việc thực hiện thuận lợi hơn. Sau 15 ngày, đường hầm đào được khoảng 50m và đào thêm được một ngách chữ T để chứa thuốc nổ, hoàn thành theo đúng kế hoạch đã xác định.

Trung đoàn công binh đưa xuống 500m dây truyền nổ loại tốc độ 7000m/giây, 200m dây cháy chậm loại tốc độ 10km/giây, một máy điểm hỏa và 200m dây điện kép. Thuốc nổ lấy ở trong kho của bộ và đại đoàn tổng cộng được gần 1000kg. Để đảm bảo khi phát hỏa, toàn bộ khối lượng thuốc nổ chỉ nổ một lần, bộ đội công binh đã bố trí trạm nổ ở chính giữa khối thuốc, 4 chạm nổ phụ ở xung quanh, các chạm nổ này đều được nối liền nhau bằng chùm dây truyền nổ, mỗi dây lắp một chùm kíp nổ các loại. Tính ra cứ 2kg thuốc nổ có một kíp, các kíp nổ bao quanh bằng thuốc nổ TNT.

Cuối tháng 4-1954, công tác chuẩn bị cho đợt 3 của chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Theo kế hoạch đợt 3 chiến dịch, Đại đoàn 316 tiếp tục tiêu diệt A1, C2 là hai điểm then chốt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm. Đại đoàn 312 tiến công các cứ điểm 506, 507 ở dưới chân đồi phía đông tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308 (phía tây) tiến công cứ điểm 310. Đại đoàn 304 (phía nam) bao vây Hồng Cúm, bịt chặt con đường địch rút chạy sang Lào. Thời gian nổ súng toàn mặt trận là 20 giờ 30 phút, ngày 6-5, lấy tiếng nổ của khối bộc phá ở đồi A1 làm “hiệu lệnh” tiến công.

Khác với sự chờ đợi, khi khối thuốc nổ trên đồi A1 không có tiếng nổ rung trời như mọi người tưởng, chỉ có một tia chớp lóe lên và một tiếng nổ "ục" nặng nề om dưới lòng đất như một quả bom nổ chậm, tạo ra một hố đất sâu, kèm theo bụi đất bốc lên. Thấy chớp lóe và nghe tiếng "ục" giống bom nổ chậm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 nhận định bộc phá đã nổ, nhanh chóng ra lệnh cho trung đoàn nổ súng, đồng thời báo cáo với sở chỉ huy đại đoàn. Khi bộc phá nổ, với uy lực lớn nên đã phá sập một góc đồi, lô cốt mẹ và sập một đoạn hầm ngầm, làm nhiều tên địch chết vì sức ép, đại bộ phận còn lại choáng váng, bủn rủn chân tay…

Có lệnh tiến công, trên các hướng, quân ta dũng mãnh xung phong làm cho địch không kịp đối phó. Trên đồi A1, địch ngoan cố chống cự, hy vọng có quân tiếp viện từ Mường Thanh lên. Các Đại đội 316 và 317 vẫn chưa chiếm hết các mục tiêu quy định. Trước tình hình đó, trung đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 249 đưa Đại đội 315 dự bị vào chiến đấu. Tôi cùng đồng chí Nguyễn Hữu An và Tham mưu trưởng Nguyễn Đức Y trực tiếp chỉ huy theo dõi trận đánh. Đại đội 315 cùng Đại đội 317 đánh chiếm hoàn toàn khu B, xung phong vào hầm ngầm bắt được một số tù binh, rồi tiếp tục đánh xuống đồi C bắt liên lạc với Tiểu đoàn 251 từ tây nam đánh lên. Đến 2 giờ 30 phút ngày 7-5, ta chiếm được trận địa súng cối, bắt 120 tù binh, trong đó có tên Pu-giê chỉ huy A1. Vòng vây của ta khép kín khu cố thủ cuối cùng của địch. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 7-5, Trung đoàn 174 đã làm chủ hoàn toàn A1. Nắm vững thời cơ, Bộ chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, 17 giờ 30 phút, ngày 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của bộ đội ta đã phấp phới bay trên nóc hầm Đờ Cát, kết liễu số phận Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

60 năm đã qua, điều tâm đắc đối với tôi trong chiến dịch này trước hết là việc chủ động giáo dục, tuyên truyền, giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho bộ đội, với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”. Minh chứng cụ thể như việc bộ đội kiên trì kéo pháo vào, rồi lại kéo pháo ra trước khi mở màn chiến dịch. Còn trong khi đánh đồi A1, sau hai lần tiến công không dứt điểm, do tình hình chiến đấu ác liệt mà nhiệm vụ chưa hoàn thành, nên khi đó đã xuất hiện tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trong một số cán bộ, chiến sĩ. Chấp hành Nghị quyết của Đảng ủy chiến dịch và đại đoàn, Trung đoàn 174 đã mở đợt học tập, giáo dục chính trị, chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực ngay trên trận địa, qua đó kịp thời chấn chỉnh đội ngũ, động viên và nâng cao ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của trận chiến đấu. Yếu tố thứ hai, đó là sự chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm của bộ đội trên chiến trường. Thực tế trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, càng trong gian khó, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ ta càng tỏ rõ sự mưu trí, sáng tạo. Việc đào hào vây lấn, đào hầm đưa bộc phá nghìn cân vào giữa đồi A1 để đánh là một minh chứng cụ thể, trong rất nhiều những việc mà bộ đội ta đã sáng tạo, thực hiện trong chiến dịch, làm nên những kỳ tích, chiến thắng vẻ vang. Chiến tranh hiện đại mai này nếu có xảy ra, thắng lợi hay không vẫn do con người là yếu tố quyết định. Việc chủ động nghiên cứu, kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự của ông cha, cùng với việc thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ sát với đối tượng tác chiến, địa bàn, trong điều kiện mới… sẽ là nhân tố quan trọng bảo đảm cho quân đội ta luôn chiến đấu thắng lợi...

Trung tướng NGUYỄN ÂN
(Nguyên Phó ban tác chiến Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ)