Hướng dẫn ghi mẫu đăng ký sáng kiến kinh nghệm năm 2024

Với nhiều người, cụm từ sáng kiến kinh nghiệm là một khái niệm mơ hồ. Vậy sáng kiến kinh nghiệm là gì, vai trò của nó ra sao? Viết sáng kiến kinh nghiệm cần những yếu tố cơ bản nào? Những câu hỏi này sẽ được CareerLink giải đáp rõ ràng ngay dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Hướng dẫn ghi mẫu đăng ký sáng kiến kinh nghệm năm 2024

Sáng kiến kinh nghiệm là gì?

“Sáng kiến kinh nghiệm là những ý tưởng, sáng tạo và cải tiến mới của một người đã đúc kết ra dựa trên những tri thức, kĩ năng, vốn hiểu biết được tích lũy trong thời gian dài.”

Sáng kiến kinh nghiệm đưa ra những giải pháp thực tế giúp giảm thiểu, khắc phục những hạn chế còn tồn tại mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả, từ đó góp phần thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao hiệu suất, năng suất của các lĩnh vực trong cuộc sống.

Sáng kiến kinh nghiệm có vai trò như thế nào?

Sáng kiến kinh nghiệm có những vai trò cụ thể như:

– Thúc đẩy quá trình nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, đưa ra những ý tưởng, phát minh mới giúp cải thiện hiệu quả, tiến độ, cho kết quả cao nhất, đáp ứng nhu cầu của xã hội và con người trong thời đại 4.0.

– Đề xuất những giải pháp hiệu quả để vượt qua những khó khăn, thử thách để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra cho công việc.

– Hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm bản thân đã tích lũy được từ thực tế cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp…

– Thúc đẩy, khuyến khích tinh thần thi đua lành mạnh, sáng tạo, cải thiện điều kiện, chất lượng làm việc và nâng cao hiệu quả công việc.

Những yêu cầu cơ bản khi viết sáng kiến kinh nghiệm là gì?

Khi viết sáng kiến kinh nghiệm, người viết cần đảm bảo được 3 nội dung chính như sau:

– Tính mục đích: Đề tài đó đã giải quyết được những khó khăn, mâu thuẫn nào. Bài viết có mục đích gì, để rút ra bài học, trao đổi kinh nghiệm hoặc đưa ra giải pháp…

– Tính khoa học: Đề tài cần nêu được cơ sở lý luận, pháp lý; cơ sở thực tiễn làm chỗ dựa chắc chắn cho việc giải quyết vấn đề đã nêu trong đề tài.

– Tính thực tiễn: Phải nêu rõ những khó khăn, những trăn trở từ đó thúc đẩy việc tìm biện pháp giải quyết cụ thể. Các kết luận trong bài viết mang tính khái quát. Cần tránh việc đưa lý thuyết đơn thuần thiếu sự thực tiễn. – Khả năng vận dụng và mở rộng: Đề tài cần phải trình bày, làm rõ hiệu quả, có dẫn chứng về các kết quả, các số liệu nêu trong sáng kiến kinh nghiệm.

Hướng dẫn chi tiết cách viết bài sáng kiến kinh nghiệm

Để viết sáng kiến kinh nghiệm một cách sâu sắc, thực tế, bạn đọc cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Đặt vấn đề và chọn tên cho đề tài

Khi viết sáng kiến kinh nghiệm, các bạn cần chọn lọc các đề tài thuộc về các lĩnh vực mà bản thân hiểu biết, có kinh nghiệm làm việc thực tế nhất định. Tên đề tài vô cùng quan trọng, vì nó giúp người đọc và cả người viết không đi lệch hướng nội dung. Thế nên, tên đề tài cần đặt đúng trọng tâm, ngắn gọn và dễ hiểu.

Bước 2: Lên đề cương chi tiết

Lên đề cương là bước không nên bỏ qua trong quá trình viết sáng kiến kinh nghiệm. Khi có đề cương chi tiết sẽ đảm bảo cho việc viết sáng kiến kinh nghiệm đảm bảo tính logic của đề tài, không bị gián đoạn vì thiếu hụt thông tin.

Lập đề cương càng chi tiết bao nhiêu thì việc phát triển bài viết này sẽ càng dễ thực hiện bấy nhiêu. Trong đề cương, bạn nên:

– Đưa ra các đề mục và thông tin chính từng đề mục.

– Lên danh sách các dữ liệu, tư liệu, các thông tin hữu ích cho quá trình làm sáng kiến. Danh sách dữ liệu gồm cả tài liệu lý thuyết và số liệu thực hành thực tế.

– Định hướng phát triển đề tài theo thứ tự vấn đề đặt ra, ý tưởng giải quyết vấn đề đó, quy trình thực hiện và hiệu quả của sáng kiến.

Bước 3: Tiến hành viết sáng kiến kinh nghiệm hoàn chỉnh

Một bài sáng kiến kinh nghiệm được chia làm 3 phần chính gồm phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận. Người viết cần viết theo trình tự cụ thể:

Phần mở đầu bài viết sáng kiến kinh nghiệm

+ Lý do vì sao lại chọn lựa đề tài đó, nêu rõ những vấn đề trong thực tiễn công tác mà tác giả đã chọn viết. Nêu ý nghĩa và tác dụng, những mâu thuẫn giữa thực trạng với yêu cầu mới cần được giải quyết.

+ Điểm mới của sáng kiến, giải pháp: Phần này người viết cần trình bày được đề tài sáng kiến này có ai nghiên cứu chưa? Phạm vi, nội dung sáng kiến có điểm mới ở chỗ nào? Phạm vi áp dụng, quy mô nào, lĩnh vực nào?

Phần nội dung chính (giải quyết vấn đề)

Đây là phần quan trọng, cốt lõi nhất của một bài sáng kiến kinh nghiệm. Hãy cùng tìm hiểu 4 nội dung cần có trong phần chính của bài sáng kiến kinh nghiệm là gì nhé.

+ Cơ sở lý luận: Người viết cần trình bày tóm tắt những lý thuyết, lý luận đã được tổng kết bao gồm những khái niệm, những kiến thức cơ bản về sự việc, vấn đề được chọn để viết trong sáng kiến kinh nghiệm.

+ Thực trạng của vấn đề: Nêu những thuận lợi, khó khăn mà người viết đã gặp phải trong khi chọn viết sáng kiến kinh nghiệm. Điều quan trọng của phần này là cần mô tả, làm nổi bật những khó khăn, những mâu thuẫn mà người viết đang tìm cách giải quyết.

+ Các biện pháp tiến hành: Trình bày trình tự các biện pháp, các bước cụ thể đã được tiến hành trong quá trình giải quyết vấn đề.

+ Hiệu quả của bài viết sáng kiến kinh nghiệm: Trong mục này người viết cần trình bày được nội dung: Đã áp dụng sáng kiến kinh nghiệm cho đối tượng nào, vào thời gian nào, ở đâu. Trình bày kết quả khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm một cách rõ ràng (cần có sự so sánh, đối chiếu kết quả khi tiến hành công việc theo cách cũ).

Phần đánh giá và kiến nghị

+ Đánh giá phạm vi ảnh hưởng từ sáng kiến: Cần trình bày những nhận định chung của cá nhân mình về khả năng áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến đó.

+ Kiến nghị, đề xuất: ghi những ý kiến, nguyện vọng của người viết đề tài đề nghị cấp trên có biện pháp xử lý, tạo điều kiện tốt trong việc áp dụng sáng kiến đó hiệu quả.

Bước 4: Viết trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo

Trong bài viết sáng kiến kinh nghiệm, người viết cần ghi chú các nguồn thông tin, dữ liệu tham khảo được lấy từ đâu. Điều này sẽ giúp tác giả dễ tìm lại nguồn gốc của những dữ liệu đó.

Ngoài ra, viết trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo còn thể hiện sự tôn trọng tác giả gốc của dữ liệu. Và nó còn thể hiện ý thức của bản thân vì nếu viết mà không ghi nguồn sẽ trở thành kẻ đạo văn.

Bước 5: Kiểm tra lỗi trùng lặp của bài sáng kiến kinh nghiệm

Sau khi hoàn thành bài viết sáng kiến kinh nghiệm, bạn cần đọc lại một lượt để soát chính tả hay lỗi ngữ pháp. Bên cạnh cách kiểm tra lỗi bằng mắt thường thì người viết nên sử dụng các phần mềm kiểm tra trùng lặp, để chắc chắn rằng bài viết có tỷ lệ trùng lặp thấp nhất.

Hy vọng rằng, với thông tin về sáng kiến kinh nghiệm là gì sẽ giúp các bạn có thêm những ý tưởng trong quá trình viết sáng kiến kinh nghiệm của bản thân mình.