Môn học hệ thống thông tin quản lý

Chào các bạn thân mến, tiếp theo trong series Hướng Nghiệp ngành Hệ Thống Thông Tin Quản Lý [MIS], mình sẽ chia sẻ về chương trình học và các môn quan trọng của ngành Hệ Thống Thông Tin Quản Lý [MIS] nha. Bài này hơi dài như cái chính cái tên của ngành học 😉

Như mình đã chia sẻ ở bài trước – “Ngành Hệ Thống Thông Tin Quản Lý là gì?”, các môn học BIS sẽ xoay quanh ba khía cạnh chính: Hệ Thống, Công nghệ giúp con người Quản Lý kinh doanh.

Updated: Tụi mình có update cho những bạn có nhiều câu hỏi về ngành này, tụi mình có trả lời những câu hỏi đó ở đây rồi nhé.

Hệ Thống Thông Tin Quản Lý [MIS] học gì?

Do mình cũng ra trường cách đây 5 năm rồi, nên mình mượn chương trình học tại trường Đại Học Kinh Tế Luật TP.HCM – UEL để phân tích và chia sẻ lại với các bạn cho dễ hình dung nhé 😉 Sương sương thì chương trình của các trường cũng giống nhau thôi, 3 phần chính, bao gồm:

  1. Kiến thức căn bản Khoa Học Kinh Tế 
  2. Kiến thức nền tảng ngành Hệ Thống Thông Tin Quản Lý
  3. Kiến thức chuyên sâu ngành Hệ Thống Thông Tin Quản Lý
Con đường học ngành BIS MIS

Kiến thức căn bản về Kinh tế

Khi ra trường, đa phần các bạn BIS MIS sẽ tham gia vào các dự án phát triển phần mềm [ví dụ ứng dụng trên máy tính, di động] hoặc hệ thống cho các công ty, để trở thành cầu nối giữa dân CNTT và người thuần kinh doanh, bạn cần nạp kiến thức của cả CNTT và Kinh tế.

Thông thường 1,2 năm đầu là xong phần kiến thức căn bản; năm 3,4 sẽ học sâu hơn vào chuyên ngành. Có thể bạn chưa biết, hầu hết chúng ta được học các môn đại cương y như nhau, dù bạn học ngành kinh tế nào đi nữa, bao gồm

  • Kế toán [Cách thu thập, quản lý, báo cáo các thông tin tài chính, kinh doanh]
  • Tiếp thị [Cách quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tới người dùng online / offline]
  • Quản trị học [Phương pháp quản lý, điều hành doanh nghiệp]
  • Kinh tế vi mô, vĩ mô [Cung cầu thị trường, vì sao khi hàng khan hiếm thì giá tăng cao, chính sách tiền tệ]
  • Xác suất thống kê [Giúp tổng hợp thông tin, từ đó phán đoán các sự việc, khả năng xảy ra các vấn đề, giúp hỗ trợ đưa ra các quyết định trong kinh doanh]
  • Chính trị xã hội: Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Mac Lenin … [các bạn học trường Quốc tế không phải học những môn này].
  • Pháp luật 

Chính vì chương trình nền tảng giống nên có một số trường tới năm 2 sinh viên vẫn được chọn đổi qua ngành khác á. 

Vì sao học HTTTQL thì phải học những môn này? CNTT đang được ứng dụng trong mọi ngóc ngách của kinh tế. Bạn cần nắm các khái niệm kinh tế, để sau này đụng tới các hệ thống hỗ trợ các phòng ban như kế toán, tiếp thị, tài chính v.v, bạn sẽ hiểu và tiếp cận được chúng nhanh hơn.

Kiến thức chuyên ngành Hệ Thống Thông Tin Quản Lý

Các bạn HSSV vẫn hay hỏi: “Em chưa biết gì về CNTT thì em có học được ngành này không?“. Câu trả lời là ““, chương trình Cao đẳng, đại học của các ngành khác cũng luôn được thiết kế cho các bạn bắt đầu từ con số 0. 

Bạn nào học cấp 3 mà sợ môn Tin Học [Excel & Word] thì KỆ BẠN luôn 😛 , 18 tuổi rồi, bạn cũng phải học thôi, sau này đi làm, dù ngành gì bắt buộc bạn phải thông thạo kĩ năng tin học văn phòng, không trốn được đâu. Còn bạn nào hồi đó thích môn Tin Học thì là một tín hiệu tích cực. Sau đây là những môn quan trọng nhất của ngành:

  1. Tin học & lập trình cơ bản
  2. Cơ sở Dữ liệu
  3. Hệ thống thông tin quản lý
  4. Tự chọn

1. Tin học & Lập trình cơ bản

  1. Tin học cơ sở: Đây là môn kỹ thuật đầu tiên bạn học để nắm hiểu căn bản về máy tính, thứ mà bạn sẽ sử dụng mỗi ngày trong công việc của mình, cho bạn câu trả lời của các câu hỏi “WHAT” [Dữ liệu, thông tin, phần cứng, phần mềm là gì?]
  2. Lập trình căn bản: Đây là môn “HOW” – “Làm thế nào” nè. Khi bạn nói chuyện với Tây thì phải nói tiếng Anh họ mới hiểu, nói với máy tính thì phải dùng đúng tiếng của nó. Môn này bạn sẽ được luyện ít nhất một ngôn ngữ của Máy Tính để trò chuyện với nó, ra lệnh cho máy tính tính toán cái này cái nọ và hiển thị cái kia cho bạn xem trên màn hình. Ngoài lý thuyết, bạn sẽ được thực hành để biết cách viết ra 1 phần mềm đơn giản. 

Hai bộ môn trên giúp bạn khám phá mình có tiềm năng đi theo hướng Lập Trình Viên hay không [các bạn ngành CNTT cũng học môn này luôn đó]! Nếu có, bạn có thể quyết định đăng ký thêm các môn tự chọn chuyên sâu về lập trình cho năm 3 hoặc năm 4.

2. Cơ sở Dữ Liệu [CSDL]

Đây là môn nền tảng RẤT QUAN TRỌNG của ngành. Khi ra trường, đi làm, đôi lúc bạn sẽ cần thu thập thông tin để trình báo cấp trên [ví dụ số lượng sản phẩm bán được, doanh thu bán hàng tháng] hoặc kiểm thử kết quả của phần mềm, lúc này bạn sẽ được sử dụng các kiến thức từ môn này THƯỜNG XUYÊN luôn đó.

Hãy tưởng tượng nơi lưu trữ dữ liệu là một nhà kho, khi ai đó cần hàng hóa, họ phải cho người quản lý kho biết cần lấy cái gì, đi tìm và mang ra cho bạn. Để tăng tốc việc lấy hàng thì hàng hoá trong kho cần được sắp xếp gọn gàng và quy định hàng gì để chỗ nào. Vì thế, khi bạn học môn này, bạn sẽ được học cách tổ chức, sắp xếp dữ liệu và cách đặt lệnh để truy vấn các thông tin bạn muốn. 

Bị cái môn này hay được dạy ở năm nhất, 1. là các bạn lúc đó chưa thèm quan tâm môn này, 2. là học lâu quá tới khi ra trưởng lại quên mất tiêu. Mà các bạn biết không, môn này cũng mở ra thêm cơ hội theo đuổi chuyên sâu về Dữ Liệu [cũng là lĩnh vực xu hướng luôn]. Các bạn nhớ học nó đàng hoàng nha.

3. Hệ Thống Thông Tin Quản Lý

Ở Đại Học bạn không chỉ học, bạn còn được rèn luyện các kỹ năng mềm có ích cho đi làm [làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo] …được giới thiệu các cơ hội việc làm và đi tham quan các công ty, doanh nghiệp thật, nghe rất thú vị đúng không? Bạn sẽ có hết những trải nghiệm này khi bắt đầu học vào các môn chuyên ngành HTTTQL.

  1. Hệ Thống Thông Tin Quản Lý
    Bên cạnh đó, bạn sẽ được làm quen với các hệ thống đang hàng ngày giúp các công ty, doanh nghiệp quản lý khách hàng, mua bán, sản xuất như ERP [Enterprise Resource Planning – Hệ thống giúp hoạch định tài nguyên doanh nghiệp], CRM [Customer Relationship Management – Hệ thống giúp quản lý quan hệ khách hàng]. Khi bạn có một quán ở lề đường, hàng ngày bạn có thể tự tính chi phí, nguyên liệu nấu ăn, bán bao nhiêu khách trên giấy tờ, nhưng khi bạn có một chuỗi KFC với hơn 100 trên khắp cả nước Việt Nam thì bạn cần sự hỗ trợ của các hệ thống để thu gom dữ liệu và lên kế hoạch mua nguyên liệu, tính toán chi phí cho 100 tiệm. Học các môn này giúp bạn đỡ bỡ ngỡ khi sử dụng và làm việc với các hệ thống trên sau ra trường [nếu công việc của bạn cần].
  2. Phân tích & Thiết Kế Hệ Thống Thông Tin
    Môn QUAN TRỌNG NHẤT NGÀNH là đây. Sau khi biết về sự tồn tại của các hệ thống khác nhau, bạn sẽ được học ngôn ngữ thiết kế hệ thống, cách vẽ các sơ đồ giúp đơn giản hoá các quy trình kinh doanh.Nếu hệ thống thông tin là một cái nhà ở, bạn sẽ học được các kỹ sư lấy yêu cầu từ khách hàng của họ, lên ý tưởng thiết kế cho từng phần [phòng ngủ, phòng ăn, sân vườn, cầu thang …] và lên bản vẽ thiết kế như thế nào.
    Mẫu lưu đồ quy trình onboard nhân viên mới – Source: Base.vn

    Đây cũng là bộ môn có kiến thức và kỹ năng ứng dụng được ngay trong bất kỳ vị trí nào liên quan tới BIS/MIS. Phải thừa nhận rằng hồi đi học, mấy cái đồ thị UML là ác mộng đối với mình, mình đã muốn bỏ ngành theo marketing vì nó nhưng sau này đi làm lại mình mới nhận ra giá trị của chúng.

    Giống như mình, có nhiều bạn sẽ thấy môn này rất phức tạp, vì chúng ta phải vẽ sơ đồ, và có rất nhiều loại sơ đồ để nhớ. Nhưng,

    CÁC BẠN ĐỪNG SỢ HỌC MÔN KHÓ, VÌ MÔN KHÓ MỚI LÓ RA TIỀN.

    Để thấy dễ hơn, bạn nên tìm hiểu kỹ sơ đồ đó là gì, tại sao và khi nào phải dùng. Sơ đồ sinh ra để giúp bạn đơn giản hóa vấn đề hay quy trình, thay vì dùng câu chữ dài dòng để giải thích. Nó đang giúp bạn, chứ không phải thách thức bạn.

  3. Web kinh doanh / Thương mại điện tử
    Đây là kênh online giúp người dùng internet tiếp cận thông tin, hàng hoá và mua hàng [đây là kênh giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng mới và kiếm tiền qua các đơn hàng online], học môn này bạn sẽ biết được cách xây dựng Web bán hàng [dùng code và không cần code]. Ngoài ra, thương mại điện tử không chỉ gói gọn trong việc mua bán mà còn cả việc thanh toán online nữa. Rất nhiều thứ thú vị đang chờ bạn khám phá.

4. Các môn học tự chọn

Con đường học tập của bạn bắt đầu xuất hiện những ngã rẽ khi bạn hoàn thành các môn học đại cương của HTTT và Kinh tế. Có nhiều bạn sẽ chọn môn dễ để tăng điểm trung bình đầu ra, cũng có bạn may mắn biết bản thân thích theo một trong những con đường dưới đây, theo học nên khi ra trường có lợi thế hơn hẳn những ứng viên cùng ứng tuyển vị trí thực tập lĩnh vực đó.

Hướng Kinh Tế

  • Lý thuyết kiểm toán
  • Kế toán tin học
  • Phân tích kinh doanh

Hướng Lập Trình Viên

  • Thiết kế lập trình web kinh doanh nâng cao
  • Phát triển ứng dụng mã nguồn mở

Hướng Dữ Liệu

  • Big Data và ứng dụng
  • Phân tích dữ liệu với R/Python

Hướng Hệ Thống Thông Tin

  • Tích hợp quy trình kinh doanh và hệ thống ERP
  • Trí tuệ doanh nghiệp [Business Intelligence] & hệ hỗ trợ ra quyết định

Một vài sự thật khi học ngành Hệ Thống Thông Tin Quản Lý

  1. Bạn sẽ quên những gì mình đã học.
  2. Có những môn bạn sẽ thấy bạn với nó là hai người xa lạ.
  3. Bạn được học rất nhiều thứ, chủ yếu để biết sự tồn tại của chúng, khi đi làm mới thật sự đào sâu vào 20% những gì bạn đã học.
  4. Bạn phải luyện tiếng Anh bằng mọi giá [Tiếng Anh giúp bạn nghiên cứu được nhiều kiến thức hơn và giúp bạn có việc làm tốt lương cao sau ra trường].

Và nếu một ngày nọ bạn cảm thấy “Ôi học cái ngành này hoang mang quá” thì “Em thân mến, chị đồng cảm với em, bởi vì hồi sinh viên chị cũng thấy thế”. Chuyện đó ổn và bình thường. Nhưng những môn mình nói quan trọng ở trên, hãy đầu tư học tử tế để đỡ mất thời gian luyện lại sau này.

  • Cơ sở dữ liệu
  • Phân tích & thiết kế hệ thống thông tin
  • Tiếng Anh

Và bạn đã xem video tới đây, nếu như sau này bạn lại không biết mình đang học gì thì bạn hãy lùi lại một bước, nhìn lại chương trình tổng quan để biết mình học tới đâu và thử nghiệm con đường mình muốn đi nhé. Ra trường nếu không hợp vẫn quay lại đi đường khác được, đừng lo.

Chúc các bạn học Tốt!

Học tốt chứ không phải học giỏi nhé, học tốt là hiểu được những gì mình học và vận dụng chúng vào thực tế cuộc sống, còn học giỏi là phải đạt kết quả tốt, 2 cái khác nhau 🤓

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy cho mình một Like. Video tiếp theo mình sẽ nói về các cơ hội nghề nghiệp ngành BIS / MIS, liên quan tới môn gì và cần kỹ năng gì để theo những nghề đó. Nếu bạn quan tâm thì comment cho mình biết nha. Nhấn Đăng Ký kênh nữa nè ;].

Tạm biệt các bạn!

Thông tin tham khảo thêm

Danh sách các môn học ngành HTTQL [Theo chương trình đào tạo UEL 2020]

  • Giới thiệu ngành [406]
  • Tin học cơ sở
  • Kỹ thuật lập trình
  • Nền tảng công nghệ cho hệ thống thông tin
  • Kỹ thuật lập trình nâng cao
  • Tin học ứng dụng
  • Thương mại điện tử
  • Hệ thống thông tin quản lý
  • Hệ thống thông tin kinh doanh
  • Cơ sở dữ liệu
  • Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Oracle
  • Phân tích và thiết kế HTTT quản lý
  • Tích hợp qui trình K/Doanh với các hệ thống ERP 1
  • Phát triển web kinh doanh
  • Quản lý dự án Hệ thống thông tin
  • Phát triển Web kinh doanh nâng cao
  • Trí tuệ doanh nghiệp và hệ hỗ trợ ra quyết định
  • Tích hợp qui trình Kinh Doanh với các hệ thống ERP 2
  • Nhà kho dữ liệu và khai phá dữ liệu
  • An toàn và bảo mật hệ thống thông tin
  • Phân tích dữ liệu với R/python
  • Phát triển Thương mại di động
  • Hệ thống thông tin kế toán
  • Phát triển ERP mã nguồn mở
  • Big Data và ứng dụng
  • Kỹ thuật kiểm thử phần mềm

Các bạn hãy theo dõi các kênh chia sẻ về nghề BA, PO của Khang & Mia

Cám ơn các bạn!

– Mia

Bài liên quan

Video liên quan

Chủ Đề