Nguyên nhân khuyết điểm của đảng

- Năm 2017, Đảng ta kỷ niệm tròn 87 năm thành lập. Là nhà nghiên cứu về lịch sử Đảng, trên chặng đường vẻ vang ấy, với ông, điều gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất?

Nguyên nhân khuyết điểm của đảng

Trong “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng, một Đảng biết công khai thừa nhận những sai lầm khuyết điểm của mình, tìm ra nguyên nhân và tìm ra cách sửa chữa thì đấy là dấu hiệu của một Đảng chân chính, Đảng cách mạng.

PGS.TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC

- Tính đến nay, Đảng ta đã trải qua chặng đường dài 87 năm, đó là quá trình phát triển không ngừng và cho đến thời điểm này, đúng như Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII, đánh giá, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ như hiện nay.

Là người nghiên cứu về lịch sử Đảng, tôi vô cùng tự hào về vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng ta đã lãnh đạo, đưa dân tộc từ một nước lầm than, nô lệ, đói nghèo, bị thực dân Pháp xóa tên trên “bản đồ” thế giới, trở thành một quốc gia độc lập, sánh vai với các cường quốc năm châu, tiến hành công cuộc Đổi mới, đưa đất nước tiến lên, phát triển và hội nhập quốc tế là thành tựu vĩ đại. Tất nhiên, trong chặng đường ấy, cũng có những sai lầm, khuyết điểm mà Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra, vẫn còn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực..., ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng. Nhưng trên hết, Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc xây dựng, chỉnh đốn để sửa chữa. 

- Như ông vừa nói, phải thẳng thắn nhìn nhận vào khuyết điểm để sửa chữa. Vậy, tinh thần “thẳng thắn nhìn nhận” khuyết điểm được Đảng ta thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Đó chính là tinh thần tự kiểm điểm nghiêm túc, Đảng luôn tự nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của mình chứ không phải chỉ nói về thành tựu đạt được. Điều này thể hiện rất rõ trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đảng ta trong 87 năm qua. Ví dụ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã tự chỉ trích những khuyết điểm của mình;  sau Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Sửa đổi lối làm việc” với tinh thần tự phê bình nghiêm túc. Đến Đại hội VI, Đảng đã tự phê bình và chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật thị trường… Nhờ có tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật như vậy, chúng ta mới có đường lối Đổi mới. Tinh thần thẳng thắn này tiếp tục được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nguyên nhân khuyết điểm của đảng

Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thông qua Nghị quyết  về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng 

Công tác cán bộ - then chốt của xây dựng Đảng

- Trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, Đảng ta đã chỉ ra 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo ông, việc chỉ ra rành mạch những biểu hiện cụ thể này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng? 

- Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra 3 nhóm biểu hiện của sự suy thoái: Về tư tưởng chính trị; đạo đức lối sống; và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là lần đầu tiên Đảng ta chỉ ra 3 nhóm với 27 biểu hiện cụ thể như vậy và nó có ý nghĩa quan trọng, để từng cán bộ, đảng viên, tổ chức, cơ sở Đảng soi rọi vào xem mình có bị mắc phải hay không. Nếu có thì trước tiên anh phải tự sửa mình.

- Được gọi là Nghị quyết Trung ương 4 “lần 2” về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn của cử tri và nhân dân. Quyết tâm chính trị đã có, vấn đề là triển khai thực hiện như thế nào để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thưa ông?

- Trong Nghị quyết lần này, Trung ương đã nêu đầy đủ về đường hướng, cách thức, giải pháp. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là triển khai thực hiện. Điều này phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, từng tổ chức chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị phải quyết tâm thực hiện.

Tôi cho rằng, mỗi đảng viên phải nhận thức cho đúng đường hướng mà Đảng đã nêu ra. Từ nhận thức đúng anh phải hành động và đề cao tinh thần trách nhiệm trước đất nước, trước Đảng, trước nhân dân và với chính mình. Được vậy, tin rằng việc thực hiện Nghị quyết sẽ mang lại hiệu quả. 

Thực tế cho thấy, một trong những điểm tồn tại của chúng ta hiện nay là công tác cán bộ, cụ thể là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng, thoái hóa. Chính vì vậy, cần phải tập trung cao độ hơn cho công tác cán bộ, từ việc đề bạt, bổ nhiệm đều phải theo đúng tinh thần “chọn người tài chứ không chọn người nhà” với quy trình, tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. Chúng ta đã xác định xây dựng Đảng là then chốt, thì công tác cán bộ chính là then chốt của then chốt. Mọi thành công hay thất bại của cách mạng đều do cán bộ tốt hay xấu mà ra. Thực tiễn đất nước cũng đang đòi hỏi, phải không ngừng chỉnh đốn, nâng cao trình độ, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đưa đất nước tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện, phát triển, hội nhập quốc tế thành công. 

- Soi để tự sửa mình là đúng và cần thiết. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào tinh thần tự phê bình, tự soi, tự sửa của mỗi cán bộ, đảng viên sẽ là chưa đủ mà cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hơn nữa, thưa ông?

- Tinh thần phê và tự phê của mỗi cán bộ, đảng viên là cần thiết. Và đi đôi với đó phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước. Nếu kỷ luật Đảng mà lơ mơ, pháp luật không tốt sẽ dễ xảy ra hiện tượng lợi dụng để “lách”. Chúng ta phải quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực tốt hơn nữa, huy động sự tham gia của các tổ chức Đảng, Mặt trận, đoàn thể, nhân dân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Có như vậy, Nghị quyết Trung ương 4 sẽ vào được cuộc sống, góp phần chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nghị quyết đã chỉ ra.

- Xin cảm ơn ông!