Phương pháp nghiên cứu tâm lý nhân viên

2. Phương pháp nghiên cứu tâm lý

Khoa học tâm lý sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu để nghiên cứu các hiện tượng tâm lý như quan sát, điều tra bằng phiếu hỏi, thực nghiệm, nghiên cứu các sản phẩm hoạt động, trắc nghiệm...

2.1. Phương pháp quan sát

Quan sát là một loại tri giác có chủ định dùng các phân tích quan mà chủ yếu là phân tích qua thị giác để thu thập các thông tin cần thiết nhằm xác định hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu.

Ví dụ: Nghiên cứu hứng thú học tập của học sinh thông qua quan sát các biểu hiện bên ngoài: sự đúng giờ khi đi học, chuẩn bị bài trước khi đến lớp, tính tích cực khi tham gia xây dựng bài, tiếp thu tri thức mới.... tiếp, quan sát gián tiếp, quan sát có tham dự và quan sát không tham dự...

Phương pháp quan sát cho phép nghiên cứu các hiện tượng tâm lý trung thực, khách quan và nghiên cứu tâm lý trong trạng thái tồn tại tự nhiên của nó, đơn giản về thiết bị và ít tốn kém về kinh phí. Hạn chế của quan sát là ở chỗ: mang tính bị động cao, tốn nhiều thời gian, tốn nhiều công sức.

Một số yêu cầu để quan sát có hiệu quả:

- Xác định rõ mục đích quan sát, đối tượng quan sát và đối tượng nghiên cứu.

- Lập kế hoạch quan sát một cách cụ thể và chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cho việc quan sát.

- Lựa chọn hình thức quan sát cho phù hợp với hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu và hoàn cảnh nghiên cứu.

- Xác định hình thức ghi biên bản quan sát hợp lí và ghi chép tài liệu quan sát một cách khách quan, trung thực...

Điều tra bằng phiếu hỏi là phương pháp nghiên cứu sử dụng phiếu trưng cầu ý kiến với một hệ thống câu hỏi đã được soạn sẵn nhằm thu thập những thông tin cần thiết về hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu.

Nội dung chính của phiếu hỏi là các câu hỏi. Câu hỏi trong phiếu bao gồm có thể là câu hỏi đóng, loại câu hỏi có nhiều đáp án để lựa chọn và có thể là câu hỏi mở, không có đáp án lựa chọn mà cá nhân tự trả lời.

Điều tra bằng phiếu hỏi có ưu điểm là trong một thời gian ngắn cho phép thu thập thông tin nhanh của nhiều cá nhân trên một địa bàn rộng, mang tính chủ động cao. Hạn chế của phương pháp này là nhiều khi kết quả trả lời không đảm bảo tính khách quan, vì đánh giá hiện tượng tâm lý theo câu trả lời chủ quan của cá nhân người dễ xảy ra hiện tượng "Nghĩ một đằng, nói một nẻo"...

2.3. Phương pháp thực nghiệm

Thực nghiệm là phương pháp nghiên cứu chủ động gây ra các hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu sau khi đã tạo ra các điều kiện cần thiết và loại trừ các yếu tố ngẫu nhiên.

Thực nghiệm gồm có nhiều loại bao gồm thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm tự nhiên.

Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm: là loại thực nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm ở điều kiện khống chế một cách nghiêm khắc các ảnh hưởng bên ngoài tác động đến hiện tượng tâm lý được nghiên cứu. Loại thực nghiệm này thường được sử dụng nhiều để nghiên cứu các quá trình tâm lý, ít dùng nghiên cứu các thuộc tính tâm lý người và đặc biệt mang tính chủ động cao hơn thực nghiệm tự nhiên.

Thực nghiệm tự nhiên: là loại thực nghiệm được tiến hành trong điều kiện bình thường của cuộc sống và hoạt động. Trong thực nghiệm tự nhiên có bao hàm cả quan sát. Nếu trong quan sát nhà nghiên cứu chỉ thay đổi các yếu tố riêng rẽ của hoàn cảnh thì trong thực nghiệm tự nhiên nhà nghiên cứu có thể chủ động gây ra hành vi biểu hiện và diễn biến của hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu bằng cách khống chế các nhân tố không cần thiết cho việc nghiên cứu, làm nổi bật các yếu tố cần thiết trong hoàn cảnh giúp cho việc khai thác, tìm hiểu hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu bằng thực nghiệm.

Thực nghiệm nghiên cứu tâm lý có thể bao gồm: thực nghiệm điều tra và thực nghiệm hình thành.

Thực nghiệm điều tra: nhằm dựng nên một bức tranh về thực trạng hiện tượng tâm lý được nghiên cứu ở một thời điểm cụ thể

Thực nghiệm hình thành: còn gọi là thực nghiệm giáo dục với mục đích khẳng định ảnh hưởng của tác động giáo dục đến sự hình thành, phát triển hiện tượng tâm lý nào đó ở con người.

Thực nghiệm hình thành thông thường gồm ba giai đoạn: đo thực trạng hiện tượng tâm lý trước thực nghiệm, thiết kế biện pháp tác động giáo dục mới và áp dụng vào trong thực tiễn. Sau một thời gian tác động đo lại sự biến đổi của hiện tượng tâm lý; Từ đó khẳng định vai trò, ảnh hưởng, mối quan hệ của biện pháp tác động giáo dục đó đến sự hình thành và phát triển hiện tượng tâm lý cần nghiên cứu.

Thực nghiệm nghiên cứu tâm lý dù là loại hình thực nghiệm nào cũng khó có thể khống chế hoàn toàn ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan của người bị thực nghiệm đặc biệt dễ bị căng thẳng tâm lý, thần kinh khi làm thực nghiệm. Vì vậy khi sử dụng thực nghiệm nghiên cứu tâm lý cần chú ý tạo ra trạng thái tự nhiên và có sự phối hợp giữa thực nghiệm với các phương pháp nghiên cứu khác

2.4. Phương pháp trắc nghiệm (Test)

Trắc nghiệm tâm lý là một công cụ đã được tiêu chuẩn hoá dùng để đo lường một cách khách quan một hay một số mặt tâm lý nhân cách thông quạ những mẫu câu trả lời bằng ngôn ngữ, phi ngôn ngữ hoặc bằng các hành vi khác.

Các tiêu chuẩn của một trắc nghiệm tâm lý khác với các phương pháp nghiên cứu tâm lý khác là: Có độ tin cậy cao, nghĩa là kết quả đo bằng trắc nghiệm cùng một nghiệm thể, đối tượng ở nhiều lần đo khác nhau đều cho kết quả giống nhau. Có tính hiệu lực (ứng nghiệm) là trắc nghiệm phải đo được chính hiện tượng tâm lý cần đo, đúng với mục đích của trắc nghiệm. Tính tiêu chuẩn hoá - cách thức tiến hành, xử lí kết quả phải theo một tiêu chuẩn xác định và có quy chuẩn theo một nhóm chuẩn. Trắc nghiệm trọn bộ thường bao gồm bốn phần: văn bản trắc nghiệm, hướng dẫn quá trình tiến hành, hướng dẫn đánh giá, bản chuẩn hoá.

Trắc nghiệm tâm lý có nhiều loại như: trắc nghiệm trí tuệ Binê - Xmông, trắc nghiệm trí tuệ Raven... trắc nghiệm chuẩn đoán nhân cách Ayzen, Rôsát, Murây...

Ưu điểm cơ bản của trắc nghiệm:

- Tính chất ngắn gọn,

- Tính tiêu chuẩn hoá,

- Đơn giản về thiết bị và kĩ thuật,

- Định lượng được kết quả nghiên cứu.

Mặt hạn chế của trắc nghiệm là:

- Trắc nghiệm chỉ quan tâm đến kết quả thống kê cuối cùng, không chú ý đến quá trình dẫn đến kết quả.

- Khó soạn thảo một bộ trắc nghiệm đảm bảo tính tiêu chuẩn hoá.

- Không tính đến các nhân tố đa dạng có thể ảnh hưởng đến kết quả trắc nghiệm....

Trắc nghiệm tâm lý cần được sử dụng kết hợp với các Phương pháp nghiên cứu tâm lý khác để chuẩn đoán tâm lý nhân cách con người và chỉ được coi là công cụ chuẩn đoán tâm lý ở một thời điểm phát triển nhất định của con người.

2.5. Phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động

Đó là phương pháp dựa vào sản phẩm (vật chất, tinh thần) của hoạt động do con người tạo ra để nghiên cứu đánh giá tâm lý con người như trí tuệ, tình cảm, tính cách... con người, bởi vì khi tạo ra các sản phẩm chủ thể (con người) đã gửi "mình" (tâm lý, nhân cách) vào sản phẩm. Khi tiến hành phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động cần chú ý xem xét trong mối liên hệ với thời gian, không gian của hoạt động và điều kiện tiến hành hoạt động.

2.6. Phương pháp đàm thoại (phỏng vấn)

Đàm thoại (phỏng vấn) là cách thức thu nhập thông tin về hiện tượng tâm lý được nghiên cứu dựa vào các nguồn thông tin thu thập được trong quá trình trò chuyện. Nguồn thông tin có thể bao gồm các câu trả lời và các yếu tố hành vi như cử chỉ, ngôn ngữ của người trả lời.

Phỏng vấn có thể bao gồm nhiều hình thức: trực tiếp hoặc gián tiếp, phỏng vấn cá nhân hoặc nhóm.

Muốn phỏng vấn thu được nhiều tài liệu tốt cần phải:

- Xác định rõ mục đích, yêu cầu vấn đề cần tìm hiểu,

- Tìm hiểu trước thông tin về đối tượng trò chuyện,

- Rất linh hoạt trong quá trình trò chuyện để thay đổi cách trò chuyện, dẫn dắt câu hỏi cho phù hợp với văn cảnh, hoàn cảnh nhằm đạt được mục đích của nhà nghiên cứu.

Ngoài các phương pháp nghiên cứu kể trên, trong khoa học tâm lý còn sử đụng nhiều các phương pháp nghiên cứu khác để nghiên cứu tâm lý người như phương pháp đo đạc xã hội học, phương pháp nghiên cứu tiểu sử cá nhân... Để đảm bảo độ tin cậy khoa học của kết quả nghiên cứu tâm lý cần: - Sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp với hiện tượng tâm lý của con người cần nghiên cứu.

- Sử dụng phối hợp, đồng bộ các phương pháp khi nghiên cứu tâm lý con người.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

  • Tác phẩm: Giáo trình Tâm lý học đại cương
  • Tác giả: Nguyễn Xuân Thức (Chủ biên) - Nguyễn Quang Uẩn - Nguyễn Văn Thạc - Trần Quốc Thành - Hoàng Anh - Lê Thị Bừng - Vũ Kim Thanh - Nguyễn Kim Quý - Nguyễn Thị Huệ - Nguyễn Đức Sơn
  • Nguồn: Nhà Xuất bản Đại học Sư Phạm, 2007

(Last Updated On: 03/07/2021)

Các nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu tâm lý người.

Các nguyên tắc phương pháp luận

– Nguyên tắc quyết định duy vật biện chứng

Nguyên tắc này khẳng định tâm lý có nguồn gốc là thế giới khách quan tác động vào bộ não con người, thông qua “lăng kính chủ quan” của con người. Tâm lý định hướng, điều khiển, điều chỉnh hoạt động, hành vi của con người tác động trở lại thế giới, trong đó cái quyết định xã hội là quan trọng nhất. Do đó khi nghiên cứu tâm lý người cần thấm nhuần nguyên tắc quyết định luận duy vật biện chứng.

– Nguyên tắc thống nhất tâm lý, ý thức, nhân cách với hoạt động

Hoạt động là phương thức hình thành, phát triển và thể hiện tâm lý, ý thức, nhân cách. Đồng thời tâm lý, ý thức, nhân cách là cái điều hành hoạt động. Vì thế chúng thống nhất với nhau. Nguyên tắc này cũng khẳng định tâm lý luôn luôn vận động và phát triển. Cần phải nghiên cứu tâm lý trong sự vận động của nó, nghiên cứu tâm lý qua sự diễn biến, cũng như qua sản phẩm của hoạt động.

– Phải nghiên cứu các hiện tượng tâm lý trong mối liên hệ giữa chúng với nhau và trong mối liên hệ giữa chúng với các hiện tượng khác:

Các hiện tượng tâm lý không tồn tại một cách biệt lập mà chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, chuyển hóa cho nhau, đồng thời chúng còn chi phối và chịu sự chi phối của các hiện tượng khác.

– Phải nghiên cứu tâm lý của một con người cụ thể, của một nhóm người cụ thể, chứ không nghiên cứu tâm lý một cách chung chung, nghiên cứu tâm lý ở con người trừu tượng, một cộng đồng trừu tượng.

Các phương pháp nghiên cứu tâm lý

Để tiến hành nghiên cứu tâm lý có hiệu quả, điều quan trọng là xác định được một hệ thống các phương pháp nghiên cứu khách quan, phù hợp với đối tượng cần nghiên cứu. Thông thường người ta hay nói đến bốn nhóm phương pháp sau:

Phương pháp tổ chức việc nghiên cứu

Tổ chức việc nghiên cứu tâm lý bao gồm nhiều khâu có quan hệ chặt chẽ, từ việc chọn đối tượng nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, có ý nghĩa về mặt khoa học và có tính chất cấp thiết phải giải quyết cho đến việc xác định mục đích việc nghiên cứu, xây dựng giả thiết khoa học, xác định nhiệm vụ nghiên cứu, lựa chọn các phương pháp nghiên cứu phù hợp; xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tổ chứ lực lượng nghiên cứu vấn đề, chuẩn bị địa bàn nghiên cứu và các phương tiện, điều kiện cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu có kết quả.

Việc tổ chức tốt công việc nghiên cứu từ khâu chuẩn bị cho đến khâu triển khai nghiên cứu, thu thập số liệu, xử lý số liệu, phân tích, lý giải các kết quả thu được và rút ra kết luận phụ thuộc vào mục đích nhu cầu nhiệm vụ nghiên cứu và phụ thuộc vào trình độ, năng lực của nhà nghiên cứu.

Phương pháp thu thập số liệu

Có nhiều phương pháp nghiên cứu tâm lý: quan sát, thực nghiệm, trắc nghiệm, trò chuyện, điều tra, nghiên cứu sản phẩm hoạt động, phân tích tiểu sử, …

– Phương pháp quan sát: quan sát được dùng trong nhiều khoa học, trong đó có tâm lý học.

  • Quan sát là loại tri giác có chủ định, nhằm xác định các đặc điểm của đối tượng qua những biểu hiện như: hành động, cử chỉ, cách nói năng,….
  • Quan sát có nhiều hình thức: quan sát toàn diện hay quan sát bộ phận, quan sát có trọng điểm, quan sát trực tiếp hay gián tiếp,…
  • Phương pháp quan sát cho phép ta thu thập các tài liệu cụ thể, khách quan trong các điều kiện tự nhiên của con người, do đó có nhiều ưu điểm. Bên cạnh các ưu điểm nó cũng có những hạn chế sau: mất thời gian, tốn nhiều công sức, …
  • Trong tâm lý học, cùng với việc quan sát khách quan, có khi cần tiến hành tự quan sát (tự thể nghiệm, tự mô tả diễn biến tâm lý của bản thân, nhưng phải tuân theo những yêu cầu khách quan, tránh suy diễn chủ quan theo kiểu “suy bụng ta ra bụng người”).

Muốn quan sát đạt kết quả cao cần chú ý các yêu cầu sau:

  • Xác định mục đích, nội dung, kế hoạch quan sát.
  • Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.
  • Tiến hành quan sát một cách cẩn thận và có hệ thống.
  • Ghi chép tài liệu quan sát một cách khách quan, trung thực.

– Phương pháp thực nghiệm: đây là phương pháp có nhiều hiệu quả trong nghiên cứu tâm lý.

Thực nghiệm là quá trình tác động vào đối tượng một cách chủ động, trong những điều kiện đã được khống chế, để gây ra ở đối tượng những biểu hiện về quan hệ nhân quả, tính quy luật, cơ cấu, cơ chế của chúng, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và đo đạc, định lượng, định tính một cách khách quan các hiện tượng cần nghiên cứu.

Người ta thường nói tới hai loại thực nghiệm cơ bản là thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực nghiệm tự nhiên:

+ Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm: phương pháp thực nghiệm trong phòng thí nghiệm được tiến hành dưới điều kiện khống chế một cách nghiêm khắc các ảnh hưởng bên ngoài, người làm thí nghiệm tự tạo ra những điều kiện để làm nảy sinh hay phát triển một nội dung tâm lý cần nghiên cứu, do đó có thể tiến hành nghiên cứu tương đối chủ động hơn so với quan sát và thực nghiệm tự nhiên.

+ Thực nghiệm tự nhiên được tiến hành trong điều kiện bình thường của cuộc sống và hoạt động. Trong quá trình quan sát, nhà nghiên cứu chỉ thay đổi những yếu tố riêng rẽ của hoàn cảnh, còn trong thực nghiệm tự nhiên nhà nghiên cứu có thể chủ động gây ra các biểu hiện và diễn biến tâm lý bằng cách khống chế một số nhân tố không cần thiết cho việc nghiên cứu, làm nổi bật những yếu tố cần thiết có khả năng giúp cho việc khai thác, tìm hiểu các nội dung cần thực nghiệm. Tùy theo mục đích và nhiệm vụ mà người ta phân biệt các thực nghiệm tự nhiên nhận định và thực nghiệm hình thành:

  • Thực nghiệm nhận định: chủ yếu nêu lên thực trạng của vấn đề nghiên cứu ở một thời điểm cụ thể.
  • Thực nghiệm hình thành (còn được gọi là thực nghiệm sử dụng): trong đó tiến hành các tác động giáo dục, rèn luyện nhằm hình thành một phẩm chất tâm lý nào đó ở thực nghiệm (bị thực nghiệm).

Tuy nhiên, dù thực nghiệm tiến hành trong phòng thí nghiệm hoặc trong hoàn cảnh tự nhiên cũng khó có thể khống chế hoàn toàn ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan của người bị thực nghiệm, vì thế phải tiến hành thực nghiệm một số lần và phối hợp đồng bộ với nhiều phương pháp khác.

– Test (trắc nghiệm): Test là một phép thử để “đo lường” tâm lý đã được chuẩn hóa trên một số lượng người tiêu biểu.

Test trọn bộ thường bao gồm 4 phần:

  • Văn bản test.
  • Hướng dẫn qui trình tiến hành.
  • Hướng dẫn đánh giá.
  • Bản chuẩn hóa.

Trong tâm lý học đã có một hệ thống test về nhận thức, năng lực, test nhân cách, chẳng hạn:

+ Test trí tuệ của Bine – Ximong.

+ Test trí tuệ của D. Wechsler (WISC và WAIS). Test trí tuệ của Raven.

+ Test nhân cách của Ayzen, Rôsát, Muray, …

Ưu điểm của test:

  • Có khả năng làm cho hiện tượng tâm lý cần đo được trực tiếp bộc lộ qua hành động giải bài tập
  • Có khả năng tiến hành nhanh, tương đối đơn giản bằng giấy, bút, tranh vẽ, …
  • Có khả năng lượng hóa, chuẩn hóa chỉ tiêu tâm lý cần đo.

Tuy nhiên test cũng có những khó khăn, hạn chế:

  • Khó soạn thảo một bộ test đảm bảo tính chuẩn hóa.
  • Test chủ yếu cho ta kết quả, ít bộc lộ quá trình suy nghĩ của nghiệm thể để đi đến kết quả.

Cần sử dụng phương pháp test như là một trong các cách chẩn đoán tâm lý của con người ở một thời điểm nhất định.

Phương pháp đàm thoại (trò chuyện)

Đó là cách đặt ra các câu hỏi cho đối tượng và dựa vào trả lời của họ để trao đổi, hỏi thêm, nhằm thu thập thông tin về vấn đề cần nghiên cứu.

Có thể đàm thoại trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy sự liên quan của đối tượng với điều ta cần biết.

Có thể nói thẳng hay đi lòng vòng.

Muốn đàm thoại thu được tài liệu tốt nên:

  • Xác định rõ mục đích, yêu cầu (vần đề cần tìm hiểu).
  • Tìm hiểu trước thông tin về đối tượng đàm thoại với một số đặc điểm của họ.
  • Có một kế hoạch trước để “lái hướng” câu chuyện.
  • Cần linh hoạt trong việc “lái hướng” này để câu chuyện vẫn giữ được logic của nó, vừa đáp ứng yêu cầu của người nghiên cứu.

Phương pháp điều tra

Là phương pháp dùng một số câu hỏi nhất loạt đặt ra cho một số lớn đối tượng nghiên cứu nhằm thu thập ý kiến chủ quan của họ về một vấn đề nào đó. Có thể trả lời viết (thường là như vậy), nhưng cũng có thể trả lời miệng và có người ghi lại.

Có thể điều tra thăm dò chung hoặc điều tra chuyên đề đi sâu vào một số khía cạnh. Câu hỏi dùng để điều tra có thể là câu hỏi đóng, tức là có nhiều đáp án sẵn để đối tượng chọn một hay hai, cũng có thể là câu hỏi mở, để họ tự do trả lời.

Dùng phương pháp này, có thể trong một thời gian ngắn thu thập được một số ý kiến của rất nhiều người nhưng là ý chủ quan. Để có tài liệu tương đối chính xác, cần soạn kỹ bản hướng dẫn điều tra viên (người sẽ phổ biến bản câu hỏi điều tra cho các đối tượng) vì nếu những người này phổ biến một cách tùy tiện thì kết quả sẽ rất sai khác nhau và mất hết giá trị khoa học.

Phương pháp phân tích sản phẩm của hoạt động

Đó là phương pháp dựa vào các kết quả, sản phẩm (vật chất, tinh thần) của hoạt động do con người làm ra để nghiên cứu các chức năng tâm lý của con người. Bởi vì trong sản phẩm do con người làm ra có chứa đựng “dấu vết” tâm lý, ý thức, nhân cách của con người. Cần chú ý rằng: các kết quả hoạt động phải được xem xét trong mối liên hệ với những điều kiện tiến hành hoạt động. Trong tâm lý học có bộ phận chuyên ngành “phát kiến học” (Oritxtic) nghiên cứu qui luật về cơ chế tâm lý của tư duy sáng tạo trong khám phá, phát minh.

Phương pháp nghiên cứu tiểu sử cá nhân

Phương pháp này xuất phát từ chỗ, có thể nhận ra các đặc điểm tâm lý cá nhân thông qua việc phân tích tiểu sử cuộc sống của cá nhân đó, góp phần cung cấp một số tài liệu cho việc chẩn đoán tâm lý.

Tóm lại, các phương pháp nghiên cứu tâm lý người khá phong phú. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Muốn nghiên cứu một hiện tượng tâm lý một cách khoa học, khách quan, chính xác cần phải:

+ Sử dụng các phương pháp nghiên cứu thích hợp với vấn đề nghiên cứu.

+ Sử dụng phối hợp, đồng bộ các phương pháp nghiên cứu để đem lại kết quả khách quan, toàn diện.

Các phương pháp xử lý số liệu

Quan sát, điều tra, tiến hành thực nghiệm, trắc nghiệm, … ta thu được nhiều tài liệu, số liệu cần phải xử lý để tạo thành các tham số đặc trưng có thông tin cơ động. Từ việc lượng hóa các tham số đặc trưng có thể rút ra những nhận xét khoa học, những kết luận tương ứng về bản chất, quy luật diễn biến của các chức năng tâm lý được nghiên cứu.

Thông thường người ta dùng các phương pháp xử lý số liệu theo phương pháp thống kê toán học để tính các tham số sau:

  • Phân phối tần số, tần suất.
  • Giá trị trung bình cộng.
  • Độ lệch trung bình, độ lệch chuẩn, trung vị, phương sai, hệ số biến thiên.
  • Tính các hệ số tương quan Pearson, hệ số tương quan thứ bậc
  • Phương pháp biểu thị kết quả nghiên cứu bằng các sơ đồ, biểu đồ, đồ thị,…

Phương pháp lý giải kết quả và rút ra kết luận

Trên cơ sở xử lý các số liệu thu được bằng các phương pháp thống kê, cần tiến hành phân tích, lý giải các kết quả thu được và rút ra kết luận khoa học. Việc lý giải được tiến hành theo hai khía cạnh trong một chỉnh thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau:

  • Phân tích mô tả, trình bày các số liệu thu được về mặt định lượng.
  • Phân tích lý giải các kết quả về mặt định tính trên cơ sở lý luận đã xác định, chỉ rõ những đặc điểm bản chất, những biểu hiện diễn biến có tính quy luật của đối tượng nghiên cứu.
  • Khái quát các nhận xét khoa học, rút ra những kết luận mang tính đặc trưng, khái quát về vấn đề được nghiên cứu.