Rối loạn kinh nguyệt sau COVID

  1. Trang chủ
  2. Góc sức khỏe
  3. Phòng & chữa bệnh
  4. Sức khỏe gia đình

Chủ Nhật ngày 03/04/2022

  • Vì sao kinh nguyệt không đều và cách chữa trị hiệu quả
  • Mất kinh nguyệt là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả
  • Nguyên nhân và cách xử lý kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Rất nhiều chị em sau khi khỏi bệnh lại phải đối mặt với tình trạng rối loạn kinh nguyệt hậu covid mặc dù triệu chứng rất nhẹ. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không và chị em cần xử trí như thế nào?

Với độ bao phủ vacxin cao, tỉ lệ người mắc và biến chứng nặng do covid-19 đã giảm đáng kể. Nhiều nghiên cứu cho rằng, virus SARS-CoV-2 ít gây nguy hiểm hơn trên nữ giới so với nam giới. Tuy nhiên, trên thực tế phụ nữ lại là đối tượng có nguy cao gặp phải di chứng hậu Covid kéo dài sau khi khỏi bệnh hơn. Mặc dù có rất ít nghiên cứu chỉ ra Covid-19 ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt nhưng tình trạng nhiễm trùng có thể là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh căng thẳng hoặc thay đổi nội tiết tố, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn kinh nguyệt hậu Covid là gì?

Rối loạn kinh nguyệt là những bất thường ở chu kỳ kinh nguyệt. Đây là triệu chứng khá phổ biến ở chị em phụ nữ, không chỉ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe sinh sản. 

Rối loạn kinh nguyệt bao gồm những thay đổi về thời gian diễn ra chu kỳ kinh như kinh nguyệt đến sớm hoặc đến muộn; thay đổi về tính chất bao gồm lượng máu ra nhiều hoặc ít hơn bình thường, màu sắc, tính chất kinh nguyệt, số ngày hành kinh…

Rối loạn kinh nguyệt sau COVID
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là di chứng hậu Covid thường gặp

Theo những nghiên cứu mới nhất, có tới 20-25% phụ nữ sau khi tiêm chủng vacxin và khỏi Covid-19 than thở gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Trong đó, phổ biến nhất là mất kinh, kinh nguyệt không đều, hoặc ra máu nhiều hơn bình thường.

Nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt hâu Covid

Để giải thích cho hiện tượng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt sau khi khỏi Covid, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra gồm:

  • Khi mắc Covid-19, cơ thể sẽ mất đi sự cân bằng nồng độ của nội tiết tố sinh dục như estrogen và progesterone, từ đó làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của chị em.

  • Di chứng hậu Covid-19 như rối loạn đông máu cũng khiến kinh nguyệt xuất hiện những dấu hiệu bất thường như máu kinh đóng cục

  • Tâm lý căng thẳng, lo lắng kéo dài trong thời gian trước và sau khi nhiễm bệnh cũng chính là yếu tố ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.

  • Nguyên nhân do sử dụng thuốc điều trị một số bệnh lý nền đi kèm như tăng huyết áp,tiểu đường…

Chị em cần làm gì khi đối mặt rối loạn kinh nguyệt hậu Covid-19?

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, chị em phụ khi gặp phải tình trạng rối loạn chu kỳ kinh sau Covid-19 cũng không cần quá lo lắng vì kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại sau 1 thời gian mà không cần can thiệp y khoa. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài liên tiếp trong vài chu kỳ hoặc xuất hiện thêm những dấu hiệu bất thường khác thì chị em nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được đánh giá và có hướng điều trị phù hợp.

Rối loạn kinh nguyệt sau COVID
Màu sắc kinh nguyệt thất thường có thể là di chứng hậu Covid hoặc bệnh lý phụ khoa khác

Ngoài ra, tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể không hoàn toàn xuất phát từ cơ quan sinh dục bởi virus SARS-CoV-2 còn có khả năng gây tổn thương não. Não bộ là nơi điều khiển trục dưới đồi tuyến yên là nơi tác động trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Chính vì vậy, nữ giới có thể bị mất kinh, vô kinh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến u nang buồng trứng.

Hầu hết di chứng rối loạn kinh nguyệt đều không cần sử dụng thuốc, quan trọng nhất là điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng để ổn định nội tiết tố. Để cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ khuyến cáo nữ giới nên thực hiện các biện pháp sau:

Luôn giữ tâm lý thoải mái 

Ngay cả khi không nhiễm Covid-19 thì căng thẳng, áp lực cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Hơn nữa, nhiều chị em sau khi khỏi Covid-19 luôn trong tâm trạng chán nản, tâm lý thất thường do thời gian dài ở trong nhà, càng làm tình trạng rối loạn kỳ kinh thêm nghiêm trọng. Chính vì thế, giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, sinh hoạt trong môi trường trong lành, sạch sẽ sẽ, luôn suy nghĩ tích cực, nghe nhạc, tâm sự với bạn bè sẽ giúp cải thiện đáng kể những di chứng hậu Covid.

Rối loạn kinh nguyệt sau COVID
Luôn vui vẻ, lạc quan giúp giảm stress hậu Covid

Nghỉ ngơi hợp lý

Covid-19 dù không gây ra những triệu chứng nghiêm trọng ở nhiều người nhưng vẫn để lại những di chứng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trải qua quá trình chiến đấu với căn bệnh đại dịch này, cơ thể cần được nghỉ ngơi thật nhiều để nhanh chóng hồi phục. Nghỉ ngơi đủ và hợp lý, đồng thời tránh làm việc quá sức sẽ giúp rối loạn kinh nguyệt sớm ổn định trở lại.

Tăng cường dinh dưỡng mỗi ngày

Người bệnh sau khi khỏi Covid cần bổ sung nhiều dinh dưỡng vào chế độ ăn hàng ngày nhằm bù đắp lại nguồn dưỡng chất cần thiết để cơ thể hồi phục. Trong đó, các nhóm chất magie, canxi, vitamin A, B, C, E… cũng góp phần cải thiện nội tiết tố hiệu quả. Chị em nên tăng cường các loại rau xanh, trái cây, sữa chua, và không quên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Rối loạn kinh nguyệt sau COVID
Trái cây, rau xanh là những thực phẩm chị em bị rối loạn kinh nguyệt hậu covid nên kết thân

Bên cạnh đó, cần xây dựng thói quen ăn uống hợp lý, không ăn đồ ăn vặt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, nước ngọt có ga…

Hạn chế rượu, bia, thuốc lá

Sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích khác không những ảnh hưởng đến nội tiết, gây rối loạn kinh nguyệt mà còn “bào mòn” làn da và sắc đẹp. 

Thường xuyên luyện tập nâng cao sức khỏe 

Song song với bổ sung dinh dưỡng thì việc tập luyện thể thao vừa sức 15-30 phút mỗi ngà cũng là biện pháp giúp cải thiện rối loạn kinh nguyệt mà chị em nên áp dụng. Một số bài tập phù hợp cho chị em giai đoạn này như yoga, đi bộ, đạp xe, chạy bộ…

Rối loạn kinh nguyệt sau COVID
Yoga là bộ môn phù hợp với chị em bị rối loạn kinh nguyệt

Vệ sinh sạch sẽ

Rối loạn kinh nguyệt hậu Covid có thể khiến chị em mất kinh nhưng cũng có nhiều trường hợp kinh nguyệt kéo dài, lượng máu nhiều rất dễ viêm nhiễm. Do đó, chị em nên vệ sinh thật sạch sẽ trong những ngày có kinh nguyệt, thay băng vệ sinh sau khoảng 4–6 giờ để hạn chế bệnh phụ khoa.

An An 

Nguồn Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

  • hậu covid
  • covid-19
  • rối loạn kinh nguyệt

Bài viết liên quan

Bài nổi bật