Tại sao gọi là an giang

Lâu nay, khi đọc các bài viết liên quan tới lịch sử vùng đất An Giang, tôi thấy nhiều tác giả có sai lầm khi viết về quá trình thành lập và biến đổi tỉnh An Giang, thành phố Châu Đốc và thành phố Long Xuyên. Sau hàng chục năm nghiên cứu các tư liệu, tôi xin đính chính lại cho rõ như sau.

Năm 1757, vua Nặc Tôn của vương quốc Chân Lạp đền ơn Chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã cứu giúp trong lúc hoạn nạn và giành lại ngôi vua nên đã dâng đất Tầm Phong Long cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Cư Trinh tiếp nhận đất Tầm Phong Long, cho lệ vào dinh Long Hồ và đặt 3 đạo: đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu để gìn giữ biên cương. Như vậy, tên Châu Đốc xuất hiện sớm, ngay từ khi đất Tầm Phong Long thuộc về Đại Việt. Châu Đốc là tên một đạo, tức là đồn biên phòng. Đạo Châu Đốc cùng đạo Tân Châu, đạo Đông Khẩu đều thuộc về dinh Long Hồ. Lúc đó, vùng Gia Định [Nam bộ ngày nay] có 3 dinh [Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ] và trấn Hà Tiên.

Sau khi thống nhất đất nước, năm 1808, vua Gia Long đã đổi dinh thành trấn. Cả vùng đất Gia Định, gọi là Gia Định thành [nay là Nam bộ] chia làm 5 trấn: Biên Hòa [trấn Biên], Phiên An [Phiên trấn], Định Tường [trấn Định], Vĩnh Thanh [trấn Vĩnh] và Hà Tiên. Đứng đầu Gia Định thành là viên Tổng trấn, đứng đầu mỗi trấn là viên Trấn thủ. Đạo Châu Đốc [lúc đó được gọi là Châu Đốc tân cương] thuộc về trấn Vĩnh Thanh. Châu Đốc trở thành trấn lỵ của trấn Vĩnh Thanh.

Tháng 10/1832, sau khi Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh và bãi bỏ chức Tổng trấn, quyền lực quá lớn. Trấn Vĩnh Thanh được chia thành 2 tỉnh Vĩnh Long và An Giang. Sau đó, tỉnh Phiên An được đổi thành tỉnh Gia Định. Như vậy, 5 trấn của Gia Định thành trở thành 6 tỉnh, được gọi là Nam Kỳ lục tỉnh, đó là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường [3 tỉnh miền đông] và Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên [3 tỉnh miền tây]. Tỉnh An Giang đặt tỉnh lỵ tại Châu Đốc. Lúc đó, vua Minh Mạng bổ nhiệm viên Tổng đốc [hàm Binh bộ thượng thư] đứng đầu 2 tỉnh. Nam Kỳ lục tỉnh có 3 viên Tổng đốc: An-Biên hoặc Định-Biên [Phiên An tức Gia Định và Biên Hòa], Long-Tường [Vĩnh Long và Định Tường], An-Hà [An Giang và Hà Tiên]. Dưới Tổng đốc, vua bổ nhiệm một viên Tuần phủ, đứng đầu một tỉnh. Dưới Tuần phủ vua đặt các viên quan bố chính sứ, án sát sứ và lãnh binh. Như vậy, tên An Giang xuất hiện từ tháng 10/1832, là tên một tỉnh của Nam Kỳ lục tỉnh.

Từ sau khi triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Tuất [1862], giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị của thực dân. Sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam Kỳ [tháng 6/1867], ngày 16/8/1867, Pháp chia 6 tỉnh trở thành 24 đơn vị hành chính mới¹ gọi là hạt thanh tra [Inspection], đứng đầu mỗi hạt thanh tra là viên “Thanh tra công việc nội chính bản xứ” [Inspecteur des affaires indigènes], gọi tắt là Thanh tra. Tỉnh An Giang [của Nam Kỳ lục tỉnh] chia thành 3 hạt thanh tra [Châu Đốc, Sa Đéc, Sóc Trăng]. Ngày 4/12/1867, Thống soái Nam Kỳ De Lagrandière ký quyết định thành lập thêm hạt thanh tra Cần Thơ. Ngày 27/5/1968, Thống soái Nam Kỳ Ohier lập thêm hạt thanh tra Long Xuyên, bao gồm các làng thuộc hạt thanh tra Châu Đốc, phía dưới Vàm Nao, nằm giữa các hạt thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ và Sa Đéc. Ngày 5/6/1871, Thống soái Nam Kỳ Dupré ban hành quyết định điều chỉnh địa giới các hạt thanh tra trên toàn Nam Kỳ xuống còn 18 hạt². Địa bàn tỉnh An Giang [của Nam Kỳ lục tỉnh] có 4 hạt thanh tra [Châu Đốc, Sa Đéc, Long Xuyên, Sóc Trăng]. Như vậy, khi Pháp chiếm trọn Nam Kỳ, Pháp đã xóa bỏ tỉnh An Giang [của Nam Kỳ lục tỉnh] mà chia thành các đơn vị hành chính mới là hạt thanh tra [inspection], trong đó có hạt thanh tra Châu Đốc và hạt thanh tra Long Xuyên³.

Đến ngày 5/01/1876, Thống đốc Nam Kỳ Duperré ra nghị định chia toàn bộ Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính [Circonscriptions administratives], mỗi khu vực hành chính lại được chia thành các tiểu khu hành chính [arrondissements administratifs – hạt tham biện], đứng đầu mỗi hạt tham biện là viên Chánh tham biện [Administrateur].

– Khu vực Sài Gòn: có 5 hạt tham biện.

– Khu vực Mỹ Tho: có 4 hạt tham biện.

– Khu vực Vĩnh Long: có 4 hạt tham biện.

– Khu vực Bassac: có 6 hạt tham biện [Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Trà Ôn và Sóc Trăng. Ngày 23/2/1876, Dupperré đổi tên Trà Ôn thành Cần Thơ].

Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định đổi hạt tham biện [arrondissement] thành tỉnh [province], có hiệu lực từ ngày 01/01/1900. Như vậy, tỉnh Long Xuyêntỉnh Châu Đốc xuất hiện đồng thời, từ sau ngày 01/01/1900. Đứng đầu mỗi tỉnh là viên chủ tỉnh [Chef de la province].

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp tấn công Nam Bộ, chính thức tái xâm lược Việt Nam. Để đánh lừa dư luận, che giấu bộ mặt thực dân, Pháp lập ra các chính quyền tay sai [chính phủ Nam Kỳ tự trị, chính phủ quốc gia Việt Nam]. Tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc được chính quyền tay sai thực dân Pháp duy trì đến hết năm 1954.

Pháp thua trận, đế quốc Mỹ nhảy vào thay thế, lập chính phủ tay sai Việt Nam Cộng hòa, do Ngô Đình Diệm đứng đầu. Sau thời gian đánh dẹp các thế lực thân Pháp, củng cố thế lực, ngày 22/10/1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN phân chia địa phận Nam Việt Nam gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Trong đó tỉnh An Giang [tỉnh lỵ Long Xuyên] bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc cũ. Đến ngày 8/9/1964, chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh số 246/NV, tỉnh An Giang được tách làm 2 tỉnh: tỉnh Châu Đốc và tỉnh An Giang. Như vậy, tỉnh Long Xuyên trong thời thuộc Pháp được đặt lại tên tỉnh An Giang cho đến 30/4/1975.

Về phía cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, do yêu cầu của chiến trường, Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Nam Bộ ra chỉ thị số 50/CT [ngày 12/9/1947] phân chia lại địa giới hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc thành hai tỉnh mới là Long Châu Tiền [thuộc Khu 8] và Long Châu Hậu [thuộc Khu 9]. Hai tỉnh lỵ Châu Đốc và Long Xuyên đều thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Tháng 10/1950, Thủ tướng chính phủ chấp thuận đề nghị của Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam bộ sáp nhập hai tỉnh Long Châu Hậu và Hà Tiên [gồm cả Phú Quốc] thành tỉnh Long Châu Hà.

Thời chống Mỹ, Xứ ủy Nam bộ lập lại 2 tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên. Giữa năm 1957, Xứ ủy Nam bộ lại hợp nhất tỉnh Long Xuyên, tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang [thuộc Khu 8]. Tháng 8/1971, thực hiện yêu cầu của Trung ương cục, An Giang chia thành 2 tỉnh: An Giang [thuộc Khu 8] và Châu Hà [thuộc Khu 9]. Hai thị xã Long Xuyên và Châu Đốc đều thuộc về tỉnh An Giang. Tháng 5/1974, Trung ương cục phân chia lại địa bàn địa bàn các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong chuyển thành 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà. Cả 2 thị xã Long Xuyên và Châu Đốc đều thuộc tỉnh Long Châu Hà thuộc Khu 9.

Sau thời kỳ quân quản [giai đoạn đầu sau Ngày Chiến thắng 30/4/1975], 02/1976, tỉnh An Giang được thành lập và ổn định cho tới ngày hôm nay. Đến nay, tỉnh An Giang bao gồm 2 thành phố [Long Xuyên và Châu Đốc], thị xã Tân Châu và 8 huyện [Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên].

GHI CHÚ:

¹ 24 hạt thanh tra năm 1867 là:

1- Thủ Dầu Một            7- Cần Giuộc                13- Chợ Gạo                 19- Trà Vinh

2- Thủ Đức                      8- Gò Công                   14- Mỹ Tho                  20- Sóc Trăng

3- Biên Hòa                    9- Tân An                     15- Cai Lậy                   21- Sa Đéc

4- Long Thành                10- Sài Gòn                  16- Cần Lố                    22- Châu Đốc

5- Bà Rịa                        11- Trảng Bàng             17- Vĩnh Long             23- Hà Tiên

6- Chợ Lớn                     12- Tây Ninh               18- Bến Tre                   24- Rạch Giá

² 18 hạt thanh tra năm 1871: 1- Bà Rịa; 2- Biên Hòa; 3- Thủ Dầu Một; 4- Sài Gòn; 5-Chợ Lớn; 6- Tân An; 7- Tây Ninh; 8- Gò Công; 9- Mỹ Tho; 10- Mõ Cày; 11- Vĩnh Long; 12- Sa Đéc; 13- Trà Vinh; 14- Châu Đốc; 15- Hà Tiên; 16- Long Xuyên; 17- Sóc Trăng; 18- Rạch Giá.

³ Cần phân biệt Long Xuyên là tên một đơn vị hành chính thuộc tỉnh An Giang với đạo Long Xuyên thuộc trấn Hà Tiên [ở bán đảo Cà Mau], đến thời Pháp thuộc là tên một huyện thuộc hạt thanh tra Rạch Giá [năm 1967] năm 1871 sáp nhập vào hạt thanh tra Sóc Trăng, nay không còn.

Tài liệu tham khảo:

1- Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1959-1954 của Nguyễn Đình Tư, tập 1, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.

2- Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1959-1954 của Nguyễn Đình Tư, tập 2, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.

3- Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc [1859-1954] của Nguyễn Đình Tư, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.

4- Địa chí An Giang, nhiều tác giả, UBND tỉnh An Giang xuất bản, năm 2013

Đặng Hoài Dũng
[Ảnh: Huỳnh Cao Khải]

Video liên quan

Chủ Đề