Top 5 người đọc kinh quran hay nhất năm 2022

Top 5 người đọc kinh quran hay nhất năm 2022

Thời gian đọc: 45 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 2021: Về sự dịch, ngày 30-11-2021)

Kể từ khi công cuộc mặc khải kinh Qur’an hoàn thành, việc bảo tồn văn bản thiêng này đã nhanh chóng trở thành vấn đề gây bận tâm lo lắng, nhất là khi cộng đồng Islam giáo càng lúc càng có sức ảnh hưởng lớn bên ngoài bán đảo Ả rập. Dù vào thời Khalip thứ ba ‘Uthmân (qua đời năm 656), người Islam giáo đã có mặt ở Syria, Ai Cập, Iraq, Iran và vùng biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, song vẫn xuất hiện các bất đồng liên quan tới việc đọc xướng kinh Qur’an sao cho đúng cách. Theo Hudhayfa ibn al-Yamân[1], đôi khi cách đọc xướng của những người Muslim mới lại làm sai ý nghĩa kinh Qur’an. Đáp lời cầu xin của bạn đạo, vị Khalip này bèn quyết định sao chép kinh Qur’an, vốn được các bậc tiền bối tập hợp và lưu giữ, thành nhiều bản để từ đó làm thành tài liệu tham khảo phân phối đến các trung tâm chính của Nhà nước Islam giáo đang trên đà bành trướng (von Denffer 2001, 61-62).

Nếu cách phát âm kinh Qur’an vốn hết sức chặt chẽ theo phương ngữ Mecca có thể bảo quản thông qua văn bản viết, thì vẫn còn đó sự tiếp xúc của ngôn ngữ Ả rập – hóa thân của nguyên mẫu thiêng – với các nền văn hóa khác, một thử thách còn khó vượt qua hơn nữa. Làm sao mà kinh Qur’an, vốn được mặc khải đến người dân bằng “tiếng Ả rập trong sáng” (Qur’an 16, 103)[2], bản thân tên gọi ngôn ngữ ấy cũng mang nghĩa là “sự diễn đạt”[3], có thể chịu được cú sốc biến dạng qua lăng kính các ngôn ngữ khác? Liệu văn bản thiêng của đạo Islam, mà mục đích công khai là phổ độ con người dường như đi ngược lại tiếng tăm là rất đặc thù về mặt ngôn ngữ, có thể cứ thế mà được dịch ra?

Trong bài viết này, chúng tôi xin được bàn đến việc dịch kinh Qur’an dưới hai góc độ khác nhau nhưng bổ sung lẫn nhau. Thứ nhất, xin được trình bày vấn đề từ quan điểm lịch sử, từ thuở bình minh đạo Islam cho đến tận ngày nay. Trong bức tranh toàn cảnh ấy – dĩ nhiên không xét được hết mọi mặt –, chúng tôi sẽ nêu các động cơ chính trị-xã hội của các bản dịch kinh Qur’an theo dòng lịch sử cũng như những vực thẳm ngăn cách người ủng hộ và người phản đối. Thứ hai, chúng tôi cố gắng phân tích chi tiết cuộc tranh cãi mà ta đang bàn đến theo hướng dịch thuật. Việc dịch kinh Qur’an có thể soi sáng thêm khía cạnh nào về việc dịch văn bản thiêng nói chung? Đâu là những được mất của việc dịch theo diễn ngôn của các luật gia Islam giáo? Xét đến cùng, đâu là các quan niệm liên quan đến việc dịch giữa chủ nghĩa bảo thủ mang đặc trưng Ả rập trong mong muốn dịch ban đầu và tính phổ quát trong tư tưởng của thông điệp Islam?

Dịch kinh Qur’an không phải chủ đề tranh luận mới; nó tồn tại ngay từ thời có mặc khải kinh Qur’an. Với mục đích truyền bá sứ mệnh phổ độ của mình, Thiên sứ Muhammad (570-632) đã cử sứ giả mang thư đến gặp thủ lĩnh các dân tộc khác. Thường thì các sứ giả này hiểu rõ ngôn ngữ của người nhận thư nên đến lượt họ lại phụ trách diễn giải nội dung các lá thư, thường được chêm rải rác các tiết trong kinh Qur’an. Trong lịch sử Islam giáo, một số bạn hữu của Thiên sứ thuở Ngài còn sinh thời có dịch nhiều phần trong đó. Chẳng hạn, Salmân al-Fârisi, một người Ba Tư, hẳn đã dịch surah đầu tiên (“Khai đề”) sang tiếng Ba Tư, trong khi đó Ja’far ibn Abi Tâlib hẳn đã dịch sang tiếng Ge’ez, ngôn ngữ vùng Al-Habash, các tiết kể lại chuyện Jesus và Maria ở Negus thuộc Ethiopia khi ông được cử sang đây lúc bắt đầu chuyến truyền đạo của mình (Al-Munajjed s.d., 24).

Tuy nhiên, tranh cãi nội bộ (Islam giáo-Islam giáo) về việc dịch kinh Qur’an đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều sau ngày Thiên sứ qua đời, khi mà một số lượng đông đảo dân chúng không nói tiếng Ả rập nhưng lại chọn theo đạo Islam. Muhammad từ trần, đạo Islam được phổ biến gần như khắp bán đảo Ả rập và một phần Iraq. Giữa những năm 632 và 660, đạo Islam trở thành tôn giáo của cả khu vực phía Đông biên giới Ba Tư, lan sang phía Bắc Thổ Nhĩ Kỳ và phía Tây Libya. Suốt 70 năm sau đó, sự lan truyền này vẫn tiếp tục, lan rộng sang Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, một phần nước Nga và toàn bộ khu vực phía Bắc lục địa châu Phi cùng Tây Ban Nha. Tốc độ lan truyền nhanh chóng cùng sự mở rộng về mặt địa lý dẫn tới việc nhất thiết phải tạo điều kiện cho việc dịch kinh Qur’an để tất cả những người theo đạo Islam nhưng không nói tiếng Ả rập có thể tiếp cận được văn bản này.

1.1. Dịch kinh Qur’an trong lịch sử

Vậy là những bản dịch kinh Qur’an đầu tiên được thực hiện theo ngôn ngữ của những tín đồ Muslim mới, nhưng công việc đó không phải không gặp phản kháng. Với tín đồ Muslim, ngôn ngữ trong kinh Qur’an là điều huyền diệu nhất của cuốn kinh. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người nhanh chóng lên tiếng phản đối mọi nỗ lực dịch kinh Qur’an. Vậy là ta có một bên là động cơ dịch văn bản để giúp nó dễ tiếp cận, và bên còn lại là thái độ phản kháng bắt nguồn từ tình cảm tôn giáo, khuấy động cuộc tranh cãi nội bộ liên quan đến chủ đề dịch kinh Qur’an. Liệu dịch kinh Qur’an có phải việc khả dĩ? Làm vậy có hợp pháp không? Bản dịch có phải vẫn là lời Thượng đế, hay chỉ là diễn đạt lại hoặc diễn giải lời Người? Ta có thể cầu nguyện bằng cách đọc xướng một bản dịch? Đây là một số câu hỏi mà các nhà luật học, các nhà chú giải kinh và các nhà thần học phải đối mặt. Một số phe bảo thủ hơn thẳng thừng bác bỏ việc dịch kinh Qur’an; ở thái cực còn lại, một số nhà nghiên cứu luật cho phép không chỉ việc dịch kinh Qur’an nói chung mà cả việc đọc xướng bằng ngôn ngữ bản dịch trong lúc cầu nguyện; và giữa hai thái cực này, dĩ nhiên có vài quan điểm trung dung hơn. Cũng nên lưu ý rằng cách tiếp cận của tất cả các nhóm nói trên đều đi theo hướng thần học hoặc luật học là trên hết, nhưng chúng tôi vẫn nhấn mạnh ý kiến của họ, bởi các lập luận được họ đưa ra vẫn còn mang tính thời sự trong các tranh luận hiện nay về vấn đề này. Tuy nhiên, tôn giáo lại không phải khía cạnh duy nhất đáng xem xét trong cuộc tranh cãi. Thực vậy, nếu tích hợp các nhân tố khác, ngoài tôn giáo và thậm chí là ngoài ngôn ngữ, vào cuộc tranh cãi, ta có thể thấy lộ diện một số khuynh hướng chung, khuyến khích hoặc ngược lại không khuyến khích việc dịch kinh Qur’an suốt chiều dài lịch sử.

Hẳn từ tương đối sớm cũng đã có các bản dịch một phần kinh Qur’an sang nhiều ngôn ngữ được lưu hành. Chẳng hạn, bản dịch sang tiếng Syriac hẳn đã được thực hiện trong thế kỷ VII, sang tiếng Berber vào năm 738, sang tiếng “Ấn Độ” (có lẽ là tiếng Sindhi) vào năm 883 và sang tiếng Ba Tư vào năm 956 (xem thêm Binark và Halit 1986, 436; Mingana 1925; Hamidullah 1995, XXXV-XXXVI; Qarra’I 1999, 15).

1.2. Bản dịch của các dịch giả không phải tín đồ

Với các bản dịch sang tiếng Syriac, đã có thể thấy ngay xu hướng hoàn toàn dễ hiểu của những người không theo đạo Islam khi dịch kinh Qur’an vì các mục đích công kích, bởi bấy giờ đạo Islam là tôn giáo mới và được truyền bá với tốc độ chóng mặt. Để ngăn cản sự bành trướng này và bảo vệ tôn giáo của mình, người ta không chỉ phải nghiên cứu đạo Islam từ bên ngoài mà còn phải nghiên cứu từ chính kinh sách của nó. Tuy nhiên mối quan tâm này lại đặc biệt phát triển ở châu Âu thời Trung cổ. Nhờ vậy, ta được tiếp xúc với bản dịch sang tiếng Latin của Robert de Ketton (thực hiện năm 1143), bản dịch sang tiếng Ý của Andrea Arrivabene, vốn là viết lại từ bản dịch sang tiếng Latin (xuất bản năm 1547), và bản dịch sang tiếng Pháp của André du Ryer (xuất bản năm 1647). Thế nhưng nếu nhiệt huyết tôn giáo là thứ thúc đẩy thể loại bản dịch này thì đặt câu hỏi về tính khách quan của một công việc như vậy cũng là hợp lý.

Trong bài viết “Tafsir và Dịch thuật”, Thomas Burman nhắc đến bản dịch của de Ketton bằng những ngôn từ sau:

bản kinh Qur’an tiếng Latin của ông đang dần trở thành best-seller. […] Quả vậy, mọi bằng chứng đều cho thấy rằng đó là ấn bản chuẩn của kinh Qur’an được độc giả châu Âu đọc kể từ lúc nó được dịch cho đến thế kỷ 18. […] Song dẫu được đọc rộng rãi, bản kinh Qur’an tiếng Latin của Robert – từ rất sớm đã được biết đến dưới nhan đề Lex Mahumet pseudoprophete [Bộ luật của Muhammad tên ngôn sứ giả danh] – rốt cuộc lại cũng bị phê bình rộng rãi, từ thế kỷ 15 đến nay, giới học giả đã kết án đó là một bản dịch phóng, dựa vào diễn đạt lại nhiều sai lệch. Juan de Segovia (khoảng 1393-1458), người phê bình bản Lex Mahumet đầu tiên, thấu đáo và […] công tâm nhất, đã không chỉ phản đối cách Robert chia nhỏ kinh Qur’an quá 114 surah chuẩn mà còn chỉ trích cái lối cho mình toàn quyền như Chúa mà Robert dùng để dịch. […] Các điểm này được nhiều nhà Ả rập học và phương Đông học nhắc đi nhắc lại suốt các thế kỷ sau đó. […] Cả nhà phương Đông học người Scotland mang tên David Colville thời kỳ đầu thế kỷ 17 và Ludovico Marracci cuối thế kỷ 17 cũng có cùng quan điểm về bản dịch của Robert, trong khi đó, Hadrian Reland, trong công trình De religione Mohammedica [Về đạo Muhammad] năm 1717, đã phàn nàn rằng đây là “bản kinh Qur’an tiếng Latin tệ nhất”. Chỉ vài thập kỷ sau đó, nhà phương Đông học kiêm dịch giả vĩ đại George Sale quả quyết rằng bản tiếng Latin của Ketton “không xứng đáng với tên gọi là một bản dịch; trong đó mắc vô số cách dùng tùy tiện, cùng những sai lỗi không đếm xuể, cả lỗi bị sót lẫn lỗi cố ý, chẳng còn chừa lại mấy điểm tương đồng với bản gốc”. (Burman 1998, 705-706)

Còn dưới đây là những gì André Chouraqui, người dịch thánh kinh của cả đạo Do Thái, Cơ Đốc và Islam, nói về bản dịch này:

Robert de Kenton [sic] hoàn thành bản dịch kinh Qur’an đầu tiên tại phương Tây vào năm 1143. Đây là bản dịch sang tiếng Latin, bản thảo có thủ bút của dịch giả hiện nằm tại Thư viện Arsenal, Paris. Một tài liệu đầy tính công kích, hẳn vậy: chưa bao giờ câu nói “Dịch là diệt” lại chính xác hơn thế. Những âm vang trong kinh Qur’an, những nhịp điệu ám ảnh và vẻ tráng lệ đầy chất thơ của bản gốc, đều hầu như không giữ lại được gì. Mục đích là dùng văn bản này như một thứ vũ khí chiến tranh, vũ khí giúp Cơ Đốc giáo chống lại Islam giáo, hòng chứng minh rằng Muhammad là một kẻ dối trá còn đạo Islam là một sự lừa bịp. N. Daniel trong công trình Đạo Islam và phương Tây, công cuộc sản xuất một hình ảnh (Édimbourg, 1960) cũng nhấn mạnh điều này: Robert de Kenton [sic] miệt mài “trầm trọng hóa hoặc phóng đại một văn bản vô hại, mang lại cho văn bản đó vẻ đáng ghét hoặc phóng đãng, hoặc thà đưa ra một lối diễn giải khó có thể là thực, nhưng rất đáng ghét, còn hơn là một lối diễn giải có vẻ khả thi hơn nhưng lại ý nhị”.

Tuy nhiên, bản dịch kinh Qur’an của Robert de Kenton [sic] lại đóng vai trò tương tự như bản Vulgate của Kinh Thánh: suốt hàng thế kỷ, bản dịch này được dùng như kim chỉ nam cho mọi cách diễn giải khác trong các ngôn ngữ châu Âu. Song Vulgate lại được viết bởi một tín đồ Kinh Thánh cuồng nhiệt, Saint [sic] Jérôme, ông đã bù trừ các khiếm khuyết ngôn ngữ bằng lòng cảm thông tinh thần [sic], nhờ vậy, ông đã cho ra đời kiệt tác của mình. Mục đích của ông là thuyết phục độc giả Cơ Đốc giáo rằng các ngôn sứ và cả các tông đồ thảy đều là những người có thần cảm trao truyền Lời Chúa và Lời đức Christ. Còn kinh Qur’an thì ngược lại, thường được viết ra bằng các ngôn ngữ châu Âu, theo tinh thần gièm pha một cách công khai. Bản dịch hòng chứng minh rằng, có văn bản đây, Muhammad chỉ là đồ giả còn kinh Qur’an chỉ là thứ “kinh dị kinh hợm”, y lời một trong các nhà bình luận. (Chouraqui 1990)

Bản dịch của du Ryer, tái bản năm lần trong vòng năm năm và được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Hà Lan, lại cũng mang cùng những thiếu sót như bản dịch của de Ketton. Trong phần “Lời tựa” của bản dịch, George Sale nói như sau:

Andrew du Ryer, từng là tổng tài quốc gia Pháp tại Ai Cập, người có trình độ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và các tiếng Ả rập khá tốt, đã dày công dịch kinh Qur’an sang ngôn ngữ của mình; nhưng công trình của ông, dẫu khá hơn một trời một vực so với bản dịch của Retenensis, vẫn còn xa mới được là một bản dịch xứng đáng, khi mà trang nào cũng có lỗi, chưa kể các chuyển vị, bỏ sót và thêm thắt, các lỗi không thể tha thứ trong một công trình thuộc loại này. (Sale, 1882, 7).

Bản dịch kinh Qur’an đầu tiên sang tiếng Anh được thực hiện bởi Alexander Ross vào năm 1649 trên thực tế dựa vào bản dịch sang tiếng Pháp của du Ryer. Chỉ cần biết người dịch không biết tiếng Ả rập với khả năng đọc hiểu tiếng Pháp không xứng tầm chuyên gia là đủ để hình dung về chất lượng bản dịch. Trang đầu tiên của bản dịch có giới thiệu như sau:

AlQuran của Mahomet, Dịch từ tiếng Ả rập sang tiếng Pháp. Bởi Ngài du Ryer, Lãnh chúa vùng Malezair kiêm Thống sứ của Hoàng đế nước Pháp, tại ALEXANDRIA. Được Chuyển ngữ sang tiếng Anh, nhằm thỏa mãn tất cả những ai mong muốn khám phá mọi Thói phù hoa Thổ Nhĩ Kỳ. Làm đề dẫn cho nó là Tiểu sử Mahomet, Ngôn sứ của dân Thổ, kiêm Tác giả của AlQuran. Với lời Lưu ý, hay lời Cảnh báo Cần thiết, dành cho những người mong muốn biết đâu là Lợi ích hay nguy cơ khi Đọc ALQURAN. (dẫn lại trong Arberry 1955, chúng tôi nhấn mạnh)

Và trong “lời cảnh báo” ấy, có thể đọc thấy:

Có rất nhiều Giáo phái và Tà thuyết hợp đàn với nhau chống lại Sự thật, khi thấy giáo phái Mahomet vắng mặt trong đám ấy, tôi nghĩ sẽ rất tốt trả nó về với bầy đàn của chúng, và khi thấy kẻ thù của quý vị trong hình hài trọn vẹn, quý vị có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc đụng độ, và tôi hy vọng sẽ chiến thắng chúng. […] Có thế nào tôi xin giới thiệu thế ấy, sau khi đã cất công dịch từ tiếng Pháp, bởi không nghi ngờ rằng, dẫu sách này đúng là một thứ thuốc độc, đã làm uế tạp một phần rất lớn đồng thời cũng là một phần bất hảo của vũ trụ, song nó vẫn có thể là Thuốc giải giúp quý vị thêm tin vào sự lành mạnh của Cơ Đốc giáo. (sđd., chúng tôi nhấn mạnh)

Bất chấp sự xuất hiện của các bản dịch khác, chẳng hạn bản dịch của Marc de Tolède (thực hiện năm 1211), chính các bản dịch bị chỉ trích nghiêm khắc nhất mới lại trở thành nền tảng và cơ sở tham khảo cho các bản dịch sau này ở phương Tây, nhất là từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.

Từ thế kỷ 18, phần lớn các bản dịch kinh Qur’an đều được thực hiện trực tiếp từ tiếng Ả rập. Để minh họa, có thể kể đến các bản dịch sang tiếng Anh của George Sale (xuất bản năm 1734), bản dịch sang tiếng Pháp của Claude-Étienne Savary (1786) và bản dịch sang tiếng Đức của F. E. Boysen (1773). Dẫu chất lượng các bản dịch đã được cải thiện đáng kể, ta vẫn thấy trong đó xuất hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng.

George Sale, chỉ riêng ví dụ về ông thôi là đủ, đã không giấu giếm ý đồ hay thái độ của mình. Dẫu bản dịch của ông thường được kể vào số những bản dịch khách quan nhất, ta vẫn có thể đọc được những lời sau ngay trang đầu lời tựa ông viết:

Tôi hình dung rằng sẽ hầu như không cần thiết phải hoặc là đưa ra lời biện giải cho việc xuất bản bản dịch sau đây hoặc là tìm cách chứng minh nó là tác phẩm vừa hữu ích vừa đáng tò mò. Hẳn phải là những người có quan điểm tiêu cực về Cơ Đốc giáo, hoặc phải chỉ bắt hờ vào tôn giáo này, thì mới có thể nhìn ra sự nguy hiểm của một sản phẩm giả mạo sờ sờ đến vậy: và nếu các thể chế tôn giáo và dân sự nước ngoài đáng để chúng ta biết tới thì các thể chế tôn giáo và dân sự của Muhammad, nhà lập pháp của người Ả rập đồng thời cũng là người sáng lập ra một đế chế mà trong vòng chưa đầy thế kỷ đã lan rộng khắp một phần thế giới rộng lớn hơn cả phần thế giới mà người La Mã từng làm chủ, cũng cần phải được biết tới; cho dù chúng ta xét đến thành quả rộng lớn của họ, hay là việc giao dịch thường xuyên giữa chúng ta với những người bị họ cai trị. Ở đây, tôi sẽ không tìm hiểu lý do tại sao luật của Muhammad lại được đón nhận một cách vô tiền khoáng hậu như vậy trên thế giới (bởi những người hình dung rằng luật này được truyền bá chỉ nhờ mũi kiếm thảy đều nhầm lớn), cũng không tìm hiểu xem bằng cách nào mà nó được đón nhận bởi các quốc gia chưa bao giờ phải chịu áp lực từ đội quân của Muhammad hoặc thậm chí là bởi các quốc gia từng tước đoạt các thành quả chinh phục của người Ả rập và đặt dấu chấm hết cho vương quyền cũng như chính mạng sống của các vị Khalip; song dường như cái tôn giáo đã đạt được những bước tiến đáng kinh ngạc như vậy còn chứa điều gì đó vượt lên trên điều mà người ta vẫn hình dung một cách tầm thường. Nhưng dẫu một bản kinh Qur’an công minh có hữu dụng ở nhiều mặt khác tới đâu, thì vẫn tuyệt đối cần có nó để lay tỉnh những ai vì đọc các bản dịch ngu dốt hoặc bất công mà nuôi dưỡng một lòng quá ưu ái dành cho bản gốc, và hơn nữa là để cho chúng ta có thể phơi trần sự lừa bịp thành công […]. Đặc biệt là đám tác giả Công giáo La Mã; khi bác bỏ đạo Muhammad họ chẳng đem lại điều gì tốt đẹp, vì khi nỗ lực bảo vệ thói sùng bái ngẫu tượng và các sự dị đoan khác của mình, đúng ra là họ chỉ góp phần làm tăng sự ác cảm mà đám tín đồ Muhammad thường có với Cơ Đốc giáo, và mang lại cho họ lợi thế lớn trong cuộc tranh cãi đó. Chỉ những người Tin lành mới có thể tấn công thành công kinh Qur’an; và tôi tin là Mệnh trời đã dành cho họ vinh quang lật đổ cuốn kinh này. (Sale 1882, 3-4, chúng tôi nhấn mạnh)

Sau đó, ông tiếp tục bài tranh luận của mình bằng cách đặt ra các quy định tạo điều kiện cho việc cải đạo của tín đồ Muslim…

Trong các thế kỷ 19 và 20, người ta chuyển qua các ngôn ngữ châu Âu khác và nhiều nhà phương Đông học đã lấy việc dịch kinh Qur’an như một dự án hàn lâm phục vụ việc tiến thân trên con đường học thuật của mình. Trong số các bản dịch thời kỳ này, có thể kể đến bản dịch của E. H. Palmer (1880), Richard Bell (1937-1939) và A. J. Arberry (The Koran Interpreted 1953), đây là một trong những bản dịch xuất sắc nhất được thực hiện bởi một người không phải tín đồ.

Vào thế kỷ 19, các nhà truyền giáo Cơ Đốc đã bắt đầu việc dịch kinh Qur’an, nhưng lần này, là sang các ngôn ngữ và phương ngữ phương Đông. Godfrey Dale dịch kinh Qur’an sang tiếng Swahili, Michael Samuel Cole sang tiếng Yoruba, William Goldsack sang tiếng Bengale và A. Shah Masihi sang tiếng Hindi. Một số thành viên thuộc các giáo phái đặc biệt, Qadiani[4] chẳng hạn, cũng dịch kinh Qur’an theo cách diễn giải riêng, hòng khiến các tiết trong kinh Qur’an trở nên phù hợp với tín ngưỡng của họ. Người Muslim càng lúc càng ý thức hơn về hoạt động của các nhà phương Đông học và các nhà truyền giáo, và để đáp lại hoạt động đó cũng như các bản dịch “mang tính giáo phái[5]”, một số người Islam giáo bèn bắt tay vào việc dịch kinh Qur’an.

Trong khi ý đồ của các nhà truyền giáo Cơ Đốc đã quá rõ ràng thì điều xúc phạm những người Muslim khi đọc bản dịch của các nhà phương Đông học là các nhà phương Đông học dường như coi kinh Qur’an là một tác phẩm văn học cổ mà không buồn mảy may tôn trọng tính linh thiêng của văn bản này trong mắt người Muslim. Do vậy, bất cứ ai cũng có thể diễn giải nó theo ý mình, đặt nghi vấn về tính xác thực của nó, xếp đặt lại trật tự các đoạn và phê phán ngữ pháp cũng như ngôn ngữ của nó. Những người Muslim cảm thấy điều đó chẳng khác nào một bước tiến đến cuộc thập tự chinh kiểu mới chống lại đạo Islam; chính vì thế họ phải ra tay phản ứng.

1.3. Bản dịch của các dịch giả Muslim

Ba bản dịch sang tiếng Anh, được những tín đồ Muslim thực hiện với mong muốn bảo vệ kinh Qur’an trước bản dịch của các nhà truyền giáo Cơ Đốc, đã ra mắt trong khoảng thời gian từ 1905 đến 1912[6]. Các bản dịch chín muồi hơn và uyên bác hơn ra mắt trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1960. Thực vậy, hai trong số các bản dịch của thời kỳ sau này là những bản nổi tiếng nhất hiện nay. Bản thứ nhất là của Pickthall (xuất bản năm 1930 tại Luân Đôn), và bản thứ hai là của A. Yusuf ‘Ali (thực hiện từ 1934 đến 1937). Đây là các bản dịch được đánh giá cao và hiển nhiên được dùng tham khảo cho các bản dịch sau này. Một bản dịch chất lượng khác ở thời kỳ này được thực hiện bởi Abdul Majid Daryabadi (Lahore từ 1941 đến 1957), nhưng lại ít được biết đến hơn nhiều so với các bản dịch của Pickthall và Yusuf ‘Ali. Rất nhiều bản dịch được thực hiện bởi những tín đồ Muslim tiếp tục được xuất bản từ năm 1960 nhưng không có thêm yếu tố mới nào đáng kể. Mới đây, có thể kể đến bản dịch của Muhammad Asad (1980), dù chất lượng ngôn ngữ cao nhưng đôi khi lại trượt hơi xa so với các diễn giải vốn thường được các nhà chú giải chấp thuận. Tuy nhiên, bản dịch này lại có công trong việc cung cấp các bình chú phong phú đi kèm văn bản gốc, bản dịch và bản chuyển tự. Gần đây cũng còn nhiều bản dịch chất lượng khác, chẳng hạn bản của Sarwar (1981) và Irving (1985) không có bất cứ ghi chú giải thích nào[7]. Nên nhắc cả đến bản dịch của Ả rập Xê út, vốn được truyền bá nhiều nhất thế giới[8].

1.4. Các bản dịch sang tiếng Pháp[9]

Về phần tiếng Pháp, các bản dịch do cả tín đồ Muslim lẫn dân ngoại đạo thực hiện đều hết sức phong phú. Bản dịch của Kasimirski rất thú vị bởi, được xuất bản năm 1840, suốt một thời gian dài nó là bản dịch sang tiếng Pháp duy nhất đọc được với dân Pháp ngữ. Bản dịch của Régis Blachère (1950) sắp xếp lại kinh Qur’an theo trật tự thời gian mặc khải và bổ sung vô số ghi chú. Bản dịch của Denise Masson (1967) có công trong việc cố gắng hướng đến cả tín đồ tin đạo lẫn dân ngoại đạo muốn tìm hiểu thêm. Tháng Mười hai 1990, bản dịch của André Chouraqui ra đời. Bản dịch tuân thủ phương pháp đặc trưng của các nhà chú giải kinh Torah, rút ra nghĩa đa bội của từ căn ba phụ âm cùng sự hoán vị các chữ cái cấu thành. Phương pháp này cũng gây tranh cãi nhất định, bởi nó thường đưa đến những lựa chọn dường như đáng ngạc nhiên với những ai biết kinh Qur’an qua tiếng Ả rập. Năm 1991, bản dịch của nhà nghiên cứu Islam giáo Jacques Berque được xuất bản. Ông dồn sức hòng tái hiện một phần nhịp điệu, phong cách và chất thơ có trong bản tiếng Ả rập.

Trong số các bản dịch sang tiếng Pháp của tín đồ Muslim, có hai bản đặc biệt được dùng nhiều. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Muhammad Hamidullah xuất bản một bản dịch sang tiếng Pháp vào năm 1959, được giới chức tôn giáo hoan nghênh và được cộng đồng Muslim tôn trọng. Tương tự với bản dịch của Hamza Boubakeur, lãnh đạo thánh đường Grande Mosquée de Paris và cha của lãnh đạo hiện tại, xuất bản năm 1990, 25 năm sau ngày ông khởi nghiệp. Mới đây hơn cả, A. Penot (2004) xác định mục tiêu dịch cho mình là khiến kinh Qur’an trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người thông qua tiếng Pháp mà không phản bội bản gốc. Rất nhiều người Muslim nói tiếng Pháp dường như tích cực tán thành bản dịch của M. Chiadmi (2004), một bản dịch hẳn là xứng đáng được tôn trọng nhờ dễ đọc. Cũng có thể kể thêm các sản phẩm của Y. ‘Alawi và J. Hadidi, hai dịch giả dòng Shia không tiếc công sức miêu tả phương pháp họ áp dụng và lý giải hết sức chi tiết các lựa chọn của mình. Bản dịch của họ (xem Chodkiewicz 2002) luôn dở dang, bởi đến năm 2000 mới ra đời duy nhất tập đầu tiên trong bản dịch. Hai dịch giả cần một tập trọn vẹn dày hơn 600 trang để in bản dịch kèm chú giải hai surah đầu[10].

1.5. Dịch hay không dịch kinh Qur’an?

Quay lại với xu hướng khích lệ hoặc phản đối việc dịch kinh Qur’an của các quan chức tôn giáo, rõ ràng quyết định nơi họ phần nào đó dựa trên các nhân tố mang tính tôn giáo và kinh văn. Nhưng một phần quyết định đó còn phụ thuộc vào các nhân tố lịch sử, xã hội và chính trị, và các nhân tố này đặc biệt không nên bỏ qua nếu muốn hiểu nguyên do quan điểm của họ. Một số thời kỳ và một số sự kiện lịch sử nói chung là thuận lợi cho việc dịch kinh Qur’an. Chẳng hạn các bản dịch của de Ketton (1143) và Abraham de Tolède (1264) đã ghi dấu ấn trong thời kỳ Al-Andalus, trong khi đó phong trào shuubiya[11] lại tạo điều kiện cho các bản dịch sang tiếng Ba Tư. Lại có những thời kỳ khác xui khiến các quan chức tôn giáo cấm đoán việc dịch kinh Qur’an. Việc chuyển từ quan điểm này sang quan điểm khác thường là diễn ra qua nhiều thời kỳ kéo dài, nhưng thế kỷ mà chúng ta vừa trải qua lại chứng kiến những biến đổi nhanh chóng, và sẽ thật thú vị nếu ta có thể dừng lại đó đôi chút.

Trước khi Đế chế Ottoman sụp đổ[12], từng diễn ra một trào lưu cải cách trong cộng đồng trí thức và tăng lữ thuộc thế giới Muslim khi ấy rất phát triển, phần vì các nhà nghiên cứu theo Islam theo học tại phương Tây và trở về tổ quốc cùng với những ý tưởng về thứ mà người ta gọi là “tính hiện đại”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy rất ít người phản đối việc dịch kinh Qur’an trong thời kỳ này.

Song cùng với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, việc bãi bỏ hệ thống chính trị có nền tảng từ chế độ Khalip ở Thổ Nhĩ Kỳ và việc xây dựng các ủy ban dịch kinh Qur’an sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có sử dụng bảng chữ cái Latin, phần lớn các nhà tư tưởng Muslim đều đánh giá lại quan điểm của mình. Người ta coi toàn bộ các bước đi kể trên như một mưu đồ đế quốc, hòng rũ bỏ một chướng ngại vật bất khả vượt qua đối với quá trình bành trướng của nước Anh, chính là triều đại Khalip Ottoman vốn biểu trưng cho sự thống nhất của cộng đồng Muslim. Đặc biệt là bản dịch kinh Qur’an sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và bản dịch của các nhà truyền giáo Cơ Đốc đều bị cộng đồng Muslim nhìn nhận như những công cụ quyền lực và gây áp lực chính trị-xã hội.

Ngay từ năm 1908, nhật báo Ả rập al-Manar đã đăng fatwa[13] của luật gia Muhammad Rashid Rida nhằm cấm việc dịch kinh Qur’an, thậm chí là đối với các dân tộc không hiểu tiếng Ả rập (Rida 1326/1908). Thay vì vậy, ông đề xuất dịch một bản diễn dịch kinh Qur’an theo hướng đơn giản hóa và truyền đạt bản dịch này đến các dân tộc đó, để giúp họ hiểu kinh Qur’an[14] mà không nguy hại đến sự đoàn kết của cộng đồng Muslim quanh một kinh văn duy nhất (Abou Sheishaa 2001). Năm 1925, giới tăng lữ đứng đầu đại học nổi tiếng al-Azhar ở Cairo đã ra lệnh đốt hết các bản dịch kinh Qur’an. Không chỉ quần chúng mà ngay cả các quan chức tôn giáo cũng chia thành hai phe. Một bên là những người cấm dịch kinh Qur’an, thậm chí cấm luôn cả việc sở hữu dẫu chỉ một bản dịch, bên kia là những tiếng nói ca tụng nghĩa vụ dịch kinh Qur’an hòng chống lại những bản dịch thù nghịch của các nhà truyền giáo Cơ Đốc để từ đó phổ biến các bài giảng Islam đích thực. Năm 1936, tranh cãi lại nổ ra khi al-Azhar muốn thực hiện và xuất bản một bản dịch nghĩa kinh Qur’an, cộng tác với chính phủ Ai Cập. Lần này, câu hỏi được đặt ra cho các quan chức tôn giáo cao cấp nhất ở Ai Cập và họ bèn đưa ra câu trả lời bằng văn bản hết sức rõ ràng: được phép dịch nghĩa kinh Qur’an. Vậy là kể từ khi một trong các trường đại học tôn giáo uy tín nhất thế giới xuất bản các bản dịch (nghĩa) kinh Qur’an, tranh cãi đã hạ nhiệt rất nhiều và nếu như ngày nay người ta còn nhắc đến chuyện này thì chẳng qua là theo hướng triết học hay lý thuyết, trừ vài ngoại lệ đây đó không đáng kể.

2. Các yếu tố tranh cãi: giữa tính không thể bắt chước và tính phổ quát

Cần phải xem xét kỹ các lĩnh vực mà ở đó bất đồng giữa các học giả Muslim nổi cộm nhất. Quả vậy, phần lớn các tranh cãi có tính chất án lệ muốn củng cố lập luận của mình đều không thể bỏ qua các nhận định phi pháp lý. Chính vì vậy, ngoài tranh luận đơn thuần về tính hợp pháp của việc dịch kinh Qur’an, ta còn thấy rất nhiều chương mô tả khi thì đặc thù của ngôn ngữ Ả rập cũng như ngôn ngữ trong kinh Qur’an, khi thì các đoạn nói về nghệ thuật tu từ trong kinh Qur’an cùng tính không thể bắt chước của nó, chưa kể nhiều cách trình hiện bản dịch, cùng phương pháp và mục đích của nó mang tính rất cá nhân. Xét số lượng chủ đề được đề cập cũng như dung lượng bài viết được phép, chúng tôi chỉ có thể trình bày các chủ đề mà chúng tôi đã lựa chọn dựa vào sự liên quan tới vấn đề đang trình bày.

2.1. Trình hiện về ngôn ngữ Ả rập

Yếu tố đầu tiên mà các nhà học giả Muslim nhất định muốn nêu ra làm điều kiện cho mọi cuộc tranh luận liên quan đến việc dịch kinh Qur’an chính là tiếng Ả rập. Dù hướng lập luận là gì – ủng hộ hay phản đối việc dịch – thì ngôn ngữ Ả rập vẫn chiếm vị thế hết sức đặc biệt. Nó gắn với chính sự tồn tại của kinh Qur’an. Đến mức mà dù là phe này hay phe kia thì thảy đều nhất trí rằng kinh Qur’an mà không bằng ngôn ngữ Ả rập thì không còn là kinh Qur’an. “Không còn bất cứ nghi ngờ gì nữa, Thánh kinh Qur’an là cái tên được gán cho sự sắp xếp bằng tiếng Ả rập [các ngôn từ] sau đó được mặc khải đến Thiên sứ Muhammad” (Al-Maraghi 1936, trong Al-Razzâq; bản dịch của tôi). Nói cách khác, nếu không phải bằng tiếng Ả rập thì kinh Qur’an cũng không thể được gọi bằng cái tên dành cho cuốn sách thiêng của đạo Islam.

Quả vậy, phe phản đối việc dịch kinh Qur’an chính là những người hết lời ca ngợi ngôn ngữ Ả rập. Với họ, bằng chứng về sự ưu việt của ngôn ngữ Ả rập nằm ở điểm duy nhất là Thượng đế đã chọn ngôn ngữ này để mặc khải thông điệp cuối cùng của mình đến nhân loại. Giá trị của tiếng Ả rập xuất phát không chỉ từ lựa chọn của Thượng đế này (hậu nghiệm) mà tự bản thân nó đã ưu việt nhờ các phẩm chất riêng của nó (tiên nghiệm) (Al-Safi 1992, 37-53). Điều này lại càng xác thực hơn khi có rất nhiều ví dụ mà các nhà từ điển học và các nhà hùng biện dựa vào đều được lấy từ thơ ca thuộc thời kỳ tiền Islam (al-sh’ir al-jahili).

Sự đánh giá ngôn ngữ Ả rập cao như vậy hiển nhiên đã trở thành một trong những lập luận chính phản đối việc dịch kinh Qur’an. Một mặt, ngôn ngữ sử dụng trong kinh Qur’an được mô tả khách quan (ít nhất là qua lăng kính của nghệ thuật tu từ trong kinh Qur’an) là có tính cô đọng rất cao nhờ khả năng diễn đạt tuyệt đỉnh súc tích:

[Tiếng Ả rập là] ngôn ngữ của những người mà các hình ảnh trong tâm trí họ, luôn trôi chảy mà không cần nỗ lực nào từ liên tưởng này sang liên tưởng khác, cứ tiếp nối nhau tiến lên rất nhanh và thường tỉnh lược mà nhảy cóc qua các chuỗi suy nghĩ trung gian – có thể gọi là “tự hiểu” – đến thẳng ý tưởng mà họ đang muốn hình thành hoặc diễn đạt ra. Sự tỉnh lược này (vốn được các nhà ngữ văn học Ả rập gọi là i’jâz) là một đặc tính cố hữu của đặc ngữ Ả rập, do vậy, cũng là một đặc tính cố hữu của ngôn ngữ trong kinh Qur’an – đến mức mà không thể hiểu phương pháp cũng như ý nghĩa nội tại của nó nếu không thể tự tái tạo trong mình một cách bản năng điều gì đó cũng thuộc về những suy nghĩ tỉnh lược, liên tưởng tương tự như thế. (Asad 2003, ix).

Mặt khác, ngôn ngữ Ả rập cũng có vị thế rất đặc biệt bởi lẽ tín đồ Muslim tin rằng ngôn ngữ ấy – ở dạng như nó xuất hiện trong kinh Qur’an – là “lời của Thượng đế” và do vậy mà nó chỉ có thể sở hữu một hình thức duy nhất khả dĩ, là hình thức đã được mặc khải. Ngôn ngữ Ả rập, chính xác hơn là ngôn ngữ trong kinh Qur’an, bởi nó là như thế, nên không thể tồn tại bất cứ bản dịch nào, dù là bản dịch chỉ nhắm vào nghĩa (Al-Safi 1992, 110-118). Nghĩa là kinh Qur’an không chỉ bất khả bắt chước về hình thức mà còn bất khả bắt chước về nội dung.

Điều đó càng đúng hơn nữa khi việc dịch nghĩa, trong mắt phe phản đối, còn phải đi liền với việc dịch chú giải. Quả vậy, dẫu ta có thể hình dung được rằng dịch chú giải là việc không có gì phải nghi ngờ (bởi rõ ràng nó không còn là kinh Qur’an nữa) thì vẫn có vẻ như trong mắt một số người, việc dịch ấy khó biện minh được bởi a) nó chưa bao giờ được nhắc đến trong một lời giảng rõ ràng do Thiên sứ Muhammad truyền lại để chấp nhận nó hoặc đòi hỏi nó; b) nghĩa của từ “chú giải” trong tiếng Ả rập, về mặt ngôn ngữ, giống hệt với nghĩa của việc dịch nghĩa – có điều chú giải được hiểu rộng hơn; c) việc dịch chú giải làm tăng khoảng cách vốn đã tồn tại giữa phát ngôn của Thượng đế và phát ngôn của của người diễn dịch và chú giải nói tiếng Ả rập (Al-Safi 1992, 119-131). Như vậy, có thể thấy rõ là lý luận cơ bản của phe phản đối mọi hình thức dịch kinh Qur’an, kể cả chú giải kinh Qur’an, nằm ở chỗ bác bỏ mọi hành động tạo khoảng cách với phát ngôn kinh Qur’an được mô tả như phát ngôn của chính bản thân Thượng đế trời. Tóm lại, cốt lõi của giá trị tiếng Ả rập trong kinh Qur’an nằm ở chỗ thứ tiếng đó là lời Thượng đế hóa thân vào ngôn ngữ.

2.2. Tính không thể bắt chước của kinh Qur’an

Bất chấp cách trình hiện này, rằng kinh Qur’an dường như được hưởng lợi từ các phẩm chất cố hữu của ngôn ngữ Ả rập, thì vẫn còn đó phần đông các tác giả cho rằng điều cốt yếu tạo nên tính điển phạm của ngôn ngữ Ả rập có thể quy về cho chính bản thân kinh Qur’an, cho nguồn gốc thần thánh và tính chất “không thể bắt chước[15]” (mu’jiz) của nó (Al-Rummânâni 1998). Quả thực, khái niệm về tính “không thể bắt chước” (i’jâz) của kinh Qur’an là quyết định để hiểu khó khăn của cuộc tranh cãi xoay quanh việc dịch cuốn sách này trong bình diện tính chất sao chép hay bắt chước của việc dịch. Tính không thể bắt chước là kết quả hiển nhiên của thách thức tạo ra một tác phẩm tương đương mà kinh Qur’an đặt ra với người Ả rập thế kỷ 7 cũng như với toàn bộ loài người ở mọi thời đại[16].

Thế nhưng, nếu tính không thể bắt chước chỉ liên quan tới khía cạnh hình thức của kinh Qur’an, như ý kiến mà những người bảo vệ việc dịch kinh Qur’an đưa ra, thì dĩ nhiên việc dịch kinh Qur’an là khả dĩ, song chỉ trong chừng mực nó hướng đến nghĩa của văn bản. Như vậy, vì phải bỏ qua âm vị, nhịp điệu và vần luật[17] nên việc dịch nghĩa sẽ chỉ quan tâm đến mục tiêu thứ hai của cuộc mặc khải kinh Qur’an (theo Al-Nadawi 1997, 13): “sự dẫn dắt” đối với nhân loại, hoặc là “thông điệp” theo các thuật ngữ có vẻ trung tính hơn của lý thuyết dịch truyền thống (Nida và Taber 1982; Jakobson 1960).

Tuy nhiên, ngay cả khi việc dịch kinh Qur’an không thể truyền lại được tính không thể bắt chước về mặt hình thức của nó, thì sự không thể này vẫn “không có nghĩa là dẫn đến [sự không thể của] việc truyền đạt ý nghĩa trong kinh Qur’an bởi việc truyền đạt nghĩa không phủ nhận bằng chứng về tính không thể bắt chước về mặt hình thức của tiếng Ả rập và không làm thay đổi nó. Quả vậy, việc dịch không tác động gì đến giá trị của bằng chứng.” (Al-Munajjed s.d., 17) Đến mức mà, ngoài vai trò mang tính cách mạng của kinh Qur’an trong lịch sử ngôn ngữ Ả rập (giúp ngôn ngữ này chuyển từ văn hóa truyền miệng sang văn hóa chữ viết được xướng đọc), công việc dịch thuật còn khiến kinh Qur’an được ghi nhận lần thứ hai về mặt lịch sử, bởi mỗi bản dịch lại là một bằng chứng về thời kỳ và bối cảnh xung quanh cách hiểu của nó. Tuy không thể bắt chước, nhưng kinh Qur’an lại không chỉ sẵn sàng cho việc diễn giải, việc dịch, mà còn “mời gọi” giống như Benjamin đã nói theo cách đọc của Derrida: “thoạt tiên ông mong muốn quay về với cái mà ông vẫn còn gọi là ‘bản gốc’, không phải vì bản gốc ấy sản sinh ra những người tiếp nhận nó hay những người dịch nó, mà vì nó cần có họ, đòi hỏi họ, yêu cầu họ hoặc ra lệnh có họ bằng cách đặt ra luật lệ.” (Derrida 1985, 224)

Dẫu lời bảo vệ cho việc dịch kinh Qur’an có thể được hiểu là cần thiết để bảo vệ chức năng truyền đạo của văn bản này hoặc thêm nữa là đáp lại các bản dịch cạnh tranh từ các nhà phương Đông học “có dụng ý xấu” (muốn áp đặt cách trình hiện bất lợi về Islam giáo), thì cũng không thể phủ nhận rằng nó bao hàm một thách thức mới đối với tín đồ Muslim sống ở kỷ nguyên toàn cầu hóa và thông tin. Thách thức dân chủ hóa việc đọc, việc diễn giải và việc hiểu thông qua dịch. Hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây, cộng thêm tình hình địa phương và quốc tế suốt hai mươi lăm năm qua, việc dịch văn bản thiêng này ngày nay buộc tín đồ Muslim phải đứng ra đáp lại. Thách thức kinh Qur’an đặt ra từ nay không còn nhắm đến những ai không tin vào thông điệp nữa mà nhắm đến những ai viện dẫn thông điệp.

2.3. Kinh Qur’an trong cầu nguyện

Có thể thấy rất nhiều tác phẩm đương thời chỉ trích dữ dội việc dịch kinh Qur’an, họ gọi các bản dịch đó là một “cách tân tôn giáo (bid’ah)” và một sự “tấn công đánh vào lời thánh, […] một hành động xấu xa xảo trá […] khiến kinh Qur’an thiêng liêng có nguy cơ phải thay đổi trạng thái hiện tại[18]”, song vẫn còn đó vấn đề án lệ đã tồn tại từ rất xưa cho thấy các học giả, vào những thế kỷ đầu của đạo Islam, đã xem xét tính có thể dịch của kinh Qur’an trên tinh thần nào. Để bảo vệ tính hợp pháp của việc dịch kinh Qur’an, những người ủng hộ đều đồng loạt dẫn lại ý kiến pháp lý (fatwa) của trường phái Hanafi[19], theo đó nghi lễ cầu nguyện – kinh Qur’an được xướng đọc trong tất cả mười bảy lần hành lễ (rakah) hằng ngày – có thể được thực hiện bằng ngôn ngữ của bản dịch. Trong lập luận của mình, Abu Hanifa đặc biệt dựa vào việc bạn đạo của Thiên sứ Muhammad là Salmân al-Fârisi (người Ba Tư), đã hồi đáp lời yêu cầu khẩn thiết từ những người Muslim Ba Tư mà dịch cho họ surah đầu tiên trong kinh Qur’an, al-Fâtiha (Khai đề), nhờ đó giúp họ được đọc bản dịch sang tiếng Ba Tư “cho đến khi cái lưỡi của họ nhẹ hơn trong việc [phát âm ngôn ngữ] Ả rập[20].” Nhiều tác giả khác lại đi xa hơn khi phản đối ý kiến của các môn đồ của Abu Hanifa (Abu Yusuf và Muhammad) cho rằng

cầu nguyện sẽ không có giá trị gì nếu tín đồ biết tiếng Ả rập bởi kinh Qur’an là lời kêu gọi [đặc biệt] đến hình thức Ả rập (“Ta đã làm một qur’ân [bài đọc][21] bằng tiếng Ả rập” [Kinh Qur’an, 43,3]) […] ở đây nên hiểu là hình thức của Kinh Qur’an. Tương tự (“Quả thật, điều này có trong các Tờ Kinh Cũ; Các Tờ Kinh của Ibrahim và Musa[22]” [Kinh Qur’an, 87,18-19]) nên nhớ các tờ kinh của Abraham được viết bằng tiếng Syriac còn các tờ kinh của Moise được viết bằng tiếng Hebrew; điều này có nghĩa rằng các tờ kinh này thảy đều là bài đọc (qur’ân) [và tính Ả rập của kinh Qur’an] không có gì mâu thuẫn với việc những thứ không bằng tiếng Ả rập vẫn là một [bài đọc] chỉ bởi vì nó không được đặt tên như thế. [Bài đọc] có thể bằng các ngôn ngữ khác với tiếng Ba Tư […] bởi điều được mặc khải là ý nghĩa, và ý nghĩa thì không thay đổi khi ngôn ngữ thay đổi[23].

Nên lưu ý rằng chủ nghĩa thực dụng của các nhà luật học Hanafi – cũng như ý thức của họ về thứ bậc giữa các nghĩa vụ tôn giáo – là điều khiến họ khẳng định rằng xướng đọc bản dịch kinh Qur’an khi cầu nguyện dù sao cũng còn hơn bỏ qua một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đạo Islam. Nhưng điểm nhượng bộ này lại rất quan trọng bởi nó là một trong những luận điểm ưu tiên mà những người bảo vệ việc dịch kinh Qur’an sử dụng để biện minh cho tính hợp pháp của việc dịch.

Đây là trường hợp, trong số nhiều trường hợp khác, được kể đến trong nghiên cứu mà vị sheikh Muhammad Mustaphâ al-Marâghi công bố năm 1932, sau khi Đế chế Ottoman sụp đổ vào những năm 1920 và tiếp sau các biện pháp gây tranh cãi của chính khách dân tộc chủ nghĩa Atatürk: xướng đọc kinh Qur’an bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khi cầu nguyện và xuất bản bản dịch kinh Qur’an được phiên ra chữ cái Latin mà không cần đính kèm văn bản tiếng Ả rập (Al-Neifer 2006).

Trong bản in lần thứ hai nghiên cứu của mình, Al-Marâghi không chỉ dựa vào quan điểm truyền thống nhưng vẫn không kém phần táo bạo của trường phái Hanafi mà còn phát triển luận điểm theo hướng ủng hộ cho “tính hợp pháp” của việc dịch kinh Qur’an theo lý luận của ba trường phái luật pháp chính yếu khác của dòng Sunni (Maliki, Hanbali và Shafi’i).

2.4. Các trình hiện về hành động dịch

Tuy nhiên, bất chấp bản tóm tắt án lệ được tham khảo rất nhiều này[24], các cuộc tranh cãi thời hiện đại vẫn tiếp tục diễn ra hết sức gay gắt và từ đó giúp chúng ta khám phá những phong trào bảo thủ mà dẫu không chất vấn về tính có thể dịch được của kinh Qur’an thì vẫn miệt mài không chỉ chứng minh tính bất hợp pháp của việc dịch kinh Qur’an (dù nhu cầu có khẩn thiết tới đâu) mà còn phát triển một lý thuyết về cái hiện tượng dịch đã đồng hóa văn bản được mặc khải với một tác phẩm văn học. Quả thực, cơ hội dẫn đến khả năng dịch được kinh Qur’an sẽ giảm thiểu rất nhiều khi nội dung và hình thức của kinh Qur’an bị quy là nhất định không thể tách rời. Bởi kinh Qur’an chỉ có thể tồn tại trong thể hợp nhất giữa thông điệp nó truyền tải và chất thơ của nó (thách thức về mặt tu từ) nên việc dịch kinh Qur’an trở nên khó khăn đến nỗi mà rốt cuộc người ta không dám bắt tay vào thực hiện. Như vậy, có thể thấy rằng nếu chức năng duy nhất của kinh Qur’an là gây ảnh hưởng (nghịch thời) lên người Ả rập thuộc bán đảo Ả rập thế kỷ 7, nghĩa là tác động được tới họ vừa bằng ngôn ngữ hùng biện cấp độ rất cao vừa bằng tình cảm chứa trong thông điệp của nó (không có Thượng đế nào khác ngoài Allah và toàn bộ đạo đức xuất phát từ đó), thì cái sau sẽ khó mà đạt được. Điều đó có nghĩa là cuốn sách thiêng chỉ có giá trị duy nhất trong thời kỳ nó được mặc khải và tính Ả rập trong nó có ưu thế hơn tham vọng phổ độ nhân loại của nó.

Nói theo cách của thuyết mà trong dịch thuật ta vẫn gọi là lý thuyết Skopos[25], nói cách khác là xem xét cả mục đích cũng như bối cảnh tiếp nhận bản dịch – hơn nữa còn có thể khác hoàn toàn so với mục đích và bối cảnh tiếp nhận văn bản gốc -, thì bản dịch kinh Qur’an sẽ có một chức năng biến đổi hoàn toàn chức năng kép ban đầu của kinh Qur’an, tức là thuyết phục những người tiếp nhận đầu tiên thông qua nghệ thuật tu từ xuất sắc bằng tiếng Ả rập.

Ngược lại, những người ủng hộ việc dịch kinh Qur’an lại đưa ra một cách trình hiện bản dịch rất khác. Kinh Qur’an không còn là độc nhất không thể bắt chước do sự hợp nhất bắt buộc của hai mục đích chính yếu (thách thức về hình thức và đạo đức của thông điệp), mà đúng ra nó có tính không thể bắt chước một cách tách rời. Nếu hai mục đích này đã từng hợp nhất vào một thời điểm lịch sử nào đó, thì cũng không gì ngăn được việc về sau nó vẫn không thể bắt chước và vẫn linh thiêng, bởi nó là lời Thượng đế. Quả vậy, sau này, người ta sẽ ít bàn đến tính không thể bắt chước về mặt hình thức[26] theo hướng ngôn ngữ và hùng biện (trừ một số lượng rất hạn chế những tác giả lác đác nào đấy), mà chủ yếu bàn đến tính không thể bắt chước về mặt nội dung[27]. Theo hướng này, bởi chức năng của việc dịch đã thay đổi, việc truyền tải các mức độ nội dung khác nhau của kinh Qur’an lại mang vào giá trị cốt lõi.

Vậy nhưng, một quan niệm như trên về việc dịch (tách rời hình thức và nội dung) lại khó mà trụ vững được nếu đặt vào tương quan với dịch thuật đương đại. Tuy nhiên, chính từ đó lại đặt ra sự phân biệt cơ bản giữa văn bản kinh Qur’an và văn bản văn học. Khi nghiền ngẫm các nghiên cứu trong văn học hiện đại phương Tây (lý thuyết, lịch sử, phê bình, v.v.) cũng như toàn bộ các ngành có liên quan khác, ta nhận thấy văn bản văn học đã đạt đến một vị thế đỉnh cao không thể chạm tới nhất định, đến mức nó biến thành thiêng liêng.

Quả vậy, với sự lên ngôi của quyền tác giả tại Pháp và Anh trong thế kỷ 18, ta hiểu ra rằng chính nhờ vị thế tác giả được nâng cao mà một sự thay đổi giá trị như vậy mới diễn ra. Mới đây thôi, xuất phát từ thuyết cấu trúc và đặc biệt là thuyết hậu cấu trúc, sự tự trị hóa văn bản văn học mới trở nên triệt để, đến mức mà cùng với “cái chết của tác giả” (Barthes 1984, 61-67), tính siêu việt truyền thống của văn bản văn học từ nay đã hoàn toàn chuyển hướng sang tính nội tại của văn bản. Như vậy, tới thời mà không có gì được thừa nhận là linh thiêng nữa ngoại trừ tính văn chương của văn bản, dịch thuật đương đại đã biến lối hiểu theo nghĩa đen hay nhịp điệu (tôn trọng hình thức và hệ thống ký hiệu của văn bản nguồn) thành một trong những chiến mã của mình (xem thêm Berman 1998; Meschonnic 1999). Từ góc nhìn đó, nếu văn bản thiêng không còn vị thế tách rời nữa mà nhập vào đại gia đình các văn bản văn học, thì việc dịch văn bản thiêng đó rốt cuộc lại được đánh giá theo mức độ phụ thuộc lẫn nhau tất yếu và chặt chẽ giữa nhiều cấp độ nội dung và hình thức. Theo hướng này, toàn bộ đạo đức dịch thuật kế thừa từ thông diễn học của Schleiermacher và các dịch giả lãng mạn Đức[28] được thể hiện qua việc tôn trọng hình thức của văn bản nguồn.

Tuy nhiên, dịch văn bản thiêng (ít nhất là kinh Qur’an) mà tuân thủ đúng các đòi hỏi này thì sẽ khiến văn bản ấy trở nên hạn chế đáng kể. Bởi dẫu ngôn ngữ Ả rập có xuất sắc ra sao và chất thơ trong kinh Qur’an có tinh tế nhường nào thì những gì mà việc dịch có khả năng giữ lại được vẫn sẽ rất khác so với những gì mà những người không nói tiếng Ả rập có quyền đòi hỏi ở một thông điệp hướng đến nhân loại, mong đạt tầm phổ quát (Kinh Qur’an, 21, 107; 25, 1; 87,38[29]). Do vậy, vấn đề đặt ra hẳn là đặt mình vào góc nhìn ở điểm tuyệt đối và tự hỏi liệu có phải sau khi được dịch, kinh Qur’an không còn giữ lại được gì từ lời Thượng đế mặc khải cho Muhammad, hay đúng hơn, vấn đề được lịch sử hóa là tìm hiểu xem liệu quyền của nhân loại (dĩ nhiên phần lớn không hề Ả rập hóa) có phải là được nhận thông điệp thánh thần trong toàn bộ sự đa dạng ngôn ngữ hậu Babel hay không?

Cuối cùng, để kết thúc, có thể nói cuộc tranh cãi về việc dịch kinh Qur’an chủ yếu tóm lược lại ở hai nghịch lý chính, từ đó sinh ra các trình hiện khác nhau về việc dịch trong số các học giả Muslim. Nghịch lý thứ nhất liên quan đến nguyên tắc phổ quát của đạo Islam, dường như đi ngược lại với việc kinh Qur’an sử dụng ngôn ngữ Ả rập. Làm cách nào đạt tới tính phổ quát của thông điệp khi mà thông điệp không ngừng khẳng định[30] nó được mặc khải bằng một thứ “tiếng Ả rập trong sáng” (Qur’an, 16, 103)? Nghịch lý thứ hai liên quan đến sự trở lại hiện nay của cuộc tranh cãi như trên – kèm theo đó là các thái độ phản kháng bất lợi cho việc dịch – vào thời điểm việc phân bổ tín đồ Muslim khắp toàn cầu không còn giống như cách phân bổ trong các thời đại đã qua và mối quan hệ với kẻ khác đã trở nên phức tạp do có sự hiện diện (vô cùng xưa cũ) của đạo Islam tại các không gian không chỉ không thuộc về người Ả rập mà còn đa văn hóa. Sự trở lại này liệu có đơn giản là đúng lúc, nếu xét đến sự phát triển của các bối cảnh lịch sử và chính trị toàn cầu, hay đúng ra nó chỉ là dịp để tái định hình căn cước Muslim và các nền tảng của căn cước ấy xét theo tương quan của căn cước này với thế giới và với nhận thức về tính lịch sử của nó?

3. Thay lời kết

Mọi thứ trong thông điệp tôn giáo của đạo Islam dường như đều chỉ ra rằng đạo này ủng hộ việc dịch kinh Qur’an. Ở cấp độ án lệ chẳng hạn, chúng ta cũng đã liệt kê được một số công trình dịch một phần kinh Qur’an được thực hiện ngay khi Muhammad còn sống mà không vấp phải bất cứ sự bác bẻ nào từ Người, đây chính là dấu hiệu của tính hợp pháp theo án lệ Islam.

Nhưng ngày nay, điều quan trọng hơn cả là xem xét quan điểm của các lãnh đạo tối cao Islam giáo đối với vấn đề: kinh Qur’an. Tất cả các tín đồ Muslim đều nhất trí cho rằng đạo Islam là một tôn giáo phổ quát và từ khi được mặc khải, nó đã mang giá trị không phụ thuộc vào thời gian và không gian. Đây là điều mà chính bản thân kinh Qur’an cũng đề cập tại nhiều tiết: “Hãy bảo (họ): ‘Hỡi nhân loại! Ta là Sứ giả của Allah được cử phái đến cho tất cả các người […]’” (Qur’an, 7,158; xem thêm 4,79; 21,107; 34,28; v.v.). Thông điệp phổ quát của đạo Islam và toàn bộ các giáo lý của nó được truyền tải đến nhân loại thông qua kinh Qur’an: “[…] Và Ta đã ban cho ngươi kinh sách trình bày rõ tất cả mọi điều; và là một chỉ đạo[31], một hồng ân và tin mừng cho những người Hồi giáo.” (Qur’an, 16,89) Thông điệp này được truyền tải đến nhân loại qua ngôn ngữ Ả rập. Tuy nhiên, nếu thông điệp này cứ mãi là ngôn ngữ Ả rập thì rõ ràng nó sẽ không thể được dùng như “một chỉ đạo” hay “sách trình bày” hòng làm rõ mọi điều gửi đến nhân loại, bởi phần lớn các dân tộc trên thế giới không nói tiếng Ả rập. Chưa kể kinh Qur’an còn nhắn nhủ chúng ta: “Và không một sứ giả nào đã được Ta phái đến mà lại không nói thứ tiếng của người dân của y, mục đích để y trình bày rõ…” (Kinh Qur’an, 14,4).

Như vậy, đồng thời đứng từ quan điểm thuần tôn giáo, thì có thể khẳng định việc dịch kinh Qur’an không hề bị cấm đoán. Tuy nhiên, như ta sẽ nhận thấy trong chính bài viết này, một số yếu tố vừa được bổ sung vào chiều kích pháp lý có thể thay đổi kết quả lập luận. Một mặt, có những kế thừa từ lịch sử và những sự kiện văn hóa không phải không đáng kể, xứng đáng được nghiên cứu sâu hơn dưới góc độ các bản dịch như là công cụ áp bức[32]. Mặt khác, chúng ta cũng đã thấy rằng các khó khăn cả về mặt pháp lý lẫn ngôn ngữ mà dịch giả phải đối diện khi xử lý văn bản kinh Qur’an như đối tượng dịch thường bị chi phối bởi các quan điểm dịch khác nhau.

Nên nhấn mạnh thêm rằng bài viết này không có tham vọng đưa ra một nghiên cứu toàn diện. Mặc dù một số khó khăn, chẳng hạn thuộc phạm trù ngữ pháp, phong cách hay tu từ, có thể là đối tượng của nhiều nghiên cứu tương đối nghiêm túc, song hiển nhiên cũng còn xa ta mới khảo sát được trọn vẹn các vấn đề tiềm năng mà văn bản kinh Qur’an có thể đặt ra trong tương lai. Trong trường hợp một số khó khăn khác, chẳng hạn vần và vần lỏng, các tổ hợp ngữ âm, vần thông và sự tương quan giữa ký hiệu và ngữ âm, vẫn có vô số đường hướng mở ra cho công cuộc nghiên cứu. Tóm lại, không phóng đại khi nói rằng lĩnh vực dịch trọn vẹn kinh Qur’an cần một bản lịch sử vấn đề nhằm thống kê các nghiên cứu đã tồn tại đến nay, kèm theo đó là bản liệt kê các đề tài đã được khảo sát cùng các khó khăn được đề cập.


Với Gadamer, bản dịch thành công là một trường hợp hợp nhất các chân trời cần phải có để hiểu được bản thân và người khác (Gadamer 1996, 405-411). Trong thời kỳ lãng mạn ở Đức, phong trào Bildung đã coi phát triển văn hóa là bất khả thi nếu không đi qua người khác trước khi quay trở lại với bản thân đã lớn thêm lên (xem thêm Berman 1984). Thêm lần nữa, chính nhờ việc dịch mà ta thực hiện được hành động đi vòng qua người khác để đến với bản thân mình. Dịch là sự phản chiếu mối quan hệ của chúng ta với người khác, là mong muốn tiến về phía người khác để hiểu họ, để hiểu chính mình. Do vậy, chúng tôi hy vọng có thể thông qua một quan điểm dịch thuật tương tự mà chiêm nghiệm về cuộc khủng hoảng văn hóa đang càn quét thời đại chúng ta.

“Và trong các dấu hiệu của Ngài là việc tạo hóa các tầng trời và trái đất và sự khác biệt về ngôn ngữ và mầu da của các người. Quả thật, trong sự việc đó là những dấu hiệu cho một số người biết nghe.” (Kinh Qur’an, 30,22)

“Hỡi nhân loại! Ta đã tạo hóa các người từ một người nam và một người nữ và làm cho các người thành quốc gia và bộ lạc để các người nhận biết lẫn nhau. Quả thật, dưới cái nhìn của Allah, người vinh dự nhất là người ngay chính và sợ Allah nhất trong các người. Quả thật, Allah biết hết, rất am tường.” (Kinh Qur’an, 49, 13)

Phùng Hồng Minh dịch

[1] Một trong các bạn hữu của Thiên sứ Muhammad, từng có thời gian là tổng trấn một trong các tỉnh xứ Ba Tư dưới thời Khalip ‘Omar ibn al-Khattâb (qua đời năm 644). (Các chú thích không lưu ý gì thêm đều là của tác giả.)

[2] Bản tiếng Việt kinh Qur’an được sử dụng trong bài này đều lấy từ Thiên kinh Qur’an và bản dịch ý nghĩa nội dung bằng Việt ngữ của Trung tâm Ấn loát Quốc vương Fahad về việc xuất bản Thiên kinh Qur’an. (Chú thích của người dịch – ND.)

[3] Từ căn ba phụ âm ‘araba, gốc tên gọi của ngôn ngữ này, xuất phát từ động từ ‘aaraba nghĩa là “trình bày”, “diễn đạt”.

[4] Người Muslim truyền thống thường dùng thuật ngữ này để chỉ những người theo phong trào Ahmadiyya – một phong trào cải cách Islam giáo do Mirza Ghulam Ahmad khởi xướng tại Penjab, Pakistan, vào cuối thế kỷ 19 (ND).

[5] Có thể hiểu bản dịch mang tính giáo phái là một bản dịch được thực hiện theo một lối diễn giải hoặc một nghĩa ít thấy của các tiết kinh, đến mức không còn tương ứng với nghĩa ban đầu xuất hiện trong đầu người nói tiếng Ả rập khi lần đầu nghe thấy các tiết đó.

[6] Abul Hakim Khan (Patiala 1905); Dehlawi Mirza Hairat (Delhi 1912) và Mirza Abu’l Fadl (Allahabad 1912).

[7] Xem Kidwai 1998 để biết thêm thông tin về một số bản dịch sang tiếng Anh.

[8] Dịch bởi Muhammad Taqi-ud-Din Al Hilali và Muhammad Muhsin Khan. Bản dịch này đã được chính phủ Ả rập Xê út thông qua để mỗi năm lại phân phối hàng triệu bản in trên khắp thế giới thông qua các đại sứ quán của mình. Có thể hiểu danh tiếng bản dịch này có được là nhờ kinh phí khổng lồ dành cho việc phát hành.

[9] Xem http://www.iesr.ephe.sorbonne.fr/index.html?id=3763.

[10] Tổng hai surah đầu chưa chiếm tới một phần mười hai tổng tập kinh Qur’an.

[11] Phong trào văn hóa xã hội của người Muslim phi Ả rập đòi có được một vị thế và quyền bình đẳng với các công dân Ả rập. Phong trào góp phần vào sự sụp đổ của triều đại Umayyad và đưa triều đại Abbasid lên nắm quyền. Triều đại này khuyến khích họ tự hào khẳng định nguồn gốc phi Ả rập của mình.

[12] Chẳng hạn có thể xem thêm “Đế chế Ottoman” (2001-2004).

[13] Ý kiến, sắc lệnh hay nghị quyết được một chuyên gia về luật Islam giáo đưa ra trước một vấn đề nào đó mà án lệ của Islam giáo quy định không rõ ràng, theo yêu cầu của một cá nhân hoặc một thẩm phán. (ND)

[14] Vấn đề ở đây không phải là phổ biến kiến thức Islam giáo thông qua dân tộc tính Ả rập, mà lấy văn bản gốc bằng tiếng Ả rập làm tài liệu tham khảo duy nhất.

[15] Hoặc “không thể vượt qua/không thể khắc phục”, theo cách diễn đạt của Jacques Berque (1980, 164).

[16] Về thách thức từ tính không thể bắt chước của kinh Qur’an, xem thêm các tiết sau trong kinh Qur’an: 2,23; 10,38; 11,13; 17,88, v.v.

[17] Các yếu tố được Meschonnic coi là cốt yếu trong văn bản văn học và được dịch thuật truyền thống dành cho rất ít chỗ, thậm chí là hy sinh hẳn nhân danh sự “trung thành” (xem thêm Meschonnic 1999, 82-96).

[18] Nói cách khác là thay đổi việc bảo quản kinh Qur’an (Al-Safi 1992, 26).

[19] Một trong bốn trường phái pháp luật nổi tiếng nhất do Al-Nu’mân Ibn Thâbit Abu Hanîfa (699-767) sáng lập tại Kûfâ, Irak.

[20] Xem thêm Al-Sarkhasi trong tác phẩm “Kitâb al-mabsût”, trích dẫn bởi Al-Munajjed (s.d., 24).

[21] Từ “qur’ân” trong tiếng Ả rập mang nghĩa đen là “đọc” hoặc “xướng đọc”.

[22] Abraham và Moise. (ND)

[23] Diễn giải của Fakhr al-Dîn al-Zeyla’î về Al-Kanz, trích dẫn bởi Al-Munajjed (s.d., 25).

[24] Đặc biệt xem thêm các đóng góp của hai trong số những gương mặt quyền lực nổi tiếng nhất lĩnh vực luật pháp Islam giáo: Ibn Taymiyya (qua đời tại Damas năm 1328) trong tác phẩm “Naqdh al-Mantiq” [Mâu thuẫn của logic] đã nói: “Rõ ràng là cộng đồng các tín đồ được lệnh phải truyền bá kinh Qur’an, bằng cả hình thức lẫn ý nghĩa của nó; tương tự như vậy, việc truyền bá đến những người không nói tiếng Ả rập cũng có thể sẽ đòi hỏi kinh Qur’an phải được dịch trong chừng mực có thể. Quả thực, bản dịch tốt phải viện đến lối nói thậm xưng hoặc phúng dụ hòng thể hiện được ý nghĩa của các hình ảnh.” Al-Shatibî (qua đời tại Grenade năm 1288) về phần mình, qua tác phẩm “al-Muwafaqât” [tuân thủ các nguồn luật thần thánh], cũng phát ngôn theo hướng có lợi cho việc dịch trong chừng mực việc dịch giống như một nỗ lực chú giải, rằng không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện việc dịch và diễn ngôn Qur’an không dừng lại ở vẻ đẹp hùng biện của nó, mà thách thức quan trọng nhất là sao cho văn bản dịch ghi dấu ấn trong văn hóa của ngôn ngữ đích.

[25] Skopos là một từ Hy Lạp có nghĩa “mục đích”, hoặc “chức năng”. Lý thuyết còn được gọi là “công năng chủ nghĩa” này bắt đầu tại Đức vào cuối những năm 1970 do Hans Vermeer sáng lập. Các đại diện chính của lý thuyết này gồm có Hans Hönig, Paul Kussmaul, Katharina Reiss, Christiane Nord, và Christina Schäffner.

[26] Từ đầu thế kỷ 20, ta thấy xuất hiện một kiểu không thể bắt chước (i’jâz) về mặt hình thức mới. Đây là i’jâz số học, dựa vào các công thức toán đơn giản mà chứng minh sự phân bổ số lượng từ và chữ trong kinh Qur’an có độ cân bằng và hoàn hảo bất thường.

[27] Các nhà chú giải Muslim và các nhà ngôn ngữ nghiên cứu tiếng Ả rập ngày nay đều nhất trí cho rằng việc tiếp nhận, nghe và nói ngôn ngữ Ả rập không làm nảy sinh ở người đối thoại cùng một trải nghiệm như trải nghiệm của người cách đây mười bốn thế kỷ. Đối với những người Ả rập cùng thời với Muhammad, trải nghiệm hiện sinh sâu sắc nhất diễn ra qua sự trung gian của ngôn ngữ. Thơ ca là thứ đóng vai trò quan trọng nhất, xác thực nhất, đáng kính nhất trong thế giới của họ. Chính điều này đã dẫn đến hệ quả là trong phần lớn trường hợp, họ chỉ cần nghe vài tiết trong kinh Qur’an là đủ để nhập mình vào đó, bởi theo họ, nhịp điệu ấy, phong cách ấy, lối kết hợp từ ngữ ấy, những hình ảnh ấy, khả năng hùng biện ấy… đâu người trần nào có thể cứ đơn giản mà tạo ra được. Nhưng khả năng thưởng thức ngôn ngữ về mặt tinh thần gần như thần bí này lại đã bị mai một từ lâu. Như vậy có nghĩa là điều mà người Muslim gọi là khía cạnh kỳ diệu của ngôn ngữ trong kinh Qur’an đối với họ không còn là điều quan trọng bậc nhất trong kinh Qur’an nữa. Nói vậy không hề có nghĩa là họ đã thôi thừa nhận kinh Qur’an. Mà thực tế sự chú ý đã chuyển sang khía cạnh khác. Trong khi vẫn tồn tại (dù rất ít) các nghiên cứu về chủ đề và ngôn ngữ của kinh Qur’an, thì có thể thấy mối quan tâm ngày một tăng dành cho các phân tích có tính khoa học (al-i’jâz al-’ilmî): cách nhắc đến các yếu tố tự nhiên và không gian trong kinh Qur’an được sắp xếp chỉn chu, chặt chẽ và mang tính khoa học xác thực đến mức ta không thể gán cuốn sách này cho ai ngoài Đấng Tạo Hóa. Rõ ràng cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến mong muốn chứng tỏ điều ngược lại với mục đích ban đầu, biến kinh Qur’an thành tác phẩm khoa học chỉ có mỗi chức năng là khẳng định các phát hiện của thời đại ấy. Lưu ý rằng trong số các chuyên gia nổi tiếng nhất về tính không thể bắt chước về mặt khoa học trong đạo Islam đương đại, chỉ cần nhắc đến tên Zaghloul al-Najjâr, người gốc Ai Cập, là đủ; năm 2006, ông từng được trao giải nhân vật Muslim của năm (xem thêm www.elnaggarzr.com).

[28] Một trong những đại diện nổi tiếng nhất của phong trào này là nhà thơ Hölderlin (1770-1843). Xem thêm tác phẩm xuất sắc của A. Berman (1984).

[29] Bản dịch của chúng tôi, cũng như đối với các đoạn khác trong kinh Qur’an.

[30] Đến hơn mười lần.

[31] Bản tiếng Pháp là “guide”, nghĩa là “chỉ dẫn, dẫn đường” hơn là “chỉ đạo”. (ND.)

[32] Với thể loại nghiên cứu mà ở đó việc dịch có thể trở thành công cụ áp bức xã hội-chính trị này, hẳn sẽ rất thú vị nếu có thể xem xét chủ đề này dưới lăng kính của các nghiên cứu hậu thuộc địa, nhất là trong lĩnh vực dịch thuật.

Tài liệu tham khảo

ABOU SHEISHAA, M.A.M. (2001), “A Study of the Fatwa by Rashid Rida on the Translation of the Qur’an”, Journal of the Society for Qur’anic Studies, [Nghiên cứu fatwa của Rashid Rida về việc dịch kinh Qur’an, Nhật báo của Hiệp hội Nghiên cứu kinh Qur’an], 1/1, ở địa chỉ .

ALAWI, Y. và HADIDI (2000) [1421], J. Le Qur’an, voilà le Livre, Traduction annotée accompagnée d’études, de concordances et de lexiques [Kinh Qur’an, chính là Sách này, bản dịch có chú giải kèm các nghiên cứu, bảng tra đối chiếu và từ vựng], tập I, Trung tâm dịch Thánh Kinh Qur’an, Qom.

AL-MUNAJJED, S. (s.d.), Bahth fî tarjamat al-qur’ân al-karîm [Nghiên cứu về việc dịch Thánh Kinh Qur’an], Beyrouth.

AL-NADAWÏ, A.A. (1997), Tarjamât ma’ânî al-qur’ân al-karîm wa tatawwur fahmihiî ‘ind al-gharb [Các bản dịch Thánh Kinh Qur’an và quá trình hiểu kinh Qur’an ở phương Tây], Ả rập Xê út, Mecca.

AL-NEIFER, A. (2006), “Tarjamat al-qur’ân wa mu’dilat al-markaz wa al-atrâf [Dịch kinh Qur’an và vấn đề của trung tâm và ngoại vi]”, (truy cập ngày 2 tháng Tám 2007).

AL-RAZZÂQ, S. A., “La traduction du Saint Qur’an : de la prohibition à la permission” [Dịch Thánh Kinh Qur’an: từ cấm đoán đến cho phép], ở địa chỉ .

AL-RUMMÂNÂNI, A.A.-H. (19983) [tiếng Ả rập, thế kỷ 10], “Thư về tính không thể bắt chước của kinh Qur’an”, trong Thâlâtha rasâ’il fî i’jâz al-qur’ân [Ba thư về tính không thể bắt chước của kinh Qur’an], M. KHALAF-ALLAH và M. Z. SALÂM,biên tập, Cairo, Dâr al-ma’ârif bimismr. Cũng được dịch bởi S. Basalamah trong khuôn khổ luận văn chương trình DEA, Lyon, Đại học Lumière Lyon 2.

AL-SAFI, O.A.-Q. (1992), Al-Qur’an al-Karim. Bid’iyyatu tarjamati alfad- hihi wa ma’anihi wa tafsirihi wa khataru al-tarjamati ala masari al- da’wati wa nashri al-islam [Thánh Kinh Qur’an. Cách tân (tôn giáo) trong việc dịch], Beyrouth / Damas / Amman, al-maktab al-islami.

ARBERRY, A.J. (1955), “Preface for Part One” [Lời tựa cho phần Một], trong MUHAMMAD, The Koran Interpreted [Kinh Qur’an diễn giải], 2 tập. / bản dịch của A. J. Arberry, Londres / New York, Allen & Unwin / Macmillan; ở địa chỉ http://arthurwendover.com/arthurs/koran/koran-arberry10.html (truy cập ngày 13 tháng Tám 2007).

ASAD, M. (20035) [1980], The Message of the Qur’ân [Thông điệp của kinh Qur’an], Dubai, The Book Foundation.

BARTHES, R. (1984) [1968], Le bruissement de la langue [Tiếng lao xao của ngôn ngữ], Paris, Seuil.

BERMAN, A. (1984), L’épreuve de l’étranger [Thử thách của kẻ ngoại quốc], Paris, Gallimard.

———— (1999), La traduction et la lettre ou l’auberge du lointain [Dịch và thư hay quán trọ chốn xa xăm], Paris, Seuil.

BERQUE, J. (1980), L’islam au défi [Đạo Islam trước thách thức], Paris, Gallimard (Tập tiểu luận).

BINARK, I. và E. HALIT (1986), World Bibliography of the Translations of the Meanings of the Holy Qur’an [Danh mục sách thế giới về các bản dịch nghĩa Thánh Kinh Qur’an] / biên soạn bởi I. Ekmeleddin, Istanbul, Trung tâm Nghiên cứu OIC.

BURMAN, T. E. (1998), “Tafsîr and Translation: Traditional Arabic Qur’ân Exegesis and the Latin Qur’ans of Robert of Ketton and Mark of Toledo” [Tafsîr và việc dịch: Chú giải kinh Qur’an truyền thống tại Ả rập và các bản dịch kinh Qur’an sang tiếng Latin của Robert de Ketton và Mark de Toledo], Speculum, 73/3, trang 703-732.

CHODKIEWICZ, M. (2002), “Le Qur’an, voilà le Livre, Yahya Alawi; Javad Hadidi, Review” [Kinh Qur’an, Chính là Sách này, Yahya Alawi; Javad Hadidi, Phê bình], Studia Islamica, 94, trang 188-190.

CHOURAQUI, A. (1990), “Liminaire” [Lời mào đầu], trong MUHAMMED, Al-Qur’ân / Kinh Qur’an. Lời kêu gọi / bản dịch của A. Chouraqui, Paris, Robert Lafont; ở địa chỉ http://nachouraqui.tripod.com/id16.htm (truy cập ngày 2 tháng Tám 2007).

DERRIDA, J. (1985), “Des tours de Babel” [Những ngọn tháp Babel], trong J. F. GRAHAM, biên tập, Difference and Translation [Khác biệt và việc dịch], Albany, State University of New York.

FADL, M. A. (1912), The Qur’an Translated into English from the Original Arabic [Kinh Qur’an dịch sang tiếng Anh từ bản gốc tiếng Ả rập], Allahabad.

GADAMER, H.-G. (1996) [1976, tiếng Đức 19652, 1960], Vérité et méthode. Les grandes lignes d’une herméneutique philosophique [Sự thật và phương pháp. Các nét chính về một nền thông diễn triết học] / bản in đầy đủ được kiểm tra và bổ sung bởi P. Fruchon, J. Grondin và G. Merlio, Paris, Seuil.

HAIRAT, D. M. (1912), chủ biên, The Koran: Prepared by Various Oriental Learned Scholars and Edited by Mirza Hairat [Kinh Qur’an: Soạn bởi Nhóm các học giả nghiên cứu phương Đông và biên tập bởi Mirza Hairat], Delhi.

HAMIDULLAH, M. (1989), “Dẫn nhập”, trong Kinh Qur’an / bản dịch của M. Hamidullah, Maryland, Amana Corp., tr. v-xxxiv.

JAKOBSON, R. (1960), “Ngôn ngữ và chất thơ”, trong T. SEBEOK, biên tập, Phong cách trong ngôn ngữ, Cambridge, Cambridge University Press, trang 350-377.

KHAN, A. H. (1905), Thiên Kinh Qur’an, Patiala.

KIDWAI, A. R. (1998), “English Translations of the Holy Qur’an. An Annotated Bibliography” [“Các bản dịch tiếng Anh của Thiên Kinh Qur’an. Danh mục sách có chú giải”], (truy cập ngày 13 tháng Tám 2007).

MESCHONNIC, H. (1999), La poétique du traduire [Chất thơ trong hành động dịch], Paris, Verdier.

MINGANA, A. (1925), “An Ancient Syriac Translation of the Kur’an Exhibiting New Verses and Variation” [Bản dịch kinh Qur’an sang tiếng Syriac cổ trình bày các tiết và dị bản mới], Tập san của thư viện John Rylands, 9, trang 188-235.

NIDA, E. và C. TABER (1982) [1969], The Theory and Practice of Translation [Lý thuyết và thực hành dịch], Leiden, Brill.

“Đế chế Ottoman” (2001-20046), trong Bách khoa thư Columbia, New York, Columbia University Press; ở địa chỉ (truy cập ngày 13 tháng Tám 2007).

QARRA’I, A.Q. (1999), A Glance at the History of the Translation of the Qur’an [Nhìn qua lịch sử dịch kinh Qur’an], Qom, Trung tâm Dịch thuật Thiên Kinh Qur’an.

RIDA, R. (1326/1908) Al-Manar (Hải đăng), Cairo, Matba’at al-Manar, 11/4, trang 268-274.

SALE, G. (1882), “Preface to the Preliminary Discourse and Translation” [“Lời nói đầu cho bài luận mở đầu và bản dịch”], trong M. A. WHERRY, A Comprehensive Commentary on the Qur’an [Bình chú trọn bộ Kinh Qur’an], Luân Đôn, Trübner & Co., trang 3-11; ở địa chỉ (truy cập ngày 2 tháng Tám 2007).

VON DENFFER, A. (2001) [tiếng Anh 1994], Comprendre le Qur’an. Introductions aux sciences du Qur’an [Hiểu kinh Qur’an. Các dẫn nhập về khoa học kinh Qur’an] / bản dịch của R. Ousseiran, Lyon, Tawhid.

(Nguyên bản: « Les débats autour de la traduction du Qur’an : entre jurisprudence et traductologie » đăng trên Các vấn đề thần học, tập 15, số 2, 2007, trang 89-113.

Zzz Review xin cảm ơn hai tác giả đã đồng ý cho chúng tôi dịch đăng bài viết này.)

Bio

Phùng Hồng Minh

Tự mình cũng không biết rõ năm sinh, hiện đang sống và làm việc khu vực quanh Hà Nội.

Một Qari, có nghĩa là trong ngôn ngữ Ả Rập, người đọc Qur hèan với các quy tắc Tajweed thích hợp và giọng nói hay. Số nhiều của nó trong tiếng Ả Rập là (Hồi Qurraa Hồi قاء). Để trở thành một QARI, bạn không cần phải ghi nhớ Kinh Qur'an nhưng, nó được ưa thích. Quadrumvirate của Abdul-Basit, El Minshawy, Mustafa Ismail và Al-Hussary được coi là theo hầu hết thế giới Hồi giáo là những người đọc nổi tiếng nhất thời hiện đại khi họ có ảnh hưởng lớn đến thế giới Hồi giáo. Dưới đây là danh sách các bài đọc tiên phong của Kinh Qur'an.Qari’ means in Arabic language ” the one who recites Qur’an with proper Tajweed rules and nice voice”. Its plural in Arabic is (“qurraa” قراء). To be a Qari’, you do not need to memorize the Quran but, it is preferred. The quadrumvirate of Abdul-Basit, El Minshawy, Mustafa Ismail, and Al-Hussary are considered according to most of Islamic world the most famous reciters of modern times as they had a great influence on the Islamic world. Here is a list of the pioneering reciters of the Quran.

Top 5 người đọc kinh quran hay nhất năm 2022

Afghanistan

  • Muhammad Ibn Tayfour Sajawandi (mất lúc 560 AH). & NBSP; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; anh ấy là & nbsp; Được biết đến với những đóng góp của ông cho Khoa học Hồi giáo về việc đọc và Tajweed, tạo ra một bộ các quy tắc và điểm đánh dấu được sử dụng để chỉ ra cách phát âm và tạm dừng của Kinh Qur'an, được gọi là Sajawandi Dừng dấu hiệu & nbsp; hoặc & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; & nbsp; (died at 560 Ah).                                                                                                                                                                                                     He is  known for his contributions to the Islamic science of Recitation and Tajweed, creating a set of rules and markers used to indicate the pronunciation and pauses of Quranic recital, known as Sajawandi stop signs or Rumuz al-Awqaf as-Sajāwandīy                                                         

Ai Cập

Ở Ai Cập, độc giả cao cấp của Kinh Qur'an được gọi là Shaykh al-Maqari, có nghĩa là người đứng đầu các trường đọc thuộc lòng.Shaykh al-Maqari which means the head of reciting schools.

-Bạn có thể nghe một mẫu đọc thuộc lòng của mỗi qari bằng cách nhấp vào tên của họ.

  • Muhammad Rifat (1882-1950).
  • Mohamed Salamah (1899-1982).
  • Abdul Basit Abus-Samad (1927-1988).
  • Mustafa Ismail (1905-1978).
  • Mahmoud Khalil al-Hussary (1917-1980).
  • & nbsp; Mohamed Siddiq el-Minshawi (1920-1969).

Indonesia

*Nhấp vào mỗi tên Qari, để lắng nghe bài đọc của anh ấy

  • Maria Ulfah
  • Mu hèMin Ainul Mubarak
  • Muammar Z.A.

Người đọc Saudi

*Nhấp vào tên Evey Qari để lắng nghe bài đọc của anh ấy

  • Abdurrahman As-Sodays, người đứng đầu Imam của al-Masjid al-Haram
  • Saad al-Ghamidi
  • Saud Ash-Shuriam
  • Ali Gaber
  • Giá vé Abbad
  • Yaser al-Dooosri
  • Ali al-Huzaifi
  • Mashari Affasi, Kuwait Reciter

Pakistan

  • Waheed Zafar Qasmi
  • Zahir Qasmi

  • Qari Muhammad Farooq
  • Hassan Ali Kasi

Đây là tất cả các tên của Qurraa mà chúng tôi quản lý để thu thập trong danh sách này. Không còn nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều người đọc tuyệt vời khác. Nếu bạn muốn đọc kinh Qur'an rất đẹp và suôn sẻ với các quy tắc Tajweed thích hợp như những người đọc này, hãy tham gia khóa học Tajweed của chúng tôi thông qua liên kết nàythis link

9. Yaseer al-Dossarireciter.
There are many reciters in the world but here we are going to tell you the top 10 best Quran reciters in the world. It's pretty much difficult to select which one is better but I have to make a details list of the top 10 best Quran reciters in the world. We have also added an audio clip of Surat ar-Rahman of each reciter.

Top 10 người đọc Kinh Qur'an tốt nhất trên thế giới


1. Rashid Alafasay mishary

Mishary Rashid Alafasay


Tên đầy đủ: Mishary Bin Rashid bin Gharib bin Mohammed bin Rashid al-Afasy.

Mishary bin Rashid bin Gharib bin Mohammed bin Rashid Al-afasy.

Tuổi: 44 tuổi
44 years

Sinh: Anh được sinh ra ở quốc gia Tây Á Kuwait vào ngày 5 tháng 9 năm 1976.
He was born in western Asia country KUWAIT on September 5, 1976.

Tình trạng xã hội: Anh ấy đã kết hôn và có năm đứa con trong đó có 3 con gái (Nora, Al-Jazi, Giải thưởng) và 2 người con trai (Rashid và Muhammad).
He is married and has five children including 3 daughters ( NORA, Al-Jazi, Award ) and 2 sons ( Rashid and Muhammad ).

Sở thích: Anh ấy quan tâm đến thư pháp tiếng Ả Rập và cũng là một nghệ sĩ Nasheed.
He is interested in Arabic calligraphy and also a nasheed artist.

JOBS:

  • ● Ông là Imam của Masjid al-Kabir (nhà thờ Hồi giáo lớn của Kuwait), nơi ông dẫn đầu lời cầu nguyện Taraweeh hàng năm ở Ramadan và ông thường dẫn đầu những lời cầu nguyện Taraweeh ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và nhiều quốc gia khác ở Vịnh Ba Tư. He is the Imam of the Masjid Al-Kabir (the grand mosque of Kuwait) where he leads the Taraweeh prayer every year in Ramadan and he very often leads the Taraweeh prayers in the United Arab Emirates and many other countries in the Persian Gulf.
  • ● Ông cũng là một nhà truyền giáo nổi tiếng tại Bộ AWQAF và các vấn đề Hồi giáo ở Kuwait. He is also a well-known preacher at the ministry of Awqaf and Islamic Affairs in Kuwait.

Giáo dục Meshary: Ông đã ghi nhớ Kinh Qur'an thánh trong hai năm từ năm 1992 đến năm 1994 và sau đó ông chuyên về mười bài đọc và bản dịch của Kinh Qur'an từ Đại học Kinh Qur'an ở UAE và hoàn thành các nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Hồi giáo Madinah.
He memorized the HOLY QURAN in two years from 1992 to 1994 and then he specialized in the ten readings and translations of the Holy Quran from the College of the Holy Quran in UAE and complete his Islamic Studies at the Islamic University of Madinah.

Dịch vụ Alafasy cho Kinh Qur'an:

  1. Ông đã giới thiệu dịch vụ di động al-Afasy, nơi bạn hàng ngày nhận được các clip âm thanh của Kinh Qur'an, Tiên tri, Zikar và Lagal Giấy.AL-AFASY mobile service where you daily receive the audio clips of the Holy Quran, prophet sayings, zikar, and lagal paper supplications.
  2. Alafasy có hai kênh không gian đặc biệt cho bài đọc Kinh Qur'an, một là Alafasy TV và cái còn lại là Alafasy Q.has two space channelsspecialized for the holy Quran recitation,one is Alafasy TV and the other is Alafasy Q.
  3. Anh ấy có một số chương trình được phát trên các kênh của mình:several programs that are broadcasted on his CHANNELS:
  • ● & nbsp; "Chương trình với chúng tôi", nơi anh ấy dạy cách đọc Kinh Qur'an cho trẻ em với Tajweed thích hợp. "Program With Us" where he teaches the recitation of the Holy Quran to children with proper tajweed.
  • ● & nbsp; "Chương trình al-Murtal" trên Kênh Sama Dubai nơi tài năng được thể hiện của mọi người để đọc kinh Qur'an và cạnh tranh với nhau. "Al-Murtal program" on Sama Dubai channel where talents are shown of the people to recite the Holy Quran and compete with each other.
  • ● & nbsp; Ông cũng đã đóng góp cho sự nghiệp của mình từ các bài giảng của mình và cũng giám sát một số dự án. He also contributed to his cause from his lectures and also supervising several projects.

Al-Afasay & NBSP; Giải thưởng và Danh dự:

  • ● & nbsp; Liên minh các nhà sáng tạo Ả Rập đã tổ chức một buổi lễ để vinh danh Sheikh al-Afasay để công nhận sự hỗ trợ hiệu quả mà ông đang làm cho các nguyên nhân tôn giáo và Hồi giáo. The UNION OF ARAB CREATORS has held a ceremony in the honor of Sheikh al-afasay for the recognization of the effective support he is doing for the religious and Islamic causes.
  • ● & nbsp; Sheikh al-Afasy đã trở thành nhân vật vùng Vịnh đầu tiên nhận được giải thưởng Oscar và cũng đã được trao chứng nhận độc đáo trong sáng tạo. Sheikh Al-Afasy has become the first gulf personality to receive an Oscar Award and has also awarded with the certificate of uniqueness in creativity.

Surat ar-Rahman đọc thuộc về mishary rashid al-Afasay:


---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- ------------------

2. Abdul Rahman al-Sudais

Abdul Rahman al-Sudais


HỌ VÀ TÊN:

Abdul Rahman Ibn Abdul Aziz As-Sudais

BIRTH:

Ông sinh ra ở Riyadh, Ả Rập Saudi vào ngày 10 tháng 2 năm 1960.Riyadh, Saudi Arabia on February 10, 1960.

AGE:

60 năm


ĐỊA VỊ XÃ HỘI:

Ông đã kết hôn và có 9 đứa con trong đó có năm con gái và bốn con trai.married and has 9 children including five daughters and four sons.

JOBS:

  • ● & nbsp; Abdul Rehman Sudais nổi tiếng Qari và cũng là Imam của Nhà thờ Hồi giáo lớn của Makkah. & NBSP; Abdul Rehman Sudais is well renowned Qari and also the Imam of the Grand Mosque of Makkah. 
  • ● & nbsp; Ông đã là đối tác của Saud al-Shuraim, cầu nguyện Taraweeh từ năm 1991 đến năm 2006 và một lần nữa vào năm 2014. He has been the partner with Saud Al-Shuraim the Taraweeh prayer from 1991 till 2006 and again in 2014.
  • ● & nbsp; Ông cũng là tổng thống cho các vấn đề của hai nhà thờ Hồi giáo thánh. He is also the general president for the affairs of the Two Holy Mosques.

Al-Sudais Giáo dục:

  • ● Ông ghi nhớ Kinh Qur'an ở tuổi mười hai. He memorized the Quran at the age of twelve.
  • ● & NBSP; Al-Sudais đã được giáo dục sớm từ Trường tiểu học Al Muthanna Bin Harith, và sau đó, anh tốt nghiệp Viện Khoa học Riyadh năm 1979 với một lớp xuất sắc.Al-Sudais had his early education from the Al Muthanna bin Harith Elementary School, and afterward, he graduated from the Riyadh Scientific Institution in 1979 with a grade of excellent.
  • ● Ông đã lấy được bằng Sharia tại Đại học Riyadh năm 1983, cũng đã thực hiện bằng thạc sĩ của mình từ Đại học Sharia của Đại học Hồi giáo Imam Muhammad Bin Saud năm 1987 trong các nguyên tắc cơ bản của Hồi giáo. Năm 1995, ông đang làm trợ lý giáo sư tại Đại học UMM AL-Qura và hoàn thành bằng tiến sĩ. Trong Hồi giáo Sharia. He obtained a degree in Sharia from Riyadh University in 1983, also done his Master’s from the Sharia College of Imam Muhammad bin Saud Islamic University in 1987 in the Islamic fundamentals. In 1995 he was working as an assistant professor at the Umm al-Qura University and completed his Ph.D. in Islamic Sharia.

Dịch vụ Al-Sudais:

  • ● Al-Sudais đã giải quyết nhiều xung đột giữa những người Hồi giáo bằng cách dạy họ luật Hồi giáo và ông cũng ủng hộ kịch liệt rằng ISAM phủ nhận chủ nghĩa cực đoan và giáo phái và nó chỉ dạy chúng ta con đường vừa phải. Al-Sudais has resolved many conflicts among the Muslims by teaching them Islamic law and he also vehemently supports that Isam denies extremism and sectarianism and it only teaches us the moderate path.
  • ● Sudais cũng được biết đến vì nói chống lại sự đàn áp của người Palestine bởi nhà nước Israel. Sudais is also known for speaking against the persecution of Palestinians by the state of Israel.
  • ● Năm 2002, trong bài giảng của mình, ông đã cầu nguyện với Chúa vì sự hủy diệt và chấm dứt của người Do Thái và vào tháng 6 năm 2004, ông đã dẫn đầu những lời cầu nguyện ở London vì hòa bình và hòa hợp giữa tín ngưỡng, nhưng ông đã được gọi nhiều lần -Muslims đặc biệt là người Do Thái. In 2002, in his sermon he prayed to God for the destruction and termination of the jews and in June of 2004 he led the prayers in London for the inter-faith peace and harmony, but he has been called out several times for berating non-Muslims especially the jews.
  • ● Năm 2016, Al-Sudais đã đưa bài giảng Hajj rất quan trọng cho hàng triệu người Hồi giáo được tập hợp tại Arafat. In 2016, Al-Sudais delivered the very important Hajj sermon to millions of Muslims that were gathered at the Arafat.

Giải thưởng và danh dự Al-Sudais:

Năm 2005, Al-Sudais được Hội đồng Tổ chức Giải thưởng Kinh Qur'an quốc tế Dubai Bangmac Bangmas Bangmas là Nhân vật Hồi giáo Hồi giáo của Năm Dubai để công nhận công việc và sự tận tâm của ông đối với Kinh Qur'an và Hồi giáo.Al-Sudais was named as the “Islamic personality of the year” by the Dubai International Holy Quran award Organising Committee for the recognization of his work and devotion to the Quran and Islam.

Surat ar-Rahman đọc thuộc về Abdul Rahman al-Sudais:

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- ------------------

3. Abdur Rahman al-Ossi

Abdur Rahman al-Ossi

HỌ VÀ TÊN:

Sheikh Abdul Rahman bin Jamal bin Abdur Rahman Al Ossi là người đọc Kinh Qur'an tình cảm nhất về thế giới Hồi giáo. is the most emotional Quran reciter of the Muslim world.

BIRTH:

Ông được sinh ra ở Ả Rập Saudi vào ngày 05 tháng 8 năm 1981.Saudi Arabia on August 05, 1981.

AGE:

JOBS:

Abdur Rahman al-Ossi có giọng nói chân thành nhất chạm vào trái tim bạn và anh ấy là Imam ở thành phố Al Khabar ở Ả Rập Saudi và anh ấy cũng đã dẫn đầu lời cầu nguyện Taraweeh trong tháng Ramadan ở các quốc gia khác như Vương quốc Anh. has the most heartful voice that touches your heart and he is Imam in the Al Khabar city in Saudi Arabia and he also led the Taraweeh prayer during Ramadan in other countries like the UK as well.

Giáo dục al-Ossi:

Anh ta đã học được các phương pháp của Kinh Qur'an Thánh Qiran và có một chứng chỉ cho phương pháp đọc thuộc lòng của mình là & nbsp; Phương pháp của HAFS A'N Assem, đây là phương pháp đọc thuộc lòng phổ biến nhất vì nó là phong cách đọc thuộc chính thức của Đế chế Ottoman.Holy Quran Qiraat and got a certificate for his recitation method which is  Hafs A'n Assem's method, this is the most popular recitation method as it was the official recitation style of the Ottoman Empire.

Surat ar-Rahman đọc thuộc lòng al-Ossi:

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------

4. Qari Abdul Basit

Qari Abdul Basit


HỌ VÀ TÊN:

Sheikh Abdul Basit Muhammad Abdus Samad

BIRTH:

Ông sinh năm 1927 tại Armant, Ai Cập và mất vào ngày 30 tháng 11 năm 1988, ở tuổi 61.Armant, Egypt and died on November 30, 1988, at the age of 61.

ĐỊA VỊ XÃ HỘI:

Ông đã kết hôn và có ba người con trai tên là Hisham Abdus Samad, Tarek Abdus Samad và Yasser Abdus Samad.married and had three sons named, Hisham Abdus Samad, Tarek Abdus Samad, and Yasser Abdus Samad.

HOBBIES:

Khi còn nhỏ, Abdul Basit bị ảnh hưởng rất nhiều bởi người đọc nổi tiếng Muhammad Rifat và anh thường đi bộ Miles để lắng nghe bài đọc của mình trên đài phát thanh.Muhammad Rifat and he used to walk miles to listen to his recitation on the radio.

JOBS:

  • ● Qari Abdul Basit có giọng nói du dương nhất và được coi là một trong những người đọc Kinh Qur'an giỏi nhất thế giới. Anh ấy là một Qari, Sheikh và Imam nổi tiếng. Qari Abdul Basit has the most melodious voice and is regarded as one of the best Quran reciters of the world. He is a well renowned Qari, Sheikh, and Imam.
  • ● Giọng nói của anh ta luôn chạm đến trái tim của người Hồi giáo trên khắp thế giới và anh ta đọc nhiều lần tại Nhà thờ Hồi giáo Thánh Makkah và cả vào năm 1961, anh ta đọc thuộc lòng nhà thờ Hồi giáo Badshahi ở Pakistan. His voice has always touched the hearts of the Muslims all over the world and he recited many times at the Holy Mosque of Makkah and also in 1961, he recited at the Badshahi Mosque in Pakistan.
  • ● Năm 1952, ông được bổ nhiệm làm nhân viên đọc của Nhà thờ Hồi giáo Imam Ash-Shafi và năm 1985, ông trở thành một nhà thờ Hồi giáo chính thức tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Als. In 1952, he was appointed as the officer reciter of the Imam Ash-Shafi Mosque and in 1985, he became an official reciter at the Imam al- Hussain Mosque.
  • ● Ông trở thành chủ tịch đầu tiên của Liên minh Reciters ở Ai Cập. He became the first president of the Reciters’ Union in Egypt.

Abdul-Basit Giáo dục:

  • ● Abdul Basitgot Một tình yêu lớn dành cho Thánh Kinh Qur'an và ông đã ghi nhớ toàn bộ Kinh Qur'an ở tuổi 10. Abdul Basitgot a great love for the Holy Quran and he memorized the whole Quran by heart at the age of 10.
  • ● Ông đã học được bảy phương pháp đọc kinh Kinh Qur'an ở tuổi 12 từ Sheikh của mình và hoàn thành mười năm ở tuổi 14. He learned seven methods of Quran recitation by the age of 12 from his Sheikh and completed the ten by the age of 14.

Giải thưởng và danh dự của Abdul-Basit:

  • ● Abdul-Basit đã giành chiến thắng ba cuộc thi Qiraat thế giới vào đầu những năm 1970. Abdul-Basit had won three world Qiraat competitions in the early 1970s.
  • ● Anh ấy là một trong những Qaris đầu tiên thực hiện các bản ghi âm thương mại về những bài đọc của anh ấy và giành được danh hiệu giọng nói của thiên đàng, và The Golden cổ họng do giọng nói nhẹ nhàng và có hồn của anh ấy. He was one of the first Qaris to make commercial recordings of his recitations and earned the title of “Voice of Heaven”and “The Golden Throat”due to his soothing and soulful voice.
  • ● Qari Abdul-Basit đã được vinh danh ở một số quốc gia bao gồm Ai Cập, Syria, Iraq, Makkah, Medinah, Hoa Kỳ, London, Ấn Độ và trên toàn thế giới. Qari Abdul-Basit has been honored in several countries including Egypt, Syrian, Iraq, Makkah, Medinah, United States, London, India and all over the world.

Surat ar-Rahman đọc thuộc về Abdul-Basit:

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------

4. Qari Abdul Basit

Qari Abdul Basit


HỌ VÀ TÊN:

Sheikh Abdul Basit Muhammad Abdus Samad is considered as one of the best Quran reciters around the globe.

BIRTH:

Ông sinh năm 1927 tại Armant, Ai Cập và mất vào ngày 30 tháng 11 năm 1988, ở tuổi 61.Dammam, Saudi Arabia in 1968.

AGE:

ĐỊA VỊ XÃ HỘI:

ĐỊA VỊ XÃ HỘI:

Ông đã kết hôn và có ba người con trai tên là Hisham Abdus Samad, Tarek Abdus Samad và Yasser Abdus Samad.married and has three children.


HOBBIES:

Khi còn nhỏ, Abdul Basit bị ảnh hưởng rất nhiều bởi người đọc nổi tiếng Muhammad Rifat và anh thường đi bộ Miles để lắng nghe bài đọc của mình trên đài phát thanh.religious singer and got a huge success through a piece of nasheed like Gharbane.

JOBS:

  • ● Qari Abdul Basit có giọng nói du dương nhất và được coi là một trong những người đọc Kinh Qur'an giỏi nhất thế giới. Anh ấy là một Qari, Sheikh và Imam nổi tiếng. He was appointed as an Imam of the Kanoo Masjid in Dammam and also previously served as an Imam in various countries like the United Kingdom, United States, Austria and also in various Muslim communities around the globe.
  • ● Giọng nói của anh ta luôn chạm đến trái tim của người Hồi giáo trên khắp thế giới và anh ta đọc nhiều lần tại Nhà thờ Hồi giáo Thánh Makkah và cả vào năm 1961, anh ta đọc thuộc lòng nhà thờ Hồi giáo Badshahi ở Pakistan. In Ramadan 2009, Al-Ghamdigot the privilege to lead the Taraweeh prayers in the Masjid-e-Nabwi, Madina.


● Năm 1952, ông được bổ nhiệm làm nhân viên đọc của Nhà thờ Hồi giáo Imam Ash-Shafi và năm 1985, ông trở thành một nhà thờ Hồi giáo chính thức tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Als.

  • ● Ông trở thành chủ tịch đầu tiên của Liên minh Reciters ở Ai Cập. He memorized the HOLY QURAN in 1990 when he was 22 years old.
  • Abdul-Basit Giáo dục: He obtained a degree from the University of Sharia in the discipline of Oussoul Din.
  • ● Abdul Basitgot Một tình yêu lớn dành cho Thánh Kinh Qur'an và ông đã ghi nhớ toàn bộ Kinh Qur'an ở tuổi 10. He also procured the coveted degree of Al-Isnad in the recitation method of Hafs by Assem.


● Ông đã học được bảy phương pháp đọc kinh Kinh Qur'an ở tuổi 12 từ Sheikh của mình và hoàn thành mười năm ở tuổi 14.

  • Giải thưởng và danh dự của Abdul-Basit: Al-Ghamdi has rendered his services to the Holy Quran through his teaching, guiding towards the Islamic Sciences and also supervising various projects.
  • ● Abdul-Basit đã giành chiến thắng ba cuộc thi Qiraat thế giới vào đầu những năm 1970. Al-Ghamdi is currently conducting Imamat at the Yusuf Bin Ahmed Mosque, Dammam.
  • ● Anh ấy là một trong những Qaris đầu tiên thực hiện các bản ghi âm thương mại về những bài đọc của anh ấy và giành được danh hiệu giọng nói của thiên đàng, và The Golden cổ họng do giọng nói nhẹ nhàng và có hồn của anh ấy. Al-Ghamdi has several soulful recordings of the Holy Quran verses that are broadcasted on the TV channels, radio stations and can also be found on the internet.

● Qari Abdul-Basit đã được vinh danh ở một số quốc gia bao gồm Ai Cập, Syria, Iraq, Makkah, Medinah, Hoa Kỳ, London, Ấn Độ và trên toàn thế giới.

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------

4. Qari Abdul Basit

Qari Abdul Basit


HỌ VÀ TÊN:

Sheikh Abdul Basit Muhammad Abdus Samad


BIRTH:

Ông sinh năm 1927 tại Armant, Ai Cập và mất vào ngày 30 tháng 11 năm 1988, ở tuổi 61.Makkah, Saudi Arabia in 1975.


AGE:

ĐỊA VỊ XÃ HỘI:


JOBS:

  • Ông đã kết hôn và có ba người con trai tên là Hisham Abdus Samad, Tarek Abdus Samad và Yasser Abdus Samad. Bandar Baleela is an Imam of the Grand Mosque of Makkah and was officially appointed on this sacred post in 2013 where he led his first prayer on 15th of Ramadan during the Taraweeh prayer.
  • ● & nbsp; Ông cũng từng là một imam của một số nhà thờ Hồi giáo khác ở Makkah bao gồm nhà thờ Hồi giáo Nouf al Saoud và nhà thờ Hồi giáo Abdul Aziz Bin Baz ở Al Aziziyah. He also served as an Imam of several other mosques in Makkah which includes the Nouf Al Saoud Mosque and the Abdul Aziz Bin Baz mosque in Al Aziziyah.
  • ● & nbsp; Ông hiện đang làm trợ lý giáo sư tại Đại học Taif. He is currently serving as an assistant professor at the University Of Taif.
  • ● Bandar Baleela cũng làm giáo viên của Fiqh tại phần cao hơn Haram al-Sharif. Bandar Baleela also worked as a teacher of fiqh at the Haram Al-Sharif higher section.

BALEELA EDUCATION:

  • ● & nbsp; Ở độ tuổi rất trẻ, Bandar Baleela đã ghi nhớ Kinh Qur'an thánh. At a very young age, Bandar Baleela memorized the Holy Quran by heart.
  • ● & NBSP; Năm 2001, Bandar Baleela có bằng thạc sĩ về FIQH & NBSP; (Luật học Hồi giáo) từ Khoa của Shar Sharia và Hồi giáo nghiên cứu Hồi giáo từ Đại học Umm al Qura ở Makkah. In 2001, Bandar Baleela obtained a Master’s degree in Fiqh ( Islamic jurisprudence ) from the Faculty of “Sharia and Islamic Studies” from the Umm Al Qura University in Makkah.
  • ● & nbsp; Ông đã nhận được bằng tiến sĩ của mình vào năm 2008 tại Fiqh từ Đại học Hồi giáo Madinah. He earned his doctorate in 2008 in Fiqh from the Islamic University of Madinah.

Surat ar-Rahman đọc thuộc lòng Bandar Baleela:

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------

7. Raad al-Kurdi

Raad al-Kurdi


HỌ VÀ TÊN:

Raad bin Muhammad bin al-Kurdi..


BIRTH:

Ông sinh ngày 16 tháng 4 năm 1991, tại Kurdistan, Iraq.Kurdistan, Iraq.


AGE:

28 năm.


JOBS:

Raad al-Kurdi được bổ nhiệm làm vị trí cao quý của Imam tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Al-Shafi ở Kirkuk, Iraq và Ahmed Al-Habbai nhà thờ Hồi giáo ở Dubai.Imam at the Imam Al-Shafi Mosque in Kirkuk, Iraq and Ahmed Al-Habbai Mosque in Dubai.


Giáo dục al-Kurdi:

Ông tốt nghiệp Viện rao giảng và thuyết giáo ở Kirkuk, Iraq.Preaching and Preachers in Kirkuk, Iraq.


Danh hiệu Al-Kurdi:

  • ● & nbsp; Nguyên nhân của sự nổi tiếng của & nbsp; Muhammad al-Kurdi là giọng nói hấp dẫn và thuần khiết của anh ấy khi đọc kinh Qur'an, được đánh giá rất cao ở các nước Ả Rập cũng như toàn thế giới. The cause of the fame of Muhammad Al-Kurdi is his attractive and pure voice of reciting the Noble Quran, which was very well appreciated in the Arab countries as well as the whole world.
  • ● & nbsp; al-Kurdi có một kênh YouTube thông qua đó các bản ghi âm và các clip hồi tưởng ấm lòng của anh ấy đã lan rộng khắp thế giới và nó đã vượt qua hơn 146 triệu lượt xem. Al-Kurdi has a YouTube channel through which his recordings and heartwarming clips of recitation have spread all over the world and it has crossed over 146 million views.

Surat ar-Rahman đọc thuộc lòng al-Kurdi:

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------

7. Raad al-Kurdi

Raad al-Kurdi


HỌ VÀ TÊN:

Raad bin Muhammad bin al-Kurdi.


BIRTH:

Ông sinh ngày 16 tháng 4 năm 1991, tại Kurdistan, Iraq.Riyadh, Saudi Arabia.


AGE:

28 năm.


Raad al-Kurdi được bổ nhiệm làm vị trí cao quý của Imam tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Al-Shafi ở Kirkuk, Iraq và Ahmed Al-Habbai nhà thờ Hồi giáo ở Dubai.

Giáo dục al-Kurdi: family is from the Haraqees of the Banu Zayd tribe of Saudi Arabia.

Ông tốt nghiệp Viện rao giảng và thuyết giáo ở Kirkuk, Iraq.married and has two sons, one is 16 and the other is 7 years old.


HOBBIES:

Danh hiệu Al-Kurdi:is one of the very dignified personalities of the Muslim world. He is a well renowned Qari and Imam. He is also a poet and a writer and he wrote several books on Aqeedah.


JOBS:

  • ● & nbsp; Nguyên nhân của sự nổi tiếng của & nbsp; Muhammad al-Kurdi là giọng nói hấp dẫn và thuần khiết của anh ấy khi đọc kinh Qur'an, được đánh giá rất cao ở các nước Ả Rập cũng như toàn thế giới. In 1991, Al-Shuraim was appointed at the prestigious post of the Imam and Khatib of the Holy Mosque, Makkah by the royal order of King Fahd.
  • ● & nbsp; al-Kurdi có một kênh YouTube thông qua đó các bản ghi âm và các clip hồi tưởng ấm lòng của anh ấy đã lan rộng khắp thế giới và nó đã vượt qua hơn 146 triệu lượt xem. In 1992, he was granted the position of the judge in the Saudi High Court.
  • Surat ar-Rahman đọc thuộc lòng al-Kurdi: In 1993, he was mandated to teach in the Grand Mosque of Makkah.
  • 8. Saud al-Shuraim Al-Shuraim is currently appointed as the Dean of the faculty of “Shariah and Islamic studies” and the Specialist Professor in Fiqh at the Umm Al-Qura University.


Saud al-Shuraim

  • Saud Ibn Ibrahim Ibn Muhammad al-Shuraim When he was in the last year of his secondary school he memorized the Holy Quran by heart and become the Hafiz of the Quran.
  • Ông sinh ngày 19 tháng 1 năm 1964, tại Riyadh, Ả Rập Saudi. In 1995, Al-Shuraim obtained a doctorate degree from the Umm Al-Qura University.


56 năm

ĐỊA VỊ XÃ HỘI:has been reciting the Taraweeh prayer during Ramadan in the Masjid Al-Haram since 1991.

Gia đình Saud al-Shuraim đến từ Haraqees của bộ lạc Banu Zayd của Ả Rập Saudi.

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------

7. Raad al-Kurdi

Raad al-Kurdi


HỌ VÀ TÊN:

Raad bin Muhammad bin al-Kurdi.


BIRTH:

Ông sinh ngày 16 tháng 4 năm 1991, tại Kurdistan, Iraq.Riyadh, Saudi Arabia in 1981.

AGE:

28 năm.

Raad al-Kurdi được bổ nhiệm làm vị trí cao quý của Imam tại Nhà thờ Hồi giáo Imam Al-Shafi ở Kirkuk, Iraq và Ahmed Al-Habbai nhà thờ Hồi giáo ở Dubai.

Giáo dục al-Kurdi:married and is a father of two boys and two girls.

JOBS:

  • Ông tốt nghiệp Viện rao giảng và thuyết giáo ở Kirkuk, Iraq. Yasser Al-Dosari is one of the well-renowned preacher and Imam of the Muslim world, he is currently rendered his services as the coveted position of Imam at the Dakhil Mosque in Riyadh.
  • Danh hiệu Al-Kurdi:prayers in several other countries like UAE, Bahrain, Egypt, and Switzerland.
  • ● & nbsp; Nguyên nhân của sự nổi tiếng của & nbsp; Muhammad al-Kurdi là giọng nói hấp dẫn và thuần khiết của anh ấy khi đọc kinh Qur'an, được đánh giá rất cao ở các nước Ả Rập cũng như toàn thế giới. At present, he is appointed as the General Secretary of the Prince Sultan University for teaching the Holy Quran to the Defence forces of the Arab.

● & nbsp; al-Kurdi có một kênh YouTube thông qua đó các bản ghi âm và các clip hồi tưởng ấm lòng của anh ấy đã lan rộng khắp thế giới và nó đã vượt qua hơn 146 triệu lượt xem.

  • Surat ar-Rahman đọc thuộc lòng al-Kurdi: Al-Dossari completed memorizing the Holy Quran at the only age of 15.
  • 8. Saud al-Shuraim He completed his graduation from the "Faculty of Sharia Imam Muhammad bin Saud Islamic University" and then obtained a doctorate degree in comparative jurisprudence from the same University.

Saud al-Shuraim

  • Saud Ibn Ibrahim Ibn Muhammad al-Shuraim Al-Dosari has recorded various audiotapes of Quranic recitation and also of the Taraweeh prayers.
  • Ông sinh ngày 19 tháng 1 năm 1964, tại Riyadh, Ả Rập Saudi. He has also introduced the offline Quranic App.


Giải thưởng và danh dự Al-Dossari:

Yasser al-Dossarihas cũng phải thực hiện một số trách nhiệm khác vì ông là thành viên của Hội nghị chuyên đề châu Âu toàn cầu về thanh niên Hồi giáo và nhiều hiệp hội Hồi giáo khác. Để công nhận những nỗ lực của mình, anh được đề cử là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của cộng đồng Hồi giáo.has also taken several other responsibilities as he is a member of the Global Europe Symposium of Muslim Youth and many other Islamic associations.
In the recognition of his efforts, he is nominated as one of the most influential figures of the Islamic community.

Surat ar-Rahman đọc của Yaseer al-Dossari:

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------

10. MAHER AL-MAIQLY

MAHER AL-MAIQLY


HỌ VÀ TÊN:

Maher Ibn Hamd Ibn Mueaql al Mueaqly al Baloui


BIRTH:

Ông sinh ra ở Medina, Ả Rập Saudi vào ngày 7 tháng 1 năm 1969.Medina, Saudi Arabia on January 7, 1969.


AGE:

51 năm


JOBS:

  • Ông được phục vụ như một Imam của Masjid al-Nabwi, Medinah năm 2006 và 2007.Imam of the Masjid Al-Nabwi, Medinah in 2006 and 2007.
  • Ông đã được trao vị trí đáng thèm muốn vĩnh viễn của Imamat tại Masjid al-Haram, nơi ông cũng lãnh đạo những lời cầu nguyện của Taraweeh trong tháng Ramadan.Imamat at the Masjid Al-Haram where he also led the Taraweeh prayers during the Holy Month of Ramadan.
  • Al-Mueaqly hiện đang phục vụ như là Khateb của Nhà thờ Hồi giáo Thánh Makkah. is now serving as the Khateeb of the Holy Mosque of Makkah.


Giáo dục al-Mueaqly:

  • Ông là kẻ chủ mưu trong toán học nhưng ông đã thay đổi kỷ luật của mình và ghi nhớ Kinh Qur'an.mastermind in mathematics but he changed his discipline and memorized the Holy Quran.
  • Ông có bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ từ & nbsp; "Đại học umm al-Qura" & nbsp; từ Khoa của Sharia.master's and a doctorate degree from the "Umm Al-Qura University" from the faculty of Sharia.

Dịch vụ al-Mueaqly cho Kinh Qur'an:

Al-Mueaqly là một trong những độc giả nổi tiếng của thế giới Hồi giáo do giọng nói xinh đẹp và cảm động của anh ấy và anh ấy có một số bản ghi âm về việc đọc Kinh Qur'an đã được bán trên toàn thế giới. is one of the famous readers of the Muslim world due to his beautiful and heart touching voice and he has several recordings of the recitation of the Holy Quran that has been sold all over the world.

Surat ar-Rahman đọc thuộc lòng al-Mueaqly:

---------------------------------------------------------- ---------------------------------------------------------- -------------------