Trà Vinh có bao nhiêu chỗ?

Ba phòng trưng bày được đặt ở lầu 2 của bảo tàng là nơi cho du khách tham quan. Phòng đầu tiên trưng bày hiện vật về mô hình các ngôi chùa của người Khmer, phòng thứ hai trưng bày các nông cụ sản xuất truyền thống của người Khmer, phòng thứ ba trưng bày các nhạc cụ truyền thống, các trang phục, đạo cụ,..

Tỉnh Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.295,1 km², giữa 2 con sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu. Vị trí địa lý giới hạn từ: 9°31’46’’ đến 10°04’5” vĩ độ Bắc và 105°57’16” đến 106°36’04” kinh độ Đông. Phía Bắc, Tây - Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long; phía Đông giáp tỉnh Bến Tre với sông Cổ Chiên; phía Tây giáp tỉnh Sóc Trăng với Sông Hậu; phía Nam, Đông - Nam giáp biển Đông với hơn 65 km bờ biển. Trung tâm tỉnh lỵ nằm trên Quốc lộ 53 , cách thành phố Hồ Chí Minh gần 200 km và cách thành phố Cần Thơ 100 km. Trà Vinh nối với thị xã Vĩnh Long bằng quốc lộ 53, tuyến thông thương đường bộ duy nhất nối Trà Vinh với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2.Khí hậu:

Trà Vinh nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa ven biển, khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 26 - 27,6°C, số giờ nắng trung bình là 2.556 giờ/năm, lượng mưa hàng năm vào khoảng 1.520 mm, độ ẩm trung bình năm là 84%.

Nhìn chung, khí hậu Trà Vinh mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt độ cao, ổn định, nắng và bức xạ mặt trời thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố hạn chế của khí hậu là lượng mưa ít, lại tập trung theo mùa kết hợp với địa hình thấp, chịu ảnh hưởng của gió chướng, thuỷ triều cao gây ngập úng và hạn hán cục bộ, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của dân.

3.Đặc điểm địa hình:

Địa hình Trà Vinh mang tính chất vùng đồng bằng ven biển, chịu ảnh hưởng bởi sự giao thoa giữa sông và biển đã hình thành các vùng trũng, phẳng xen lẫn các giồng cát, các huyện phía bắc địa hình bằng phẳng hơn các huyện ven biển, địa hình dọc theo 2 bờ sông thường cao, vào sâu nội đồng bị các giồng cát hình cánh cung chia cắt tạo nên các vùng trũng cục bộ, xu thế độ dốc chỉ thể hiện ở trên từng cánh đồng. Cao trình biến thiên của tỉnh từ 0,1 – 1m chiếm 66% diện tích tự nhiên. Địa hình cao nhất trên 4 m gồm đỉnh các giồng cát phân bố ở Nhị Trường, Long Sơn [Cầu Ngang]; Ngọc Biên [Trà Cú]; Long Hữu [Duyên Hải]. Địa hình thấp nhất dưới 0,4 m tập trung tại các cánh đồng trũng ở Tập Sơn, Ngãi Xuyên [Trà Cú], Thanh Mỹ, cánh đồng Ôcàđa [Châu Thành]; Mỹ Hoà, Mỹ Long, Hiệp Mỹ [Cầu Ngang]; Long Vĩnh [Duyên Hải]. Nhìn chung địa hình thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp từ 0,6 – 1m thích hợp cho tưới tiêu tự chảy, ít bị hạn cũng như không bị ngập úng.

4.Dân số:

Trà Vinh với dân số trung bình năm 2008 là 1.062 ngàn người, mật độ dân số 463 người/km2. Trên địa bàn Trà Vinh có 29 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh [69%] và người Khmer [29%]. Trà Vinh là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng dân tộc người Khmer có nền văn hóa dân tộc đặc trưng: tiếng nói, chữ viết, món ăn và đặc biệt là hệ thống chùa rất đặc thù.

5.Tài nguyên thiên nhiên:

- Tài nguyên đất, rừng:

Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 222.567 ha. Năm 2000, có 5.670,37 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng trồng 4.801,19 ha, chiếm 84,68% diện tích rừng; rừng tự nhiên 869,18 ha [15,32%]. Rừng tập trung phần lớn [97,25%] dọc theo 65 km bờ biển.

Trước kia rừng dày đặc, có nhiều lâm sản quý không chỉ đáp ứng cho địa phương mà còn xuất sang các vùng kế cận. Ngày nay rừng đã bị giảm sút về mặt diện tích khá lớn. Rừng tự nhiên chỉ còn lại là rừng bần thuần loại, đại bộ phận diện tích rừng đã trở thành đất trống, trãng cây thưa thớt, trữ lượng gỗ không đáng kể, khả năng tái sinh tự nhiên thấp, tác dụng phòng hộ kém.

Tình hình sử dụng đất, đến nay có khoảng 130.654 ha lúa 2 vụ, 33.507 ha lúa 1 vụ xen với nuôi trồng thuỷ sản, khoảng 14.806 ha đất ở và 24.000 ha rừng và đất rừng. Do khai thác rừng quá mức và lấy đất rừng để nuôi trồng thuỷ sản nên đến năm 1997 đất lâm nghiệp chỉ còn 9.004 ha.

- Tài nguyên biển:

Trà Vinh có bờ biển dài 65 km, là vùng biển nông, thuộc khu vực tiếp giáp của 2 vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, xa hơn nữa là vùng biển Đông – Trường Sa. Đây là vùng biển có nguồn tài nguyên phong phú, có giá trị kinh tế cao, cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, nguồn lợi thuỷ sản nội đồng sẽ là tiềm năng lớn để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.

- Tài nguyên khoáng sản:

Trà Vinh là tỉnh nghèo khoảng sản, chỉ có cát xây dựng với trữ lượng khoảng 810.000 m3cát san lấp với khả năng khai thác 30.000 – 50 000 m3/năm và một số loại đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói. Mỏ nước khoáng ở thị trấn Long Toàn, huyện Duyên Hải với khả năng cho phép khai thác là 2.400 m3/ngày. Chất lượng nước khoáng đạt tiêu chuẩn quốc gia.

- Nguồn nước:

Nguồn nước trực tiếp cung cấp cho Trà Vinh là từ sông Tiền và sông Hậu thông qua dự án thuỷ lợi Nam Măng Thít. Bên cạnh đó, hệ thống kênh rạch cung cấp nước cho nội đồng, với tổng chiều dài là 578 km và 1.876 km kênh cấp I, II. Tuy nhiên tỉnh Trà Vinh vẫn thiếu nước ngọt vào mùa khô, một phần do ảnh hưởng của thuỷ triều và xâm nhập mặn.

- Thủy sản:

Thực vật phù du có 73 loài thuộc 5 ngành, đa phần tập trung vào ngành tảo Silíc và các nhóm tảo có nguồn gốc nước mặn. Mật độ trung bình đạt 666/cá thể/ lít. Động vật phù du có 48 loài, số động vật nổi vùng ven bờ đạt bình quân 15.600 cá thể/m3 [biến động từ 4.000-34.000 cá thể /m3]. Động vật đáy [cỡ nhỏ] ở vùng biển Trà Vinh khá phong phú.

Nguồn lợi thủy sản vùng ven biển Trà Vinh bao gồm nguồn lợi cửa sông, rừng ngập mặn và vùng nước ven biển có độ sâu 30-40m nước vào bờ. Nguồn cá ven biển có 40 họ, 78 giống và 150 loài gồm cá biển ven bờ, cá nước lợ và cá di cư. Bãi tôm cửa Định An diện tích khoảng 20.000 ha là bãi tôm lớn nhất trong 5 bãi tôm ở dãi ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ước tính trữ lượng tôm biển tại hai bãi tôm chính là 97-212kg/ha [Bắc Cung Hầu] và 64-249kg/ha [Cửa Định An]. Tôm càng đứng sau tôm biển về giá trị kinh tế ở thủy vực Trà Vinh có 11 loài, trong đó có tôm càng xanh, tôm trứng, tép bò, tôm sông ấn.

1.Danh lam thắng cảnh:

- Về du lịch văn hóa - lịch sử

Tuy là vùng đất trẻ nhưng Trà Vinh có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer. Người Khmer có chữ viết riêng, các và các phong tục tập quán có giá trị văn hoá khác.

Người Khmer còn xây dựng trên địa bàn Trà Vinh nhiều chùa có kiến trúc độc đáo và hoà quyện thiên nhiên, tiêu biểu là :

+ Chùa Âng:

Chùa Âng

Chùa cách Trung tâm thị xã Trà Vinh 7km, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om. Chùa toạ lạc trên khu đất rộng 4ha, thuộc phường 8, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Chùa Âng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa có kiến trúc cổ, độc đáo, hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên. Chùa Âng đã được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích văn hoá của quốc gia.

Cổng chùa được trang trí tượng chằn, tiên nữ, chim thần theo mô - típ truyền thống, chùa Âng có hào nước sâu bao bọc xung quanh và một tháp năm ngọn. Đây là nơi lưu giữ tro xương các vị trụ trì đã qua đời. Theo truyền thuyết, chùa Âng được xây dựng vào cuối thế kỷ 10. Nhưng qua sổ sách lưu lại, kể từ vị trụ trì đầu tiên, ngôi chùa có trước năm 1715, được trùng tu năm 1842. Nền chùa Âng cao 2m gồm 2 bậc. Rộng nhất là ngôi chính điện, nơi tập trung các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Cửa chùa mở về hai hướng đông và tây. Bên ngoài, trên đầu sáu cây cột trước chính điện, có chạm khắc hình tiên nữ, chim thần. Mái chùa lợp ngói, có ba tầng, được chống đỡ bởi 12 cột bằng gỗ qúi, mái trên cùng dốc và cao hơn hai mái kia. Mỗi đầu hồi được đóng kín bằng một tấm gỗ hình tam giác, chạm khắc hình vị chủ thiên đội mâm và hoa hướng dương tinh xảo. Các diềm mái có hình rồng cách điệu, đầu chúc xuống, thân soãi theo dốc mái. Các vẩy uốn cong ngược lên làm cho dáng mái chùa như cao hơn.

Bên trong chính điện là gian phòng thờ Phật Thích ca, cũng là nơi tiến hành các nghi thức tôn giáo của Phật giáo Nam tông. Bệ thờ Phật rộng gần 30m² gồm bốn bậc. Tượng Phật chính cao 2,1m. Xung quanh có 50 tượng Phật khác nhỏ hơn [bằng đá hoặc gỗ]. Ba phía vách chính điện có hàng chục tranh vẽ cuộc đời đức Phật. Trần chính điện được trang trí bốn bức bích họa lớn theo chủ đề: Phật đản sinh, xuất gia, đắc đạo, nhập niết bàn.

Với ưu thế giao thông thuận lợi, chùa Âng lại nằm liền kề Nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer và ao Bà Om, tạo thành một quần thể di tích thu hút nhiều du khách đến tham quan.

+ Chùa Hang:

Chùa cách thị xã 6 cây số, qua cống ngăn mặn Tầm Phương là đến. Chùa Hang đã có hơn 350 tuổi, thăng trầm nhiều bận. Trước kia, chùa có tên chùa Dơi vì sân chùa có đàn dơi đông vô kể. Ngày nay đàn cò đã trở về cả ngàn con, mỗi chiều đậu trắng cây, có ngày chùa nhặt vài chục cò con, các sư nuôi cho cứng cáp rồi thả. Chỉ riêng đàn dơi là mất tích hẳn.

Khuôn viên chùa rộng đến 12 mẫu, thật thú vị khi một nửa diện tích này là rừng tự nhiên, cây cao rậm rạp, chim chóc được một chỗ trú ẩn an toàn dưới bóng từ bi. Cổng du khách thường vào ở ven tỉnh lộ 36 chỉ là cổng phụ, xây dựng vòm cuốn, tường rất dày, cái cổng đặc biệt này là nguồn gốc của tên chùa Hang. Cổng chính hướng ra phía bờ sông, tên chính thức của chùa là Kompong Chrây, nghĩa là "Bến cây đa". Hai bên cổng chính hai tượng Yak to bằng người thật. Yak là chằn tinh, mắt lồi, nanh dài, mặt áo giáp, cầm gậy, rất hung ác nhưng được Phật cải hóa, cho làm bảo vệ.

Ðứng trong sân chùa không khỏi có cảm giác như đây là cảnh "ngoại" vì mọi thứ đều lạ lùng. Ngôi chùa vươn lên cao với bộ mái nhiều tầng kiểu Khmer sặc sỡ khác hẳn các chùa làng Việt vốn khiêm tốn giản dị. không gian lại vắng lặng không tiếng chuông mõ quen thuộc. Tất nhiên cảm giác lạ lùng chỉ có với du khách người Việt, còn người Miên, ngôi chùa là nơi vô cùng thân thuộc. Vai trò của chùa trong sóc [làng] rất quan trọng, nhà chùa đảm nhiệm cả phần giáo dục đạo đức, bảo tồn truyền thống văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em rất qui mô. Lại có khoảng hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho một người. Lâu lâu cánh đàn ông Miên vào mỗi người một nhà, ở lại cả tháng để cầu nguyện và làm trong sạch linh hồn. Người Miên ở Trà Vinh sống đơn giản, ít tham vọng, nhà ở rất đơn sơ nhưng chùa phải kiên cố, to đẹp; có vẻ như hệ tư tưởng Phật giáo đã nhập tâm sâu đậm, sự giải thoát quan trọng hơn kiếp người.

+ Chùa Noodol [chùa Cò]:

Tọa lạc tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú, cách TX Trà Vinh khoảng 40km về phía nam. Đây là ngôi chùa cổ, to lớn hội đủ tinh hoa kiến trúc của văn hóa Khmer Trà Vinh. Công trình kiến trúc hoàn mỹ này vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp trước sự tác động của thời gian và chiến tranh. Chùa Noodol còn gọi là chùa Cò hay chùa Giồng Lớn. Đây là ngôi chùa cổ to lớn có nét kiến trúc đặc sắc của nền văn hoá Khmer ở Trà Vinh, bao gồm cổng chùa, ngôi chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội...

Khu vực chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như Riehu, thần 4 mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt... Chùa được bao bọc bởi những rặng tre, hàng cây sao, dầu. Người dân quen gọi là chùa Cò vì hơn một trăm năm nay khuôn viên chùa [khoảng 3 ha] đã là nơi cư trú của hàng ngàn con chim các loại như: cò, cồng cộc, bồ câu... trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại: cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen...

+ Chùa Phước Minh Cung:

Phước Minh cung [thường được gọi là Chùa Ông vì vị thần chính được tôn thờ là Quan Thánh đế, tức Quan Công], tọa lạc tại số 44 đường Điện Biên Phủ, Phường 2, thị xã Trà Vinh, được xem là một công trình kiến trúc độc đáo tiêu biểu và là một “bảo tàng mỹ thuật truyền thống” của cộng đồng người Hoa trên địa bàn Trà Vinh. Ngôi chùa này có niên đại vài thế kỷ và được trùng tu vào đầu thế kỷ XX. Không gian kiến trúc của ngôi chùa theo kiểu “nội công ngoại quốc” truyền thống Trung Hoa, với ba ngôi tiền điện, trung điện, chính điện theo hình chữ “Tam” và hai dãy tả điện, hữu điện hướng vào.

Toàn bộ công trình lợp ngói âm dương theo nhiều tầng bậc, diềm mái tráng men xanh ngọc, cột kèo làm bằng gỗ quí. Bên trong nội thất, từ khánh thờ, bàn thờ, đến cửa ra vào, hoành phi, liễn đối…đều được chạm khắc tinh xảo và trang trí theo motupe mỹ thuật truyền thống Trung Hoa như lưỡng long chầu nguyệt, long phụng tranh châu, tứ linh, tứ bình, bát tiên, đào viên kết nghĩa…Hàng năm, cứ vào dịp Rằm tháng Giêng âm lịch, tại Phước Minh cung diễn ra lễ hội Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa Trà Vinh. Phước Minh cung được Bộ VHTT xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 2005.

Trà Vinh còn có các di tích lịch sử

+ Di tích bến tiếp nhận vũ khí:

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, vùng ven biển Trà Vinh là một mắc xích quan trọng, hình thành nhiều bãi tiếp nhận như Láng Nước [Hiệp Thành], Cồn Tàu [Trường Long Hoà ], Con Lợi [Long Vĩnh]…

Trong gần 15 năm tồn tại của tuyến đường, các xã ven biển Trà Vinh đã tiếp nhận hơn 20 chuyến hàng, với hơn 1.500 tấn vũ khí, trang thiết bị chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc . Để đảm bảo bí mật và sự an toàn của tuyến đường, nhiều người con của quê hương Trà Vinh đã anh dũng nằm xuống. Cồn Tàu [ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa] nơi nhiều lần là bến tiếp nhận vũ khí, được chọn đại diện cho các bến bãi ven biển Trà Vinh để xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, Bộ Tư lệnh Hải Quân và các cơ quan chức năng Trà Vinh đầu tư xây dựng nơi đây thành khu di tích với một số hạng mục như bia tưởng niệm, công viên…Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh Giồng Giếng hợp với khu du lịch Ba Động thành cụm văn hóa – du lịch liên hoàn vùng ven biển Trà Vinh.

+ Đền thờ Bác Hồ:

Đền thờ Bác Hồ hay nói theo cách nói của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng là “Công trình trái tim” – một biểu tượng của tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một địa chỉ văn hóa du lịch nổi tiếng – tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, cách trung tâm nội ô chưa đến 5 cây số, về hướng đông bắc. Ngay khi hay tin Hồ Chủ tịch qua đời, trong niềm kính yêu và nỗi tiếc thương vô hạn, Chi bộ và quân dân Long Đức quyết định cùng nhau dựng lấy ngôi đền thờ Người ngay tại vùng quê lửa đạn của mình.

Tuy chỉ bằng vật liệu tre lá trên một diện tích khiêm tốn 16 mét vuông nhưng sự tồn tại một cách hiên ngang và thách thức của ngôi đền , tai một vị trí sát nách các cơ quan đầu não trong tỉnh lỵ, khiến kẻ thù ngày đêm điên cuồng đánh phá. Chúng tổ chức hàng chục cuộc hành quân càn quét, hàng trăm trận bắn phá bằng pháo binh, máy bay, tàu chiến. Năm năm xây dựng và bảo vệ ngôi đền , quân dân Long Đức, quân dân thị xã Trà Vinh đã anh dũng bám từng bờ tre, bụi cỏ mà chiến đấu , loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên địch. Ta hy sinh hơn 10 chiến sĩ cùng nhiều quần chúng khác và ngôi đền bị địch ba lần đốt cháy, trong đó lần cuối là vào chiều ngày 9/4/1975, trước cơn giảy chết của chế độ Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, để xứng đáng với tầm vóc lịch sử, thể theo nguyện vọng của đồng bào các giới trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo ngôi đền.

Hiện nay, theo qui hoạch, toàn bộ công trình có diện tích hơn 4 hecta với các hạng mục như Bảo tàng lịch sử tỉnh, Nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phiên bản nhà sàn Bác Hồ sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Tất cả quây quần chung quanh hạng muc chính là ngôi đền được phục chế theo nguyên trạng tre lá, trên đúng vị trí tồn tại trong chiến tranh. Để bảo quản lâu dài theo năm tháng, một vỏ bao che được thiết kế theo dạng đóa sen hồng cách điệu che chắn cho ngôi đền khỏi nắng mưa, giông bão. Vì những giá trị lịch sử lớn lao, thể hiện tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ Bác Hồ được Bộ VHTT xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Ngày nay, cứ mỗi dịp lễ tết, đông đảo nhân dân Trà Vinh đến đây vui chơi, giải trí và thắp nén hương kính dâng lên Bác. Đặc biệt, chiều ngày 2/9 hàng năm, tại đây diễn ra lễ hội Kỵ cơm Bác Hồ rất long trọng.

- Về danh lam thắng cảnh:

+ Bãi biển Ba Động:

Bãi biển Ba Động

Bãi biển Ba Động thuộc địa phận xã Trường Long Hoà, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 55km. Biển Ba Động được khai thác từ rất sớm. Trước đây, người Pháp đã cho xây trên bãi biển đẹp nhất của Trường Long Hòa một khu nghỉ mát để thường xuyên đến nghỉ và tắm biển.

Biển Ba Động đẹp bởi vẫn còn giữ được nét hoang sơ với cát trắng nước trong, không khí trong lành và yên tĩnh. Nơi đây có những đụn cát "nhấp nhô", với những hàng phi lao xanh vút và bãi cát phẳng lì trải dài đầy hấp dẫn. Nhiều công trình, hạng mục, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư phục vụ cho việc khai thác tiềm năng du lịch ở biển Ba Động như cầu Long Toàn, Kinh Xáng, bãi Đồn, phà Láng Chim... Đây là một trong những khu du lịch hấp dẫn ở đồng bằng sông Cửu Long.

+ Ao Bà Om:

Ao Bà Om thuộc xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, nằm dọc theo quốc lộ 53, cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 7km về hướng tây nam. Ao Bà Om còn gọi là ao Vuông vì có hình vuông khá chuẩn, mỗi cạnh áng chừng 200m. Mặt nước ao trong và phẳng lặng. Ao Bà Om là một thắng cảnh nổi tiếng của Trà Vinh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Xung quanh ao là gò cát cao rợp bóng cây cổ thụ sao, dầu; rất nhiều cây với phần rễ trồi lên mặt đất tạo thành những hình dạng độc đáo. Không khí quanh ao trong lành và mát mẻ. Ðến đây bạn sẽ được nghe những truyền thuyết ly kỳ và hấp dẫn về ao Bà Om. Năm 1994, bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định công nhận ao Bà Om là một di tích, danh thắng cấp quốc gia.

+ Khu Du lịch sinh thái Rừng Đước:

Ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải có một khu du lịch sinh thái tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Nam bộ là khu rừng Đước trên 20 năm tuổi, rộng hơn 200 hecta. Đây là khu rừng được nhân dân Long Khánh cùng các xã lân cận trồng mới và được bảo vệ nghiêm ngặt, bởi vì Đước là chủng loại thực vật đặc hữu trên nền đất ngập mặn có giá trị cao cả về mặt kinh tế lẫn sinh cảnh.

Từ rừng Đước Long Khánh sẽ là nơi bảo tồn, tái tạo các loại động vật hoang dã, bao gồm thú rừng, chim muông, thủy hải sản đặc trưng của vùng ngập mặn đang đứng trước nguy cơ ngày càng cạn kiệt. u khách có thể đến với khu du lịch sinh thái rừng Đước Long Khánh bằng cả hai phương tiện thủy cũng như bộ.

2. Lễ hội truyền thống:

Tuy là vùng đất trẻ nhưng Trà Vinh có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer. Người Khmer có chữ viết riêng, các lễ hội truyền thống như Chôl Chhnam Thmây [mừng năm mới], Dolta [lễ cúng ông bà], Ok Om Bok [lễ cúng trăng], Lễ hội nghinh ông [lễ cúng biển], Dâng bông, Dâng phước và các phong tục tập quán có giá trị văn hoá khác.

+ Lễ Chôl Chhnam Thmây:

Đây được xem như là ngày tết của người Khmer [ngày lễ chịu tuổi]. Lễ Chôl Chhnam Thmây của người Khmer mang ý nghĩa tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh, là mừng mình thêm một tuổi, với hi vọng năm mới đến với mọi người đều may mắn, những điều tốt đẹp sẽ đến và những điều không may, xui xẻo cũng theo năm tháng cũ mà qua đi. Lễ Chôl Chhnam Thmây diễn ra ba ngày 13,14,15 tháng 4 dương lịch [đối với năm nhuận sẽ diễn ra ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch].

+ Ok Om Bok:

Đối với đồng bào Khmer Nam bộ, Ok Om Bok - còn gọi là lễ Cúng trăng, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Mười hàng năm, theo Phật lịch - là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất. Thường, đây là thời điểm mà thời tiết chuyển dần từ mùa mưa sang mùa khô, thời vụ nông nghiệp chuyển từ mùa gieo trồng sang mùa thu hoạch, con người đứng trước niềm vui mùa màng bội thu, no ấm. Theo quan niệm dân gian của người Khmer, Mặt Trăng là vị thần có nhiệm vụ điều hành thời gian, quyết định mùa màng nên ngay sau khi thu hoạch, người Khmer chọn thức ngon nhất là nếp mới giã thành cốm dẹp, dâng cúng thần Mặt Trăng để tỏ lòng tạ ơn. Dịp này, sau mùa nước nổi, người Khmer cũng tiến hành các nghi thức tạ ơn và tiễn đưa thần Nước. Trong một chừng mực nhất định, Ok Om Bok mang dáng dấp của lễ Thượng điền, lễ Cơm mới của người Việt nói riêng và nói rộng ra là các dân tộc chung hệ văn minh nông nghiệp lúa nước. Trong lễ này, người ta tiến hành các nghi thức mừng một mùa vụ bội thu, làm lễ tạ ơn và xin lỗi mẹ Đất, mẹ Nước.

+ Lễ hội cúng biển Mỹ Long:

Lễ hội cúng biển Mỹ Long được tổ chức từ ngày 10 - 12/5 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tại miếu bà Chúa Xứ, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Đối tượng suy tôn: Bà Chúa Xứ, Cá Ông. Đây là lễ hội của cư dân ven biển Nam Bộ với các nghi lễ: lễ nghinh Ông, lễ rước Bà Chúa Xứ, lễ tế Thần Nông. Trò chơi: nhẩy bao, kéo co, bắt cá.

+ Lễ hội cúng Ông:

Lễ hội cúng ông [Quan Công, địa phương gọi là "ông bổn"] của người Hoa vào rằm tháng 7 hàng năm tại huyện Cầu Kè.

Vài nơi tập trung khu xóm theo Thiên Chúa Giáo như Bãi San, Đức Mỹ... Nhà thờ tại thị xã Trà vinh có kiến trúc đẹp và cổ điển.

3.Đặc sản - Sản phẩm nổi tiếng:

Trà Vinh có một số đồ ăn thức uống đã trở thành các đặc sản địa phương như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo, lươn um lá cách, cá cháy Cầu Quan, tôm càng nấu lẩu chua cơm mẻ, chuột đồng khìa nước dừa, vọp chong nướng lụi, bánh xèo, bánh ống, bánh canh Bến Có v.v.

+ Cốm dẹp Ba So:

Làng cốm dẹp Ba So [Xã Nhị Trường, Cầu Ngang] gồm 60 hộ dân Khmer làm nghề. Cốm dẹp Ba So làm từ nếp mùa, thơm ngon, sản xuất quanh năm với sản lượng lớn và ổn định, trở thành món ăn đặc sản cung cấp cho các thị trường khắp Nam bộ.

+ Bánh tráng Trà Vi:

 Bánh tráng Trà Vi [xã Nguyệt Hóa, Châu Thành] làm bằng gạo lúa mùa truyền thống theo phương pháp thủ công nên có màu hơi ngà, mỏng, ngon và dẻo. Bánh tráng Trà Vi có mặt khắp các nhà hàng, quán ăn cũng như bữa ăn hàng ngày của người dân Trà Vinh.

+ Rượu Xuân Thạnh:

Rượu Xuân Thạnh do một số gia đình trong cùng một dòng tộc tại ấp Xuân Thạnh [Hòa Thuận, Châu Thành] nắm giữ bí quyết và sản xuất bằng gạo nếp mùa truyền thống cùng bài men gia truyền. Rượu Xuân Thạnh cao độ, sủi tăm trong vắt, hương vị nồng nàn và không gây khó chịu cho người lỡ vui quá chén.

+ Tôm khô Vinh Kim:

Tôm khô Vinh Kim [xã Vinh Kim, Cầu Ngang] được chế biến từ con Tép bạc đất đặc hữu vùng nước lợ [nhất Vinh Kim, nhì Hậu Bối ] trở thành đặc sản nổi tiếng khắp vùng nhưng ngon nhất, uy tín nhất vẫn là “Tôm khô bà Hai Khâm”. Tôm khô bà Hai Khâm đều, thân đỏ au, khô chắc có chất lượng vượt trội so với sản phẩm cùng loại từ các địa phương khác.

+ Dừa sáp:

Dừa sáp là loại đặc sản chỉ duy nhất có tại Cầu Kè. Trái dừa sáp trông bình thường như bao trái dừa bình thường khác nhưng khi bổ ra bên trong cơm dừa đặc quánh như sáp. Cơm dừa sáp có tỷ lệ tinh dầu và hàm lượng dinh dưỡng cao, chế biến các thức uống giải khát như sinh tố rất ngon.

+ Bánh Tét Trà Cuôn:

Bánh Tét Trà Cuôn [xã Kim Hòa, Cầu Ngang], cách thị xã Trà Vinh 10 cây số [ngay cầu Trà Cuôn] nổi tiếng với thương hiệu bánh Tét Hai Lý. Bánh tét Trà Cuôn được gói khéo léo, hương vị thơm ngon, có thể bảo quản dài ngày thường được du khách chọn làm quà tặng người thân sau mỗi chuyến đến Trà Vinh.

+ Nước Mắm Rươi:

Nước Mắm Rươi vùng ven biển Trà Vinh, đặc biệt là vùng Cồn Cù [Dân Thành, Duyên Hải] cứ mùa gió bấc cũng là mùa vớt Rươi làm nước mắm. Nước mắm Rươi có màu vàng sậm, hàm lượng đạm cao, hương vị ngai ngái nồng nàn. Tương truyền, trong thời gian bôn tẩu tới đây, chúa Nguyễn Ánh được người dân địa phương “tiến” món nước mắm đặc sản này được chúa tấm tắc khen ngon. Từ đó, nước mắm Rươi còn có mỹ danh là “nước mắm ngự”.

Bản đồ hành chính Tỉnh Trà Vinh

2.Các đơn vị hành chính:

Tính đến 31/12/2008, tỉnh Trà Vinh với 8 đơn vị hành chính gồm: Thị xã Trà Vinh và các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Tiểu Cần, Trà Cú.

ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TRÀ VINH

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã có nhiều cố gắng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội VIII và kế hoạch 5 năm 2006-2010 đề ra, kết quả đạt được như sau:

Trong 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 11,64%/năm [chỉ tiêu đề ra là 14,6%], trong đó GDP ngành nông nghiệp tăng 3,15%, GDP ngành lâm nghiệp tăng 10,95%, GDP ngành thuỷ sản tăng 6,94%, GDP ngành công nghiệp tăng 15,83%, GDP ngành xây dựng tăng 29,4%, GDP ngành dịch vụ tăng 20,87%.

Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 140 triệu USD [kế hoạch là 200 triệu USD]. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 25.550 tỷ đồng vượt kế hoạch đề ra [kế hoạch 21.455 tỷ đồng]. Thu ngân sách nhà nước đạt 716 tỷ đồng [kế hoạch 800 tỷ đồng].

1. Lĩnh vực kinh tế:

Về nông nghiệp: Năng suất, sản lượng tăng, năm 2010 dự kiến đạt khoảng 1.124.500 tấn, góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân 5 năm tăng 3,63%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết.

Lâm nghiệp, thực hiện có hiệu quả dự án rừng ngập nước ven biển của Ngân hàng Thế giới và dự án trồng mới 05 triệu ha rừng của Chính phủ, đã bảo vệ được diện tích rừng hiện có và mỗi năm trồng mới 169 ha, đến nay toàn tỉnh có 7.085 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 40% diện tích.

Thuỷ sản, tuy có nhiều khó khăn, nhưng nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng nỗ lực của ngư dân, ước sản lượng thuỷ sản năm 2010 đạt trên 157.000 tấn, tăng 2,44% so năm 2005.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển: Tốc độ tăng GDP tuy chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết, nhưng đã có bước phát triển tích cực, tỷ trọng công nghiệp trong GDP từ 14,52% năm 2005 tăng lên 18,35% năm 2010. Trong 5 năm, thu hút 69 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.700 tỷ đồng. Năm 2010, giá trị sản xuất ước đạt 3.580 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2005. Toàn tỉnh hiện có 8.520 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 43.000 lao động, tăng 21.500 lao động so năm 2005. Công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các làng nghề tiếp tục được thực hiện.

Thương mại - dịch vụ phát triển khá: Tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm đạt 20,87%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ tăng bình quân 14%/năm, hàng hoá lưu thông trên thị trường trong tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu ước năm 2010 đạt 140 triệu USD, tăng hơn 3 lần so năm 2005, một số mặt hàng xuất khẩu tăng khá: Gạo, tôm đông lạnh, cơm dừa nạo sấy, tơ xơ dừa, ...Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 11%/năm, chủ yếu nhập nguyên liệu để sản xuất dược phẩm và máy móc thiết bị ngành công nghiệp. Tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như: Khu du lịch biển Ba Động, khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn, khu văn hóa du lịch Ao Bà Om, mở rộng khu di tích Đền thờ Bác Hồ...đến nay toàn tỉnh đã có 35 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, 42 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, có khả năng đón tiếp khách quốc tế và trong nước.

Lĩnh vực bưu chính viễn thông trong 5 năm qua có bước phát triển tích cực. Nhu cầu dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển nhanh, mạng lưới viễn thông được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới 4 điểm phục vụ bưu chính, ...

Hoạt động tài chính, tín dụng: Quản lý và điều hành ngân sách đi vào nề nếp, thực hiện tốt chính sách bồi dưỡng nguồn thu, hàng năm thu ngân sách trên địa bàn [thu nội địa] đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ. Khắc phục kịp thời những sai sót trong thu - chi ngân sách.

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.550 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương quản lý chiếm 22,33%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,86%, vốn doanh nghiệp ngoài quốc doanh và dân cư 45,68%, vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn 20,91%...Các công trình đầu tư phát huy tác dụng tốt, tạo thêm năng lực sản xuất mới và tăng đáng kể kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hạ tầng giao thông, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 317 km đường nhựa, 225 km đường bê tông cốt thép và 8 km đường đá cấp phối, đến nay 102/104 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Xây dựng mới nhiều cầu bê tông cốt thép, cầu giao thông nông thôn.

Về thủy lợi, đầu tư thực hiện mới kênh cấp 2, nạo vét kênh cấp 3, kè sông, đê biển, lắp đặt trạm bơm, cống bọng...đưa diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu và ngăn mặn lên 91.500 ha, chiếm 80% diện tích đất nông nghiệp, tăng 9.000 ha so năm 2005.

Tổ chức lại sản xuất: Củng cố, sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa 05 doanh nghiệp Nhà nước, giao cho tập thể người lao động quản lý doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả...

Công tác đối ngoại: tổ chức quán triệt sâu rộng quan điểm Nghị quyết 08-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp về công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

2. Lĩnh vực văn hoá – xã hội:

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển: hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ tre em đi học trong độ tuổi bậc Tiểu học đạt 99,5%, bậc trung học cơ sở đạt 94%, trung học phổ thông 68,5%. Đội ngũ giáo viên từng bước được bổ sung về số lượng và nâng dần chất lượng. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư thêm, đến nay có 452 trường học và trung tâm dạy nghề, với 5.315 phòng học, 34 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Xã hội hoá giáo dục phát triển trên cách lĩnh vực như: đầu tư xây dựng trường lớp, khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học...

Quan tâm lĩnh vực khoa học và công nghệ: Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý phát triển khá, hiện có 16.745 cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên, tăng 1,58 lần so với năm 2005.

Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.

Thực hiện chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo.

Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin, báo chí, phát thanh truyền hình, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhu cầu thông tin, hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân và thông tin đối ngoại.

Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo: Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và tôn giáo, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương – giáo được củng cố và phát huy tốt./.

Chủ Đề