Vì sao cân phải chủ ý đến hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ

1. Khái niệm tỷ số giới tính khi sinh

Là số trẻ trai sinh ra còn sống so với 100 trẻ gái sinh ra còn sống trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh.

2. Khái niệm Mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ.

3. Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh

3.1. Nhóm nguyên nhân cơ bản

Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong tâm thức nhiều người:

- Coi con trai là người nối dõi tông đường, gia phả dòng họ ở nhiều nơi chỉ có tên con trai, tập quán con trai thờ cúng tổ tiên, cha mẹ.

- Coi đàn ông là trụ cột gia đình, con mang họ cha, con trai là người kế thừa tài sản của gia đình.

- Coi con trai làm chỗ dựa cho bố mẹ khi về già, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, coi con gái sau khi kết hôn về nhà chồng là "con người ta"…

3.2. Nhóm nguyên nhân phụ trợ

Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp ứng được cả 2 mục tiêu trên. Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, hiện nay trên 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của xã hội hiện nay, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, vì thế họ sẽ cảm thấy lo lắng và rất không an tâm cho tương lai khi chưa có con trai. Chính sách ưu tiên đối với nữ giới cũng chưa thật thỏa đáng.

3.3. Những nguyên nhân trực tiếp

Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như:

- Áp dụng ngay từ trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn,…);

-  Trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…);

- Khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi ....

4. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh

- Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số và kéo theo đó là những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

- Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn.

- Việc gia tăng TSGTKS làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: Nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, gia tăng sự bất bình đẳng giới về mọi mặt chính tri, kinh tế xã hội và gia đình, tình trạng bạo hành giới, bất bình đẳng giới, các tệ nạn xã hội gia tăng như: Mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia.

Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa. Đối với những ngành nghề vốn được xem là thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc … cũng trở lên thiếu vắng nữ lao động.

Như  vậy, những vấn đề dân số, nhất là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động, hệ lụy lâu dài, có khi từ đời này sang đời khác nếu không có giải pháp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ thì thế hệ tương lai sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.

5. Chúng ta phải làm gì để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

5.1. Chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - Sức khỏe sinh sản, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

5.2. Tăng cường truyền thông giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, trong đó đặc biệt chú trọng tới truyền thông trực tiếp với cách tiếp cận và thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ và hành vi của toàn xã hội, của những người đứng đầu các dòng họ, những người cung cấp dịch vụ liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi và đặc biệt là các cặp vợ chồng về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

5.3.  Lồng ghép truyền thông về Mất cân bằng giới tính khi sinh gắn với nhiệm vụ chính trị của tổ bản tiểu khu, gắn với các nội dung thi đua, đưa vào quy ước, hương ước, trong xây dựng tổ, bản, tiểu khu văn hóa hàng năm.

5.4. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trường PTTH, PTCS, … trên địa bàn triển khai đồng bộ, đầy đủ các nội dung về chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về Dân số - SKSS/KHHGĐ, về bình đẳng giới và đặc biệt là các văn bản chỉ đạo, các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và các hoạt động can thiệp giảm thiểu về “Mất cân bằng giới tính khi sinh”.

5.5. Chủ động rà soát nắm chắc số đối tượng có hai con gái, đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trên địa bàn, để tuyên truyền vận động không sinh con thứ 3 và không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh.

5.6. Thường xuyên, kịp thời cập nhật kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác Dân số để nâng cao năng lực triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn./.

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

23/08/2021 - 10:07 AM

Cỡ chữ

Mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nội dung quan trọng được Tổng cục Thống kê thực hiện trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng điều tra) nhằm cung cấp số liệu cụ thể về thực trạng dân số Việt Nam. Vấn đề này có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam cũng như sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, đồng thời là một trong những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới, đòi hỏi cần sớm có các biện pháp can thiệp.

Thực trạng và nguyên nhân mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam

Tâm lý ưa thích con trai và định kiến giới đã tồn tại dai dẳng ở Việt Nam từ thời phong kiến, đến nay dù dân trí đã được nâng cao giúp cải thiện tình hình nhưng mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Thực tế hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra của Việt Nam vẫn cao hơn mức sinh học tự nhiên dẫn đến những cảnh báo sớm về tình trạng mất cân bằng giới tính. Các nghiên cứu chuyên sâu về Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam được phối hợp giữa Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) từ kết quả của cuộc Tổng điều tra đã chỉ ra rằng với tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái (năm 2019) so với mức sinh học tự nhiên 105 bé trai/100 bé gái, số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt ở Việt Nam sẽ là khoảng 45,9 nghìn trẻ, tương đương với 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra.

Các số liệu cũng cho thấy sự khác biệt về tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng miền. Trong đó, khu vực thành thị có tỷ số thấp hơn nông thôn với mức tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ bé trai sinh ra so với bé gái cao nhất cả nước với 114,2 bé trai/100 bé gái, trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thấp nhất là 106,9 bé trai/100 bé gái.

Vì sao cân phải chủ ý đến hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh

Ảnh minh họa


Đối với cha mẹ đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến 48% trong vòng 10 năm sau khi đứa trẻ thứ 2 ra đời. Con số này khá thấp đối với cha mẹ đã có 2 con trai hoặc đã có 1 con trai và 1 con gái với tỷ lệ chiếm lần lượt là 22% và 23%. Qua đó có thể thấy, những cha mẹ chưa có con trai thường có tỷ lệ sinh thêm con cao gấp đôi so với cặp cha mẹ đã có ít nhất 1 con trai. Đi cùng với sự mất cân bằng ở tỷ số giới tính khi sinh là sự thiếu hụt trẻ em gái. Thống kê trong giai đoạn 2014-2019, mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở lần sinh đầu tiên là nguyên nhân gây thiếu hụt khoảng 30% trẻ em gái tại Việt Nam, ở lần sinh thứ 2 là 26% và sự thiếu hụt ở lần sinh thứ 3 lên tới 44% trẻ em gái.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam, tuy nhiên, các chuyên gia đã tập trung vào một số nguyên nhân chính. Đầu tiên, sự mất cân bằng diễn ra do nhận thức không đúng về bình đẳng giới dẫn đến tâm lý ưa thích có con trai và mong muốn lựa chọn giới tính bị thiên lệch về giới. Nguồn gốc sâu xa của nguyên nhân này là do truyền thống gia tộc phụ hệ có từ hàng nghìn năm trước và tư tưởng Nho giáo trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận người dân khi quan niệm con trai nối dõi tông đường, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình, chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách quy mô gia đình nhỏ trong bối cảnh giảm sinh đã có tác động mạnh khiến nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai, đặc biệt là những cặp vợ chồng chỉ có con gái trong những lần sinh trước đó.

Mặt khác, sự phát triển ngày càng tốt hơn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia trình độ cao đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các hình thức lựa chọn giới tính cả trước và trong khi mang thai. Đây cũng được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay. Điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 65,7% bà mẹ đang mang thai từ 15-28 tuần có thể biết trước giới tính của thai nhi. Với thai nhi dưới 15 tuần, Đồng bằng sông Hồng là nơi có tỷ lệ phụ nữ biết giới tính thai nhi cao nhất cả nước (51,4%), thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (8,6%).

Ngoài những nguyên nhân chủ yếu trên, nhận thức của người dân, nhất là những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh và hậu quả do mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này.


Hệ quả và giải pháp khắc phục

Theo các chuyên gia nhân khẩu học, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong khoảng hơn chục năm trở lại đây mới chỉ ảnh hưởng đến nhóm dân số trẻ em. Những thế hệ đầu tiên sinh ra sau sự gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh cao hơn mức tự nhiên hiện đang trong độ tuổi thanh thiếu niên và sẽ sớm đạt đến độ tuổi trưởng thành trong vài năm nữa. Có thể dự đoán trước với sự gia tăng bé trai cao hơn nhiều so với bé gái sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam giới so với nữ giới. Dựa trên các phân tích chuyên sâu, Tổng cục Thống kê và UNFPA đã đưa ra kịch bản về sự dư thừa nam giới so với nữ giới độ tuổi từ 20-39 tuổi trong giai đoạn 2019- 2059. Theo đó, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, sự dư thừa nam giới sẽ tăng từ 563,5 nghìn người nam năm 2019 lên 1,4 triệu người nam năm 2059, tương ứng sẽ dư từ 3,5% lên 9,7% tổng số nam giới của Việt Nam. Với kịch bản Việt Nam nỗ lực thực hiện các biện pháp thay đổi nhanh khiến tỷ số giới tính khi sinh giảm đều và trở lại mức 106,9% vào năm 2059, dù tình trạng nam dư thừa vẫn cao nhưng con số này đã có sự giảm đáng kể còn 926,5 nghìn người nam dư thừa, tương ứng 6,5% tổng số nam giới của cả nước.

Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.

Với phương diện gia đình, nhiều bà mẹ đã lựa chọn giới tính thai nhi sau khi mang thai bằng phương pháp nạo, hút thai, điều này cũng phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại ở Việt Nam. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong số các quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, chỉ sau 2 cường quốc dân số là Trung Quốc và Nga. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 15-49 đang có chồng thực hiện việc nạo/phá thai và hút điều hòa kinh nguyệt chiếm 0,4% tổng số phụ nữ trong độ tuổi điều tra năm 2018. Tỷ lệ này giảm rất nhiều so với con số 1,7% năm 2003 nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không hề nhỏ đối với sức khỏe và tính mạng của thai phụ. Đi cùng với vấn đề sức khỏe là các vấn đề về tâm lý, gia tăng căng thẳng trong gia đình, ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế gia đình. Thêm vào đó, mong muốn có con trai của các thành viên trong gia đình có thể khiến người phụ nữ phải chịu, áp lực sinh bằng được con trai, đặc biệt là khi người phụ nữ đó là con dâu trưởng hay có chồng là con trai duy nhất của gia đình. Thậm chí, tâm lý ưa thích con trai có thể là nguyên nhân dẫn đến việc ngoại tình hay gia tăng các vụ ly hôn vì không sinh được con trai.

Trên phương diện xã hội, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dân đến sự dư thừa nam giới và thiếu hụt nữ giới ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai sẽ tác động đến quá trình hình thành và cấu trúc gia đình. Nhóm nam giới sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời hoặc không thể lấy được vợ, buộc phải duy trì cuộc sống độc thân. Hệ quả của hệ quả là sẽ có thể gây ra sự bất ổn xã hội, gia tăng các tệ nạn như mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu sinh lý của họ không được đáp ứng. Tình trạng này cũng gây thêm khó khăn thách thức mới đối với công tác dân số, phải tăng thêm nguồn lực đáng kể cho các nghiên cứu và giải pháp khắc phục.

Có thể nói, sự mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước. Mất cân bằng giới tính dân số trong tương lai là điều không thể tránh khỏi, cho dù Việt Nam có thể cân bằng tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên trong thập kỷ tới. Dù vậy, để hạn chế tình trạng này trong tương lai, Việt Nam vẫn cần vào cuộc một cách nhanh chóng và mạnh mẽ để giảm thiểu những tác hại đã được dự báo trước, đồng thời đáp ứng những thay đổi về nhân khẩu học và xã hội vì sự phát triển bền vững.

Các giải pháp đặt ra chú trọng đến việc đẩy mạnh và duy trì các hoạt động tuyên truyền vận động đến các gia đình về bình đẳng giới, tuyên truyền về cấm lựa chọn giới tính khi sinh, hôn nhân tiến bộ, gia đình văn mình; nâng cao nhận thức để từ đó các gia đình có thể chuyển đổi quan niệm, hành vi về giới. Tăng cường công tác thống kê, tiếp tục giám sát tỷ số giới tính khi sinh, từ đó đưa ra những bằng chứng về các khía cạnh xã hội tác động nhằm cung cấp thông tin phục vụ việc ban hành các quyết sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng và Chính quyền. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, xây dựng và duy trì các câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3; tuyên dương và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kinh tế và gia đình của những hộ sinh 2 con gái có kinh tế khá giả. Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình kết hợp với công tác tư vấn từ đội ngũ cán bộ làm công tác dân số; song song với nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 trong đó nhấn mạnh mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Những nỗ lực trên không chỉ nhằm duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc, cân bằng tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên, thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 mà còn góp phần đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng cao hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2004. Năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 bé trai/100 bé gái, dù giảm xuống còn 111,5 bé trai/100 bé gái vào năm 2019 nhưng vẫn còn khá cao so với mức tự nhiên là từ 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Theo đó, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đang đứng ở ngưỡng rất cao, đặc biệt là khi so sánh với mức cao nhất thế giới là 114,6% của Azerbaijan, đứng thứ 3 châu Á chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Thu Hiền

Về trang trước Gửi email In trang