Vì sao hiến pháp lại là văn bản gốc

  Hiến pháp [Constitution] có lẽ là một trong những thuật ngữ pháp lý được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc sống thường nhật của mọi quốc gia.

  Tại Việt Nam, chúng ta thường nghe đến khẩu hiệu như “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Những lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp thực sự trở thành sự kiện lớn của đất nước thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân. Vậy, Hiến pháp là gì và tại sao nó lại chiếm một vị trí quan trọng đến như vậy?

Bàn luận về hiến pháp

Đi tìm một định nghĩa về Hiến pháp

  Theo từ điển Merriam-Webster1: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một nhà nước. Trong đó quy định quyền, nghĩa vụ của chính quyền và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân [the basic principles and laws of a nation, state, or social group that determine the powers and duties of the government and guarantee certain rights to the people in it].

  Theo Wikipedia2: Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Nhiều hiến pháp cũng bảo đảm các quyền nhất định của nhân dân.

  Qua hai định nghĩa trên chúng ta có thể nhận thấy trong hệ thống pháp luật của quốc gia, Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Vì sao Hiến pháp lại cần thiết đối với mọi nhà nước?

  Có thể nhận thấy rằng Hiến pháp như một bản Khế ước xã hội [Social contract]. Bởi nó là kết quả của sự thỏa hiệp, nhượng bộ của các cá nhân trong một xã hội. Để có thể chung sống một cách hài hòa, bình đẳng với nhau, mỗi người đã tự nguyện dành một phần quyền của mình thiết lập một bản khế ước chung để rồi có được sự che chở của xã hội đại diện bởi luật pháp. Chúng ta hãy thử hình dung một xã hội mà không được điều chỉnh bởi những nguyên tắc nhất định sẽ trở nên hỗn độn và bất ổn biết chừng nào. Ngày nay, sự hiện diện của Hiến pháp như một điều tất yếu của một nhà nước dân chủ. Cụ thể, Hiến pháp thể hiện tính chính danh của nhà nước, bảo đảm mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Vì Hiến pháp thông thường chỉ có thể được thông qua với sự chấp thuận của nhân dân. Quan điểm này từng được thể hiện bởi Abraham Lincoln3: Một chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ không bao giờ bị tiêu vong [The Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the Earth].

Quốc hội luận bàn về hiến pháp

Các hình thức biểu hiện của Hiến pháp

  Có hai loại Hiến pháp đó là: Hiến pháp thành văn [written constitution] và Hiến pháp không thành văn [unwritten constitution]. Hiến pháp thành văn được lập thành văn bản và được tuyên bố là luật cơ bản của nhà nước. Trong khi đó Hiến pháp không thành văn là tập hợp các quy phạm, tư tưởng phản ánh các giá trị cốt lõi được thể hiện trong một số đạo luật, văn bản chính trị. Các quy phạm, tập quán này được coi như là các quy tắc mang tính hiến pháp, cho dù chúng không được cấu thành một văn bản riêng. Căn cứ vào thủ tục sửa đổi, Hiến pháp được chia làm hai loại Hiến pháp cứng [rigid constitution] và Hiến pháp mềm dẻo [flexible constitution]. Trong đó Hiến pháp cứng đòi hỏi những thủ thục, quy trình đặc biệt khi sửa đổi [vd Hiến pháp Mỹ]. Trái lại Hiến pháp mềm dẻo thì có thể sửa đổi theo thủ tục lập pháp thông thường của Quốc hội [vd Hiến pháp Việt Nam].

Hiến pháp và đặc tính tối thượng của nó  

  Với tư cách là đạo luật cơ bản, mang một nội hàm phong phú, Hiến pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm tính ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội. Do vậy, nó xứng đáng với sự tôn trọng của nhà nước, và mọi tầng lớp nhân dân. Thêm vào đó, Hiến pháp được coi là đạo luật gốc của quốc gia, là nền tảng để xây dựng các đạo luật thông thường. Vậy nên, mọi đạo luật thông thường khác đều nhằm cụ thể hóa các chế định, quy phạm của Hiến pháp, trái với điều này sẽ dẫn đến việc vi hiến [unconstitutional].

  Theo Từ điển tiếng Việt thì “tối thượng” được hiểu là một điều gì đó cao nhất, có tác dụng chi phối tất cả. Nhìn vào vai trò và tầm quan trọng của Hiến pháp thì nó chính là một văn bản luật trên tất cả. Nó là sự hội tụ của ý chí tập thể mang một giá trị thiêng liêng đối với bất cứ quốc gia nào. Không một cá nhân, tổ chức nào có thể đứng trên Hiến pháp và dùng Hiến pháp để chống lại nhân dân bởi chính nhân dân là chủ thể đã tự nguyện trao một phần quyền của mình góp phần tạo nên Hiến pháp. Theo quan điểm của Patrick Henry4: “Hiến pháp không phải là một công cụ của chính phủ để đàn áp nhân dân, mà là một công cụ để nhân dân kiềm chế chính phủ”. Đề cập đến Hiến pháp chúng ta có thể hình dung đó là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. Hiến pháp được lập ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải ban quyền cho người dân. Bởi vì người có khả năng vi phạm hiến pháp thường không phải nhân dân mà là các cơ quan có thể sử dụng quyền lực công.

  Bản Hiến pháp năm 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước ta được Quốc hội khóa I thông qua vào ngày 09/11/1946. Bản Hiến pháp này đã phản ánh đúng tinh thần pháp quyền, và được đặt cao hơn nhà nước. Cụ thể tại Điểm c Điều 70 Hiến pháp 1946 quy định Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: “c] Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

  Hiến pháp Mỹ được soạn thảo năm 1787 được cho là bản hiến pháp lâu đời và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi có hiệu lực năm 1789, nó đã được tham khảo nhiều lần để làm mô hình cho các hiến pháp của những quốc gia khác.  William Ewart Gladstone5 đã miêu tả Hiến pháp này là “Tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”. Vì sao lại có điều này? Thực tế chúng ta có thể thấy rằng tại thời điểm soạn thảo Hiến pháp Mỹ, các nhà soạn thảo đã quy định hiến pháp là bộ luật tối cao của đất nước, đặt quyền người dân trên hết, và quyền hạn của chính phủ được người dân ủy nhiệm. Theo nghi thức truyền thống của nước Mỹ, trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống đắc cử phải đọc chính xác lời tuyên thệ theo quy định tại Điều 2, Mục I Hiến pháp Mỹ: Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ [I do solemnly swear [or affirm] that I will faithfully execute the Office of President of the United States, and will to the best of my Ability, preserve, protect and defend the Constitution of the United States]6.

  Xét về Hiến pháp trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tế, chúng ta đều phải nhất trí về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của nó. Do vậy, vấn đề tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp sẽ luôn là vấn đề mang tính thời sự và thiết thực nhất đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Vũ Khỏe

1 Từ điển Merriam-Webster được xuất bản năm 1828 tại Mỹ;

2 Bách khoa toàn thư mở;

3 Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ;

4 Nhà sáng lập nước Mỹ;

5 Thủ tướng Vương quốc Anh [1809 – 1898];

6 Điều 2, Mục I Hiến pháp Mỹ 1787.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. [Ảnh tư liệu]

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - 75 năm trước, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dù đã 3/4 thế kỷ trôi qua, nhưng tư tưởng vượt thời đại của bản Hiến pháp này vẫn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, đặc biệt là tư tưởng về quyền con người, quyền công dân...

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của chính quyền nhân dân là tổng tuyển cử tự do và soạn thảo hiến pháp. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, gồm 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy [cựu hoàng Bảo Đại], Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu [Trường Chinh].

Ngày 2/3/1946, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đã bầu Ban Dự thảo Hiến pháp [Tiểu ban Hiến pháp] chịu trách nghiên cứu dự thảo hiến pháp, gồm 11 thành viên. Ngày 29/10/1946, Tiểu ban được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo và trình ra Quốc hội ngày 2/11/1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.

Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua vào ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu, gồm 7 chương, 70 điều.

Lời nói đầu khẳng định 3 nguyên tắc cơ bản: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo”; “Đảm bảo các quyền tự do dân chủ”; “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

Chương I quy định chính thể của Việt Nam là dân chủ cộng hòa.

Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.

Chương III quy định về nghị viện nhân dân.

Chương IV quy định về chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc.

Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính [ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân] các cấp.

Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp.

Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết hiến pháp của dân.

Sau khi Hiến pháp được thông qua, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội “cùng với chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện”, “trong thời kỳ chưa thi hành được Hiến pháp thì chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật”. Tuy nhiên, ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến, vì vậy, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân không có điều kiện để thực hiện, do đó Hiến pháp 1946 chưa chính thức được thi hành trong thực tiễn.

Với Hiến pháp năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hai tiếng thiêng liêng “công dân” đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia. Hiến pháp quy định tất cả công dân Việt Nam ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và đều bình đẳng trước pháp luật, đồng thời hiến định về nghĩa vụ gắn liền với quyền của công dân, đó là người dân được hưởng các quyền do Hiến pháp quy định nhưng phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật. Sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, lần đầu tiên những đối tượng chịu thiệt thòi trong xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số đã được Hiến pháp 1946 quan tâm. Quyền bình đẳng phụ nữ, việc chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em đã được ghi trang trọng trong Hiến pháp…

Nghị quyết của Quốc hội ủy nhiệm cho Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp 1946. [Ảnh tư liệu]

Giáo sư luật học Phạm Duy Nghĩa đã khẳng định Hiến pháp 1946 là “bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam châu Á lúc bấy giờ” và “đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chế công bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân”. Theo ông, Hiến pháp 1946 vẫn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam và “vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam”. Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Saarland, Cộng hòa liên bang Đức, cho rằng, điểm khác biệt và là nét độc đáo của Hiến pháp 1946 so với các bản Hiến pháp sau này là không theo bất kỳ một nguyên mẫu hiến pháp nào có sẵn trong lịch sử. Sau khi Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, có một bản hiến pháp rất nổi tiếng và có hiệu lực ở Liên Xô thời điểm đó là Hiến pháp năm 1936, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác – Lênin, cũng không xem đây là khuôn mẫu khi xây dựng Hiến pháp 1946.

Những quy định của Hiến pháp 1946, nhất là về quyền con người, quyền công dân, đã được các bản hiến pháp sau này kế thừa, phát triển, đặc biệt là trong Hiến pháp 2013. Hiến pháp 1946 quy định rất cụ thể rằng khi tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Hiến pháp quy định không ai được xâm phạm nhà ở và thư tín một cách trái pháp luật. Quyền tư hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo đảm. Điều 10 Hiến pháp 1946 quy định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Điều thứ 30 Hiến pháp 1946 quy định Nghị viện họp công khai thì người dân được vào nghe.

Hiến pháp 1946 cũng quy định quyền sửa đổi Hiến pháp là quyền của toàn dân, tức người dân phúc quyết Hiến pháp. Điều 70 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức:

a] Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.

b] Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.

c] Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Có thể thấy, Hiến pháp năm 1946 đã hiến định những quy định tiến bộ so với thực tiễn lịch sử thế giới khi ấy. Nhiều các giá trị, các quy định của bản Hiến pháp này vẫn còn giá trị lớn đối với hôm nay. Các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 1946 khẳng định tính ưu việt của chính quyền nhân dân khi ấy.

Ngọc Anh

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề