Cách mạng tháng 10 nga thành công năm nào năm 2024

Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích, giai cấp công nhân và nhân dân Nga đã vùng dậy làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và chế độ Sa Hoàng, lập nên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Trong quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, vận dụng sáng tạo những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Cách mạng tháng 10 nga thành công năm nào năm 2024

Ảnh minh họa

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội hiện thực

Ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chính quyền và nhân dân Xô-viết đứng trước âm mưu can thiệp của các nước đế quốc và phe Bạch vệ (phản cách mạng) nhằm bao vây, cô lập chính quyền Xô-viết non trẻ. Với tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và sức sáng tạo, chính quyền Xô-viết đã đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, từng bước tổ chức xây dựng nền tảng kinh tế - xã hội của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Hơn hai thập kỷ sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Liên Xô đã làm nên những thành tựu vĩ đại, vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp, đứng đầu châu Âu và thứ hai trên thế giới (sau Mỹ). Sự ưu việt của chế độ XHCN đã xóa bỏ tình trạng lạc hậu, đưa nước Nga trở thành một trong hai siêu cường của thế giới.

Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là bước ngoặt vĩ đại đối với nước Nga mà còn là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn và sâu sắc đối với lịch sử toàn nhân loại; làm thay đổi cục diện thế giới và mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu mà vị trí trung tâm chi phối, quyết định sự vận động, phát triển của thời đại mới chính là giai cấp công nhân tự giác được vũ trang bằng lý luận Mác-Lênin. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Liên Xô làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm trên thế giới. Thế giới đã phân thành hai hệ thống xã hội đối lập - hệ thống xã hội tư bản và hệ thống xã hội XHCN. Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga không những thức tỉnh, cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh mà còn chỉ ra con đường đúng đắn đi tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vì vậy, hàng trăm quốc gia, dân tộc đã vùng dậy đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống bọn tư sản và phong kiến giành độc lập dân tộc, giành dân chủ, tự do, trong đó có nhiều quốc gia, dân tộc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga và theo mô hình Xô-viết.

Sự vận dụng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đối với phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam

Thứ nhất, cách mạng Việt Nam muốn giành được thắng lợi phải đi theo con đường Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga(1).

Cuối năm 1917, trên hành trình tìm đường cứu nước, khi từ Vương quốc Anh trở lại Pháp, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, mới tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười Nga. Người viết: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết”(2). Tháng 7/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu bản Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin và qua đó, Người đã tìm ra lời giải đáp cho con đường giành độc lập dân tộc và tự do thật sự cho đồng bào. Sau đó, như một lẽ tự nhiên, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản), tin theo V.I.Lênin và quyết định lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Từ hành trình khảo sát, nghiên cứu thực tiễn chính trị và lý luận ở nhiều quốc gia, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: “Cách mạng có nhiều thứ”, “chủ nghĩa”, “học thuyết” cũng có nhiều nhưng chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là thành công “đến nơi” và chủ nghĩa Mác - Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất…”(3). Do đó, để đi tới độc lập cho Tổ quốc, ấm no, tự do và hạnh phúc cho đồng bào, cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường chủ nghĩa Mác-Lênin, mà tấm gương là Cách mạng Tháng Mười Nga.

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ đối với phong trào cộng sản quốc tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiến hành truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và lý luận con đường cứu nước của mình vào Việt Nam. Người tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập Đảng, một đảng cách mạng chân chính với đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn. Từ đầu năm 1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; tích cực chuẩn bị về đường lối chính trị, sách lược, tổ chức thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng, Đại hội Quốc dân Tân Trào… Khi thời cơ lịch sử xuất hiện, mọi sự chuẩn bị đều đã sẵn sàng, sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của toàn dân đã lên cao đến đỉnh điểm. Với quyết tâm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã vùng dậy chớp thời cơ làm nên thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thứ hai, cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam muốn giành được thắng lợi phải lấy công, nông là gốc, dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản chân chính lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng.

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, khi nói về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga với cách mạng Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công, nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”(4). Việc cần kíp trước hết mà cách mạng đòi hỏi đó là “phải có Đảng cách mệnh”; “Đảng có vững thì cách mạng mới thành công… Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”. Người đã kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(5).

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo kinh nghiệm phong phú của Cách mạng Tháng Mười Nga phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là những bài học về xây dựng đảng kiểu mới tiền phong, chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; về chuẩn bị thực lực cách mạng, điều kiện vật chất và tinh thần, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; về liên minh công - nông làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về thúc đẩy và lựa chọn thời cơ, nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang, dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền, bảo vệ chính quyền và xây dựng nhà nước dân chủ chuyên chính; về kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản; về tinh thần cách mạng triệt để, luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ba là, kiên định con đường của cách mạng Việt Nam chỉ có thể thắng lợi khi kết hợp mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành, phát triển con đường cách mạng Việt Nam - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sau sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đầu thế kỷ XX ở Việt Nam diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng theo khuynh hướng dân tộc tư sản. Đồng thời, lúc này dần xuất hiện một lực lượng cách mạng mới trên vũ đài chính trị là giai cấp công nhân Việt Nam. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo cách mạng giữa khuynh hướng tư sản và khuynh hướng vô sản diễn ra quyết liệt. Khuynh hướng vô sản dần chiếm ưu thế, điều đó không chỉ bắt nguồn từ thực lực cách mạng của giai cấp công nhân, tinh thần yêu nước của Nhân dân Việt Nam mà còn do sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do ánh sáng soi rọi của chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, muốn nước độc lập, dân được tự do, ấm no, hạnh phúc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Muốn có dân chủ hoàn bị, triệt để thì Tổ quốc phải độc lập và phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc, sung sướng thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - từ sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là ý chí, nguyện vọng của Đảng và Nhân dân ta. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết hài hòa, đúng đắn mối quan hệ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc, giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế… đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(6). Với ý nghĩa đó, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là kết quả sự vận dụng sáng tạo Cách mạng Tháng Mười Nga trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến.

Trải qua hơn 92 năm lãnh đạo và 36 năm đổi mới, qua thăng trầm của lịch sử, nhất là sau khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhưng cách mạng Việt Nam vẫn vững bước tiến lên trên con đường chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn”(7). Những giá trị vĩnh hằng của Cách mạng Tháng Mười Nga đang tiếp tục soi đường, cổ vũ cách mạng Việt Nam trong điều kiện hiện nay./.

-----

Ghi chú:

(1), (3), (4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.304, tr.289, tr.304, tr.289.

(2) Sđd, tập 12, tr.561.

(6) Sđd, tập 7, tr.25.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.165.