Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa gì với công cuộc xây dựng đất nước của Liên Xô

1/ Ở Liên Xô, mùa xuân năm 1921, nội chiến đã kết thúc nhưng đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội trầm trọng. Hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Khủng hoảng chính trị xuất hiện với những biểu hiện rõ nét: bất bình xã hội, âm mưu bạo loạn lật đổ, liên minh công nông suy yếu... Có thể nói, chính quyền Xô - viết lúc đó đứng trước bờ vực còn - mất.

Nhìn từ thực tiễn và với quan điểm biện chứng, hiểu rõ những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra, V.I. Lê-nin thấy rõ những biểu hiện khủng hoảng trầm trọng có nguyên nhân do chính sách Cộng sản thời chiến trong giai đoạn trước. Từ những nhận định này, V.I. Lê-nin đã đưa ra những phương thức chuyển đổi một cách cơ bản những chính sách cũ không còn phù hợp bằng Chính sách kinh tế mới (NEP) với những luận điểm nổi bật mang tính cách mạng, bước ngoặt và đột phá trong tư duy.

Trong NEP, những nội dung nổi bật được V.I. Lê-nin đốc thúc thực hiện cấp bách trong thực tiễn đời sống - xã hội bằng những biện pháp quyết liệt là:

Thứ nhất, phát triển tối đa lực lượng sản xuất. Trước tiên là trong nông nghiệp phải thay ngay chính sách trưng mua bằng mệnh lệnh từ trong nội chiến bằng chính sách thuế lương thực. Đây là đòn bẩy mạnh mẽ để phát triển nền sản xuất nông nghiệp đang kiệt quệ sau chiến tranh, trong đó đặc biệt chú trọng lợi ích của người nông dân. Theo NEP, người nông dân chỉ phải nộp một phần sản phẩm cho nhà nước, phần còn lại thuộc về họ và họ được tự do sử dụng phần sản phẩm này. Từ nông thôn, không khí tích cực phát triển sản xuất lan đến các khu vực khác của cả nền kinh tế.

Thứ hai, tổ chức thị trường, chấn hưng thương nghiệp. Thương nghiệp là “mắt xích” trọng yếu trong “sợi xích” kinh tế. Để bảo đảm việc lưu thông bình thường hàng hóa và phát triển thương nghiệp, NEP chủ trương ổn định đồng rup và củng cố nền tài chính quốc gia. Những chính sách này được đưa ra dựa trên sự nhìn nhận sửa chữa những sai lầm từ thực tiễn dẫn tới khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội sau nội chiến. Kết luận lớn nhất rút từ những sai lầm đó là không thể nóng vội thực hiện quá độ trực tiếp lên CNXH với một nước chủ nghĩa tư bản chưa phát triển cao như Nga. V. I. Lê-nin cho rằng “Thời kỳ quá độ (phải) là một loạt những bước quá độ”, phải qua những con đường gián tiếp chứ không phải “quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị”.

V.I. Lê-nin cũng chỉ rõ trong NEP: Phải sử dụng cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Thực hiện phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần mới huy động được sức mạnh của toàn xã hội cho việc phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động - điều trọng yếu nhất của bất cứ nền sản xuất nào.

Đi nhanh vào thực tiễn, NEP đã xác định đúng phương hướng, mục tiêu và biện pháp thực hiện, không chủ quan duy ý chí. Đó cũng là điều trọng yếu với đường lối lãnh đạo đất nước của một đảng cầm quyền. Ngay từ giai đoạn đầu thực hiện NEP đã cho thấy hiệu quả của nó. Từ NEP, nền kinh tế Liên Xô đã dần vận hành theo đúng quy luật khách quan và đã có những bước phát triển quan trọng. Liên Xô từ một “nước Nga đói” trở thành nước có nền nông nghiệp dồi dào, dần đi ra khỏi khủng hoảng. Những kết quả cụ thể đã lấy lại và củng cố lòng tin của nhân dân vào những lý tưởng tốt đẹp của CNXH.

2/ Từ góc nhìn so sánh, bối cảnh Việt Nam những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 có nhiều nét tương tự bối cảnh Liên Xô những năm 20 của thế kỷ 20. Trên bối cảnh đó, nhiều đường nét của NEP đã được kế thừa thành công ở Đổi mới của Việt Nam sau đó 65 năm, từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986).

Và cũng giống như NEP, điểm xuất phát của Đổi mới ở Việt Nam trước hết là đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế: Bằng những biện pháp mạnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng; phát triển thương mại, từng bước thay đổi cơ chế quản lý kinh tế cũ bằng những cơ chế quản lý và thiết chế kinh tế mới phù hợp quy luật của kinh tế thị trường, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh xuất khẩu và kinh tế đối ngoại...

3/ Giai đoạn lịch sử từ Đại hội IV (1976) đến hết nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1991) ghi nhận Đảng ta đã nhận thức được tình thế và có được giải pháp thuận theo quy luật để vượt qua khủng hoảng, chuyển nền kinh tế vào thế ổn định và phát triển đúng hướng, đạt nhiều thành tựu trong hoàn cảnh khó khăn. Thành công này thuận với ý nguyện của nhân dân và hợp với xu hướng phát triển của thời đại.

Cũng nhìn từ những lần điều chỉnh đường lối, sửa sai, khắc phục những hậu quả do sai lầm để lại, có thể thấy ý nghĩa của thực tiễn, của những bài học thực tiễn, của quan điểm thực tiễn khi vận dụng lý luận để xây dựng đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng. Những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống, thể hiện xu thế đổi mới tiến bộ, trong bối cảnh quốc tế mới cũng tạo những khả năng để sàng lọc, kiểm chứng tính đúng đắn của đường lối và cả phương pháp hoạch định đường lối, chính sách của Đảng. Nhìn từ NEP, V.I. Lê-nin để lại một tấm gương mẫu mực về sự nhạy bén và dũng cảm, kiên quyết đổi mới tư duy xuất phát từ thực tiễn. Bài học thực tiễn trong lịch sử xây dựng và điều chỉnh để đường lối cách mạng đúng đắn hơn vẫn cần được xem xét. Nhìn từ NEP có thể thấy rõ điều đó ở Việt Nam.

Vì nhiều nguyên nhân, NEP không kéo dài sau khi V.I. Lê-nin qua đời (1-1924). Những “khúc quanh lịch sử” ở Liên Xô đã không cho phép phát huy những thắng lợi của NEP. Điều này không diễn ra ở Việt Nam. Sự nghiệp Đổi mới ở Việt Nam được khẳng định và đã có nhiều thành tựu. Sau Đổi mới 30 năm, Việt Nam đã và đang hội nhập vào các “sân chơi” lớn, khẳng định vị thế và vai trò của mình tại cả các diễn đàn khu vực và thế giới. Sự nghiệp Đổi mới không thể dừng lại mà cần tiếp tục với tinh thần mới, trong bối cảnh mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững.

V.I. Lênin là nhà cách mạng, nhà lý luận vĩ đại, người có công lớn trong việc bổ sung, phát triển và cụ thể hóa những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc và của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Nga. Những tác phẩm mà Lênin để lại là tài sản quí giá của phong trào cộng sản quốc tế và của cách mạng Việt Nam. Một trong những di sản vô giá đó chính là “chính sách kinh tế mới” (NEP). Trong thời kỳ nội chiến, chính quyền Xôviết buộc phải thực hiện chính sách “cộng sản thời chiến” với những biện pháp cứng rắn như tập trung hóa việc quản lý kinh tế vào trong tay nhà nước, phân phối bằng hiện vật theo nguyên tắc bình quân, thực hiện chế độ trưng thu lương thực thừa. Chính nhờ thế, Nhà nước Xôviết non trẻ có đủ sức mạnh chiến thắng thù trong giặc ngoài. Sau khi kết thúc nội chiến, hậu quả của việc thực hiện chính sách “cộng sản thời chiến” kéo dài đã làm nền kinh tế ở Nga rơi vào khủng hoảng trầm trọng: sản xuất nông nghiệp suy sụp, nền công nghiệp bị đình đốn bởi thiếu nhiên liệu và lương thực, thực phẩm; đời sống của nhân dân lao động ngày càng khó khăn, lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước Xôviết bị giảm sút nghiêm trọng, thậm chí ở một số địa phương đã xảy ra bạo loạn của những người nông dân. Lênin đã kịp thời nhận ra những sai lầm khi thi hành chính sách “cộng sản thời chiến” kéo dài là chưa tính đến đầy đủ lợi ích của người lao động, không kích thích sản xuất phát triển… Người đã đi đến khẳng định cần phải thay thế chính sách “cộng sản thời chiến” bằng một “chính sách kinh tế mới” có khả năng đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị.

Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa gì với công cuộc xây dựng đất nước của Liên Xô

Những vấn đề về NEP của Lênin được thể hiện trong các “Đề cương báo cáo về sách lược của Đảng cộng sản Nga trình bày tại Đại hội III của Quốc tế cộng sản (dự thảo)”, trong diễn văn bế mạc Hội nghị Đại biểu toàn Nga lần thứ X của Đảng cộng sản (b) Nga, trong các bài báo: “Kỷ niệm lần thứ tư cuộc Cách mạng tháng Mười”, “Về tác dụng của vàng hiện nay và sau khi chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi” và trong lần phát biểu cuối cùng của Lênin tại phiên họp của Xôviết Matxcơva, ngày 20/11/1922. Nội dung cơ bản của NEP là: Thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thuế lương thực; cho phép tự do buôn bán; sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức tô nhượng. Thực hiện NEP trong bối cảnh nước Nga lúc bấy giờ tất yếu xuất hiện các thành phần kinh tế và tính chất đan xen phức tạp của nó. Lênin xác định các thành phần kinh tế ở nước Nga tiểu nông như sau:

“1. Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên;

2. Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán bánh mì);

3.     Chủ nghĩa tư bản tư nhân;

4.     Chủ nghĩa tư bản nhà nước;

5.     Chủ nghĩa xã hội” [1].

Lênin cũng chỉ rõ việc sử dụng cơ chế thị trường, tự do buôn bán trao đổi hàng hóa … là có nguy cơ phục hồi chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, không có gì phải sợ khi chính quyền nằm trong tay giai cấp vô sản. Lênin đã nhận thức sâu sắc những khó khăn, phức tạp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của một nước tiểu nông. Người yêu cầu phải thực hiện những bước quá độ nhỏ, những nhịp cầu, những hình thức kinh tế trung gian để từng bước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Năm 1923, Hồ Chí Minh đến Liên Xô, Người đã chứng kiến hiệu quả tích cực của NEP và những thành quả bước đầu của nhân dân Xôviết trên con đường xây dựng một chế độ xã hội mới. Thấm nhuần tư tưởng của Lênin, Người xác định: trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nền kinh tế còn tồn tại bốn hình thức sở hữu chính:

“Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân.

Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động.

Sở hữu của người lao động riêng lẻ.

Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”[2]. Bác vạch rõ bước đi của thời kỳ quá độ ở Việt Nam là phải qua nhiều bước “bước ngắn, bước dài, tùy theo hoàn cảnh”, “bước nào vững chắc bước ấy, cứ tiến dần dần”.

Sau giải phóng miền Nam năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ nền sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là điều chưa có tiền lệ trên thế giới, đồng thời do tư tưởng chủ quan, duy ý chí, Đảng chủ trương cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa bằng việc xóa bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, xây dựng, củng cố thuần nhất thành phần kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Việc xác lập quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, nhưng, chúng ta đã xác lập quan hệ sản xuất mới có những yếu tố quá cao so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chưa thực hiện đúng những chỉ dẫn của Lênin và Hồ Chí Minh về những bước quá độ nhỏ, những khâu trung gian trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội giai đoạn 1975 - 1985. Trên cơ sở nắm bắt yêu cầu của tình hình thực tiễn, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và phản ánh đúng sự thật, Đại hội VI (năm 1986) là bước chuyển quan trọng trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng khi Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trọng tâm là đổi mới tư duy về kinh tế.

 Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và NEP nói riêng, Đảng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu đan xen lẫn nhau và nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò trò của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ chính là sự vận dụng đúng đắn quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta. Từ nhận thức đúng đắn, khoa học, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra những chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với từng chặng đường, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới. Con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam được Đảng xác định là sự phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản. Việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là quá trình khó khăn phức tạp, không thể nóng vội, chủ quan và phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ.

Xu thế toàn cầu hóa kinh tế hiện nay đang vẫn tiếp tục lôi cuốn các nước vào quá trình vừa thúc đẩy hợp tác vừa gia tăng sức ép cạnh tranh. Quan hệ song phương, đa phương giữa các quốc gia ngày càng sâu rộng trên tất cả mọi lĩnh vực. Trong hoàn cảnh đó, “chính sách kinh tế mới” của Lênin sẽ tiếp tục soi rọi cho chúng ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (đột phá trọng tâm hàng đầu được Đảng xác định tại Đại hội XIII - năm 2021) và xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển.

“Chính sách kinh tế mới” là một cống hiến lớn lao của V.I. Lênin vào lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học. Hàng thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Nhà nước Xôviết áp dụng NEP nhưng giá trị, ý nghĩa của chính sách, của tư tưởng và thiên tài lãnh đạo của lãnh tụ Lênin vẫn vẹn nguyên và ngày càng được phát triển. Đó là chính sách đúng đắn của Nhà nước vô sản trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời bảo đảm liên minh vững chắc về kinh tế và chính trị của giai cấp vô sản với giai cấp nông dân, bảo đảm việc xây dựng nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, ngay từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (năm 1994), Đảng ta đã chỉ rõ: “Phải vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Lênin về chính sách kinh tế mới, về chủ nghĩa tư bản nhà nước, sáng tạo nhiều hình thức quá độ, những nấc thang trung gian đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, cụ thể để đưa nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc” [3]. Đường lối này được thực hiện nhất quán trong thời kỳ đổi mới, tạo nên “cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế” chưa từng có của đất nước.

Trong toàn bộ quá trình hoạt động, lực lượng Công an nhân dân cần nghiên cứu, nhận thức sâu sắc bản chất, nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có “Chính sách kinh tế mới”. Cần thấm hiểu sự vận dụng, phát triển  sáng tạo của Hồ Chí Minh Đảng ta đối với những giá trị tư tưởng đó trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, củng bố, bồi đắp nền tảng tri thức và phương pháp luận, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.43, tr.218).

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.9, tr.592

3. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 24

Bài: Khoa K1, ảnh: Tư liệu