Đánh dậm là gì


Không ai nhớ đánh giậm [1] có từ thời Hùng Vương thứ mấy và ông tổ của nghề đánh giậm là ai, chỉ biết rằng nghề này có từ rất lâu rồi và nay vẫn còn nên có tính lịch sử rất cao.

Giậm là một cái vợt lớn hình bán nguyệt, đan bằng những sợi tre chuốt mảnh, nhẵn và dài. Miệng giậm hình chữ D xoay ngang, cạnh thẳng xuống dưới, phần cong hướng lên trên, rộng đến hai mét và cao khoảng năm tấc. Cán giậm làm bằng ngọn cây tre nhỏ, dài hai mét hoặc hơn. Ở hai góc chữ D của miệng giậm, người ta làm hai cái hom chặn không cho cua cá thoát ra hai bên.

Nhưng chỉ có giậm không thì không bắt được cua cá nên cần thêm một cái mõ giậm [2] Phần ống mõ làm bằng thân cây tre lớn, có khoét lỗ dài dọc ống tre, chừa lại những cái mấu để nó không bị vỡ. Những lỗ này ở mặt bụng của ống mõ, úp xuống, tạo ra tiếng ụp oạp dưới nước, xua cua cá chui vào giậm. Trên lưng ống mõ, ở hai đầu có khoét hai lỗ nhỏ để lắp cần mõ bằng thanh tre uốn cong hình chữ U úp ngược.

Người đánh giậm, tay phải cầm cán giậm, nhào xuống nước, dìm nó chìm thật nhanh chạm sát đáy, tay trái cầm mõ giậm chặn phía trước miệng giậm và dùng chân giậm nhiều lần vào ống mõ, đẩy nó sát dần vào miệng giậm để xua cua cá chui vào, rồi nhanh tay nhấc lên, bắt lấy. Vì có động tác giậm chân này nên mới gọi là đánh giậm.

Sở dĩ tôi phải tả cái giậm và cách đánh giậm kỹ như thế là vì bây giờ, ở thành phố, trăm đứa trẻ con thì cả trăm đứa chưa bao giờ biết đến cái giậm là gì. Và đã không biết thì làm sao hiểu được câu: “Đồ mắt trắng môi thâm như dái thằng đánh giậm”. Tại sao lại thâm như thế? Là vì đánh giậm luôn bị ướt tới ngang thắt lưng. Cả buổi ngâm nước thì ngay cả ngón tay, ngón chân cũng nhăn nheo, thâm lại, huống hồ cái chỗ da đã nhăn và sẫm màu sẵn thì sẽ thế nào?

Đánh giậm có tính văn học không chỉ vì nó đã đi vào ca dao, thành ngữ mà còn đi vào truyện cười dân gian. Chuyện kể rằng: một bà đi chợ bán lợn con, chẳng may dọc đường lồng bị bung, lợn chui ra nhảy cả xuống mương, may có ông cởi trần đóng khố đang đánh giậm bắt lại giúp. Ông này còn giúp vá lại cái lồng. Bà bán lợn mặc váy đụp, ngồi chồm hỗm giữ cái lồng, hỏi thăm: “Ông đánh có được nhiều không?” Ông đánh giậm giọng thèm thuồng: “Sáng giờ được vài con lòng tong. Ước gì bọn lòng tong to như cá diếc của bà. Mà bà nuôi lợn có khá không?”. Bà nhìn ông một hồi, giọng đầy ao ước: “Giá mà lợn tôi nuôi nhanh lớn như cái của ông”

Ban đầu, đánh giậm là từ chỉ một phương pháp đánh bắt thủy sản sơ khai. Sau này người ta còn dùng nó để chỉ hành vi đánh bắt trên cạn và không nhất thiết thu được thủy sản.

Hồi học ở trường quân sự, dù được hưởng chế độ 21 cân gạo mỗi tháng nhưng tụi con trai lúc nào cũng đói. Thế là những anh dẻo mép thường lân la xuống nhà bếp, tán tỉnh mấy chị nuôi quân để đánh giậm cơm cháy. Vớ được những tảng cháy to thì sướng lắm. Bỗng một hôm chính trị viên, đại đội phó gọi các tay đánh giậm lên, nhắc “Các đồng chí nay đã là đối tượng cảm tình Đảng rồi, không nên lặp lại việc đó nữa”. Đánh giậm, do đó còn có cả tính đảng nữa.

Không chỉ có tính đảng, đánh giậm còn có tính nhân văn rất cao. Thời bao cấp, có rất nhiều nông trường toàn nữ. Ế nhiều lắm nên chị em quyết định làm mẹ đơn thân. Bình thường, không hôn thú mà ngủ với nhau có con là bị kết tội hủ hóa, kỷ luật rất nặng, nhưng ở các nông trường kiểu ấy, việc này được âm thầm cho phép. Cho nên các cô, các chị thường khúc khích hỏi nhau: “Này, mày đánh giậm đâu được thằng bé kháu khỉnh thể?”.

Quay lại chuyện đánh giậm thực thụ, nếu xét kỹ thì nó còn có cả tính chiến thuật.

Với mỗi đối tượng đánh bắt, người ta có một chiến thuật riêng. Người biết đánh giậm thì cứ xem động tác giậm chân là biết đang đánh bắt con gì. Nếu muốn bắt cua, phải giậm ông mõ chậm và miết sát đáy bùn. Nếu muốn bắt cá thì động tác giậm phải rất nhanh.

Khi những người đánh giậm đi chung một đoàn đông họ có thể bắt được cá lớn. Tất cả chia làm 2 đội, đồng loạt nhảy xuống kênh đào sâu đến cổ, dàn hàng ngang, từ hai đầu đánh lại bằng chiến thuật đánh nhanh. Ban đầu chưa có cá. Nhưng càng về sau, cá bị dồn vào giữa hai đội quân, sợ hãi nhảy bay khỏi mặt nước, rơi xuống, chui vào giậm. Tốc độ đánh càng lúc càng nhanh, cá bắt được cũng càng lúc càng nhiều. Như thế, rõ ràng đánh giậm có tính đồng đội rất cao…

Nếu xét kỹ, đánh giậm còn có tính nhân dân, tính chiến đấu, tính nghệ thuật và nhiều tính khác nữa. Do đó, đây là một nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Muốn vậy, phải giữ gìn môi trường. Sử dụng hóa chất bữa bãi cá cua tuyệt chủng thì đánh giậm ở đâu?

——————– 1. Giậm, có nơi gọi dậm.

2. Mõ giậm có nhiều tên khác nhau: cái ục, cái dập, cái dọa, cái bàn đạp tùy theo cách gọi của địa phương.

Hồi trẻ con ở quê, chắc nhiều bạn cũng như tôi thường đi đánh dậm.

Chúng tôi đi dánh dậm ở nhiều cánh đồng. Đánh ở khu Đá Trụt, ở Đầu Gai, Cầu Huyện, Đồng Chiếu, Chiều Áng, Phù Long. Những lần phải kéo dậm vượt sông Chanh sang Chiều Áng đánh dậm là khá nguy hiểm. Kéo cả ống dậm và lồng dậm vượt sông giữa dòng nước chảy khá mạnh, bọn trẻ con bở cả hơi tai!

Có thể nói, ở đâu có cua là chúng tôi vác dậm đến đánh. Ừ mà đánh dậm đâu chỉ bắt được cua mà còn bắt được cá, cà cuống, ốc và cả rắn nước, rắn lục nữa.

Những bạn đi đánh dậm với tôi đông lắm. Thằng Lâm, thằng Phấn, thằng Thiềng, thằng Cừ, thằng Giá, thằng Sáo, thằng Thanh. Có mấy đứa gọi tôi là chú nữa như thằng Tuệ, thằng Doanh.

Sau này chúng tôi đều đi lính. Một số đứa không về, nhiều đứa trở thành thương binh...

Nói là đánh dậm nhưng có nhiều kiểu lắm:

Đánh lẻ: Từng người đánh theo các bờ ruộng, đường quai, đường giữa đồng...

Đánh dàn hàng ngang [như trong ảnh của Nhi Le Minh đăng trên Một thoáng nước Nga]: Tất cả dàn ngang đánh khắp mặt ruộng. Đánh xong một lượt quăng dậm về phía trước đánh tiếp.

Đánh dậm đuổi: Đặt dậm sát vào nhau theo chiều ngang. Lưng lồng dậm thường dựa vào bờ ruộng. Trên mỗi cái lồng dậm đặt một cục đất để dặm đứng cố định, vững chắc trên mặt ruộng. Tất cả trẻ đánh dậm lùi ra xa, dùng ống dậm đập đập trên mặt nước. Vừa đi về phía lồng dậm vừa đập. Khi đến sát lồng dặm thì nhanh chóng nhắc lồng dậm lên. Đánh theo cách này chủ yếu để bắt cá.

Đánh cào: Theo cách này, bọn tôi không dùng đến ống dậm mà chỉ dùng lồng dậm. Đặt lồng dặm sát đáy ruộng. Cả hai tay nắm chắc cán lồng dậm rồi vừa kéo, vừa đi giật lùi. Đánh cách này phải dùng sức rất mệt. Đây là cách đánh có tính chất hủy diệt nên bọn tôi cũng ít sử dụng.

Vừa đánh dậm chúng tôi vừa nghêu hát, trêu chọc nhau. Tôi nhớ thằng Phấn, thằng Lâm hay chọc tôi:

"Hiệp Nghị giơ ne/đánh dậm le te/lì khì như khỉ!".  

Khỉ mà lì khì mới chết chứ!  

So với mấy anh đánh dậm trong ảnh, bọn tôi, hồi đó, khác mấy anh ở chỗ mặc quần đùi, mặc áo ba lỗ [hoặc cởi trần], đội mũ lá hoặc không đội gì.

Ngày đăng: 29-06-2016 17:05

Đánh dậm - một nghề vất vả đang mất dần. Bởi sông ngòi đồng ruộng cũng dần hẹp lại hoặc đã có chủ. Tôm cá ngày một ít đi, thu nhập từ nghề ít ỏi đi nên nhiều người cũng chẳng thể mưu sinh bằng nghề này nữa.

Người dân ở những vùng quê Thanh Hóa lấy việc sản xuất nông nghiệp làm nghề chính, lúc nông nhàn những người phụ nữ nơi đây còn có thêm nghề đánh dậm.

Chị Trịnh Thị Sáu [xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa] người đã hơn 30 năm làm nghề đánh dậm cho biết: “Nhà ít ruộng, nên tôi đi đánh dậm kiếm thêm. Năm 15 tuổi mẹ tôi đã dạy cách đánh dậm, đến nay cũng đã hơn 30 năm làm nghề này. Thường ngày tôi đạp xe đi khắp các cánh đồng trong vùng để tìm nơi đánh bắt”.

Một bộ dụng cụ để đi đánh dậm gồm dậm và mõ dậm. Dậm được đan băng nan tre nhỏ, mềm, có hình bán nguyệt, phía dưới phẳng để luôn sát đáy khi đánh bắt. Còn mõ dậm dùng để xua tôm, cá vào trong dậm. Mõ được làm bằng một đoạn cây tre thẳng, có nhiều đốt, được chẻ bỏ đi 1/3 phía dưới để tạo mặt phẳng. Mõ có cán hình vòng cung, điểm cuối hai đầu cán đính chặt hai đầu mõ.

Khi đánh bắt, một tay cầm cán dậm, dìm dậm xuống nước sao cho khung bám sát đáy. Một tay cầm mõ dậm song song và cách miệng dậm một khoảng, một chân dậm mõ, dịch chuyển dần về phía miệng dậm để dồn tôm, cá vào phía trong dậm.

Bà Nguyễn Thị Thu [xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương] tâm sự: “Đánh dậm không phải là một công việc quá khó, ngày xưa người ta dựa vào cách đánh dậm mà đánh giá sự khéo léo và cần cù chịu khó của người phụ nữ”.

Giờ đây, nghề đánh dậm chỉ còn những người lớn tuổi làm.

"Nghề này cực lắm, quanh năm lội nước vì thế mà chân tay ai nấy đều thô kệch, tróc vảy. Trời nắng nóng đã vậy, những khi mưa to, giá rét phải dầm mình dưới nước thì quả là cực hình. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày một người đánh dậm cũng kiếm được 50-70 nghìn đồng, có khi gặp may được cả trăm”, bà Nguyễn Thị Thu cho biết thêm.

Bây giờ đánh dậm ngày càng khó khăn hơn vì nguồn tôm, cá tự nhiên ngày càng cạn kiệt.

“Các con gái của tôi không biết đánh dậm. Hiện nay, đứa thì đi làm công nhân, đứa thì buôn bán ở các chợ quê. Chúng đều chịu thương, chịu khó, tần tảo cùng chồng xây đắp cuộc sống gia đình”, bà Thu vui vẻ cho biết.

Nắng mưa dãi dầm, những người phụ nữ làm nghề đánh dậm quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm sống.

Phận cò vẫn lặn lội quanh năm. Những người phụ nữ quê vẫn sống cuộc đời lặng lẽ và kiếm sống bằng những việc làm lương thiện, dẫu có khó khăn, vất vả.

Hoàng Đông

Video liên quan

Chủ Đề