Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024

(ABO) Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã dành nhiều thời gian đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); trong đó Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri.

Tại tỉnh Tiền Giang, Chương trình MTQG xây dựng NTM cũng được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh vừa có đợt giám sát chuyên đề, đánh giá quá trình thực hiện chương trình này tại địa phương, phát huy những mặt được và những mặt hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ

Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết 25/2021/QH15 ngày 28-7-2021, có tổng kinh phí tối thiểu 196.332 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 39.632 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 156.700 tỷ đồng). Ngoài chính sách chung, chương trình còn có 6 chuyên đề trọng tâm và thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng NTM của cả nước đã bám sát mục tiêu “gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu tại phiên thảo luận.

Đánh giá tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cho thấy, các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã thực hiện cơ bản nghiêm túc việc đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp. Về giải ngân vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 6-2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%.

Tính đến ngày 30-6-2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM).

Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 2 tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 (Tiêu chí số 14 về Giáo dục và đào tạo và Tiêu chí số 16 về Văn hóa), 8 tiêu chí đánh giá là gần đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên, đánh giá tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cũng chỉ rõ, hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện của trung ương và địa phương còn ban hành chậm, chưa đồng bộ, còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến ngày 30-6-2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm. Việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM hạn chế, chủ yếu là từ góp công lao động và hiến đất làm đường.

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Quang cảnh thảo luận tại hội trường.

Mặt khác, kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM; cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Một số địa phương vẫn còn nợ tiêu chí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp, công tác duy trì kết quả bền vững ở một số xã sau khi hoàn thành NTM còn hạn chế. Có nhiều xã khi áp dụng Bộ tiêu chí xã NTM mới giai đoạn 2021 - 2025 thì bị tụt tiêu chí…

Đối chiếu và để đạt các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025: Cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM (tương đương 6.542 xã), trong đó ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương đương 654 xã); có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM là rất khó khăn.

HIỆU QUẢ XÂY DỰNG NTM TẠI TIỀN GIANG

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và Nghị quyết 52/2022/QH15 ngày 14-6-2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Đoàn giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Gò Công Đông là huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang được công nhận huyện NTM năm 2020. Ảnh TRUNG HẬU

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đến tháng 6-2023, toàn tỉnh có 137/142 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (giai đoạn từ tháng 7-2021 - 6-2023 có 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 79,2% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025); 39 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (giai đoạn từ tháng 7-2021 - 6-2023, có 29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 52,73% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025); 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 10% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; 3 đô thị (TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 huyện đạt chuẩn huyện NTM (giai đoạn từ tháng 7-2021 - 6-2023 có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn huyện NTM, đạt 33,33% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025).

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Năm 2022, huyện Gò Công Tây tiếp tục được công nhận huyện NTM.

Tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm thay đổi mạnh mẽ hơn diện mạo nông thôn. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì Tiền Giang cũng còn những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nội dung thành phần, các chương trình chuyên đề, như: Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch còn chậm, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chưa ổn định, thiếu bền vững, quy mô còn nhỏ; liên kết sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, chế biến còn hạn chế; chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nhiều sản phẩm còn thấp.

Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì, nâng chất bền vững kết quả sau đạt chuẩn NTM còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM ở giai đoạn trước, đến nay chưa đáp ứng được một số yêu cầu của bộ tiêu chí mới. Nguồn vốn ngân sách trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM còn thấp so với yêu cầu; nguồn lực trong dân còn nhiều khó khăn; huy động doanh nghiệp đạt thấp... Cơ chế, chính sách chưa đủ để khuyến khích, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG của tỉnh Tiền Giang tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cùng với việc kiến nghị về trung ương để được tháo gỡ về mặt cơ chế chính sách, Tiền Giang đang nỗ lực phát huy mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao, cụ thể:

Có 100% số xã đạt chuẩn NTM (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025); có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025); có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo quy định xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025)...

Tất cả các đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có ít nhất 2 huyện được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

NHIỀU GIẢI PHÁP GỠ KHÓ CHO ĐỊA PHƯƠNG

Ghi nhận tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội cho thấy, Quốc hội, Chính Phủ, các bộ, ngành trung ương và các ĐBQH đã phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện các Chương trình MTQG nói chung và Chương trình MTQG xây dựng NTM nói riêng. Trong đó đã có những giải pháp cụ thể tháo gỡ các khó khăn mà ĐBQH các tỉnh, thành đề xuất kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, những kết quả đạt được hôm nay có thể chậm, chưa đạt được mục tiêu nhưng đó cũng là những cố gắng rất lớn của các địa phương khi mà nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giảm gần một nửa nhưng mục tiêu đó không thay đổi. Sự cố gắng của các địa phương là rất nhiều nhưng trong thời điểm hiện nay đã bắt đầu “đuối”.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, có những chỉ tiêu cần phải xem xét lại trong thời gian tới. Đồng thời chia sẻ về tình hình thực tế khi xã sau khi hoàn thành tiêu chí NTM thì các nguồn lực hỗ trợ không còn. Thực tế này cho thấy, thiết kế các chương trình MTQG còn có những lỏng lẻo. Ở đây cũng có áp lực kép, một phần mong muốn tất cả các xã lên NTM để hoàn thành đúng chỉ tiêu của đại hội, nhưng khi NTM thì nguồn lực hỗ trợ sẽ bị giới hạn.

Do đó, những vấn đề trong thiết kế chính sách trong thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương, bởi nguồn lực nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà cần phát huy được năng lực của cộng đồng.

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu về một số giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, bất cập đang tồn tại từ các Chương trình MTQG tại phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận về các kết quả thực hiện các Chương trình MTQG, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những ý kiến trách nhiệm, giàu tinh thần xây dựng của các ĐBQH nhằm góp phần giúp các chương trình này “về đích” đúng hạn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Về tình hình chung, so với khi báo cáo ở Kỳ họp thứ 5, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong cơ chế chính sách ứng xử với nguồn vốn đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, hiện đã có thông báo dự kiến vốn sự nghiệp của giai đoạn để các địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng.

Về vấn đề phân cấp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ đầu năm 2023 đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực. Chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền. Tới đây, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn 3 Chương trình MTQG về nguồn vốn, nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt lớn trong vấn đề này.

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới năm 2024
Từ Chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo sức bậc cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển vươn lên. (Trong ảnh: Đô thị Mỹ Tho chụp từ trên cao). Ảnh: TRUNG HẬU

Về tỷ lệ vốn trung ương - địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, mỗi chương trình có một tỷ lệ nhất định. Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của các địa phương trong giai đoạn hiện nay, Phó Thủ tướng nêu rõ, các nội dung này nằm trong kế hoạch trung hạn và đâu đó được áp dụng theo luật, nên chỉ trường hợp cá biệt thì mới vận dụng linh hoạt từ nguồn vốn dự phòng hoặc nguồn tiết kiệm chi để ứng xử với từng dự án đặc biệt.

"Về việc chuyển vốn, khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã dựa trên nguyên tắc cố gắng phấn đấu để vốn năm 2022 giải ngân hết trong năm nay, tuy nhiên, điều đó được tiên liệu với điều kiện tại phiên họp lần này, chúng ta có thể giải quyết cơ chế đặc thù như nhiều đại biểu đề cập. Hiện chúng ta còn tháng 11, tháng 12-2023 và tháng Giêng năm sau để giải ngân vốn của năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn Quốc hội coi đây là trường hợp đặt biệt để cho phép chuyển nguồn vốn năm 2022 đến ngày 31-12-2024 để tránh bị cắt vốn sự nghiệp, trong khi nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, mục tiêu đặt ra rất lớn lao.

Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, hiện đang có nhiều vấn đề ở nội dung này, trong tháng 11-2023, Chính phủ sẽ giải quyết cơ bản hơn một nửa số nội dung đã nêu. Các nội dung còn lại sẽ được giải quyết khi có cơ chế đặc thù phù hợp…