Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

Chế độ tự chủ trong sử dụng kinh phí quản lí hành chính

Nguyễn Đức Thọ - Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Tài chính

14:05 07/04/2012

TCTC Online - Sau 4 năm thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, sự phù hợp và hiệu quả của cơ chế này đã được khẳng định Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế tự chủ cũng cho thấy một số hạn chế cần khắc phục.

Thành công bước đầu

Các cơ quan hành chính nhà nước là bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước, có chức năng thực thi công tác quản lý của Nhà nước, hoạch định và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, kinh phí quản lý hành chính là tất yếu khách quan, là điều kiện quan trọng để đảm bảo duy trì hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Trong những năm qua, kinh phí NSNN dành cho lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước ngày càng tăng, nhưng vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu chi tiêu thực tế phát sinh tại các cơ quan nhà nước. Để giải quyết mâu thuẫn này không thể chỉ thực hiện các biện pháp tăng chi NSNN, mà vấn đề đặt ra là phải xây dựng được cơ chế quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực dành cho các cơ quan nhà nước để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, Nhà nước đã ban hành chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và các Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006, số 71/2007/TTLT-BTC-BNV ngày 26/6/2007 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ. Đến hết năm 2008, theo số liệu chưa đầy đủ đã có 22 Bộ, cơ quan ở trung ương triển khai chế độ tự chủ cho 100% các đơn vị trực thuộc, có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chế độ tự chủ cho 100% cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh; 48 tỉnh, thành phố đã thực hiện chế độ tự chủ cho 100% các cơ quan thuộc cấp huyện, quận…

Sau 4 năm thực hiện, sự phù hợp và hiệu quả của cơ chế mới đã được khẳng định rõ rệt, đó là: Từng bước hạn chế tình trạng cơ quan chủ quản cấp trên can thiệp quá sâu vào công việc của cơ quan cấp dưới; sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả hơn, không còn tình trạng “chạy” kinh phí còn dư cuối năm để chi tiêu cho hết, mặc dù việc chi tiêu đó chưa thực sự cần thiết; thực hiện công khai dân chủ trong việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính đã tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị, nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện quyền giám sát trong thực thi công vụ và thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Kết quả năm 2008 thấy, các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã triển khai nhiều biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả, một số cơ quan trung ương báo cáo có số tiết kiệm tương đối cao (đạt trên 10%) như: Bộ Ngoại giao đạt 26,67%; Kiểm toán Nhà nước đạt 19,86%; Bộ Công Thương đạt 14,22%; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đạt 10,97%; Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 14,44%; tỉnh Hà Tây, tỉnh Khánh Hoà có cơ quan đạt mức tiết kiệm 37% so với tổng kinh phí được giao…

Nhờ nguồn kinh phí tiết kiệm, một số cơ quan đã có nguồn để chi tăng thu nhập cho cán bộ công chức như: Cục trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp là 2.516.000 đồng (0,6 lần), Bộ Ngoại giao là 1.830.000 đồng, Bộ Nội vụ là 1.200.000 đồng/người/tháng (0,5 lần), Văn phòng Kiểm toán Nhà nước 1.158.000 đồng/người/tháng (0,3 lần), Bộ Xây dựng là 1.800.000 đồng/người/tháng (0,5 lần), Sở Bưu chính Viễn thông Hà Nội là 2.381.400 đồng/người/tháng; UBND huyện Gia Lâm-Hà Nội là 2.241.000 đồng/người/tháng; Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh là 1.200.000 đồng/người/tháng; Phòng Hạ tầng huyện Chợ Gạo - Tiền Giang 2.376.000 đồng/người/ tháng…

Những hạn chế cần khắc phục

Quá trình thực hiện cơ chế tự chủ cũng cho thấy một số hạn chế nhất định trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí của các cơ quan nhà nước và trong việc đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí của các cơ quan quản lý các cấp, thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất: Kinh phí quản lý hành chính giao cho các cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được phân bổ theo định mức phân bổ NSNN trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên:

- Do căn cứ xây dựng dự toán của các cơ quan nhà nước được xác định theo một số cơ sở chủ yếu như: các nhiệm vụ của năm kế hoạch, số thực hiện của các năm trước liền kề... Nhưng căn cứ phân bổ dự toán của Nhà nước chủ yếu theo biên chế được phê duyệt, trong khi đó đối với các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay vẫn chưa có một căn cứ xác đáng để quy định tỉ lệ giữa khối lượng công việc chuyên môn của mỗi cơ quan so với số lượng biên chế như thế nào là phù hợp. Ở nước ta do điều kiện lịch sử để lại, nên một số cơ quan nhà nước có khối lượng nhiệm vụ chuyên môn vừa phải nhưng có số lượng biên chế nhiều, trong khi đó cũng có một số cơ quan nhà nước phải đảm đương một khối lượng công việc lớn nhưng biên chế lại thấp, dẫn đến ở một số cơ quan nhà nước hiện nay nhu cầu chi kinh phí không hoàn toàn tỉ lệ thuận với số lượng biên chế. Theo một khía cạnh nào đấy, việc phân bổ NSNN theo định mức biên chế sẽ có tác động tiêu cực đến việc thực hiện tinh giản biên chế, khuyến khích các cơ quan nhà nước tăng số lượng biên chế so với nhiệm vụ được giao.

- Hiện nay, Nhà nước ta đang thực hiện cải cách hành chính, tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa các cơ quan hành chính nhà nước, theo đó một số cơ quan hành chính nhà nước đã được xây dựng trụ sở khang trang, trang thiết bị hiện đại nên các chi phí điện, nước.... tiêu thụ lớn, trong khi đó do nhiều yếu tố nên vẫn có một số cơ quan hành chính nhà nước đang phải sử dụng trụ sở chật hẹp, trang thiết bị lạc hậu nên chi phí, điện, nước... thấp. Do đó, định mức phân bổ ngân sách chưa quan tâm đến hệ thống công sở, trang thiết bị của mỗi cơ quan có thể dẫn đến có cơ quan được đảm bảo đủ nguồn lực tài chính, nhưng cũng có cơ quan không đủ nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ hai: Theo quy định của cơ chế, kinh phí quản lý hành chính giao thực hiện chế độ tự chủ ngoài phục vụ các nội dung chi hoạt động thường xuyên như: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, hội nghị... còn có cả chi phí mua sắm TSCĐ. Tuy nhiên, cơ chế không quy định rõ các TSCĐ nào được giao trong dự toán trong kinh phí tự chủ; như vậy, dẫn đến trường hợp cơ quan nhà nước không mua TSCĐ thì số dự toán kinh phí tự chủ được giao mua TSCĐ có thể vẫn được coi là kinh phí tiết kiệm của đơn vị.

Thứ ba: Một trong những mục tiêu cơ bản của chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước đã được quy định tại điều 2, Nghị định số 130/2005/NĐ-CP là thực hiện quyền tự chủ đồng thời gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị. Tuy nhiên điều này chưa được thể hiện rõ nét:

- Về Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan vẫn phải căn cứ chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; mức chi, chế độ chi, tiêu chuẩn định mức trong Quy chế chi tiêu nội bộ không được vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trường hợp Quy chế chi tiêu nội bộ cơ quan xây dựng vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan tài chính có trách nhiệm yêu cầu cơ quan ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ điều chỉnh lại cho phù hợp.

- Về sử dụng kinh phí được giao: Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được vận dụng các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành để thực hiện, nhưng không được vượt quá mức chi tối đa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Thực hiện chi kinh phí phải bảo đảm có chứng từ, hoá đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định (trừ thanh toán khoán tiền công tác phí, cước phí sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động của các cán bộ có tiêu chuẩn), trong khi đó để giảm khối lượng công việc, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, các cơ quan nhà nước có thể thực hiện khoán đối với một số nội dung chi khác của đơn vị (như cước phí điện thoại phòng làm việc, văn phòng phẩm...).

- Kinh phí tiết kiệm: Cơ chế quy định được sử dụng cho các nội dung gồm: Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức theo hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định; chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân; chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể, trợ cấp khó khăn, chi thêm cho người lao động thực hiện tinh giản biên chế; trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức.

Với quy định như trên, thủ trưởng cơ quan nhà nước mặc dù được giao quyền tự chủ nhưng cũng không thể phê duyệt, quyết định các nội dung, mức chi vượt quy định hiện hành, không thể quyết định khoán các nội dung chi hoạt động thường xuyên ngoài quy định của Nhà nước, kể cả từ nguồn kinh phí tiết kiệm của cơ quan. Điều này có thể gây bị động trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan nhà nước.

Thứ tư: Theo quy định, các cơ quan chủ quản cấp trên, UBND các cấp ban hành các tiêu chí cơ bản để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trực thuộc khi thực hiện chế độ tự chủ, trong đó phải có các tiêu chí đánh giá về các nội dung khối lượng, chất lượng công việc thực hiện, thời gian giải quyết công việc, tình hình chấp hành chính sách, chế độ và quy định về tài chính. Cơ chế cũng quy định: Kết thúc năm ngân sách, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn dự toán kinh phí quản lý hành chính được giao để thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được.

Tuy nhiên, đến nay hầu như các cơ quan chủ quản cấp trên, UBND các cấp đều chưa ban hành được tiêu chí cơ bản, nên chưa có căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trực thuộc, do đó việc xác định kinh phí tiết kiệm cũng chỉ được thực hiện thông qua công tác xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách hàng năm.

Một số đề xuất

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chế độ tự chủ về sử dụng kinh phí quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước như sau:

Một là: Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cơ quan, đối với các cơ quan nhà nước, định mức phân bổ NSNN ngoài căn cứ theo biên chế được phê duyệt cần phải có thêm các căn cứ khác như: chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy của mỗi cơ quan, hệ thống công sở, trang thiết bị... Bên cạnh đó, để đảm bảo thuận lợi trong quản lý và xác định kinh phí tiết kiệm, trong kinh phí quản lý hành chính giao thực hiện chế độ tự chủ chỉ bao gồm các nội dung chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, không bao gồm kinh phí mua sắm TSCĐ.

Hai là: Để đảm bảo quyền tự chủ, đồng thời gắn với trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong quản lý, sử dụng kinh phí và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nên giao cho thủ trưởng đơn vị:

- Về việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và thực hiện các nội dung chi kinh phí: Ngoài các nội dung chi bắt buộc phải thực hiện theo chế độ quy định của Nhà nước như tiền lương, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, chi các đoàn đi công tác nước ngoài, trang bị và sử dụng máy điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động, thủ trưởng đơn vị được phép quy định các mức chi cao hơn hoặc thấp hơn chế độ Nhà nước quy định, đối với các nội dung chi chưa có quy định của Nhà nước, thủ trưởng đơn vị được phép quy định mức chi phù hợp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn và trên cơ sở kinh phí tự chủ được giao. Bên cạnh đó, để giảm khối lượng công việc, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, có thể xây dựng phương án khoán và thực hiện khoán đối với các nội dung chi hoạt động thường xuyên của đơn vị, kể cả việc khoán quỹ tiền lương cho từng bộ phận trong cơ quan.

- Đối với kinh phí tiết kiệm được: Thủ trưởng đơn vị được quyết định các nội dung sử dụng, trong đó không hạn chế mức chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, đối với kinh phí tiết kiệm chưa sử dụng hết có thể được trích lập các quỹ dự phòng ổn định thu nhập, khen thưởng, phúc lợi của đơn vị.

Ba là: Để đảm bảo thống nhất trong việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, Nhà nước cần ban hành các tiêu chí khung đánh giá các nội dung cơ bản như: khối lượng, chất lượng công việc thực hiện, thời gian giải quyết công việc, tình hình chấp hành chính sách, chế độ và quy định về tài chính. Dựa vào tiêu chí khung, các cơ quan chủ quản cấp trên, UBND các cấp có cơ sở ban hành được tiêu chí cơ bản là căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan trực thuộc.

In bài viết

Chế độ tự chủ trong sử dụng kinh phí quản lí hành chính

THÔNG TIN CẦN QUAN TÂM

  • Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

    Tăng tốc với EVFTA: Ngành dệt may sẵn sàng cho cột mốc 1/8

  • Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

    Gia tăng đầu tư để đưa thêm hàng Việt Nam vào EU

  • Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

    DATC xử lý tốt nợ xấu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp

Tin nổi bật

Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

Phát triển lành mạnh dịch vụ thuế ở Việt Nam

Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba

Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

Chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam

Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ được xác định dựa trên

Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định mới tăng tính công khai, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp