Liều dùng Betamethasone cho trẻ em

1. Tên hoạt chất và biệt dược:

Hoạt chất : Betamethasone

Phân loại: Thuốc Corticosteroids.

Nhóm pháp lý: Thuốc kê đơn ETC – (Ethical drugs, prescription drugs, Prescription only medicine)

Mã ATC (Anatomical Therapeutic Chemical): A07EA04; C05AA05; D07AC01; D07XC01; H02AB01; R01AD06; R03BA04; S01BA06; S01CB04; S02BA07; S03BA03.

Biệt dược gốc: CELESTONE

Biệt dược: METASONE

Hãng sản xuất : Brawn Laboratories Ltd

2. Dạng bào chế – Hàm lượng:

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 0,5 mg.

Thuốc tham khảo:

METASONE
Mỗi viên nén có chứa:
Betamethasone …………………………. 0,5 mg
Tá dược …………………………. vừa đủ (Xem mục 6.1)

Liều dùng Betamethasone cho trẻ em

3. Video by Pharmog:

[VIDEO DƯỢC LÝ]

————————————————

► Kịch Bản: PharmogTeam

► Youtube: https://www.youtube.com/c/pharmog

► Facebook: https://www.facebook.com/pharmog/

► Group : Hội những người mê dược lý

► Instagram : https://www.instagram.com/pharmogvn/

► Website: pharmog.com

4. Ứng dụng lâm sàng:

4.1. Chỉ định:

Dùng trong nhiều bệnh như thấp khớp, bệnh hệ thống tạo keo, dị ứng, bệnh ngoài da, bệnh nội tiết, bệnh ở mắt, hô hấp, máu, ung thư và nhiều bệnh khác có đáp ứng với liệu pháp corticosteroid.

Các bệnh thấp khớp: Viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch cấp và bán cấp, viêm mỏm lồi cầu, viêm bao gân cấp không đặc hiệu, viêm cơ, viêm mô xơ, viêm gân, viêm khớp vảy nến.

Các bệnh hệ thống tạo keo: Luput ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng bì, viêm da cơ.

Các trạng thái dị ứng: Cơn hen, hen phế quản mạn, viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, viêm phế quản dị ứng nặng, viêm da dị ứng, phản ứng quá mẫn với thuốc và vết côn trùng đốt (cắn). Các bệnh da: Thương tổn thâm nhiễm khu trú, phì đại của liken (lichen) phẳng, ban vảy nến, sẹo lồi, luput ban dạng đĩa, ban đỏ đa dạng (hội chứng Stevens-Johnson), viêm da tróc vảy, viêm da tiếp xúc.

Các bệnh nội tiết: Suy vỏ thượng thận tiên phát hoặc thứ phát (dùng phối hợp với mineralocorticoid), tăng sản thượng thận bấm sinh, viêm tuyến giáp không mưng mủ và tăng calci huyết do ung thư.

Các bệnh mắt: Các quá trình viêm và dị ứng ở mắt và phần phụ, thí dụ viêm kết mạc dị ứng, viêm giác mạc, viêm màng mạch nho sau và màng mạc mạch lan tỏa, viêm dây thần kinh thị giác.

Các bệnh hô hấp: Bệnh sarcoid triệu chứng, tràn khí màng phổi, xơ hóa phổi, phòng suy hô hấp cấp và chảy máu nội nhãn cầu ở trẻ đẻ non.

Các bệnh máu: Giảm tiểu cầu tự phát hoặc thứ phát ở người lớn, thiếu máu tan máu mắc phải (tự miễn), phản ứng truyền máu.

Các bệnh tiêu hóa: Các bệnh viêm gan mạn tính tự miễn và các bệnh đại tràng, đợt tiến triển của bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng chảy máu.

Các bệnh ung thư: Điều trị tạm thời bệnh bạch cầu và u lympho ở người lớn và bệnh bạch cầu cấp ở trẻ em.

Hội chứng thận hư: Để hạ protein niệu và phù trong hội chứng thận hư không tăng urê huyết tiên phát hoặc do luput ban đỏ.

4.2. Liều dùng – Cách dùng:

Cách dùng :

Dùng uống.

Liều dùng:

Liều dùng thông thường: 0,5-5 mg/ngày tùy loại bệnh.

Trẻ em 17,5-250 mcg/kg/ngày.

Viêm thấp khớp & các thương tổn khác khởi đầu: 1-2,5 mg/ngày đến khi có đáp ứng (sau 3, 4 hoặc 7 ngày) thì giảm liều, còn 0,25 mg/2-3 ngày đến khi đạt liều duy trì thường là 0,5-1,5 mg/ngày.

Viêm màng hoạt dịch khởi đầu: 1-2,5 mg/ngày, chia làm nhiều lần.

Tình trạng hen suyễn 3,5-4 mg/ngày x 1-2 ngày; sau đó giảm liều xuống còn 0,25-0,5 mg/cách ngày đến khi đạt liều duy trì.

Khí phế thũng hoặc xơ hóa phổi bắt đầu 2-3,5 mg/ngày (chia nhiều lần) trong vài ngày cho đến khi có đáp ứng; sau đó giảm 0,5 mg/2-3 ngày đến khi đạt liều duy trì là: 1-2,5 mg.

Viêm mũi dị ứng khó trị ngày 1: 1,5-2,5 mg/ngày, chia nhiều lần; sau đó giảm dần 0,5 mg/ngày đến khi triệu chứng phát lại. Liều được chỉnh & duy trì liều này trong suốt mùa bệnh (thường không quá 10-14 giờ).

Lupus ban đỏ hệ thống khởi đầu: 1-1,5 mg x 3 lần/ngày x vài ngày sau đó giảm đến liều duy trì: 1,5-3 mg/ngày.

Bệnh da khởi đầu: 2,5-4 mg/ngày đến khi đạt hiệu quả mong muốn, rồi giảm 0,25-0,5 mg/2-3 ngày đến khi đạt liều duy trì.

Viêm mắt (hậu phòng) khởi đầu: 2,5-4,5 mg/ngày, chia làm nhiều lần cho đến khi đạt mong muốn hoặc điều trị trong 7 ngày, rồi giảm 0,5 mg/ngày đến liều duy trì để điều trị các rối loạn mãn tính

4.3. Chống chỉ định:

Quá mẫn với betamethason hoặc với các corticosteroid khác, hoặc với bất kỳ thành phần nào của Metasone.

Người bị bệnh tiểu đường, tâm thần, loét dạ dày và hành tá tràng.

Những bệnh nhân nhiễm nấm toàn thân, bệnh nhân nhiễm khuẩn và nhiễm virus.

4.4 Thận trọng:

Phải dùng liều thấp nhất có thể được để kiểm soát bệnh đang điều trị; khi giảm liều phải giảm dần từng bước. Do có tác dụng ức chế miễn dịch, việc sử dụng betamethason ở liều cao hơn liều cần thiết cho liệu pháp thay thế sinh lý thường làm tăng tính dễ cảm thụ đối với nhiễm khuẩn

Cần phải rất thận trọng trong các trường hợp: suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim mới mắc, tăng huyết áp, đái tháo đường, động kinh, glôcôm, thiểu năng tuyến giáp, suy gan, loãng xương, loét dạ dày, loạn tâm thần và suy thận. Khi dùng betamethason cho trẻ em và người cao tuổi dễ tăng nguy cơ đối với một số tác dụng không mong muốn, ngoài ra betamethason có thể gây chậm lớn ở trẻ em.

Trường hợp không được khuyên dùng: người bệnh bị lao tiến triển hoặc nghi lao tiềm ẩn không được dùng betamethason trừ rất hiếm trường hợp dùng để bổ trợ cho điều trị với thuốc chống lao.

Nguy cơ thuỷ đậu, và có thể cả nhiễm Herpes zoster nặng, tăng ở người bệnh không có khả năng đáp ứng miễn dịch khi dùng thuốc, và người bệnh phải tránh tiếp xúc với các bệnh này.

Trong quá trình điều trị bằng betamethason dài hạn, phải theo dõi người bệnh đều đặn. Có thể cần giảm lượng natri và bổ sung thêm calci và kali.

Dùng betamethason kéo dài có thể gây đục thể thuỷ tinh (đặc biệt ở trẻ em), glôcôm với khả năng gây tổn thương dây thần kinh thị giác.

Tác động của thuốc trên người lái xe và vận hành máy móc.

Chưa có nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của betamethason trên khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.

4.5 Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

Xếp hạng cảnh báo

AU TGA pregnancy category: Betamethasone Dipropionate/Valerate – B1/B3

US FDA pregnancy category: C

Thời kỳ mang thai:

Sử dụng betamethason khi mang thai hoặc người có khả năng mang thai phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc đối với người mẹ và phôi hoặc thai nhi. Trẻ sơ sinh mà mẹ đã dùng những liều betamethason đáng kể trong thời kỳ mang thai phải được theo dõi cẩn thận về các dấu hiệu giảm năng tuyến thượng thận.

Thời kỳ cho con bú:

Phải cân nhắc giữa lợi ích cho người mẹ với khả năng nguy hại cho trẻ nhỏ vì thuốc bài xuất vào sữa mẹ có thể ức chế sự phát triển và gây các tác dụng không mong muốn khác (ví dụ giảm năng tuyến thượng thận) cho trẻ bú sữa mẹ.

4.6 Tác dụng không mong muốn (ADR):

Các tác dụng không mong muốn của betamethason liên quan cả đến liều và thời gian điều trị. Giống như với các corticosteroid khác, các tác dụng không mong muốn bao gồm: Các rối loạn về nước và điện giải, cơ xương, tiêu hóa, da, thần kinh, nội tiết, mắt, chuyển hóa và tâm thần.

Thường gặp, ADR > 1/100

Chuyển hóa: Mất kali, giữ natri, giữ nước.

Nội tiết: Kinh nguyệt thất thường, phát triển hội chứng dạng Cushing, ức chế sự tăng trưởng của thai trong tử cung và của trẻ nhỏ, giảm dung nạp glucose, bộc lộ đái tháo đường tiềm ẩn, tăng nhu cầu insulin hoặc thuốc hạ đường huyết ở người đái tháo đường.

Cơ xương: Yếu cơ, mất khối lượng cơ, loãng xương, teo da và dưới da, áp xe vô khuẩn.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Tâm thần: Sảng khoái, thay đổi tâm trạng, trầm cảm nặng, mất ngủ.

Mắt: Glocom, đục thủy tinh thể.

Tiêu hóa: Loét dạ dày và có thể sau đó bị thủng và chảy máu, viêm tụy, trướng bụng, viêm loét thực quản.

Hiếm gặp, ADR < 1/1000

Da: Viêm da dị ứng, mày đay, phù thần kinh mạch.

Thần kinh: Tăng áp lực nội sọ lành tính.

Khác: Các phản ứng dạng phản vệ hoặc quá mẫn và giảm huyết áp hoặc tương tự sốc.

Thông báo cho Bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

4.7 Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Đa số các tác dụng không mong muốn thường có thể phục hồi hoặc giảm thiểu bằng cách giảm liều; cách này thường ưa dùng hơn là ngừng thuốc.

Dùng corticosteroid dạng uống kèm với thức ăn hạn chế được chứng khó tiêu hoặc kích ứng đường tiêu hóa có thể xảy ra. Người bệnh điều trị kéo dài với corticosteroid ở liều điều trị có thể phải hạn chế dùng natri và bổ sung kali trong quá trình điều trị.

Vì corticosteroid làm tăng dị hóa protein, có thể cần thiết phải tăng khẩu phần protein trong quá trình điều trị kéo dài. Dùng calci và vitamin D có thể giảm nguy cơ loãng xương do corticosteroid gây nên trong quá trình điều trị kéo dài. Những người có tiền sử hoặc có yếu tố nguy cơ loét dạ dày phải được chăm sóc bằng thuốc chống loét (thuốc kháng acid, đối kháng thụ thể H2 hoặc ức chế bơm proton). Người bệnh đang dùng glucocorticoid mà bị thiếu máu thì cần nghĩ đến nguyên nhân có thể do chảy máu dạ dày.

4.8 Tương tác với các thuốc khác:

Paracetamol: Corticosteroid cảm ứng các enzym gan, có thể làm tăng tạo thành một chất chuyển hóa của paracetamol độc đối với gan. Do vậy, khi corticosteroid được dùng cùng với paracetamol liều cao hoặc kéo dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm độc gan.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Những thuốc này không làm bớt và có thể làm tăng các rối loạn tâm thần do corticosteroid gây ra; không được dùng những thuốc chống trầm cảm này để điều trị những tác dụng không mong muốn nói trên.

Các thuốc chống đái tháo đường uống hoặc insulin: Betamethason có thể làm tăng nồng độ glucose huyết, nên cần thiết phải điều chỉnh liều của một hoặc cả hai thuốc khi dùng đồng thời; có thể cũng cần phải điều chỉnh lại liều của thuốc hạ đường huyết sau khi ngừng liệu pháp glucocorticoid.

Glycosid digitalis: Dùng đồng thời với betamethason có thể làm tăng khả năng loạn nhịp tim hoặc độc tính của digitalis kèm với hạ kali huyết.

Phenobarbiton, phenytoin, rifampicin hoặc ephedrin có thể làm tăng chuyển hóa của corticosteroid và làm giảm tác dụng điều trị của chúng.

Người bệnh dùng cả corticosteroid và estrogen phải được theo dõi về tác dụng quá mức của corticosteroid vì estrogen có thể làm thay đổi chuyển hóa và mức liên kết protein của glucocorticoid, dẫn đến giảm độ thanh thải, tăng nửa đời thải trừ, tăng tác dụng điều trị và độc tính của glucocorticoid.

Dùng đồng thời corticosteroid với các thuốc chống đông loại coumarin có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông, nên có thể cần thiết phải điều chỉnh liều.

Tác dụng phối hợp của thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu với glucocorticoid có thể dẫn đến tăng xuất hiện hoặc tăng mức độ trầm trọng của loét đường tiêu hóa. Corticosteroid có thể làm tăng nồng độ salicylat trong máu. Phải thận trọng khi dùng phối hợp aspirin với corticosteroid trong trường hợp giảm prothrombin huyết.

Khi dùng betamethason có thể làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của các thuốc ức chế cholinesterase, amphotericin B, cyclosporin, lợi niệu quai, natalizumab, lợi niệu nhóm thiazid. Ngược lại, một số thuốc khi dùng cùng sẽ làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của betamethason như: các thuốc chống nấm thuộc dẫn xuất azol, các thuốc chẹn kênh calci, kháng sinh nhóm quinolon, macrolid, trastuzumab.

4.9 Quá liều và xử trí:

Một liều đơn corticosteroid quá liều có lẽ không gây các triệu chứng cấp. Tác dụng do tăng corticosteroid không xuất hiện sớm trừ khi dùng liều cao liên tiếp.

Triệu chứng: Các tác dụng toàn thân do quá liều corticosteroid trường diễn bao gồm: Tác dụng giữ natri và nước, tăng chứng thèm ăn, huy động calci và phospho kèm theo loãng xương, mất nitơ, tăng glucose huyết, giảm tái tạo mô, tăng nguy cơ nhiễm khuân, nhiễm nấm thứ phát, suy thượng thận, tăng hoạt động vỏ thượng thận, rối loạn tâm thần và thần kinh, yếu cơ.

Điều trị: Trong trường hợp quá liều cấp, cần theo dõi điện giải đồ huyết thanh và nước tiểu. Đặc biệt chú ý đến cân bằng natri và kali. Trong trường hợp nhiễm độc mạn, ngừng thuốc từ từ. Điều trị mất cân bằng điện giải nếu cần.

5. Cơ chế tác dụng của thuốc :

5.1. Dược lực học:

Betamethason là một corticosteroid tổng hợp, có tác dụng glucocorticoid rất mạnh, kèm theo tác dụng mineralocorticoid không đáng kể. 0, 75 mg betamethason có tác dụng chống viêm tương đương với khoảng 5 mg prednisolon. Betamethason có tác dụng chống viêm, chống thấp khớp và chống dị ứng. Thuốc dùng đường uống để trị nhiều bệnh cần chỉ định dùng corticosteroid, trừ các trạng thái suy thượng thận thì ưa dùng hydrocortison kèm bổ sung fludrocortison. Do ít có tác dụng mineralocorticoid, nên betamethason rất phù hợp trong những trường hợp bệnh lý mà giữ nước là bất lợi. Dùng liều cao, betamethason có tác dụng ức chế miễn dịch.

Cơ chế tác dụng:

Corticosteroid tại chỗ hoạt động như tác nhân kháng viêm thông qua nhiều cơ chế để ức chế phản ứng dị ứng giai đoạn muộn bao gồm giảm mật độ tế bào mast, giảm chemotaxis và kích hoạt bạch cầu ưa eosin, giảm sản xuất cytokine của tế bào lympho, bạch cầu đơn nhân, tế bào mast và bạch cầu ưa eosin, và ức chế chuyển hóa axit arachidonic.

[XEM TẠI ĐÂY]

5.2. Dược động học:

Betamethason dễ được hấp thu qua đường tiêu hoá, phân bố nhanh vào tất cả các mô trong cơ thể, qua được nhau thai và có thể bài xuất vào sữa mẹ với lượng nhỏ. Trong máu, betamethason liên kết rộng rãi với các protein huyết tương, đặc biệt là các globulin. Betamethason được chuyển hoá chủ yếu ở gan, một phần ở thận và được bài xuất vào nước tiểu.

5.3 Giải thích:

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

5.4 Thay thế thuốc :

Chưa có thông tin. Đang cập nhật.

*Lưu ý:

Các thông tin về thuốc trên Pharmog.com chỉ mang tính chất tham khảo – Khi dùng thuốc cần tuyệt đối tuân theo theo hướng dẫn của Bác sĩ

Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào xảy ra do tự ý dùng thuốc dựa theo các thông tin trên Pharmog.com

6. Phần thông tin kèm theo của thuốc:

6.1. Danh mục tá dược:

Tá dược: lactose, cellulose vi tinh thể, povidon K30, brilliant blue FCF, magnesi stearat………..vừa đủ 1 viên.

6.2. Tương kỵ :

Không áp dụng.

6.3. Bảo quản:

Bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 30 °C trong bao bì kín. Tránh ánh sáng, lửa và không để đông lạnh.

6.4. Thông tin khác :

Không có.

6.5 Tài liệu tham khảo:

Dược Thư Quốc Gia Việt Nam