Mục tiêu 95-95-95 nghĩa là gì?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang tích cực cùng với các tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện mục tiêu 95-95-95. Trong đó, 95 đầu tiên là 95% người nhiễm HIV biết kết quả xét nghiệm HIV của mình, đến hiện tại tỉ lệ này đang đạt 86%, để tiếp cận và xét nghiệm HIV cho khoảng 10% người nhiễm HIV là vô cùng khó khăn do người có hành vi nguy cơ thường ngại tiếp cận và xét nghiệm HIV theo các mô hình truyền thống. Điển hình như xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế hay xét nghiệm HIV lưu động không tiếp cận được đúng nhóm khách hàng đích...

Chính vì vậy, các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV đa dạng được triển khai bao gồm: Xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV dựa vào tổ chức cộng đồng, các bạn trong cộng đồng người có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nghiện ma túy, người bán dâm tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và hỗ trợ kết nối điều trị ARV.

  • Rung Chuông Vàng: Nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên

  • 5 bước truyền thông, can thiệp phòng chống HIV trong khu công nghiệp

  • Tìm ra loại vaccine HIV có thể tạo ra các kháng thể trung hòa

  • Thái Lan: Cảnh báo sự suy giảm nghiêm trọng nhận thức về AIDS trong giới trẻ

  • SAFE-ZONE: Mô hình can thiệp phòng, chống HIV hiệu quả cho công nhân

Để thực hiện hiệu quả, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua website http://tuxetnghiem.vn tại 35 tỉnh, thành phố để những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tự làm xét nghiệm HIV và được kết nối làm xét nghiệm khẳng định bị nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, Cục Phòng chống HIV/AIDS triển khai mô hình xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV bằng cách tư vấn cho người nhiễm HIV, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV để làm xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của họ hoặc người nhiễm HIV thông báo và vận động bạn tình, bạn chích chung của họ và người có hành vi nguy cơ cao trong mạng lưới xã hội của họ đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV.

Giai đoạn 2021-2022, hằng năm phát hiện 12.000-13.000 người nhiễm HIV mới, tăng 20% so với giai đoạn 2019-2020 (10.000 -11.000 người nhiễm HIV/năm) cho thấy sự hiệu quả trong việc áp dụng triển khai các mô hình mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, tính đến tháng 10/2022, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).

Từ năm 1990 đến 2015, tỉ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ năm 2016 tỉ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu tuy nhiên trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và 30 - 39 (28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).   

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam nhận định rằng MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỉ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua. Về xu hướng số trường hợp nhiễm mới HIV vẫn có xu hướng giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, hiện số ca nhiễm mới HIV ước tính khoảng 5.700 người.

Mục tiêu 95-95-95 nghĩa là gì?

Bác sĩ tư vấn cho người nhiễm HIV tại Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS (CDC Đồng Nai)

Mục tiêu 90-90-95 cụ thể là: 90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV (ARV - thuốc điều trị dùng cho những người bị HIV, làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS) và 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…

Cụ thể, trong năm 2021, số người nhiễm HIV/AIDS hiện đang được quản lý tại tỉnh Đồng Nai là 5.893 người, số bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng virus (ARV) là 5.070 và số bệnh nhân đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện là 2.177/2.228 đạt 97,7%.

Ngoài ra, phát hiện thêm 666 người nhiễm HIV mới, trong đó đã đưa vào điều trị 649 người đạt 97,5%. Số bệnh nhân có thẻ BHYT đạt 89,5%, trong đó 100% bệnh nhân có thẻ BHYT đều sử dụng ít nhất một dịch vụ liên quan đến khám và điều trị HIV/AIDS. Toàn tỉnh cũng đã điều trị dự phòng (PrEP) cho 2.451 người, trong đó hơn 2.000 người là mới.

Để duy trì các hoạt động có hiệu quả, thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các ca nhiễm HIV ngoài cộng đồng, rà soát đối chiếu số liệu người nhiễm trên địa bàn tỉnh để có số liệu quản lý người nhiễm chính xác nhất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nhiễm, sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội, các nhà thuốc để quảng bá dịch vụ xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS, điều trị phơi nhiễm, mở rộng các điểm điều trị dự phòng bằng PrEP để đông đảo người dân được biết và sử dụng dịch vụ nhằm phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục cấp thẻ BHYT và khuyến khích người bệnh sử dụng thẻ BHYT trong khám và điều trị ARV và các dịch vụ khám và điều trị khác. Đồng thời phối hợp có hiệu quả các chương trình dự án quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.