Người dân tổ chức ưu tiên thực hiện các dịch vụ công mức độ 3 mức độ 4

BNEWS Trong thời gian tới, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4.

Xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến vào thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tạo môi trường làm việc để cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, thực hiện các dịch vụ do nhà nước cung cấp một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, trong thời gian tới, UBND Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4.


Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu tình trạng lây lan trong phòng, chống dịch COVID-19 và đã được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn.

Có thể thấy, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền, hách dịch; tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến có thể giúp cá nhân, tổ chức giao dịch tại bất cứ đâu khi có kết nối internet không phụ thuộc thời gian và không gian địa lý.

Qua đó cá nhân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí đi lại cũng như thời gian đăng ký các thủ tục hành chính tại các bộ phận một cửa của cơ quan đơn vị. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp cơ quan nhà nước giảm tải áp lực công việc, giải quyết hồ sơ nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn.

Theo ông Đặng Quốc Toàn, tính đến thời điểm hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.700 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó có gần 900 thủ tục không phát sinh hồ sơ trong 3 năm liên tục (chiếm 51%).

Trong năm 2021, Thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 17 triệu hồ sơ thủ tục hành chính với tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,81%.
Qua thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh có 805 thủ tục hành chính đã được các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện, xã, phường, thị trấn cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cá nhân, doanh nghiệp qua môi trường mạng.

Năm 2021 có 317/805 thủ tục hành chính đang cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến (chiếm gần 40%) và lượng hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là hơn 3 triệu hồ sơ.

Ông Đặng Quốc Toàn cho rằng: Từ các số liệu này, có thể nhận thấy, Thành phố Hồ Chí Minh còn số lượng lớn thủ tục hành chính chưa phát sinh hồ sơ. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thật sự hiệu quả, chưa thu hút, hấp dẫn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để sử dụng.

Nguyên nhân của tình trạng trên là các biểu mẫu, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn, diễn giải còn rườm rà, phức tạp, ngôn ngữ hành chính chuyên ngành trên mẫu đơn điện tử còn gây lúng túng cho cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Mặt khác, tại một số địa phương, một bộ phận dân cư là người lao động, nông dân, khả năng sử dụng, cập nhật internet còn thấp nên đây cũng là một trong những khó khăn, trở ngại nhất khi triển khai dịch vụ này đến cá nhân.

Phần lớn dữ liệu chưa được đồng bộ, liên thông thống nhất từ Trung ương đến địa phương gây gây khó khăn, không thuận tiện cho cán bộ trong thao tác nghiệp vụ, xử lý hồ sơ cho cá nhân trên môi trường mạng.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như công tác tuyên truyền hướng dẫn cho cá nhân về lợi ích và tiện dụng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa được tập trung thực hiện; tâm lý lo ngại về mất hồ sơ, không an toàn bảo mật thông tin của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, do đó vẫn còn nhiều cá nhân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để được hướng dẫn và đăng ký thủ tục hành chính.

Để đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác định triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm, trong đó đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính, lược bỏ bước trung gian, thành phần hồ sơ đã có cơ sở dữ liệu tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tiếp cận, thực hiện.

Đồng thời, rà soát, tinh gọn bộ thủ tục hành chính và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục không phát sinh hồ sơ trong 3 năm liên tục, chỉ duy trì những thủ tục thật sự cần thiết và tiếp tục rà soát thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ trong nhiều năm.

Thành phố tập trung lựa chọn thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trãi, ưu tiên lĩnh vực, thủ tục thiết thực và có lượng hồ sơ phát sinh hàng năm lớn lấy cá nhân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, bảo đảm đầu tư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả. Hoàn thành và sớm vận hành chính thức Cổng Dịch vụ công Thành phố, Hệ thống thông tin một cửa điện tử Thành phố gắn với đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.

Các tổ chức, cơ quan nhà nước triển khai các giao dịch điện tử nói chung và dịch vụ công trực tuyến nói riêng nên áp dụng chữ ký điện tử trong việc triển khai; tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đầu tư thiết bị, đường truyền, nâng cấp tiện ích.

Đồng thời, thành phố tuyên truyền, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp từng bước chuyển từ thói quen thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp sang trực tuyến, quảng bá tính tiện ích và hiệu quả việc sự dụng dịch vụ công trực tuyến vượt trội so với cách làm cũ, tiết kiệm thời gian, thuận tiện, đơn giản thực hiện đến mọi cá nhân, doanh nghiệp được biết, tin tưởng, an tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến./.

Người dân tổ chức ưu tiên thực hiện các dịch vụ công mức độ 3 mức độ 4

Dịch vụ công mức độ 1, 2, 3, 4 là gì?

Theo Thông tư 32/2017/TT-BTTTT, yêu cầu đối với các mức độ của dịch vụ công trực tuyến như sau:

1. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1

Phải cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản sau:

- Tên thủ tục hành chính;

- Trình tự thực hiện;

- Cách thức thực hiện;

- Thành phần, số lượng hồ sơ;

- Thời hạn giải quyết;

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;

- Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính;

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: ghi rõ kết quả cuối cùng của việc thực hiện thủ tục hành chính;

- Thông tin nếu có về mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, mẫu kết quả thực hiện thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện, phí, lệ phí;

- Hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, qua môi trường mạng);

- Văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về thủ tục hành chính, quyết định công bố thủ tục hành chính.

2. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2

Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

- Cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản như dịch vụ công trực tuyến mức độ 1;

- Cung cấp đầy đủ các biểu mẫu điện tử không tương tác và cho phép người sử dụng tải về để khai báo sử dụng;

- Hồ sơ in từ biểu mẫu điện tử không tương tác sau khi khai báo theo quy định được chấp nhận như đối với hồ sơ khai báo trên các biểu mẫu giấy thông thường.

3. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3

Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

- Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 2;

- Các biểu mẫu của dịch vụ được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ;

- Hồ sơ hành chính điện tử được sắp xếp, tổ chức, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm khả năng xử lý, tra cứu, thống kê, tổng hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các hệ thống ứng dụng liên quan;

- Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng;

- Việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính.

4. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

- Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3;

- Cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người sử dụng thực hiện được ngay việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua môi trường mạng;

- Việc trả kết quả cho người sử dụng có thể được thực hiện trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp. Kết quả dưới dạng điện tử của dịch vụ công trực tuyến có giá trị pháp lý như đối với kết quả truyền thống theo quy định về kết quả điện tử của cơ quan chuyên ngành.

Việc trả kết quả trực tuyến được thực hiện theo sự thống nhất của người sử dụng và cơ quan cung cấp dịch vụ qua một hoặc nhiều hình thức sau: thông báo trên cổng thông tin điện tử có dịch vụ công trực tuyến; gửi qua chức năng trả kết quả của dịch vụ công trực tuyến; gửi qua thư điện tử của người sử dụng. Khuyến khích gửi kết quả qua các kênh giao tiếp điện tử khác như: tin nhắn trên điện thoại di động, dịch vụ trao đổi thông tin trên mạng.

>>> Xem thêm: Từ tháng 05/2022, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp sẽ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4?

Đến tháng 12/2022, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?

Hướng dẫn mới nhất cách đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia (online)?

Châu Thanh

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN