Những người phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam

1. Làm kinh tế giỏi, làm cán bộ Hội cũng giỏi

Với mức thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/năm, gia đình hạnh phúc, các con ngoan ngoãn, học giỏi, gia đình chị Nguyễn Thị Phưởng là hình mẫu nhiều người mơ ước.

18 tuổi chị lập gia đình, chồng làm nghề đi biển. Thu nhập từ biển thất thường, chị thì không có nghề ổn định. Hằng ngày với đôi quang gánh đi thu mua phế liệu, chị quần quật làm mà cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám. Cùng lúc đứa con đầu lòng ra đời, cuộc sống càng túng hơn. Không cam chịu, chị cùng chồng bàn bạc mạnh dạn vay 7 triệu đồng của Ngân hàng, mở cơ sở thu mua phế liệu. Với cách làm ăn trung thực, giữ gìn chữ tín nên chị đã tạo được uy tín trong kinh doanh, lương khách hàng ngày càng mở rộng, cơ sở của chị đã có thương hiệu. Không dừng lại với kết quả đạt được, chị vay thêm 30 triệu đồng đào hai ao thả cá với diện tích 10 sào, mua các giống cá về nuôi thả. Sau vụ nuôi cá đầu tiên chị tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm, và chăn nuôi thêm bò, dê, gà, vịt… Hiện nay gia đình chị thu được khoảng 250- 300 triệu mỗi năm; có một cơ ngơi bề thế với khu thu mua phế liệu, trang trại nuôi lợn mới xây và 2 ao thả cá với tổng diện tích gần 2000 m2. Điều kiện cuộc sống đã thay đổi, anh chị có điều kiện chăm lo cho 3 con học hành. Cháu đầu hiện là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Bưu chính Viễn thông, cháu thứ 2 là sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Môi trường, cô con gái út đang lớp 11 trường cấp III Bồ Bản. Các con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Từ nghèo khó vươn lên, chị Phưởng rất thấu hiều nỗi khổ của những chị em nghèo trong xã, sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở thu mua phế liệu của chị đã tạo việc làm cho 10 lao động trong đó có 8 phụ nữ với mức thu nhập ổn định trên 2 triệu đồng/tháng/ người.

Không chỉ làm ăn kinh tế giỏi, chị Phưởng còn là một người cán bộ Hội Phụ nữ nhiệt tình, năng động. Là chi hội phó thôn Hà Tây Đồng, chị vận động quyên góp được số tiền 3.300.000 đồng giúp đỡ cho 1 hội viên bị bệnhnặng, khó khăn. Chị cũng rất tích cực học tập, tham gia các lớp tập huấn, tiếp thu những kỹ thuật chăn nuôi áp dụng vào thực tế và phổ biến cho mọi người; tích cực tham gia đóng góp xây dựng thôn văn hoá ở khu dân cư, phong trào Hội phụ nữ của thôn, xã .

2.Nguyễn Thị Mây, người cán bộ Hội giúp 16 gia đình hội viên phụ nữ nghèo

Chị là Nguyễn Thị Mây, uỷ viên Ban Thường vụ Hội LHPN xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Gia đình chị đông người, nghề nghiệp chính là làm ruộng nên cuộc sống vất vả, khó khăn. Là lao động chính của gia đình, chị đứng ra vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế.

Với 5000 m2 đất nương, chị tiến hành cải tạo thâm canh 2.000 m2 trồng nhãn. Đến nay, vườn nhãn đã cho thu hoạch mỗi năm được 32 triệu đồng. Diện tích đất còn lại, chị trồng ngô 2 vụ, mỗi năm thu 30 triệu đồng; trồng xen canh đậu, đỗ, lạc thu thêm được 3 triệu đồng.Bên cạnh trồng trọt, chị còn phát triển chăn nuôi. Đàn gà 50 con mái đẻ đã cho chị thu mỗi năm 20 triệu đồng;18 con bò sinh sản tạo việc làm cho 8 chị em hội viên nghèo nuôi rẽ, hiện nay đàn bò đã tăng thành 28 con; nuôi lợn nái đẻ và lợn thịt mỗi năm xuất chuồng bán được 2 tấn thịt. Ngoài ra, chị còn phát triển nuôi nhím, ba ba và các loại gia cầm khác. Từ nhiều hình thức trồng trọt, chăn nuôi, mỗi năm chị và gia đình thunhập hàng trăm triệu đồng.

Để giúp đỡ cho hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình, biết cách vươn lên và làm giàu chính đáng. chị đã dành 120 triệu giúp 8 chị em hội viên vay không lãi để phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm; phần còn lại dùng để tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập cho gia đình. Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chị Mây, 16 gia đình hội viên nghèo ở xã Chiềng Sơ đã có cuộc sống ổn định, 5/16 gia đình vươn lên thoát nghèo.

3.Vượt khó nuôi con giỏi

Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, ChịPhạm Thị Hôm -Hội viên phụ nữ Thôn Yên Thắng - XãYên Lễ, Huyện Như Xuân- Tỉnh Thanh Hóa sinh năm 1960, dân tộc Thổ đã cố gắng nỗ lực nuôi con giỏi, thành đạt.

Kết hôn năm 1980 khi chồng đang còn tại ngũ phục vụ tại chiến trường Cam pu chia, năm 1986 anh về nghỉ chế độ bệnh binh đến năm 1992 thì lâm bệnh nặng và qua đời để lại cho chị đàn con thơ dại, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gánh nặng hai vai, bên làm cha, bên làm mẹ, một mình với 6 sào ruộng nước, 6 sào chè đồi làm sao có đủ tiền để nuôi con ăn học? Di nguyện của anh là muốn các con được nuôi dạy, ăn học thành người, chị quyết tâm thực hiện. Với số vốn ít ỏi tích cóp được từ làm ruộng nước và chè đồi, chị mày mò học kinh nghiệm, mua dê sinh sản về nuôi. Do các con bận học, thiếu người chăm nom, công việc chăn nuôi của chị không thành. Chị bán dê mua máy quay chè vừa lấy công cụ sơ chế chè nhà trồng được, vừa làm công cho hàng xóm kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống vẫn không thuận buồm xuôi gió. Chè mất giá, chị lại chuyển sang bán xôi, buôn mắm, cá khô, rồi làm đậu phụ, nuôi thêm lợn gà kiếm sống và xoay xở nuôi các con ăn học. Lăn lộn, vất vả sớm khuya, có những hôm phải thức tới tận một hai giờ sáng, song chị vẫn thường xuyên dành thời gian quan tâm, chăm sóc các con. Chị luôn nhắc nhở, bảo ban các con học chữ, học làm người. Chị cần kiệm bán từng cân thóc, bó rau đến quả trứng gà để con có tiền đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thi đại học.

Chứng kiến nỗi vất vả của mẹ, các con trai của chị rất thương mẹ, bảo nhau cố gắng học tập, rèn luyện đạt kết quả vô cùng đáng tự hào. Cháu Nghị (con trai cả của chị) dự thi Olympic toàn quốc đạt giải “Sao tháng Giêng” do Hội Sinh viên Việt Nam tặng năm 2004; cháu Vương, cháu Duẩn được tặng quỹ học bổng Vừ A Dính. Các cháu Nghị, Vương được kết nạp Đảng từ khi đang là sinh viên năm thứ 2 và lúc ra trường đều đạt bằng giỏi. Năm 2011, cháu Duẩn cũng được kết nạp vào Đảng. Hiện nay, 4 con của chị đã ra trường và có công việc ổn định. Đó là kết quả xứng đáng dành cho người mẹ tần tảo, suốt đời vì con của chị.

Nữ vương đầu tiên: Danh hiệu Nữ vương đầu tiên trong lịch sử Việt Nam dành cho 2 chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi viên Thái thú Tô Định, lật nhào ách đô hộ của nhà Đông Hán và xưng vương, đóng đô tại Mê Linh, hai bà nắm quyền được 3 năm.

Người làm cô giáo của nhiều vua nhất: Bà Nguyễn Nhược Thị Bích (1830-1909), quê quán Thừa Thiên - Huế. Bà Nhược Bích rất thông minh và giỏi văn thơ, được tiến cử vào cung và trở thành cô giáo (Quốc sư) của 3 vị vua triều nhà Nguyễn gồm Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh.

Nữ Tổng biên tập đầu tiên: Danh hiệu này thuộc về bà Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921), bút danh là Sương Nguyệt Anh, con gái thứ 4 của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, quê ở tỉnh Bến Tre. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918, bà lên Sài Gòn làm Tổng biên tập báo Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.

Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên: Đó là bà Nguyễn Thị Minh Khai, là nữ chiến sĩ tiền bối của phong trào cộng sản Việt Nam. Bà sinh năm 1910 tại Vinh, (Nghệ An), năm 1927 gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng, năm 1935 học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô cũ) cùng với Lê Hồng Phong, là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham gia Đại hội VII Quốc tế Cộng sản năm 1937, Bà về nước hoạt động, sau đó bị giặc Pháp bắt năm 1940 và kết án tử hình tháng 5.1941.

Nữ anh hùng lực lượng vũ trang trẻ nhất: Chị Võ Thị Sáu (1933-1952) xứng đáng với danh hiệu này. Ngay từ năm 15 tuổi, chị đã hăng hái tham gia cách mạng, lập nhiều chiến công vang dội. Tháng 5.1950, bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ trung thành. Năm 1952, giặc đày chị ra Côn Đảo và tử hình, năm 1993, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã trân trọng truy tặng chị huân chương Chiến công Hạng nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang.

Nữ anh hùng đầu tiên của quân đội: Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930, trong kháng chiến chống Pháp bà đã xây dựng và chỉ huy đội Nữ du kích Tán Thuật (Thái Bình). Hoạt động hiệu quả, táo bạo, dũng cảm nổi tiếng với chiến tích “tay không bắt giặc”, bà được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công và năm 1952, được phong là nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Người phụ nữ có nhiều con cháu là liệt sĩ nhất: Đó là bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, sinh năm 1909, quê xã Điện Thắng (Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam) có tới 9 người con và 2 người cháu nội là liệt sĩ.

Người phụ nữ đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất: Bà Nguyễn Thị Định (1920- 1992), quê Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936, là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đồng Khởi 1959-1960. bà đã giữ nhiều cương vị chủ chốt trong quân đội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng, và năm 1987 bà trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời hiện đại giữ chức vụ quan trọng nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Nữ giáo sư - tiến sĩ toán học đầu tiên: Bà Hoàng Xuân Sính, giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là nữ giáo sư, tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam. Năm 1975, tại trường Đại học Paris VII (Pháp), bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học, sau đó về nước công tác và được phong học hàm Giáo sư.

Nữ tiến sĩ toán học trẻ nhất: Danh hiệu này thuộc về nhà toán học Lê Hồng Vân. Đầu 12.1989, khi mới 28 tuổi, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán - Lý của mình tại Hội đồng Bác học trường Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Nga (chiếm trọn 17 phiếu thuận của Hội đồng).@

SONG THÁP