Phân tích và so sánh các phương thức thanh toán quốc tế

Mục lục bài viết

  • 1. Khái quát phương thức thanh toán quốc tế
  • 2. Khái niệm phương thức thanh toán quốc tế
  • 3. Đặc điểm phương thức thanh toán quốc tế
  • 4. Phương thức thanh toán trực tiếp
  • 5. Phương thức thanh toán nhờ thu
  • 6. Phương thức tín dụng chứng từ

1. Khái quát phương thức thanh toán quốc tế

Phương thức thanh toán quốc tế là cách thức người nhập khẩu trả tiền cho người xuất khẩu trong hoạt động thương mại quốc tế.

Có nhiều phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế như: phương thức thanh toán trực tiếp, thanh toán nhờ thu, phương thức tín dụng chứng từ.

Theo đó:

- Thanh toán trực tiếp là người mua thanh toán bằng tiền mặt hoặc bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trực tiếp cho người bán mà không thông qua bên thứ ba. Tổ chức tín dụng thực hiện dịch vụ thanh toán giữa người mua và người bán không coi là bên thứ ba.

- Phương thức thanh toán nhờ thu là việc ngân hàng thay mặt Nhà xuất khẩu (Người ủy nhiệm) thu hộ một khoản tiền từ Nhà nhập khẩu (Người có trách nhiệm thanh toán hối phiếu) trên cơ sở hối phiếu và/ hoặc chứng từ giao hàng

- Phương thức tín dụng chứng từ - Thanh toán tín dụng chứng từ (Documentary credit) là sự thỏa thuận mà Ngân hàng phát hành Thư tín dụng (L/C) sẽ cam kết trả một số tiền nhất định hoặc chấp nhận Hối phiếu do người thụ hưởng ký phát, nếu người này xuất trình bộ chứng từ thanh toán hợp lệ với nội dung quy định của Thư tín dụng. Trong đó “Ngân hàng phát hành thư tín dụng là ngân hàng phát hành L/C theo yêu cầu của người xin mở L/C hoặc nhân danh chính mình”. Và “Bên thụ hưởng là bên mà vì quyền lợi của bên đó mà Thư tín dụng được phát hành.”

2. Khái niệm phương thức thanh toán quốc tế

Thanh toán quốc tế đã ra đời từ lâu, nhưng nó mới chỉ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 20 khi mà khối lượng mua bán, đầu tư quốc tế và chuyển tiền quốc tế ngày càng gia tăng, tù đó làm cho khối lượng các giao dịch thanh toán qua ngân hàng cũng tăng theo.

Thanh toán quốc tế có thể được định nghĩa từ theo nhiều quan điểm khác nhau. Dưới đây, chúng tôi sẽ chỉ trích dẫn một số định nghĩa của từ nhiều gốc xem xét sau đây.

Theo từ điển bách khoa tòa thư, thanh toán quốc tế là một trong số các nghiệp vụ của ngân hàng trong việc thanh toán giá trị của các lô hàng giữa bên mua và bên bán hàng thuộc lĩnh vực ngoại thương, tuy nhiên cũng có trường hợp đặc biệt không cần thông qua ngân hàng là thanh toán quốc tế qua tiền mã hóa (ví dụ: Bitcoin, Ethereum). Các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến nhất hiện nay là:

1. Chuyển tiền bằng: Điện chuyển tiền (TT: Telegraphic Transfer Remittance) hoặc bằng Thư chuyển tiền (MTR: Mail Transfer Remittance).

2. Trả tiền lấy chứng từ (C.A.D: Cash Against Document).

3. Nhờ thu (Collection).

4. Tín dụng thư (L/C: Letter of Credit).

Thứ hai, theo Đinh Xuân Trình (1996) thanh toán quốc tế là việc thanh toán các nghĩa vụ tiền tệ phát sinh có liên quan tới các quan hệ kinh tế, thương mại và các mối quan hệ khác giữa các tổ chức, các công ty và các chủ thể khác nhau của các nước.

Thứ ba, theo Trầm Thị Xuân Hương (2006), thanh toán quốc tế là quá trình thực hiện các khoản thu chi tiền tệ quốc tế thông qua hệ thống ngân hàng trên thế giới nhằm phục vụ cho các mối quan hệ trao đổi quốc tế phát sinh giữa các nước với nhau.

Vai trò của phương thức thanh toán quốc tế có vao trò rất quan trọng. Chúng ta có thể kể đến những vai trò sau:

1. Đối với nền kinh tế: Thanh toán quốc tế góp phần mở rộng và thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường vị thế kinh tế của mỗi quốc gia trên thị trường quốc tế, tạo cầu nối giữa các quốc gia trong quan hệ thanh toán.

2. Đối với các doanh nghiệp: Thanh toán quốc tế phục vụ nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế

3. Đối với các ngân hàng thương mại: thanh toán quốc tế tạo doanh thu dịch vụ, thúc đẩy các hoạt động khác của ngân hàng phát triển.

3. Đặc điểm phương thức thanh toán quốc tế

Thứ nhất, thanh toán quốc tế khác thanh toán quốc nội ở chỗ nó mang yếu tố nước ngoài

Những hoạt động thanh toán nào có yếu tố nước ngoài thì gọi là hoạt động thanh toán quốc tế, còn ngược lại thì gọi là hoạt động thanh toán quốc nội. Yếu tố nước ngoài được thể hiện ở các mặt sau đây:

1. Chủ thể tham gia thanh toán quốc tế là những người cư trú và phi cư trú, không phân biệt là chung quốc tịch hay khác quốc tịch hoặc giữa những người phi cư trú với nhau. Luật Quản lý ngoại hối của mỗi quốc gia đều có định nghĩa về người cư trú và phi cư trú.

2. Tiền tệ trong thanh toán được chuyển khoản từ tài khoản người phi cư trú sang tài khoản người cư trú hoặc giữa tài khoản hai người phi cư trú với nhau, không kể tài khoản đó mở ở một ngân hàng hay ở hai ngân hàng trong cùng một quốc gia hay ở hai quốc gia khác nhau.

3. Tiền tệ được sử dụng trong thanh toán quốc tế là ngoại tệ đối với một trong hai nước hoặc có thể là nội tệ có nguồn gốc ngoại tệ.

Thứ hai, hoạt động thanh toán quốc tế là một loại dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho khách hàng

Thứ ba, dịch vụ thanh toán quốc tế cũng có những đặc điểm truyền thống như các dịch vụ khác

Mang tính vô hình, việc cung ứng và tiêu dùng dịch vụ xảy ra đồng thời, không thể lưu trữ được dịch vụ. Dịch vụ thanh toán quốc tế có những đặc điểm riêng biệt sau:

1. Cung ứng dịch vụ qua biên giới quốc gia.

2. Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài.

3. Hình thành đại lý dịch vụ ở nước người tiêu dùng dịch vụ.

4. Hoạt động thanh toán quốc tế chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.

5. Không gian thanh toán quốc tế rất rộng lớn, thời gian thanh toán tương đối dài, cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật không đồng đều, môi trường pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ, trình độ nhân lực tham gia thanh toán quốc tế còn có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia. Đây có thể coi là nguyên nhân phát sinh rủi ro trong thanh toán quốc tế hiện nay.

Thứ tư, thanh toán quốc tế điện tử sẽ dần dần thay thế cho thanh toán bằng chứng từ truyền thống.

Như đã nói wor mục 1, có nhiều phương thức thanh toán trong thương mại quốc tế như: phương thức thanh toán trực tiếp, thanh toán nhờ thu, phương thức tín dụng chứng từ. Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những phương thức thanh toán này.

4. Phương thức thanh toán trực tiếp

Phương thức thanh toán trực tiếp - Là sau khi nhận được quyền sở hữu về hàn hóa, doanh nghiệp mua hàng thanh toán ngay tiền hàng cho bên bán ( thanh toán bằng tiền hoặc hiện vật).

Theo đó, phương thức chuyển tiền (Remittance) là phương thức mà trong đó khách hàng (người yêu cầu chuyển tiền) yêu cầu ngân hàng của mình chuyển một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi) ở một địa điểm nhất định bằng phương tiện chuyển tiền do khách hàng quy định.

Các bên tham gia phương thức chuyển tiền gồm:

1. Người yêu cầu chuyển tiền (Applicant): có thể là người trả tiền (Payer: người nhập khẩu, người bị ký phát, người chi trả các chi phí dịch vụ, …) hoặc người chuyển tiền (Remitter: người đầu tư, kiều bào chuyển tiền về, …)

2. Người hưởng lợi (Beneficiary): là người nhận tiền do người yêu cầu chỉ định.

3. Ngân hàng chuyển tiền.

4. Ngân hàng người hưởng.

5. Ngân hàng trung gian.

5. Phương thức thanh toán nhờ thu

Với phương thức thanh toán nhờ thu: Người bán sau khi giao hàng sẽ uỷ quyền cho ngân hàng, nhờ ngân hàng thu hộ số tiền hàng của người mua ở nước ngoài. Phân loại nhờ thu:

1. Nhờ thu chấp nhận chứng từ (D/A: Document against Acceptance)

2. Nhờ thu kèm chứng từ (D/P: Document against Payment)

3. Nhờ thu kèm điều khoản/điều kiện đặc biệt khác (Documents against other terms and conditions)

Ngoài ra còn có thể phân loại Nhờ thu trơn (người bán chỉ gửi kèm giấy tờ tài chính như hối phiếu) và Nhờ thu kèm chứng từ (người bán gửi thêm các giấy tờ thương mại như hóa đơn, vận đơn đường biển, phiếu đóng gói, v.v.)

Đới với quy trình phương thức nhờ thu cụ thể như sau:

Sau khi gửi hàng, người bán sẽ gửi bộ chứng từ hàng hoá kèm theo Hối phiếu (Bill of Exchange hay còn gọi là Draft) và chỉ dẫn nhờ thu (Collection Instruction) cho ngân hàng mà mình nhờ thu (Remitting bank). Ngân hàng này có thể dùng đại lý của mình hoặc thông qua một ngân hàng khác mà ngân hàng này có tài khoản ở nước người mua (Collecting bank) để thực hiện việc thu hộ tiền hàng. Collecting bank sẽ gởi bộ chứng từ và hối phiếu cho người mua. Nếu là nhờ thu chấp nhận chứng từ thì người mua hàng sẽ ký chấp nhận lên hối phiếu và gửi lại cho ngân hàng nhờ thu. Nếu là nhờ thu kèm chứng từ: Người mua sẽ gửi lại cho ngân hàng lệnh chi. Đối với nhờ thu kèm các điều khoản đặc biệt, collecting bank sẽ chỉ giao chứng từ trên cơ sở thỏa mãn các điều kiện trên chỉ dẫn nhờ thu.

6. Phương thức tín dụng chứng từ

Thứ nhất, khái niệm phương thức thanh toán tín dụng chứng từ:

Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là một sự thỏa thuận, trong đó một ngân hàng (ngân hàng phát hành thư tín dụng) theo yêu cầu của khách hàng (người yêu cầu mở thư tín dụng) sẽ trả một số tiền nhất định cho một người khác (người hưởng lợi số tiền của thư tín dụng) hoặc chấp nhận hối phiếu đòi nợ do người này ký phát trong phạm vi số tiền đó khi người này thực hiện việc xuất trình phù hợp.

Các bên tham gia phương thức thanh toán tín dụng chứng từ

1. Người yêu cầu phát hành thư tín dụng: người nhập khẩu hoặc người nhập khẩu ủy thác cho một người khác

2. Ngân hàng phát hành thư tín dụng: là ngân hàng nước người nhập khẩu.

3.Ngân hàng yêu cầu (Applicant bank): Là chi nhánh của ngân hàng phát hành). Ở Việt Nam, người yêu cầu phát hành L/C phải thông qua chi nhánh của Ngân hàng phát hành để đệ đơn yêu cầu phát hành L/C. Ngân hàng phát hành ủy thác cho chi nhánh của mình tiếp nhận đơn yêu cầu phát hành L/C.

4. Người hưởng lợi thư tín dụng (Beneficiary): Là người xuất khẩu hoặc bất cứ người nào khác mà người hưởng lợi chỉ định.

5. Ngân hàng thông báo thư tín dụng (Advising bank): Là ngân hàng đại lý của ngân hàng phát hàng ở nước người hưởng lợi.

Về quy trình nghiệp vụ của phương thức thanh toán tín dụng chứng từ

1. Người nhập khẩu dựa vào hợp đồng mua bán ngoại thương ký với người xuất khẩu làm đơn xin mở L/C gửi đến ngân hàng của mình, yêu cầu Ngân hàng này mở L/C cho người xuất khẩu hưởng.

2. Theo đơn xin mở L/C, Ngân hàng phục vụ người nhập khẩu mở một L/C (phát hành L/C) cho người xuất khẩu hưởng. Ngân hàng này chuyển bản chính L/C cho người xuất khẩu (Ngân hàng thông báo).

3. Ngân hàng xuất khẩu xác nhận L/C bằng văn bản và gửi bản chính L/C cho người xuất khẩu.

4. Căn cứ vào nội dung của L/C, Người xuất khẩu thực hiện giao hàng cho người nhập khẩu.

5. Sau khi hoàn tất việc giao hàng, người xuất khẩu phải hoàn chỉnh ngay bộ các chứng từ hàng hoá và hối phiếu gửi về ngân hàng phục vụ mình, yêu cầu ngân hàng này trả tiền cho bộ chứng từ đó.

6. Ngân hàng thông báo nhận được bộ chứng từ. Kiểm tra kỹ nội dung các chứng từ đó nếu thấy phù hợp thì ngân hàng thanh toán (hoặc chấp nhận chiết khấu theo những điều khoản của L/C).

7. Ngân hàng thông báo chuyển bộ chứng từ thanh toán cho Ngân hàng phục vụ người nhập khẩu.

8. Ngân hàng phục vụ người nhập khẩu (Ngân hàng phát hành L/C) sau khi nhận được bộ các chứng từ từ Ngân hàng thông báo chuyển đến, tiến hành kiểm tra kỹ các chứng từ này, nếu thấy đáp ứng được những yêu cầu của L/C, thì chuyển tiền trả cho Ngân hàng thông báo.

9. Ngân hàng phát hành L/C thông báo cho người nhập khẩu biết đã trả tiền cho người xuất khẩu, đồng thời yêu cầu người nhập khẩu hoàn lại số tiền này, sau đó Ngân hàng phát hành L/C trao người nhập khẩu bộ chứng từ để làm căn cứ nhận hàng.

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)