Phụ nữ có thai có dùng được Clorpheniramin không

Hỏi - 20/08/2013
Chào Bác sĩ!

Em đang mang thai 36 tuần. Khoảng 1 tuần nay em bị nổi mụn, ngứa khắp người. Đầu tiên là ngứa ở những vùng da bị rạn như bụng, đùi sau đó ngứa lan sang khắp người. Càng gãi lại càng ngứa, càng nổi mụn nhiều hơn khiến em rất khó chịu, không ăn ngủ được. Em có đi khám ở BV, bác sĩ xem qua rồi kê đơn em bị dị ứng rồi cho thuốc Clorpheniramin 4mg, uống 3 ngày, mỗi ngày 2 viên. Em về tìm hiểu trên mạng thì thấy thuốc này chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cho con bú. Em đang rất hoang mang không biết có nên uống thuốc không. Xin Bác sĩ tư vấn giúp em ah. Ngoài bị ngứa ra sức khỏe thai kỳ của em hoàn toàn bình thường. Nếu không uống được thuốc này xin Bác sĩ kê cho em thuốc khác và tư vấn cách chữa cho em với. Em xin cảm ơn Bác sĩ nhiều!

Trả lời

Bạn đang bị dị ứng da do thai kỳ, để giảm tình trạng ngứa ngáy khó chịu này bạn cần uống nước nhiều, ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, nên ăn những loại trái cây như cam, bưởi, táo,..có nhiều vitamin C. Giữ da sạch bằng tắm rửa nước ấm và lau khô, tránh gãi hoặc chà xát vì sẽ làm trầy sướt và dễ nhiễm trùng. Thuốc Chlopheniramin 4mg là antihistamin, dung để chống dị ứng, ở thai 36 tuần thì không gây hại, tuy nhiên chỉ dùng khi thật cần thiết mà thôi.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà

Khoa Sản A - BV Từ Dũ

Trước đây, các bất thường của thai nghén được cho là có nguồn gốc di truyền. Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi từ năm 1961 khi Lenz ở Tây Đức và McBride ở Australia đã có những báo cáo độc lập với nhau ghi nhận rằng thalidomide, một thuốc an thần được kê khá phổ biến khi đó, có thể gây những vấn đề trầm trọng cho sự phát triển của phôi thai khi được uống ở tuần thứ 20 - 36 của thai. Kể từ đó, sự an toàn của các loại thuốc đối với thai nghén đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của y học và xã hội.

Hầu hết các loại thuốc trước khi đưa ra thị trường đều không được thử nghiệm về tính an toàn ở phụ nữ có thai vì lý do đạo đức, các thông tin phần lớn đều chỉ được thu thập qua các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, do đó, độ tin cậy cũng có nhiều hạn chế. Các thuốc dùng trong điều trị viêm mũi cũng không phải là ngoại lệ, các thầy thuốc lâm sàng thường gặp không ít khó khăn khi quyết định lựa chọn sử dụng các thuốc này ở phụ nữ mang thai, dựa trên những thông tin có được hiện nay. Các khảo sát gần đây ở nhiều quốc gia khác nhau cho thấy, viêm mũi gặp ở khoảng 20-30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là một trong những nhóm bệnh lý thường gặp nhất trong thời kỳ mang thai. Các thay đổi về miễn dịch trong thời kỳ này cũng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng viêm mũi của thai phụ. Theo các hướng dẫn điều trị viêm mũi hiện nay, có 4 nhóm thuốc chính được sử dụng.

Phụ nữ có thai có dùng được Clorpheniramin không

Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi dùng thuốc trị viêm mũi.

Thuốc kháng histamin

Các dữ liệu có được cho đến nay đều góp phần khẳng định tính an toàn của các thuốc kháng histamin thế hệ cũ với thai nghén, bao gồm chlorpheniramin, triprolidin, tripelennamin và hydroxyzin, không có thuốc nào trong số này làm tăng nguy cơ dị dạng thai. Mặc dù có những thông tin từ một vài nghiên cứu gợi ý rằng các thuốc brompheniramin, diphenhydramin và promethazin có thể làm tăng nguy cơ bất thường thai, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sau đó về vấn đề này đã chứng minh điều ngược lại. Các thuốc kháng histamin thế hệ 2 mới được đưa vào sử dụng gần đây nên cũng có ít hơn những thông tin về độ an toàn với thai nghén. Một vài nghiên cứu trên số lượng lớn phụ nữ mang thai có sử dụng clemastin, cetirizin và terfenadin trong những tháng đầu của thai kỳ để điều trị dị ứng đã cho thấy, các thuốc này không làm tăng nguy cơ của các bất thường thai như đẻ non, chậm phát triển thai, chết trước sinh hoặc dị tật thai so với những người không dùng thuốc. Với hoạt chất loratadin, một nghiên cứu trên 1.769 phụ nữ có sử dụng thuốc trong thời gian mang thai đã phát hiện thấy tỷ lệ trẻ nam đẻ ra có dị dạng lỗ niệu đạo thấp nhiều gấp 2 lần so với tỷ lệ chung trong cộng đồng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đa trung tâm sau đó đã không tìm thấy sự khác biệt nào về tỷ lệ đẻ non, dị tật thai hoặc trọng lượng thai lúc sinh giữa các bà mẹ có và không sử dụng loratadin trong thời gian mang thai, cũng không có trường hợp nào bị dị dạng lỗ niệu đạo thấp được phát hiện.

Thuốc kháng leukotrien

Các thông tin có được cho đến nay còn quá ít để có thể đưa ra kết luận về tính an toàn của nhóm thuốc này đối với thai nghén. Trong các nghiên cứu đã được công bố, số phụ nữ mang thai có tiếp xúc với các thuốc kháng leukotrien được khảo sát là quá nhỏ để có thể đánh giá nguy cơ gây đẻ non hoặc chậm phát triển thai của các thuốc này.

Thuốc co mạch

Trong số các thuốc co mạch đường uống, một vài nghiên cứu cho thấy, phenylephrin và pseudoephedrin có thể có liên quan với dị tật nứt ổ bụng bẩm sinh và tịt ruột non khi được sử dụng trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau đó lại không cho thấy mối liên quan này. Ngoài ra, do phenylephrin và pseudoephedrin thường được bào chế trong dạng phối hợp với các thuốc khác như paracetamol, clorpheniramin… nên khó có thể kết luận về mối quan hệ nhân quả giữa việc sử dụng các thuốc này với nguy cơ dị tật của thai. Các thuốc co mạch dạng nhỏ mũi như oxymetazolin, xylometazolin, tetryzolin, nephazolin và phenylephrin cũng được một số nghiên cứu chứng minh là không có nguy cơ gây ra hai loại dị tật kể trên, mặc dù qui mô của các nghiên cứu này còn tương đối nhỏ.

Corticoid xịt mũi

Số lượng các nghiên cứu về độ an toàn của corticoid xịt mũi đối với thai nghén còn tương đối hạn chế. Tuy nhiên, với các kết quả nghiên cứu có được cho đến nay kết hợp với thông tin từ các nghiên cứu về corticoid xịt ở bệnh nhân hen phế quản, có thể nhận định rằng ở liều điều trị thông thường, hầu hết các loại corticoid xịt mũi sử dụng phổ biến hiện nay như beclomethason dipropionate, budesonide, triamcinolon acetonide, fluticason propionate và mometason furoate không gây ra các bất thường thai, kể cả khi được sử dụng ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý giảm corticoid xịt mũi về liều thấp nhất có thể khi sử dụng ở phụ nữ có thai.

Tóm lại, đối với phụ nữ mang thai, cần hết sức lưu ý bảo vệ sức khỏe khống chế các bệnh mạn tính và tránh mắc phải các bệnh cấp tính. Khi có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, cần được khám xét và điều trị an toàn hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải dùng đến các thuốc chữa bệnh, kể cả thuốc dùng ngoài như thuốc bôi, thuốc xịt.

BS. Nguyễn Hữu Trường


Clorpheniramin là thuốc gì? Thuốc clorpheniramin được chỉ định trong các trường hợp bệnh lí như thế nào? Cách dùng ra sao và những điều gì cần phải lưu ý xuyên suốt quá trình dùng thuốc? Bài viết của dược sĩ Trịnh Anh Thoa sẽ chia sẻ thông tin chi tiết về thuốc Clorpheniramin.

Clorpheniramin là thuốc gì?

Thành phần

Thuốc clorpheniramin là thuốc chống dị ứng có thành phần hoạt chất chính là Clorpheniramin

Các loại thuốc có chưa hoạt chất tương tự: Abochlorphe; Agitec-F; Allerfar; Allermine; Axcel Chlorpheniramine; Clophehadi; Codofril; Coldrine.

Các dạng bào chế và hàm lượng thuốc dị ứng Clorpheniramin

Thuốc có các dạng bào chế và hàm lượng như sau:

  • Viên nén: 4 mg, 8 mg, 12 mg;
  • Viên nén tác dụng kéo dài: 8 mg, 12 mg.
  • Nang: 4 mg, 12 mg. Nang tác dụng kéo dài: 8 mg, 12 mg.
  • Sirô: 2 mg/5 ml, 8mg/5ml.
  • Thuốc tiêm: 10 mg/ml (tiêm bắp, tĩnh mạch, dưới da), 100 mg/ml (chỉ dùng cho tiêm bắp và dưới da).
Phụ nữ có thai có dùng được Clorpheniramin không
Thuốc điều trị dị ứng Clorpheniramin

Thuốc Clorpheniramin có tác dụng gì?

Clorpheniramin 4 được chỉ định trong các trường hợp:

  • Điều trị triệu chứng: Viêm mũi dị ứng mùa và quanh năm, mày đay.
  • Điều trị sốc phản vệ (điều trị bổ sung).

Chống chỉ định clorpheniramin ở các đối tượng:

  • Trẻ sơ sinh.
  • Phụ nữ đang cho con bú.
  • Người đang cơn hen cấp.
  • Người bệnh phì đạị tuyến tiền liệt.
  • Người mắc Glocom góc hẹp.
  • Bí tiểu tiện.
  • Hẹp môn vị
  • Quá mẫn với clorpheniramin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Chế phẩm điều trị ho, cảm lạnh (bán không cần đơn) cho trẻ dưới 2 tuổi.

Giá thuốc Clorpheniramin 

Thuốc Clorpheniramin 4 có giá 40.000 vnđ/ Hộp 10 vỉ x 20 viên nén dài.

Thuốc được bán tại nhiều nhà thuốc và giá thành thực tế có thể dao động tùy vào nơi bán.

Cách dùng

  • Viên nén, sirô: Uống lúc no hoặc trước khi đi ngủ. Viên tác dụng kéo dài: không nhai, không bẻ.
  • Thuốc tiêm: tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 1 phút.

Dạng viên tác dụng kéo dài không khuyên dùng cho trẻ em. Viên tác dụng kéo dài 12 mg duy trì giải phóng dược chất trong vòng 12 giờ.

Liều dùng Clorpheniramin

1. Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, mày đay

Người lớn: Uống chlorpheniramine 4 mg cách 4 – 6 giờ/lần. Tối đa: 24 mg/ngày (người cao tuổi tối đa 12 mg/ngày)

Trẻ em:

  • 1 tháng tuổi – 2 tuổi: dùng 1 mg, 2 lần/ngày; 2 – 6 tuổi: 1 mg cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa 6 mg/ngày;
  • 6 – 12 tuổi: uống clorpheniramin 2mg, cách 4 – 6 giờ/lần, tối đa: 12 mg/ngày;
  • 12 – 18 tuổi: Uống chlorpheniramine 4 mg cách 4 – 6 giờ/ lần, tối đa 24 mg/ngày.

2. Điều trị hỗ trợ (bổ sung) sốc phản vệ

Tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch trong 1 phút.

Người lớn: Hàm lượng 10 mg, có thể lặp lại nếu cần cho tới tối đa 4 liều/24 giờ.

Trẻ em:

  • Dưới 6 tháng: Uống với hàm lượng tương đương 250 microgam/kg (tối đa 2,5 mg), lặp lại nếu cần, tối đa: 4 lần/24 giờ;
  • 6 tháng – 6 tuổi: 2,5 mg, lặp lại nếu cần, tối đa: 4 lần/24 giờ;
  • 6 – 12 tuổi: 5 mg, lặp lại nếu cần, tối đa: 4 lần/24 giờ;
  • 12 – 18 tuổi: 10 mg, lặp lại nếu cần, tối đa: 4 lần/ 24 giờ.

Viên tác dụng kéo dài: Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Mỗi 12 giờ uống 1 viên, ngày uống không quá 2 viên, nuốt nguyên vẹn, không bẻ viên.

3. Phản ứng dị ứng cấp

Uống 12 mg, chia 1 – 2 lần.

4. Phản ứng dị ứng không biến chứng

5 – 20 mg, tiêm bắp, dưới da, hoặc tĩnh mạch.

5. Điều trị hỗ trợ trong sốc phản vệ

10 – 20 mg, tiêm tĩnh mạch.

Theo dõi video dưới để để hiểu rõ hơn về thuốc dị ứng Chlorpheniramine cũng như liều dùng và cách dùng thuốc:

Lưu ý thận trọng khi dùng Clorpheniramin

  • Thận trọng khi dùng cho người bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng, và người bệnh nhược cơ.
  • Tác dụng an thần của clorpheniramin tăng lên khi uống rượu và khi dùng đồng thời với các thuốc an thần khác.
  • Thuốc có thể gây biến chứng đường hô hấp hoặc suy giảm hô hấp và ngừng thở ở người bị bệnh phổi tắc nghẽn hay ở trẻ em nhỏ.
  • Thuốc có thể gây sâu răng ở những người bệnh điều trị thời gian dài.
  • Tránh dùng clorpheniramin cho người bệnh bị tăng nhãn áp.
  • Thận trọng khi dùng thuốc với người cao tuổi (> 60 tuổi) vì những người này thường tăng nhạy cảm với tác dụng kháng muscarin.
  • Trẻ em có thể gây kích thích thần kinh nên hết sức thận trọng khi dùng clorpheniramin cho các bệnh nhân này, nhất là ở trẻ có tiền sử động kinh.

Tác dụng phụ của thuốc Clorpheniramin

Tác dụng phụ phổ biến bao gồm:

  • Buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, mất phối hợp động tác (các tác dụng phụ này thường hết sau vài ngày điều trị)
  • Trẻ em (đặc biệt là sơ sinh) và người cao tuổi rất nhạy cảm với tác dụng kháng muscarin.
  • Thần kinh: Ngủ từ ngủ nhẹ đến ngủ sâu, mệt mỏi, chóng mặt, mất phối hợp động tác (đôi khi kích thích nghịch lý, đặc biệt ở trẻ nhỏ, dùng liều cao ở người cao tuổi hay trẻ em).
  • Nhức đầu, rối loạn tâm thần – vận động.
  • Khô miệng, đờm đặc, nhìn mờ, bí tiểu tiện, táo bón, tăng trào ngược dạ dày.

Tương tác thuốc khi dùng Clorpheniramin

  • Thuốc ức chế monoamin oxydase: làm kéo dài và tăng tác dụng thuốc.
  • Ethanol hoặc các thuốc an thần gây ngủ: có thể tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh của clorpheniramin.
  • Phenytoin: Clorpheniramin có thể dẫn đến ngộ độc phenytoin.
  • Dasatinib, pramilintid: làm tăng nồng độ hoặc tác dụng của clorpheniramin.
  • Cholinesterase và betahistidin:Thuốc làm giảm tác dụng của các chất ức chế cholinesterase và betahistidin.

Người bệnh dùng thuốc ức chế monoamin oxidase (MAO) trong vòng 14 ngày, tính đến thời điểm điều trị bằng clorpheniramin vì tính chất kháng muscarin của clorpheniramin bị tăng lên bởi các chất ức chế MAO.

Đối tượng đặc biệt khi dùng thuốc

Phụ nữ có thai

Chỉ dùng cho người mang thai khi thật cần thiết. Dùng thuốc trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể dẫn đến những phản ứng nghiêm trọng (như cơn động kinh) ở trẻ sơ sinh.

Thời kỳ cho con bú

Hiện không có bằng chứng khẳng định clorpheniramin có thể được tiết qua sữa mẹ hay không nhưng các thuốc kháng H1 khác được tìm thấy trong sữa. Vì các thuốc kháng histamin có thể gây phản ứng nghiêm trọng với trẻ bú mẹ, nên cần cân nhắc hoặc không cho con bú hoặc không dùng thuốc, tùy thuộc mức độ cần thiết của thuốc đối với người mẹ.

Phụ nữ có thai có dùng được Clorpheniramin không
Phụ nữ đang cho con bú cần cân nhắc kỹ lưỡng về mức độ cần thiết trước khi dùng thuốc

Người lái xe hoặc điều khiển máy móc

Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, và suy giảm vận động có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy. Tránh dùng thuốc cho người đang lái xe hoặc điều khiển máy móc.

Cách bảo quản thuốc Clorpheniramin

  • Viên nén tác dụng kéo dài để nơi khô, mát.
  • Dạng sirô nên để nơi mát và tối.
  • Thuốc tiêm tránh ánh sáng. Bảo quản dưới 30 C.

Thuốc Clorpheniramin có tác dụng chống dị ứng, sử dụng để điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng và xử lí kịp thời nếu có các tác dụng phụ xảy ra.