Tại sao pháp quyết định xây dựng điện biên phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất đông dương?

Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng họp bàn định về hoạt động quân sự đông - xuân 1953 - 1954. Mục đích của đợt hoạt động này là nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại Kế hoạch Navarre của Pháp; tạo nên bước chuyển biến mới cho cuộc kháng chiến. Về nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo tác chiến, Bộ Chính trị xác định: Chọn nơi địch sơ hở, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững quyền chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng.

Thấu triệt tinh thần trên, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu QÐNDVN đã khẩn trương triển khai xây dựng đề án tác chiến trên các hướng: tây bắc và Thượng Lào; đồng bằng Bắc Bộ; Trung - Hạ Lào và phát triển sang Cam-pu-chia; bắc Tây Nguyên của Liên khu 5. Ðiều đáng lưu ý là trong Ðề án hoạt động quân sự đông - xuân 1953 - 1954 của ta không nhắc tới Ðiện Biên Phủ.

Về phía Pháp, đúng là trong kế hoạch tổng thể nhằm giải quyết cuộc chiến tranh Ðông Dương do Navarre soạn thảo cũng không đề cập đến cụm từ "Ðiện Biên Phủ". Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là các nhà quân sự Pháp không quan tâm đến Ðiện Biên Phủ. Trái lại, các đời Tổng chỉ huy tiền nhiệm cũng như bản thân Navarre đánh giá rất cao vị trí chiến lược của Ðiện Biên Phủ. Trước đó, tướng René Cogny đã có ý định "xây dựng một căn cứ bộ ở Ðiện Biên Phủ". Trước khi về nước, người tiền nhiệm của Navarre là tướng Raoul Salan cũng đã chỉ rõ sự cần thiết phải thiết lập ngay một trung tâm đề kháng tại Ðiện Biên Phủ để bảo vệ cho Luang Prabang và Thượng Lào. Là người kế nhiệm Salan, khi xây dựng bản kế hoạch đầy tham vọng, về chủ quan, bản thân Navarre không phải không quan tâm đến Ðiện Biên Phủ mà cái chính là trong đông - xuân 1953 - 1954, ông ta tập trung ưu tiên "tiến công ở phía nam vĩ tuyến 18 và miền trung Ðông Dương; đặc biệt là tìm cách giải quyết Liên khu 5, giữ thái độ phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18 và cố tránh tổng giao chiến ở đó". Chính vì vậy mà trong bản Kế hoạch mang tên Navarre chưa đề cập đến Ðiện Biên Phủ.

Tuy nhiên, ngày 20-11-1953, phát hiện Ðại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, Navarre lập tức cho quân mở cuộc hành quân Catsto nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ nhằm mục đích cứu nguy cho Lai Châu và bảo vệ Thượng Lào. Và rồi, trong quá trình diễn biến của tình hình chiến sự mùa đông năm 1953, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Ðiện Biên Phủ dần trở thành tâm điểm của Kế hoạch Navarre. Bộ chỉ huy (BCH) quân Pháp đã nhanh chóng biến địa bàn này thành một tập đoàn cứ điểm mạnh giữa vùng rừng núi Tây Bắc. Việc chiếm Ðiện Biên Phủ và chấp nhận một trận quyết chiến chiến lược với chủ lực của Việt Minh ở đây, như Navarre thừa nhận "là một lối thoát xấu nhưng có thể chấp nhận được. Dẫu sao nó cũng hơn Nà Sản, Lai Châu và Luang Prabang. Chính trị là biết để lựa chọn giữa những điều bất lợi. Trong chiến lược quân sự, thường cũng phải làm thế". Qua đây có thể thấy rằng Tổng chỉ huy Navarre và BCH quân Pháp không hề chủ quan và cũng đã đoán định trước những bất lợi về mặt quân sự khi đem quân nhảy dù xuống lòng chảo Ðiện Biên. Tuy nhiên, cái mà Navarre và BCH quân Pháp tin tưởng đặt cược vào "canh bạc Ðiện Biên Phủ" chính là so với tập đoàn cứ điểm Nà Sản mà đối phương tiến công không thành công trước đó thì tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ mạnh hơn gấp nhiều lần cả về binh, hỏa lực lẫn hệ thống công sự. Theo họ, Việt Minh đã không thành công khi đánh Hòa Bình và Nà Sản thì không thể nào đánh được tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ðiện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá được. Navarre tự tin tiếp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với chủ lực của Việt Minh tại đây và tin rằng Quân đội Việt Nam sẽ phải hứng chịu những tổn thất nặng nề nếu mạo hiểm tiến công tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.

Trong khi Navarre và BCH quân Pháp chọn Ðiện Biên Phủ làm điểm quyết chiến mang tính quyết định với chủ lực Việt Minh, thì Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Tổng Quân ủy cũng quyết định chọn Ðiện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân Pháp. Như vậy, từ chỗ không được để ý tới, Ðiện Biên Phủ trở thành điểm hẹn lịch sử mang tính chất một mất, một còn đối với cả hai phía. Ðiều đáng nói là cả BCH quân Pháp cũng như BCH Chiến dịch của ta đều luôn sợ rằng bên này (hoặc bên kia) bỏ cuộc?

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, BCH Mặt trận triệu tập Hội nghị cán bộ chiến dịch để phổ biến kế hoạch. Hội nghị nhất trí tiến công tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Tuy nhiên, trước ngày mở màn chiến dịch theo kế hoạch (26-1-1954), Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ không còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời nữa. Nếu đánh theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" thì khó mà bảo đảm "chắc thắng". Chính vì vậy mà sau khi bàn bạc, trao đổi cùng Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất Ðảng ủy, BCH chiến dịch hoãn nổ súng, thay đổi phương châm, từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Hay nói đúng hơn là quay trở về phương châm đã được xác định trong Tờ trình của Tổng Quân ủy gửi lên Bộ Chính trị ngày 6-12-1953, trong đó dự kiến: "Thời gian tác chiến ở Ðiện Biên Phủ ước độ 45 ngày, không kể thời gian tập trung bộ đội và làm công tác chuẩn bị. Trận đánh có thể được bắt đầu vào trung tuần tháng 2-1954". Ðề nghị của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận được sự đồng thuận của Ðoàn cố vấn, tập thể Ðảng ủy và BCH Mặt trận. Ðiều đáng nói là dù thấy trước những khó khăn mới từ việc thay đổi phương châm tác chiến nhưng để bảo đảm "chắc thắng" cần phải kiên quyết thay đổi. Và chính điều này đã tạo nên yếu tố quyết định đầu tiên cho sự toàn thắng của Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Tại sao pháp quyết định xây dựng điện biên phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất đông dương?

Lực lượng dân công bảo đảm hậu cần cho chiến dịch góp phần làm nên chiến thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo hồi ức của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và một số nhân chứng lịch sử thì tại Hội nghị Thẩm Púa, bản thân ông và một số cán bộ đã hoài nghi kết quả của phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Song, do mọi công tác chuẩn bị đang vận hành suôn sẻ, bộ đội đang hừng hực khí thế, vả lại bản thân Chỉ huy trưởng lại là người lên sau, chưa nắm hết tình hình thực tế chiến trường nên không đủ can đảm nêu vấn đề đó ra giữa cuộc họp. Ba mươi năm sau, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch, Ðại tướng Hoàng Văn Thái cho biết "những băn khoăn trong Hội nghị Thẩm Púa đã được thực tế chứng minh là có cơ sở". Chính vì chưa đánh giá chính xác tình hình địch cũng như công tác chuẩn bị chiến đấu của ta để kịp thời thay đổi phương châm tác chiến sớm hơn nên mãi đến ngày 26, tức là khi đã cận kề giờ nổ súng mới có quyết định ngừng tiến công, kéo pháo ra và chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc" - một quyết định đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Điện Biên Phủ, một địa danh không hề được nhắc tới trong Kế hoạch Navarre của BCH quân Pháp lại trở thành nơi kéo hồi chuông báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ.

“Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”. Đó là nhận định của học giả nước ngoài về chiến thắng Điện Biên Phủ - một đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc bất diệt!

Tại sao pháp quyết định xây dựng điện biên phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất đông dương?
Mô hình tập đoàn cứ điểm được thực dân Pháp xây dựng tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Khôi Nguyên

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Do vậy, Điện Biên Phủ là một địa bàn hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ ở vùng Đông Nam châu Á. Thấy rõ vị trí quan trọng đó của Điện Biên Phủ, ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc, tổng số binh lực là 16.200 tên. Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. Tám cụm cứ điểm họp thành ba phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương và nhiều loại vũ khí hiện đại khác đã được đưa vào tác chiến ở Điện Biên Phủ. Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.

Trước ý đồ của địch, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ - một chiến dịch lớn có tầm chiến lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng là “tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”, công việc chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1953. Trong đó, việc cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí... cho chiến dịch là nhiệm vụ to lớn, nặng nề và hết sức gian khổ. Chiến trường ở xa hậu phương tới 500 - 600km, trên địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới đã hư hỏng, không có đường thủy, thời tiết khí hậu lại thất thường, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu...

Đứng trước những khó khăn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hậu phương cả nước sôi nổi trong phong trào chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt là cuộc ra quân hùng hậu của hậu phương miền Bắc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ vào đầu năm 1954. Sức người, sức của từ mọi nẻo hậu phương đổ vào chiến trường. Hàng chục vạn chiến sĩ nông dân, chân trèo, vai vác, vượt qua bom đạn, bệnh tật hiểm nghèo, vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men cho mặt trận. Với hơn 18 triệu ngày công, 25.000 tấn gạo được huy động từ những xóm thôn của đồng bào Bắc bộ ngược lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng vạn thanh niên xung phong, hầu hết là thanh niên nông dân phối hợp cùng công binh anh dũng mở hàng nghìn cây số đường vận tải, 11.800 thuyền bè, trên 20.000 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ và hàng nghìn xe trâu bò đã được huy động phục vụ chiến dịch...

Đến đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành. Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua nhiều cuộc đối đầu hết sức cam go, ác liệt nhưng vô cùng hào hùng, đến ngày 7-5-1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cáttơri và Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Do vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, góp phần cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc của nhiều nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy cao độ ý chí quyết tâm tiêu diệt địch của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, đồng thời, ghi mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam - một dân tộc nhược tiểu đã làm nên kỳ tích lịch sử - khiến nhiều học giả nước ngoài phải thốt lên “Điện Biên Phủ là trận Vanmy của các dân tộc da màu”; hay “trên thế giới, trận Oatéclô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hòa. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”!. Còn Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong bài viết “Tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, thì khẳng định: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả hợp thành của một loạt nhân tố dân tộc và thời đại; là đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn “Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam”, tập III.