Thực hành văn bản tiếng Việt giúp ích gì cho việc học ngoại ngữ

Th.ba, 13/09/2011, 15:11 Lượt xem: 2976

TIẾNG VIỆT - HỖ TRỢ HAY TRỞ NGẠICHO VIỆC DẠY HỌC TIẾNG ANH

Using Vietnamese: the assistance or interference in the teaching-learning process in English language classes  

NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng

TÓM TẮT

Tiếng Việt được sinh viên và thầy giáo sử dụng trong lớp học Anh ngữ khá phổ biến hiện nay đang gây nên những tranh luận trong giới giảng dạy như là: sử dụng tiếng mẹ đẻ trong lớp học ngoại ngữ như thế đúng hay sai, dùng tiếng Việt trong các giờ học tiếng Anh là một hỗ trợ hay là trở ngại, có thể tránh được không và nếu không thể tránh được thì ở hoàn cảnh nào và ở mức độ nào việc sử dụng tiếng mẹ đẻ ấy là có thể chấp nhận được. Căn cứ trên một số quan điểm lý thuyết về dạy và học ngoại ngữ, bài báo nêu một cái nhìn mới nhằm giải quyết vấn đề đã nêu cùng một số đề nghị giúp cho quá trình dạy và học tiếng Anh được linh hoạt và hiệu quả hơn.

ABSTRACT

The common use of Vietnamese by both the teachers and students in English language classrooms has raised many debates among teachers of English, such as: whether using Vietnamese in English classes is right or wrong, it is an assistance or interference, it can be avoidable or not, and if it is unavoidable in what condition and how much of it is acceptable. From some theoretical views of language learning and teaching, this article suggests a new way to look at the questions and some techniques that can make the process of learning and teaching English more flexible and more effective.

1. Theo xu hướng khuyến khích áp dụng phương pháp dạy học giao tiếp trong quá trình dạy học ngoại ngữ hiện nay, việc thầy và trò sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ đích trong giờ học được mặc định là hiển nhiên. Thế nhưng trong thực tế, cụ thể trong dạy học tiếng Anh cho các hệ, các lớp khác nhau như tiếng Anh phổ thông [GE], tiếng Anh chuyên ngành [ESP], tiếng Anh chuyên ngữ [ESL]…, hiện tượng người dạy và người học sử dụng ngôn ngữ đích [L2] và tiếng mẹ đẻ [L1] xen lẫn là khá quen thuộc và đã hình thành nên những ý kiến khác nhau về vấn đề sử dụng tiếng Việt và ảnh hưởng của nó đến chất lượng dạy và học tiếng Anh. Đây là một vấn đề cần được phân tích các khía cạnh cơ bản, tìm ra cách giải thích và biện pháp phù hợp giúp người dạy và học nâng cao chất lượng công việc của mình.

2. Quả thật việc chỉ dùng tiếng Anh trong giảng giải, trao đổi, tranh cãi, làm bài… giữa giáo viên và sinh viên và giữa các sinh viên với nhau trong lớp học là mục tiêu cần đạt, nó có những ưu điểm nổi bật nhưng đồng thời cũng có những nhược điểm được thể hiện qua bảng 1.

Bảng 1: Những ưu - nhược điểm của việc sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong dạy học tại lớp

[số liệu điều tra từ ý kiến của 206 sinh viên chuyên ngữ và tại chức khối 2004, 2005 và 58 giáo viên thuộc trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN – 05/2006]

1. Ưu điểm

Sinh viên đồng ý

Giáo viên đồng ý

1.1 Cơ hội cho sv vận dụng tiếng Anh của bản thân

100%

100%

1.2 Cơ hội cho sv thực hành, trau dồi và tiến bộ hơn

100%

100%

1.3 Cơ hội cho sv so sánh, ganh đua cùng bạn

80%

100%

1.4 Tăng tính tự tin, khẳng định mình trước tập thể

68%

90%

1.5 Khả năng tiếng Anh của tất cả sv tốt hơn rõ rệt

55%

78%

2. Nhược điểm

2.1 Do hạn chế của bản thân về tiếng Anh, sv khó trao đổi cũng như tiếp thu hoàn toàn bài giảng

68%

80%

2.2 Cơ hội cho sv khá giỏi thực hành, trau dồi và tiến bộ hơn; trong khi sv trung bình, yếu càng rụt rè, thiếu tự tin hơn

70%

45%

2.3 Giáo viên mất thời gian nhiều hơn để giải thích, hướng dẫn

96%

80%

2.4 Tạo áp lực nhiều hơn đ/v sv trung bình yếu, làm họ cảm thấy căng thẳng và có lúc mất tập trung, bỏ qua một số nội dung

89%

65%

2.5 Buộc sv chấp nhận bài giảng một cách máy móc

96%

80%

2.6 Không khí học tập căng thẳng, sv phải tập trung cao và gv phải nỗ lực nhiều hơn

100%

97%

            Những số liệu tương đồng trong các ý kiến 1.1, 1.2, 2.6 cho thấy về cơ bản việc sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong giờ học tiếng là hữu ích, tuy nhiên các số liệu ở mục 1.4, 1.5, 2.1, 2.3 2.4 và 2.5 cũng tiết lộ một số nhược điểm của vấn đề. Từ đó có thể hiểu lý do vì sao trong giờ học tiếng Anh vẫn còn hiện tượng sinh viên dùng tiếng mẹ đẻ để thảo luận hoặc giáo viên buộc phải dùng tiếng Việt xen vào lời giải thích của mình. Tình hình bất cập này không chỉ xảy ra đối với giáo viên người Việt dạy tiếng Anh mà cả với giáo viên nước ngoài được mời tham gia giảng dạy. Trong một số trường hợp họ cũng nhận ra phương pháp giải thích và hướng dẫn hoàn toàn bằng tiếng Anh của họ bị hạn chế khi đối mặt với sự không thích ứng của người học.

            2.1 Cơ sở lý thuyết về lý do sử dụng tiếng mẹ đẻ L1 trong dạy học tiếng nước ngoài được một số nhà nghiên cứu tâm lý ngôn ngữ và giáo dục học qui thành ba nhóm chính như sau:

  • Một chiến lược người học thích hơn: Atkinson [1987, 422] dẫn ra nguyên nhân chính về việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong lớp học ngoại ngữ là do bởi “Xu hướng ưa thích hơn”, người học diễn dịch mọi kiến thức mới sang tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên cho dù người dạy khuyến khích hay không; điều này đặc biệt đúng với các bậc học sơ cấp [beginner] và tiền trung cấp [pre-intermediate]. Danchev [1982] tương tự cũng cho rằng xu hướng dịch là một hiện tượng phổ biến và là một phần không thể tránh khỏi trong quá trình thủ đắc một ngôn ngữ thứ hai, thậm chí được thực hiện cả trong những buổi học không chính thức [games, roleplay…]. Từ đó Danchev lý luận rằng phương pháp dạy học nên thuận theo xu hướng tự nhiên này thay vì chống lại nó, tuy nhiên phải hiểu theo hướng không nhằm khuyến khích việc tăng cường dùng tiếng mẹ đẻ mà chỉ là một sự cân bằng để giải quyết những hạn chế của phương pháp giảng dạy trong một số tình huống nhất định.
  •  Một phương thức có tính nhân văn: Việc để cho người học trong một lớp học ngoại ngữ đa quốc gia sử dụng tiếng mẹ đẻ đôi lúc là một phương thức mang tính nhân văn, nó cho phép người học diễn đạt, trao đổi trọn vẹn điều họ nghĩ. Đây là một quan điểm khá hợp lý. Trong các sách giáo khoa vẫn xây dựng các tình huống tương tự như: “How can I say: ca m’est egal?” hay “What do you call ‘dưa tây’?”, song trong thực tế với xu hướng giao tiếp trực tiếp bằng ngôn ngữ đích, tình huống trên không được ủng hộ rộng rãi.
  •  Một biện pháp hỗ trợ người dạy hiệu quả về thời gian và phương pháp - Đứng về mặt thời gian, tương tự như Atkinson [1987] một số nhà giáo dục như Prabhu [1987]và Willis [1990] cho rằng chiến lược sử dụng tiếng mẹ đẻ là chiến lược hiệu quả, nó giúp người dạy yên tâm hoàn thành nội dung giảng dạy cũng như những yêu cầu đã định trước trong một thời gian hạn chế. Ngoài ra không loại trừ việc dùng tiếng mẹ đẻ có thể góp phần hạn chế các sai sót hoặc giải thích nhầm lẫn do năng lực chuyên môn hạn chế của người dạy.

            Từ các quan điểm trên, có thể cho rằng việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong học tập tiếng Anh không hẳn là một trở ngại, làm giảm chất lượng và lợi ích của người học. Thế nhưng, vấn đề dùng L1 trong tình huống nào thì cho phép và cho phép đến mức độ nào để việc rèn luyện kỹ năng của người học không bị ảnh hưởng cần phải xem xét thêm.

            2.2 Ảnh hưởng sử dụng L1 đến quá trình thủ đắc ngôn ngữ đích L2

            Xét quan hệ của việc sử dụng L1 cùng với L2 trong lớp học ngoại ngữ, theo Duff [1989] đứng trên bình diện về sự phát triển ngôn ngữ như một công cụ giao tiếp, việc giao tiếp trong lớp học nên diễn ra bằng ngôn ngữ đích - tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, Atkinson [1987, 426], dù nhìn chung là ủng hộ việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, vẫn cảnh báo rằng sự lệ thuộc một cách quá độ vào L1 sẽ gây ra một số hậu quả như sau:

            - Người học luôn có cảm giác họ không ‘thực sự’ hiểu bất kỳ một đơn vị từ ngữ nào cho đến khi nó được ‘dịch’ ra bằng tiếng mẹ đẻ.

            - Người học và cả giáo viên đã vô tình đơn giản hoá một cách hoàn toàn khái quát nội dung và hàm ngôn của ngôn ngữ để chấp nhận một hiểu biết ‘dịch’ thô và không chính xác.

            - Người học không ý thức về vấn đề luyện tập thực hành tiếng, họ trao đổi dễ dãi với bạn bè và thầy giáo bằng tiếng Việt trong khi họ hoàn toàn có thể diễn đạt bằng tiếng Anh.

            - Người học không nắm bắt cơ hội để thể hiện năng lực của mình và không nhớ rằng điều cơ bản là phải họ sử dụng tiếng Anh nhiều hơn để đạt được tiến bộ ở mốc cuối cùng [các lần kiểm tra].

            Từ các cơ sở lý thuyết trên cùng với ảnh hưởng của L1 đến L2 rõ ràng là một khi trong người học và người dạy vẫn còn quan niệm xem L1 là đối tượng dự bị, chờ được thay thế và sử dụng bất kỳ lúc nào khi cần, trong các lớp học tiếng Anh, thì việc tuyệt đối hạn chế L1 là rất khó khăn.

3. Xác định mục tiêu, phân tích giải pháp sử dụng L1 trong dạy học L2

            Không thể loại trừ hoàn toàn việc sử dụng L1 trong dạy học L2, do vậy người dạy cần xác định một chiến lược sử dụng L1 với các mục tiêu cụ thể dựa trên lợi ích của người học làm nền tảng. Có thể chia các mục tiêu ấy làm ba nhóm:

            3.1 Sử dụng L1 để tạo thuận lợi cho giao tiếp: Ngoài yếu tố ’tiết kiệm thời gian’ như Atkinson [1987] đã đề cập điều mong đợi chính ở nhóm này là L1 giúp sv thu nhiều lợi ích đáng kể hơn. Có thể kể ra một vài tình huống gv cho rằng không thể không dùng tiếng Việt:

-          Người dạy e ngại nếu không thể hoặc không cho lời giải thích bằng L1 sẽ gây nên sự sút giảm hứng thú học tập ở sv, đặc biệt khi có điểm khác biệt hoàn toàn giữa L1 và L2 hay vì tính chất phức tạp của vấn đề không thể giải thích mạch lạc thấu đáo bằng L2. Vấn đề này có thể phát hiện do chiến lược sử dụng L2 của gv không phù hợp. Người dạy nếu chuẩn bị trước và dự đoán các tình huống có thể, họ vẫn có thể trao đổi với sv về các cấu trúc hoặc giải thích mà không cần dùng L1 hỗ trợ. Trường hợp sv vẫn duy trì thói quen trao đổi bằng L1 [do nghi vấn hoặc muốn mở rộng nội dung] gv cần quan sát nhắc nhở, vì việc cho phép sv dùng L1 lúc này vẫn phản ánh một cách tiêu cực về tình trạng và khả năng sử dụng tiếng Anh của người học.

-           Ngoài ra đa số việc dạy từ vựng trừu tượng, phức tạp hay dẫn gv đến với tình huống này, đặc biệt khi ý nghĩa từ nằm ngoài khả năng của gv [xem ra phức tạp, dài dòng và mơ hồ]. Biện pháp dịch [từ L2 sang L1] của gv lúc này sẽ làm cho sv có cảm giác đây là một kỹ thuật hữu ích, dù nó không hề được khuyến khích trong phương pháp giảng dạy. Ở đây gv có thể vận dụng chiến lược dạy L2 hiệu quả như: sử dụng đồ dùng trực quan, hình ảnh, động tác, cử chỉ, hoặc nêu ngữ cảnh có tình huống liên quan để sv nảy sinh nhu cầu diễn dạt và đoán nghĩa. Việc dùng L1 [nếu có] chỉ được xem là bước cuối cùng [nhiều khi không cần thiết] để khẳng định hoặc kiểm tra mức độ hiểu của người học mà thôi.

-          Đối với sv chưa hiểu hoặc nắm bắt vấn đề chưa thấu đáo trao đổi với nhau bằng L1, việc gv chú ý đến sv yếu, không ngăn cấm họ trao đổi bằng L1 vô tình làm cho sv yếu ngày càng dựa vào L1. Việc yêu cầu sv so sánh, tranh luận bằng tiếng Anh là một hoạt động cực kỳ giá trị giúp cho sv được lợi cả về mặt hợp tác học tập lẫn độc lập tư duy, ngay cả ở các bậc học thấp. Giáo viên có thể cải thiện tình huống này bằng cách yêu cầu sv sau khi trao đổi bằng L1, tường thuật lại bằng L2, sau đó dần hướng dẫn họ trao đổi hoàn toàn bằng L2. Kết quả học tập chắc chắn sẽ tốt hơn nếu gv kiểm soát được bước cuối cùng này.

            3.2 Sử dụng L1 hỗ trợ cho mối quan hệ thầy-trò: Theo Harbord [1992] đây là một mục tiêu khá nhỏ và chỉ rất ít gv thừa nhận sử dụng L1 cho mục đích này. Thông thường tiến trình được tiến hành theo dạng:

            - Trao đổi ngoài lề bằng L1 trước khi bắt đầu buổi học để gây hứng thú hay giảm căng thẳng ở sv

            - Tạo không khí gần gũi thông qua một số thông tin thời sự địa phương, thế giới …

            Điều này có thể vô hại, đôi khi được hiểu mang tính tích cực tạo thoải mái cho sv học tập. Tuy nhiên để đạt hiệu quả tích cực hơn trong sử dụng và thực hành L2, thay vì dùng L1, gv có thể dễ dàng chuyển hoàn toàn sang L2 khi muốn khởi động lớp học thông qua các mẫu chuyện ngắn đơn giản có thể liên quan hoặc không liên quan đến nội dung bài giảng.

            3.3 Sử dụng L1 để hổ trợ cho việc học L2: Mục tiêu này thường được viện dẫn từ phía người học. Tuy nhiên về phía người dạy có thể sử dụng nó như là mục tiêu đối chứng cho việc chọn những chiến lược hỗ trợ dạy L2 của gv, nhằm làm cho người học:

            - Nhận ra sự nguy hiểm của phương pháp ‘dịch’ và biết kiểm tra một cách có ý thức về thói quen ‘dịch’ vô thức của họ.

            - Dạy cho người học hiểu thông qua ‘diễn dịch chức năng’, có nghĩa là dựa trên ngữ cảnh, hiểu nội dung qua các cụm từ và các mối liên hệ của ngôn ngữ. Giúp họ nhận ra “không hẳn L1 luôn giải thích được L2” hoặc “những gì có trong L1 không hẳn luôn có trong L2” [Duff - 1989] và kể cả một số kinh nghiệm trong sử dụng L1 có khi không hề hữu ích trong học tập L2.

            Người dạy có thể chuẩn bị một số tài liệu hỗ trợ mang tính kỹ thuật, trong đó nêu vấn đề mang tính thực nghiệm với những dị biệt, hoặc những nét không thể thay thế giữa L1 và L2 để minh hoạ cho ý đồ của mình.

Kết quả điều tra thực trạng sử dụng L1 trong lớp học L2 ở bảng 2 sau đây sẽ củng cố thêm những mục tiêu và giải pháp được phân tích nêu trên.

Bảng 2: Kết quả điều tra thực trạng sử dụng tiếng Việt trong các lớp học tiếng Anh

[số liệu từ ý kiến của 204 sinh viên chuyên ngữ và tại chức khối 2004, 2005 và 63 giáo viên thuộc trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN – 05/2006]

Nội dung

Giáoviên [%]

Sinh viên[%]

1.Mức độ sử dụng L1 trong lớp học - Thường xuyên / thỉnh thoảng/ rất ít

60 / 20 /10

80 /20 / 0

2. Lý do sử dụng tiếng Việt: - Vì thời gian ít so với nội dung dài, phức tạp

25

30

- Để giúp sv nắm bắt nội dung chính xác, kiểm tra phản hồi dễ, nhanh hơn

30

- Không thu được phản hồi từ người học qua lời giải thích tiếng Anh

45

- Do hạn chế của người học

50

60

- Do yêu cầu của người học [lớp đông, không chuyên ngữ]

30

35

- Chỉ dùng khi dạy các điểm NP phức tạp và từ ngữ khó trong bài đọc

45

54

- Do hạn chế về phương pháp, phương tiện hỗ trợ dạy học

08

18

3.Giáo viên khuyến khích sv sử dụng tiếng Anh trong lớp: suốt buổi / thỉnh thoảng

90 / 10

79 / 12

4.Gv sử dụng phương tiện hỗ trợ để không dùng tiếng Việt: thường xuyên / thỉnh thoảng / ít khi / không

25 /50 /03/ 03

30 /29 /15/12

5. Thái độ sv tham gia buổi học hoàn toàn bằng tiếng Anh có dùng phương tiện dạy học: tích cực / bình thường / không tích cực / buồn chán

70 /20 /- /-

63 /35 /-/ 02

6. Thái độ sv trong buổi học tiếng Anh không dùng phương tiện hỗ trợ: tích cực / bình thường / không tích cực / buồn chán

10 /10 /70 /10

10 /35 /25 /-

7. Đánh giá của gv về việc sử dụng tiếng Việt trong lớp học tiếng Anh:

- Không hài lòng nhưng không thể tránh được,

-  Hạn chế tối đa sử dụng tiếng Việt,

- Cố gắng tìm biện pháp khắc phục,

-  Mức độ thành công trong khắc phục: nhiều / ít / không

30

45

50

50 /10 /-

8. Đánh giá phản hồi thu nhận kiến thức của người học khi có sử dụng tiếng Việt: tốt / khá tốt / bình thường / không tốt

18 /50 /26 /04

9. Đánh giá phản hồi thu nhận kiến thức của người học khi không sử dụng tiếng Việt: tốt / khá tốt / bình thường / không tốt

14 /26 /35 /20

10. Đánh giá của sv về thu nhận kiến thức khi tham gia lớp học có dùng tiếng Việt: tốt / khá tốt / bình thường / không tốt

10 /70 /20 /-

11. Đánh giá của sv về thu nhận kiến thức khi tham gia lớp học không dùng tiếng Việt: tốt / khá tốt / bình thường / không tốt

20 /28/40 /10

            Các số liệu đánh giá tương đồng giữa giáo viên và sinh viên ở các mục 8-10 và 9-11 cho thấy sự can thiệp của tiếng Việt trong các lớp học tiếng Anh là không thể triệt tiêu. Số liệu những điểm chung ở mục 2 và 5 có thể giúp người dạy nhận ra những hạn chế sử dụng L1 trong dạy học L2, từ đó họ phải khai thác những giải pháp tích cực nằm trong phương pháp vận dụng cũng như đầu tư, tiên lượng tình huống và chuẩn bị phương tiện đồ dùng dạy học hỗ trợ của người thầy để giảng dạy tốt hơn.

4. Kết luận

            Vấn đề “Nên hay không nên sử dụng tiếng mẹ đẻ trong dạy học ngoại ngữ”, hay “Tiếng mẹ đẻ - trở ngại hay hỗ trợ cho việc dạy học ngoại ngữ”, trong xu hướng nghiên cứu chung của các nhà tâm lý ngôn ngữ và giáo dục học cho đến nay vẫn chưa đi đến kết luận thống nhất. Tuy nhiên, qua thực tiễn dạy học tiếng Anh ở các bậc, hệ khác nhau hiện nay tại các đơn vị giáo dục ở địa phương cũng như nhiều nơi trên cả nước có thể đề ra những giải pháp gợi ý như sau:

            4.1 Để việc tồn tại song song hai quan điểm ‘Không thể triệt tiêu hoàn toàn việc sử dụng tiếng Việt trong các lớp học tiếng Anh’ và ‘Cần thiết thực hành và vận dụng hoàn toàn tiếng Anh trong giờ học ngoại ngữ’ không mâu thuẫn và gây cản trở lớn trong việc dạy học tiếng Anh, người dạy cần được cho quyền linh hoạt hơn trong chọn lựa xử lý nội dung bài dạy. Khi người dạy chủ động đầu tư thời gian, chuẩn bị thiết kế nội dung và tiên lượng được các tình huống có thể trong lớp học, thì những nguyên nhân do hạn chế thời gian hoặc yếu tố phức tạp của vấn đề từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp, cũng như sự chênh lệch về khả năng của các sv … đều có thể giải quyết bằng ngôn ngữ đích mà không cần sự hỗ trợ của tiếng mẹ đẻ.

            4.2 ‘Phương pháp dịch’, ‘chiến lược thời gian’, ‘biện pháp tăng cường quan hệ thầy-trò’ thông qua việc sử dụng tiếng Việt, nhằm làm cho người học thu được nhiều lợi ích hơn trong quá trình thủ đắc tiếng Anh, vẫn chứa đựng bên trong những nguy cơ lâu dài làm hạn chế tiến bộ của người học. Sự tỉnh táo nhận ra những nguy cơ này sẽ giúp người dạy và người học tự động giảm cường độ sử dụng tiếng Việt trong quá trình dạy và học của chính mình. Người dạy cần có những chiến thuật hỗ trợ trong giảng dạy giúp cho sv hiểu được vấn đề.

            4.3 Chỉ nên sử dụng tiếng mẹ đẻ nhằm khai thác thảo luận, ước định, làm rõ, hoặc linh động trong suy nghĩ của người học ở các giai đoạn đầu. Khi người học có một năng lực nhất định, cho dù họ chưa đạt đến một mặt bằng chung về trình độ, khéo léo tổ chức các hoạt động phù hợp người dạy có thể lôi cuốn họ vào việc sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ đích trong trao đổi và trong cả độc lập tư duy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]          Harbord J, Techniques of using the target language, ELT Journal 46/4, 1992.

[2]          Atkinson D, The mother tongue in the classroom: a neglected resource?, ETL Journal 41/4, 1987.

[3]          Danchev A., Transfer and translation, Finnlance 2, 1982.

[4]          Duff A, Translation, Oxford University Press, Oxford, 1989.

[5]          Prabhu N S, Second Language Pedagogy, Oxford Univerdity Press, Oxford, 1989.

[6]          Willis D, The Lexical Syllabus, Collins ELT, London, 1990.

[7]          John Wood, A collection of speaking activities for teaching EFL in Vietnam, World University Service of Canada, 2005.

[8]          Tran van Co, Using Vietnamese in the English class, English Now-issue 11, Winter 2005.

Video liên quan

Chủ Đề