Trách nhiệm bổn phận của thầy thuốc trong mô hình thảo luận giữa thầy thuốc và người bệnh khách hàng

(HNM) - Tình trạng nhân viên y tế không thực hiện đúng y đức, người nhà bệnh nhân phản ứng gay gắt thậm chí hành hung bác sĩ cho thấy mối quan hệ đặc biệt bác sĩ và bệnh nhân đang rất đáng lo ngại. Lẽ thường, mỗi khi người bệnh tới bệnh viện để khám bệnh, họ luôn nhìn các thầy thuốc với con mắt kính trọng và nể vì. Nhiều yếu tố để tạo nên thái độ đó. Bước chân vào bệnh viện là vào nơi mà sự sống và cái chết cách nhau chẳng bao xa, nơi mà nỗi đau và niềm hy vọng luôn đan xen, kiến thức y khoa là thứ khá xa lạ với đa số người bệnh…, tất cả đã tạo nên một mối quan hệ phụ thuộc của người bệnh với các thầy thuốc. Mối quan hệ này thay đổi tùy theo từng nền văn hóa, tùy theo từng hoàn cảnh điều kiện cụ thể. Về nguyên tắc, người thầy thuốc khi khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân không đại diện cho cá nhân họ mà đại diện cho một ngành khoa học đặc biệt, ngành khoa học nhân văn, bởi liên quan tới tính mạng và sức khỏe của con người. Nghề y là một nghề đặc biệt. Chỉ riêng điểm tuyển "đầu vào" luôn ở mức cao, năm nay nhiều thí sinh đạt 27,5 điểm vẫn trượt vào Đại học Y khoa Hà Nội, đã cho thấy những đòi hỏi khắt khe của nghề đối với những ai muốn khoác lên mình chiếc áo blu. Không một trường đại học nào mà sinh viên khi nhận bằng tốt nghiệp phải tuyên thệ lời thề đạo đức nghề nghiệp như Trường Y. Chiếc áo blu trắng tinh khẳng định giá trị của một vị trí, vai trò quan trọng, một quyền lực nghề nghiệp, một mặt đem đến cho cán bộ y tế sự tự tin - điều cần thiết trong quan hệ với bệnh nhân, nhưng mặt khác cũng đã có sự lạm dụng ưu thế đó để trục lợi, để kiếm chác, đánh mất lương tâm. Không thể biết rõ môi trường y khoa với các kiến thức, từ ngữ chuyên môn sâu, nhưng người bệnh cần phải thấy họ được chăm sóc bởi những người tài giỏi nhưng cũng muốn được chia sẻ sự hiểu biết về bệnh tật mà mình đang mang và lo lắng vì nó, hướng điều trị, tiên lượng về kết quả trị bệnh. Song, ở các cơ sở y tế hiện nay, nhất là công lập, điều này là thứ xa xỉ. Tình trạng quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng bệnh viện xuống cấp, thầy thuốc phải làm việc quá sức…, đã khiến không ít thầy thuốc chỉ khám bệnh, chẩn đoán, kê đơn như một cái máy. Nếu có nhiều thời gian khám cho mỗi người mà mình cần phải chăm sóc thì những lời nói ân cần và cụ thể, ánh mắt chia sẻ và cảm thông, sẽ có thời gian để tư vấn, nâng cao kiến thức y học cho bệnh nhân. Nhưng nếu mỗi bệnh nhân được khám 15 phút, một ngày mỗi bác sĩ chỉ khám được 32 ca. Trong khi đó, ở không ít bệnh viện, mỗi ngày phải khám 2.000 - 4.000 bệnh nhân, nhiều bệnh viện phải mổ 100-120 ca/ngày mà bệnh viện đó lại đang trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng thì chuyện lại khác. Theo tính toán, tới năm 2020, dù lượng sinh viên ra trường có gấp hai lần như hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân viên y tế. Nhu cầu nhân lực ngành y tăng theo cấp số nhân trong khi khả năng đáp ứng chỉ tăng theo cấp số cộng. Không đủ nhân lực, không đủ hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, không được đào tạo về tâm lý... nhưng vẫn phải tiếp nhận nhu cầu khám chữa bệnh quá mức, quá khả năng dẫn đến xung đột giữa thầy thuốc và bệnh nhân ngày càng nhiều, dai dẳng và âm ỉ, khiến cả hai bên cùng chịu nhiều áp lực, thiệt thòi. Mỗi khi có một hành vi vi phạm y đức, dư luận xã hội lập tức lên án thầy thuốc. Dù đúng là đáng phải phê phán, nhưng phải xét đến áp lực công việc mà không phải ai cũng có khả năng chịu đựng. Ngoài lý do quá tải do sự phát triển của kinh tế - xã hội khiến nhu cầu khám chữa bệnh của người dân luôn tăng, theo tính toán là gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng kinh tế; dân số ngày một đông; mô hình bệnh tật thay đổi từ các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, số người tham gia bảo hiểm y tế ngày một tăng; còn có những nguyên nhân không phải quá tầm của ngành y. Sinh viên trường y ít được đào tạo về tâm lý, cách giao tiếp ứng xử với người bệnh trong khi trên thực tế, tư vấn cho một nhà khoa học thì phải khác với một nghệ sĩ, phân tích tình trạng bệnh tật cho một bác nông dân cũng phải khác với một công chức. Phác đồ, quy trình chẩn đoán và điều trị cho từng loại bệnh đã được xây dựng nhưng chưa đầy đủ và không có sự kiểm tra việc thực hiện các quy định này, người bệnh cũng không được giải thích đầy đủ về quy trình khám chữa bệnh để cùng kiểm soát. Hệ thống quản lý rủi ro, quản lý an toàn, làm vừa lòng người bệnh... chưa có, trong khi đó, các bác sĩ thường ít nói với người bệnh về các tai biến, nên từ sự đau đớn vì người thân, lại chưa được chuẩn bị tâm lý đầy đủ, khi có sự cố họ đã hành hung thầy thuốc, mà trong không ít trường hợp là đã "lấy oán trả ân". Những vụ bác sĩ bị bạo hành trong hai năm qua như tại Bệnh viện Sản nhi Cà Mau ngày 30-7-2012, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên tháng 4 năm 2012, Bệnh viện Đa khoa Năm Căn năm 2011… có thể thấy điều đó. Thêm nữa, với sự "giúp sức" của truyền thông, những vụ việc này nhanh chóng được "nhân bản" cho nhiều người biết, tạo nên dư luận bác sĩ gây ra quá nhiều tai biến. "Y khoa là ngành khoa học không chắc chắn", tai biến là điều khó tránh khỏi, nhưng ngành y tế không quản lý và thống kê được rủi ro cho nên khó "thanh minh", cũng như không thể thuyết phục với xã hội rằng tai biến là quá nhỏ so với những gì đội ngũ thầy thuốc đã làm được cho người bệnh. Trong khi đó, ở các nước, tai biến y khoa luôn được thống kê đầy đủ, ví dụ ở Mỹ là 100 nghìn người chết trong một năm vì lý do này. Luôn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp, nhưng khi xảy ra sự cố thì thường bệnh viện sử dụng cái tình là kêu gọi sự thông cảm của bệnh nhân chứ chưa dùng đến lý. Ở nhiều nước, bên cạnh luật riêng cho người bệnh và cũng có luật hành nghề để bảo vệ quyền lợi chính đáng của thầy thuốc. Nước ta mới có Luật Khám, chữa bệnh, có những điều khoản bảo vệ bệnh nhân nhưng quy định bảo vệ thầy thuốc còn bỏ ngỏ. Vì thế, mỗi khi có sự không hài lòng của người bệnh, vì lo ngại làm tổn hại đến uy tín bệnh viện, làm các bác sĩ chán nản, thiệt hại về kinh tế… các cơ sở y tế thường giải quyết vụ việc bằng "tình" - thông cảm! Cách giải quyết theo "tình" - thông cảm, trớ trêu thay lại khiến mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân trở thành mối quan hệ mua bán hàng hóa. Dường như, mối quan hệ đặc trưng của nền kinh tế thị trường này đang ngày càng chi phối mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa người thầy thuốc với người bệnh. Bệnh nhân là khách hàng, là người bỏ tiền ra mua, là "thượng đế" và luôn luôn có lý. Thầy thuốc là người bán, bán kiến thức, bán kinh nghiệm, bán dịch vụ chăm sóc, chữa trị, dự phòng. Người bán phải đáp ứng mọi yêu cầu của người mua và người mua có đủ thứ quyền, quyền hợp tác, quyền từ chối và cả quyền đưa bác sĩ ra tòa. Theo dòng biến chuyển của cơ chế thị trường, người bệnh từ vai trò "nhờ giúp đỡ" đã chuyển thành hoài nghi, trả giá cho mỗi dịch vụ. Người thầy thuốc lúc này lại trở thành người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phải chăng chính sự chuyển biến xã hội đã làm cho mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc không còn được như trước nữa và ngày càng nghiêng về xu thế thương mại hóa? Nhưng ngay tại những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, người bệnh đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, cho dù có điều kiện kinh tế tài chính khá giả, họ vẫn cần duy trì và gìn giữ mối quan hệ truyền thống giữa bác sĩ và bệnh nhân mà họ cho là tốt đẹp, họ đều giữ gìn được sự tôn trọng và thái độ ứng xử giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Bởi ở đó có luật pháp can thiệp trong mỗi hành vi sai phạm của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân và mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc là quan hệ bình đẳng.

Đó là sự bình đẳng với đầy đủ lý và tình mà chúng ta cần hướng tới. Bởi vậy, hơn lúc nào hết quyền và trách nhiệm của cả thầy thuốc cũng như bệnh nhân cần phải được xây dựng và cụ thể hóa, tạo một môi trường thuận lợi để ở đó bác sĩ - bệnh nhân có được sự hiểu biết trong tiếp xúc, ứng xử và mọi vấn đề nảy sinh từ mối quan hệ này có cơ sở và điều kiện để thấu lý để đạt tình.

GN Xuân - Có dịp đến bệnh viện, để ý một chút ta dễ nhận ra thái độ, cử chỉ của thầy thuốc đối với bệnh nhân. Rõ ràng, dù có ân cần nhã nhặn đến thế nào cũng thấy trong cử chỉ, lời nói của bác sĩ có cái gì đó rất nghiêm, thường là những mệnh lệnh, dứt khoát, không tranh cãi; và nhiều khi ta ngạc nhiên thấy người thầy thuốc kia có số tuổi còn rất non trẻ, đáng là con cháu của người bệnh mà cũng có giọng mệnh lệnh, ban ơn; trái lại, người bệnh như luôn có vẻ chịu đựng, tuân phục, chấp nhận với vẻ hàm ơn và rất ít khi dám hỏi han, nghi vấn. Cái gì đã làm cho người thầy thuốc ra cái vẻ “thầy thuốc” đến vậy?

Trách nhiệm bổn phận của thầy thuốc trong mô hình thảo luận giữa thầy thuốc và người bệnh khách hàng

Ân cần - Ảnh minh họa

Có phải là cái áo blouse trắng, cái mũ, cái khẩu trang, cái ống nghe hay do những dụng cụ y khoa loảng xoảng, các máy móc đầy bí ẩn tân kỳ, hay do cái mùi của bệnh viện, cái bề thế của một cơ ngơi, nơi mà người ta đã đến đó thì phải chấp nhận để mong sao được điều trị, chăm sóc, phục hồi sức khỏe, vượt qua những đau đớn, chết chóc…

Hình như là có tất cả những yếu tố đó. Cái áo blouse trắng, cái không khí bệnh viện, nỗi đau, niềm hy vọng… tất cả làm nên mối “tương quan” giữa thầy thuốc với bệnh nhân, và mối tương quan này đã thay đổi tùy theo các nền văn hóa, các chuyển biến xã hội, hoàn cảnh cụ thể trong điều trị, cấp cứu hay phòng ngừa. Kiến thức y học cũng như những kinh nghiệm tích lũy của người thầy thuốc làm cho họ được nhìn với con mắt kính phục, tôn trọng. Người thầy thuốc lúc đó không phải là một cá nhân mà như là đại diện cho một ngành khoa học chuyên biệt, khoa học liên quan đến khổ đau, mạng sống của con người. Chỉ với người thầy thuốc thôi, người bệnh mới sẵn sàng khai rõ những thông tin bí mật, riêng tư, không muốn tiết lộ với bất cứ ai; chỉ với người thầy thuốc thôi, người bệnh mới yên tâm sẵn sàng cởi bỏ áo, quần… để được khám vì biết rằng với cái học chuyên sâu của họ, việc phơi bày thân thể trước mắt họ không phải là sự giao tiếp giữa hai con người “bình thường”.

Người thầy thuốc luôn ứng xử với một “khoảng cách lạnh lùng”, khoa học, không phân biệt giới tính, do những năm tháng được trui rèn trong môi trường y học. Chỉ cần một cái nhìn, một cử chỉ, một lời nói khác thường của thầy thuốc đủ đưa người bệnh trở về với con người bình thường và người thầy thuốc sẽ rơi ngay xuống vực sâu! Mối tương quan sẽ lập tức gãy đổ! Cái “thẩm quyền y học” đó không phải tự nhiên mà có. Nó được huấn luyện nghiêm ngặt, và lâu dài ở trường y, nó được sự phân công của xã hội, để giữ mối cân bằng trong kiểm soát xã hội, tạo nên một hoạt động nhịp nhàng, phù hợp chức năng của mỗi thành viên.

Ta biết chỉ có người thầy thuốc được công nhận sau một quá trình đào tạo quy mô mới có quyền được cấp giấy phép cho người nghỉ ốm, người được miễn trừ công tác, được hưởng những quyền lợi theo quy định, họ mới có quyền quyết định người này được miễn nghĩa vụ quân sự, người kia được quyền theo học ngành hàng không, người nọ được trợ cấp thương tật.

Mối tương quan “bất bình đẳng” này giữa thầy thuốc với bệnh nhân có lẽ đã có từ ngày xa xưa, hồi còn có những thầy thuốc kiêm phù thủy, pháp sư, nắm “vận mệnh” bộ lạc, nắm quyền sanh sát… Các nhà xã hội học đã nghiên cứu kỹ về mối tương quan đặc biệt này, dựa trên lý thuyết về vai trò bệnh tật (sick role) đã đặt cho cái tên là mối quan hệ “gia trưởng” (paternalism), người trên kẻ dưới, gọi dạ bảo vâng, một bên van nài, cầu xin, một bên ban phát ân huệ.

Ngày xưa, người thầy thuốc ở phương Đông được gọi là quan “đại phu” (chức quan to), còn ở phương Tây gọi là quan đốc (đốc-tờ, tiến sĩ).

Mối quan hệ truyền thống này đã trải qua hàng ngàn năm dĩ nhiên có những mặt tích cực của nó. Sự tôn trọng, tin tưởng vào thầy thuốc tự nó đã có năng lực chữa bệnh, ít ra là giảm thiểu những stress, những cơn đau, những rối nhiễu trước khi nói đến những thương tổn sinh lý, cơ thể. Người ta cũng thấy rằng tùy mỗi nền văn hóa, tùy tình trạng tiến bộ của kỹ thuật y khoa - các thời kỳ y học chuyển từ bệnh nhiễm do vi trùng đến các bệnh do hành vi, từ điều trị sang phòng ngừa - đã làm thay đổi ít nhiều mối tương quan.

Tại các nước đã phát triển, hệ thống y tế được tổ chức chặt chẽ, bảo hiểm làm trung gian giữa thầy thuốc và bệnh nhân, luật pháp can thiệp trong mỗi hành vi sai phạm của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân đã làm thay đổi mối quan hệ này rất nhiều; nhưng ngay tại những xã hội gọi là tiên tiến đó, đa số người bệnh, nhất là những người có tuổi, người có tình trạng kinh tế xã hội nói chung yếu kém, vẫn duy trì mối tương quan truyền thống mà họ cho là tốt đẹp. Y học, sau những tiến bộ chóng mặt như thay tim, ghép gan, ghép thận, tách con người thành từng bộ phận, cơ quan riêng lẻ, có thể lắp ráp, thậm chí có thể nhân giống vô tính hiện nay lại đang đứng trước những bối rối mới. Phải chăng giữa thầy thuốc và bệnh nhân còn cần có cái gì đó hơn là kỹ thuật, luật pháp và đồng tiền, trong một mối quan hệ gọi là quan hệ “khách hàng” của chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism)!

Mối quan hệ “khách hàng” giữa thầy thuốc với bệnh nhân trong “chủ nghĩa tiêu thụ” hoàn toàn đối nghịch với kiểu quan hệ gia trưởng nói trên. Ở đây là kẻ mua người bán, là tiền trao cháo múc, theo đúng luật kinh doanh, khách hàng là Thượng đế. Bệnh nhân là khách hàng, là kẻ bỏ tiền mua, luôn luôn “có lý” và thầy thuốc là người bán, bán kiến thức, bán kinh nghiệm, bán dịch vụ chăm sóc, chữa trị hay dự phòng. Người bán phải chìu chuộng, hợp tác, đáp ứng, và người mua có đủ tất cả mọi thứ quyền, từ quyền từ chối đến quyền đưa bác sĩ ra tòa!

Người bệnh từ vai trò cầu xin, van nài đã chuyển thành hoài nghi, trả giá cho mỗi dịch vụ, theo dõi mọi thông tin liên quan và quyết định tất cả. “Người bán” (!) không còn được gọi là quan đốc-tờ, thầy thuốc (doctor, physician) mà gọi là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (health care provider).

Chính chuyển biến xã hội đã hình thành mối tương quan mua bán này trong quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân, nhưng cũng do sự phát triển của y học nữa. Từ những năm 60, người ta thấy ở một số nước phát triển, các bệnh nhiễm gần như chấm dứt nhờ kháng sinh, nhờ chủng ngừa và các biện pháp vệ sinh thực phẩm, quản lý nguồn nước, nhờ thuốc trừ sâu diệt các côn trùng trung gian truyền bệnh, tuy vậy, bệnh tật không phải chấm dứt mà chuyển sang các loại bệnh kinh niên, bệnh do hành vi, do lối sống gây ra như các bệnh tim mạch, ung thư, béo phì, bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Với các bệnh mạn tính, các bệnh do lối sống, do hành vi thì có thể phòng được nhưng khó chữa dứt - bệnh nhân thậm chí không biết mình có bệnh - vì thế người thầy thuốc phải thuyết phục mọi người kiểm tra sức khỏe, thuyết phục kiêng ăn, thuyết phục bỏ thuốc lá, thuyết phục tập thể dục! Chuyện không dễ! Vậy là một đàng vốn xưa kia “uy nghi lẫm liệt” nay bỗng phải năn nỉ, giãi bày; một đàng vốn xưa kia cầu xin thì nay hoài nghi, ngờ vực. Và họ trả giá, cò kè bớt một thêm hai là chuyện dĩ nhiên!

Khi mối tương quan đã thay đổi thành “mua bán” thì một thị trường mới được mở ra. Các nhà kinh doanh không bở lỡ cơ hội, nhảy vào làm ăn. Và người ta “đầu tư” vào y khoa để sinh lợi. Bệnh viện như khách sạn. Giám đốc các bệnh viện là những nhà kinh doanh. Bác sĩ chỉ là người làm thuê ăn lương. Ngành dược nhảy vào. Không chỉ thuyết phục, người ta còn có chiến dịch hù dọa, quảng cáo tinh vi và người bệnh cứ… mặc sức mà “tiêu thụ”! Bệnh nhân không còn gọi là bệnh nhân mà gọi là “người tiêu dùng”. Bác sĩ tìm cách “phục vụ” bệnh nhân. Ở môi trường mua bán, mọi việc sòng phẳng. Bảo hiểm tham gia. Nhiều nơi ở Mỹ bệnh nhân và bác sĩ câu kết làm hồ sơ giả, qua mặt bảo hiểm. Nhiều vụ đổ bể ra tòa!

Xã hội biến chuyển, vẫn còn đan chéo nhau nhiều nền “văn hóa”, đô thị khác nông thôn, già khác trẻ, có học khác thất học. Mối giao tình thầy thuốc - bệnh nhân không luôn êm ả. Ngày càng nghiêng về khuynh hướng “tiêu dùng”, khuynh hướng thương mại hóa. Các dịch vụ kỹ thuật cao, cầu kỳ, tốn kém ngày càng nhiều và người bệnh “nhà quê” tìm một bác sĩ của ngày xưa thân ái không phải là dễ!

Gần đây, một mối tương quan khác giữa thầy thuốc - bệnh nhân được gọi là tương quan hỗ tương (mutuality) đã hình thành giữa hai thái cực, một bên là gia trưởng, cha chú, một bên là chủ nghĩa tiêu dùng nói trên. Trong mối quan hệ hỗ tương này có sự công bằng, bác sĩ và bệnh nhân đều có quyền và trách nhiệm của mình, có sự trao đổi, thương thảo, thuyết phục, chấp nhận một cách tự nguyện với đầy đủ thông tin để chọn lựa.

Người thầy thuốc phải luôn nâng cao chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, có đạo đức để vẫn là niềm tin của người bệnh (và cả người không bệnh), còn bệnh nhân được chia sẻ quyết định, có trách nhiệm trong sự chọn lựa của mình. Để có thể thực hiện tốt một tiến trình quan hệ hai chiều như vậy cần tạo ra một không khí thuận lợi, hiểu biết trong tiếp xúc, tạo được sự tham gia của bệnh nhân, và người thầy thuốc phải đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết.

Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) năm 2000 đã đề ra vấn đề Y nghiệp trong Thiên niên kỷ mới (Medical Professionalism in the New Millennium), một tuyên ngôn của ngành y trước tình hình mới giúp người thầy thuốc chấp nhận, duy trì và phát triển:  1. Hệ thống giá trị của y đức (đã có từ ngàn xưa); 2. Cập nhật kiến thức khoa học và kỹ thuật chuyên môn; 3. Cải thiện kỹ năng giao tiếp giữa người với người.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh các hành vi giao tiếp ứng xử và  năng lực chuyên môn, thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp gắn liền với các nguyên tắc đạo đức như thấu cảm, trung thực, tôn trọng; đáp ứng nhu cầu của người bệnh; giữ bí mật nghề nghiệp; tôn trọng sự tự chủ của người bệnh; nhạy cảm với những vấn đề văn hóa…

Sức khỏe là yếu tố quan trọng của chất lượng cuộc sống. Mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân được xây dựng trên nguyện vọng có sức khỏe tốt, có hạnh phúc, cuộc sống có ý nghĩa, hữu ích, cho nên không thể không có tình người. Dù trong bất cứ môi trường xã hội nào, thời kỳ đồ đá hay hậu hiện đại thì tình người vẫn là cái cốt lõi của ngành y.