Trình bày về phương pháp hành chính trong quản lý thương mại dịch vụ

Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là gì? Trình bày các phương pháp quản lý hành chính nhà nước?

Trình bày về phương pháp hành chính trong quản lý thương mại dịch vụ

1. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là gì?

Trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể quản lý thông qua các phương pháp cụ thể để tác động đến các đối tượng quản lý. Trong điều kiện chuyển đổi cơ chế kinh tế và hội nhập hiện nay phải tăng cường hiệu lực quản lý của cơ quan hành chính, một trong những vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện các phương pháp hoạt động của các cơ quan đó.

Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là cách thức hoạt động của chủ thể quản lý và luôn mang tính quyền lực nhà nước, được áp dụng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước. Có thể nói quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý được tác động bởi những phương pháp, cách thức nhất định. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là hoạt động có tính nhà nước, thể hiện ý chí nhà nước và được thể hiện dưới những hình thức nhất định.

Phương pháp quản lý không chỉ bó hẹp trong phạm vi quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý mà còn là cách thức tổ chức, hoạt động của chủ thể quản lý (cách thức phối hợp hoạt động giữa các bộ phận trong một cơ quan hành chính, quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo giữa thủ trưởng cơ quan với nhân viên thuộc quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan).

Phương pháp quản lý hành chính nhà nước chính là cách thức tác động của chủ thể quản lý lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được những mục đích đã đề ra. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước được giới hạn trong phạm vi hoạt động chấp hành – điều hành.

Chủ thể thực hiện chức năng quản lý hành chính là các cợ quan hành chính nhà nước và để thực hiện chức năng này cơ quan hành chính nhà nước sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tác động lên các lĩnh vực quản lý và khi áp dụng một phương pháp nào đó phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thích hợp với các đối tượng là cá nhân hay tổ chức nhất định là yếu tố cực kỳ quan trọng để cơ quan hành chính nhà nước giải quyết nhiệm vụ, chức năng của mình một cách tốt nhất. Các phương pháp được áp dụng phải có ý nghĩa thực tỉễn, linh hoạt, mềm dẻo, đồng thời phải đạt hiệu quả cao.

2. Đặc điểm của phương pháp quản lý hành chính nhà nước

Phương pháp quản lý hành chính nhà nước có những đặc điểm sau:

– Phương pháp quản lý hành chính chủ yếu do cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước áp dụng.

– Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là cách thức được áp dụng để tác động đến quá trình tổ chức, hoạt động trong nội bộ cơ quan hành chính và tác động lên đối tượng quản lý là cá nhân, tổ chức để đảm bảo những hành vi xử sự cần thiết.

– Phương pháp quản lý hành chính nhà nước được áp dụng để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.

– Phương pháp quản lý hành chính nhà nước là cách thức thực hiện quyền lực nhà nước và được thực hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định.

Thẩm quyền của cơ quan hành chính và cán bộ, công chức được thực hiện chủ yếu thông qua các phương pháp quản lý hành chính. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này, hay phương pháp khác phụ thuộc vào thẩm quyền cụ thể do pháp luật quy định cho từng chủ thể quản lý, sử dụng những phương pháp không được pháp luật cho phép là vi phạm pháp luật. Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý hành chính các cơ quan hành chính (chủ thể quản lý) phải lựa chọn những phương pháp phù hợp yêu cầu khách quan của đời sống xã hội, thực hiện được yêu cầu này Nhà nước phải đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực trình độ quản lý trên cơ sở đó lựa chọn, áp dụng những phương pháp thích hợp.

3. Phân loại các phương pháp quản lý hành chính nhà nước

Hiện nay việc phân loại các phương pháp quản lý hành chính theo nhiều cách khác nhau.

3.1. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước thành phương pháp chung và phương pháp riêng

Cách thứ nhất phân loại phương pháp quản lý thành phương pháp chung và phương pháp riêng. Phương pháp riêng được áp dụng trong quá trình thực hiện các chức năng riêng biệt hoặc ở những khâu, những giai đoạn riêng biệt của quá trình quản lý. Phương pháp chung bao gồm:

+ Thuyết phục và cưỡng chế;

+ Phương pháp tác động trực tiếp và gián tiếp, gồm các phương pháp: hành chính, kinh tế, tác động mang tính xã hội;

+ Theo dõi kiểm tra;

+ Điều chỉnh, lãnh đạo chung và quản lý tác nghiệp.

3.2. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước phân loại dựa trên các căn cứ khác

Cách thứ hai phân loại dựa trên một số căn cứ sau. Một là dựa vào bản chất của sự tác động phương pháp quản lý được phân thành phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế. Hai là dựa trên cơ sở mức độ của sự tác động, được phân thành phương pháp lãnh đạo chung, phương pháp quản lý trực tiếp, phương pháp điều chỉnh. Ba là xuất phát từ mục đích được chỉ ra chia làm 3 loại gồm phương pháp quản lý theo chương trình mục tiêu, phương pháp kiểm tra, phương pháp phân tích.

Do tính chất đa dạng và phức tạp của hoạt động quản lý, nên việc phân chia các phương pháp quản lý theo nhiều cách như vậy phụ thuộc vào góc độ nghiên cứu, tiếp cận khác nhau của các nhà khoa học và các nhà quản lý. Mỗi một cách phân loại có một ý nghĩa nhất định đối với hoạt động quản lý hành chính và khó có thể có chung một cách phân loại. Phương pháp quản lý hành chính nhà nước được phân loại và đề cập trong chương này gồm: phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế.

Sự phân loại này dựa trên khả năng tác động chung đến các ngành, lĩnh vực và đối với các đối tượng quản lý để đảm bảo đạt được những hành vi xử sự cần thiết một cách tự giác hoặc để bắt buộc thực hiện hành vi xử sự cần thiết. Đồng thời, cho thấy các phương pháp được phân loại ở đây là những phương pháp có đặc trưng tồng hợp của hoạt động chấp hành – điều hành và là phương pháp chung nhất để thực hiện hoạt động quản lý. Mối liên hệ của các phương pháp này tạo ra cơ sở để thực hiện các phương pháp quản lý cụ thể khác. Vì vậy, việc phân loại thành phương pháp thuyết phục, phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính, phương pháp kinh tế là cách phân loại cơ bản, được áp dụng để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.

4. Hệ thống các phương pháp quản lý hành chính

3.1. Phương pháp thuyết phục và phương pháp cưỡng chế

– Phương pháp thuyết phục

Thuyết phục là phương pháp chủ yếu được áp dụng trong hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước ta. Thuyết phục nhằm tạo ra ý thức pháp luật của mỗi công dân, trên cơ sở đó công dân tự nguyện, tự giác chấp hành pháp luật. Thuyết phục có vai trò rất to lớn để nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường củng cố pháp chế và kỷ luật trong quản lý hành chính nhà nước. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân lập ra và hoạt động vì lợi ích của nhân dân. Mọi chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, phương pháp quản lý được sử dụng chủ yếu là phương pháp thuyết phục.

Phương pháp thuyết phục do cơ quan hành chính tiến hành là chủ yếu thông qua tuyên truyền, giáo dục, giải thích, hướng dẫn thực hiện pháp luật, phố biến kinh nghiệm tiến tiến… Thực tiễn quản lý chỉ ra rằng thu hút nhân dân tham gia vào quản lý nhà nước là cốt lõi của việc nâng cao tính tích cực chính trị, sự sáng tạo của nhân dân trong việc tham gia cùng với Nhà nước giải quyết những nhiệm vụ đặt ra trước Nhà nước.

– Phương pháp cưỡng chế

Phương pháp này được áp dụng trong những trường hợp cần thiết đối với những cá nhân, tổ chức không tự nguyện, tự giác cấp hành các quyết định quản lý hoặc vi phạm pháp luật. Cưỡng chế được áp dụng vì lợi ích chung của Nhà nước trong đó có cá nhân, thông qua phương pháp này Nhà nước bảo vệ trật tự, kỷ cương của xã hội. Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cá nhân và tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định về mặt vật chất hay tinh thần nhằm buộc cá nhân hay tổ chức đỗ phải thực hiện hoặc không được thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế nhất định đối với tài sản của cá nhân hay tổ chức hoặc tự do thân thể của các cá nhân.

Cưỡng chế nhà nước bao gồm: Cưỡng chế hình sự, dân sự, hành chính, cưỡng chế kỷ luật. Những biện pháp cưỡng chế này được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân, tổ chức trong những trường hợp cụ thể, tùy tính chất và mức độ vi phạm những đối tượng đó có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp cưỡng chế. Trong lĩnh vực quản lý hành chính các chủ thể quản lý (cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan đó) có thể áp dụng cưỡng chế hành chính, kỷ luật, cưỡng chế bồi thường vật chất.

Biện pháp cưỡng chế kỷ luật, được áp dụng đối với cán bộ, công chức trong những trường hợp cán bộ, công chức vi phạm pháp pháp luật liên quan đến nghĩa vụ của họ. Cưỡng chế bồi thường vật chất (buộc đối tượng vi phạm chịu trách nhiệm vật chất) được áp dụng đối với cán bộ, công chức trong trường hợp làm mất mát, hư hỏng trang thiết bị, thiệt hại về tài sản được giao quản lý, sử dụng hoặc bồi thường thiệt hại cho công dân khi thi hành công vụ. Hai loại cưỡng chế trên được cơ quan hành chính áp dụng đối với cán bộ, công chức thuộc quyền, giữa người thực hiện cưỡng chế và người bị cưỡng chế có quan hệ tổ chức.

Cụ thể đó là quan hệ giữa người quản lý lãnh đạo và cán bộ, công chức thuộc quyền. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế này liền quan trực tiếp đến cán bộ, công chức và được xem xét riêng trong chương địa vị pháp lý hành chính của cán bộ, công chức.

Cưỡng chế hành chính là một dạng cưỡng chế nhà nước chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan đó áp dụng trong trường hợp xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính hoặc ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm pháp chế, trật tự trong quản lý hành chính nhà nước.

Cưỡng chế hành chính bao gồm: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính; các biện pháp khắc phục hậu quả của vi phạm hành chính; các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các biện pháp xử lý hành chính khác; các biện pháp phòng ngừa hành chính; các biện pháp được áp dụng trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh, quốc phòng và vì lợi ích quốc gia.

– Các hình thức xử phạt gồm:

Hình thức phạt cảnh cáo, phạt tiền là hai hình thức phạt chính.

Hình thức phạt trục xuất được áp dụng đối với người nước ngoài vi phạm hành chính. Hình thức này có thể áp dụng là hình thức phạt chính hoặc là hình thức phạt bổ sung tùy từng trường hợp cụ thể. Hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức phạt bổ sung.

Các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính gồm: tạm giữ người; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; khám người; khám phương tiện vận tải đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; bảo lãnh hành chính; quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh trong trường hợp bỏ trốn.

Các biện pháp khắc phục hậu quả của vi phạm hành chính gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm phương tiện; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại; biện pháp khắc phục hậu quả khác do người có thẩm quyền áp dụng theo quy định của Chính phủ.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện, buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phâm độc hại.

Các biện pháp xử lý hành chính khác gồm: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa hành chính: Những biện pháp này được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm ngăn ngừa những vi phạm pháp luật có thể xảy ra hoặc là những nguy cơ có thể xảy ra ảnh hưởng tới sinh mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức.

Kiểm tra giấy tờ: Giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp phổ thông, đại học…

Kiểm tra tạm trú tạm vắng, kiểm tra sức khỏe đối với những người làm dịch vụ liên quan đến khách sạn, y tế, thực phẩm để đề phòng khả năng lây bệnh cho cộng đồng. Đóng cửa một vùng nhất định nhằm ngăn chặn dịch bệnh, ngăn cấm vào các khu vực đang có dịch bệnh, kiểm tra hàng hóa, hành lý nhằm ngăn chặn buôn lậu, trốn thuế, di dân, giải phóng mặt bằng, trung mua tài sản trong trường hợp mua tài sản của cá nhân, hộ gia đình, thông qua quyết định hành chính trong trường hợp vì lý do an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia. Trưng dụng tài sản là trường hợp Nhà nước sử dụng tài sản của cá nhân, tổ chức thông qua quyết định hành chính vì lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng.

3.2. Phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế

– Phương pháp hành chính

Cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình phải sử dụng phương pháp này để thiết lập trật tự quản lý. Đặc trưng của phương pháp này là chủ thể quản lý ra các quyết định pháp luật bắt buộc thi hành đối với đối tượng quản lý. Có nghĩa là phương pháp này tác động trực tiếp đến hành vi của các cá nhân và tổ chức thông qua đó quy định trực tiếp quyền, nghĩa vụ của đối tượng này. Cũng giống như các phương pháp quản lý khác, phương pháp này mang tính quyền lực nhà nước, điều này thể hiện ở thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết đáp ứng các yêu cầu hợp pháp của các nhân, tổ chức, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và thực hiện cưỡng chế trong những trường hợp các quyết định hành chính không được thực hiện. Phương pháp này còn được sử dụng thường xuyên trong quan hệ giữa cơ quan hành chính cấp trên và cơ quan hành chính cấp dưới trong việc thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Có như vậy cơ quan hành chính cấp trên mới tập trung quyền lực để quản lý, điều hành đối với cơ quan hành chính cấp dưới bảo đảm cho hoạt động quản lý được tiến hành hiệu quả, thống nhất.

– Phương pháp kinh tế

Là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý thông qua những đòn bấy kinh tế tác động đến lợi ích của các đối tượng này. Hoạt động của đối tượng quản lý chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi được kích thích bởi lợi ích kinh tế, phương pháp này ngày càng được áp dụng rộng rãi nhờ đó mà quản lý đạt hiệu quả cao. Trong điều kiện hiện nay hiệu suất lao động ngày càng được nâng cao, người lao động luôn quan tâm đến kết quả lao động không phải thông qua mệnh lệnh hành chính mà thông qua những khuyến khích vật chất. Phương pháp kinh tế được áp dụng như tiền lương, tiền thưởng, chính sách thuế, quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh… Tạo điều kiện vật chất cho các đối tượng quản lý nhằm phát huy năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế kết hợp bổ sung cho nhau. Hai phương pháp này được cơ quan hành chính áp dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phương pháp hành chính được các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thể hiện vai trò chủ thể quản lý của mình, nếu không có phương pháp này phương pháp kinh tế không thể đi vào đời sống xã hội.

Phương pháp hành chính được áp dụng trong điều kiện mới ngoài việc khẳng định Nhà nước vẫn duy trì hoạt động lãnh đạo, điều hành chung, bảo vệ lợi ích của Nhà nước nhưng khác với trước đây Nhà nước tạo điều kiện để các đơn vị kinh tế phát huy sự năng động, sáng tạo, tự chủ của mình trong sản xuất kinh doanh. Quá chú trọng đến phương pháp kinh tế dẫn đến vai trò quản lý của Nhà nước giảm sút. Hoạt động quản lý chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi áp dụng đúng đắn hai phương pháp này.