10 thách thức hàng đầu mà các chủ doanh nghiệp nhỏ đang phải đối mặt ngày nay năm 2022

Lao đao vì dịch

Trong đợt dịch COVID – 19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, dự báo số doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì do tính hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nay bị bế quan tỏa cảng sẽ gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất sẽ tăng nhanh.

Hầu hết doanh nghiệp cho biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc, đến nay vẫn lao đao.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Đa số doanh nghiệp cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ. Số lượng lao động phải cho nghỉ việc ở mỗi doanh nghiệp do dịch bệnh COVID-19 theo khu vực kinh tế được tính toán từ số liệu các doanh nghiệp có cung cấp thông tin. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, nếu như số lao động trong ngành du lịch năm 2019  cả nước là 2,9 triệu người thì kể từ khi dịch COVID bùng phát đến nay, gần 90% đã nghỉ việc hoặc tạm thời ngừng làm việc.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, dịch COVID- 19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc tạm đóng cửa, đa số doanh nghiệp khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch.

Với thị trường bất động sản, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực này suốt gần hai năm qua. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cổ phiếu bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt, các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị bán hàng đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại…

Tìm cơ hội trong thách thức

Có thể thấy, Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.

Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho hay, Công ty của ông được thành lập hơn 1 năm và trùng với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở khắp thế giới cũng như trong nước. Do tác động của dịch bệnh, nên việc kinh doanh ban đầu liên quan đến thị trường bất động sản gặp khó khăn. Ông Quang đã lựa chọn khởi nghiệp bằng lĩnh vực công nghệ, sáng tạo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh này. Với nhiều lợi thế về công nghệ sẵn có, ông quyết định cùng các cộng sự đầu tư phát triển sáng chế ra sản phẩm thiết bị và phần mềm theo dõi, bảo vệ sức khỏe iCare.

Mới đây, tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2020, dự án về thiết bị iCare của ông Quang đã đoạt giải nhất và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía ban giám khảo, các chuyên gia về khởi nghiệp. Hiện dự án của ông Quang cũng đã lọt vào tốp 100 của chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ để huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị cho việc thương thuyết với các nhà đầu tư (shark).

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải cho biết, Thaco đã tiến hành chuyển đổi số bắt đầu từ tự động hóa các dây chuyền sản xuất ở các nhà máy, rồi từng bước thay đổi quy trình, công nghệ, quản trị và đạt được những thành công đáng kể. Hiện nay, Thaco vẫn đang trong lộ trình chuyển đổi số ở cả 5 lĩnh vực đầu tư gồm: ô tô, nông nghiệp, xây dựng, logistics và thương mại dịch vụ. Cũng theo ông Tài, doanh nghiệp muốn hàng hóa sản xuất ra bán được cho người tiêu dùng thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu trên của khách hàng.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ Khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TP.HCM chia sẻ, từ 5 năm trước, Công ty Duy Khanh đã thực hiện chuyển đổi số và trở thành doanh nghiệp tiên phong ở TP Hồ Chí Minh trên lĩnh vực này. Kết quả của chuyển đổi số giúp công ty tiết kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh thông qua tự động hóa.

Công ty CP May 10 đã đối phó với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 bằng cách chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Đó là khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống, tăng tỷ trọng áo khoác, áo rét, đồ mặc nhà, sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ trong nước và xuất khẩu...

Các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam không chỉ sản xuất hàng may mặc thông thường mà còn tham gia sản xuất nguyên liệu vải kháng khuẩn dành để may khẩu trang, các dòng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn riêng của doanh nghiệp mình và bán trên toàn hệ thống bán lẻ toàn quốc, bao gồm Hanosimex, May Chiến Thắng, May Nhà Bè, Việt Tiến, Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định…

Để ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh, người đứng đầu phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Theo đó, cần nhấn mạnh vào 3 vấn đề, đó là nhân sự phù hợp, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù để ứng phó với khủng hoảng ngay tại thời điểm xảy ra.

Phát triển thương mại điện tử

Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam trực thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, trước xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, công nghệ cũng là yếu tố gần như không thể thiếu để hội nhập và cạnh tranh. Đây là yếu tố có thể tạo sự khác biệt giữa các sản phẩm của các doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp, cũng như nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh…

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cũng đã không ngừng nỗ lực giữ vững vị thế và mở rộng kênh mua sắm trực tuyến bằng giải pháp cam kết giá bình ổn và giao nhanh trong ngày; trong đó có ngành hàng thực phẩm, đồ uống.

Theo đó, hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile  đã tăng cường đặt hàng và giao hàng qua điện thoại kể từ trung tuần tháng 3 vừa qua. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn…) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được giao tới nhà.

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, toàn bộ hệ thống bán lẻ SATRA cũng đang tập trung thực hiện việc giao hàng nhanh chóng trong ngày để khách có thể sử dụng được ngay. Ông Lê Viết Sĩ, Giám đốc Trung tâm Thương mại Satra Củ Chi cho biết, trước đây đã từng có kênh bán hàng qua điện thoại và mạng xã hội nhưng chưa phát triển, khi dịch bệnh xuất hiện, để đảm bảo doanh số trong lúc người tiêu dùng ngại đến nơi công cộng nên tiếp tục đẩy mạnh việc bán hàng trong khu vực siêu thị tự chọn qua điện thoại và mạng xã hội. Chính vì vậy, đơn hàng của siêu thị tăng 3 - 4 lần, doanh số cũng tăng 30% so với ngày thường.

Theo ông Phan Bình, Giám đốc Marketing J&T Express Việt Nam, hiện nay, doanh nghiệp và người dân được khuyến khích đẩy mạnh kinh doanh, mua sắm online, qua thương mại điện tử. Từ đầu tháng 3 đến nay, tại J&T Express đã có hơn 2.000 người đăng kí mở tài khoản mới và vẫn đang tiếp tục tăng lên mỗi ngày. Điều này chứng tỏ nhu cầu sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh.

Từ xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu của người dân hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nào còn khả năng chuyển đổi thì phải mạnh dạn chuyển đổi sang các sản phẩm mà xã hội đang cần, vừa duy trì hoạt động vừa tạo việc làm cho người lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh đã chuyển sang hỗ trợ trực tuyến cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mặc dù thay đổi hình thức tổ chức nhưng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, giới thiệu đối tác và tìm kiếm thị trường không có gì thay đổi. Theo đó, các nhân viên ITPC vẫn liên tục cập nhật thông tin sản phẩm, thị trường, ngành hàng thông qua cổng thông tin thương mại của thành phố và các tài khoản mạng xã hội chính thức của đơn vị.

Ông Shawn W.Tan, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam cho biết, sự chuyển dịch sang công nghệ số, hoạt động trên nền tảng số của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tăng nhanh trong năm 2020. Đỉnh cao là mức tăng 48% vào tháng 6/2020, sau đó giảm, chỉ còn tăng 11% vào tháng 10/2020. Hiện có 12% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, đã đầu tư vào chuyển đổi số, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn. Nhiều điều chỉnh về nền tảng số được các doanh nghiệp thực hiện như tiếp xúc trực tuyến, bán hàng trực tuyến… nhưng ở những công đoạn sau của hoạt động sản xuất kinh doanh phức tạp hơn thì vẫn chưa áp dụng.

Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng./..