106 hoa ng văn thu ha i pho ng

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những cống hiến quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, cả trong lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, được Đảng và nhân dân ta ghi nhận. Sự nghiệp và lý tưởng cộng sản cao đẹp của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Đồng chí Hoàng Văn Thụ tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, còn có bí danh là Lôi Minh Hạ, Lý, Giáo, Vân..., sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình nông dân người dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

Ngay từ những năm tháng học Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bắt đầu những hoạt động yêu nước bằng việc tham gia thành lập Nhóm học sinh yêu nước tại trường. Trong các năm 1925-1926, những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã lan rộng ảnh hưởng đến Lạng Sơn như làn gió mới thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong trái tim đầy nhiệt huyết của Hoàng Văn Thụ và sớm đưa đồng chí đến với cách mạng.

Sau khi tốt nghiệp Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Lạng Sơn, tháng 1-1928, đồng chí Hoàng Văn Thụ với người bạn cùng chí hướng là Lương Văn Tri sang miền Nam Trung Quốc tìm cách liên hệ với bộ phận Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đó và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Chi hội Long Châu. Cuối năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được lãnh đạo Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu cử ra Nam Ninh liên lạc với cán bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thực hiện nhiệm vụ do Chi bộ Long Châu phân công, đồng chí Hoàng Văn Thụ nhiều lần bí mật về nước hoạt động, giác ngộ, gây dựng phong trào và mở lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên yêu nước. Với những hoạt động tích cực và sự giúp đỡ tận tình của quần chúng yêu nước, “chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gây dựng được ở các làng biên giới thuộc Văn Uyên 10 tổ chức quần chúng, từ đó mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng xung quanh. Dần dần, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gây dựng được một đường dây liên lạc bí mật giữa hai vùng biên giới từ Lũng Nghịu, Khơ Lếch (thuộc Long Châu, Trung Quốc) tới Khưa Đa, Ma Mèo, Tài Lài (thuộc Văn Uyên, Lạng Sơn), tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ đứng chân hoạt động bí mật, tuyên truyền và tổ chức phong trào cách mạng vùng biên giới”(1). Đồng chí trực tiếp huấn luyện chính trị cho những thanh niên yêu nước, bước đầu trang bị cho họ phương pháp, cách thức hoạt động bí mật, cách đối phó với kẻ thù.

Cuối năm 1932 đầu năm 1933, thực hiện chủ trương của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong tới Nam Ninh (Trung Quốc) liên lạc với Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Long Châu (Trung Quốc), quyết định thành lập Đảng bộ đặc biệt Long Châu, cử Hoàng Đình Giong làm Bí thư, Hoàng Văn Thụ là Phó bí thư. Sau khi đồng chí Hoàng Đình Giong được phân công về hoạt động ở Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc, đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định là Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu, đồng thời có nhiệm vụ về Lạng Sơn tuyên truyền vận động thanh niên sang dự các lớp huấn luyện ở Long Châu. Trước sự tiến triển của phong trào cách mạng, Đảng bộ đặc biệt Long Châu quyết định thành lập tổ chức cơ sở đảng ở châu Văn Uyên để làm nòng cốt cho phong trào cả tỉnh Lạng Sơn. Giữa năm 1933, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được thành lập do đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư. Khi Ban Cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn được thành lập, đồng chí được Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng phân công trực tiếp phụ trách. Với tác phong sâu sát quần chúng và sự hiểu biết về phong tục tập quán, con người, khi hoạt động ở các địa bàn, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn được quần chúng tin yêu, che chở, không khí cách mạng được dấy lên ở nhiều địa phương của Lạng Sơn.

Cuối năm 1934, đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Văn Thụ nhận nhiệm vụ đến Ma Cao giúp việc Ban Chỉ huy ở ngoài chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng. Sau Đại hội I (3-1935), thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo các Đảng bộ khẩn trương lập cơ quan Tỉnh ủy để lãnh đạo công tác tổ chức và vận động quần chúng. Sau Đại hội I của Đảng (3-1935), đồng chí Hoàng Văn Thụ tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng, phát triển cơ sở Đảng tại Lạng Sơn; chỉ đạo thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn (9-1936)…

Cuối năm 1937, “đồng chí được Trung ương triệu tập ra Hồng Kông để học tập chủ trương, chính sách mới của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Phùng Chí Kiên hướng dẫn. Đầu năm 1938, đồng chí được Trung ương cử về nước bắt liên lạc với Xứ ủy Bắc kỳ để truyền đạt chỉ thị của Trung ương và nhận công tác ở Xứ ủy”(2). Lúc này, công tác vận động công nhân và các tổ chức cơ sở đảng ở các vùng tập trung công nhân còn yếu và gặp nhiều khó khăn nên Xứ ủy đã cử đồng chí đến các vùng mỏ, nhà ga, bến tàu để nắm lại tình hình, tuyên truyền, vận động và củng cố, phát triển phong trào cách mạng.

Sau đó không lâu, đồng chí về Hà Nội để báo cáo công tác và được bổ sung vào Xứ ủy và tham gia Ban Vận động công nhân. Sự hoạt động tích cực và những kinh nghiệm của đồng chí đã góp phần chắp mối, củng cố các cơ sở cách mạng ở vùng mỏ và nhiều địa phương, thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở những vùng trọng điểm, “tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công cuộc vận động cách mạng ở Bắc Kỳ sau thời gian bị địch khủng bố và bọn Tờ-rốt-kít phá hoại”(3).

Tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì ở Vạn Phúc, Hà Đông (9-1939), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương Đảng phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng khu vực Hà Nội, vùng phụ cận và Báo Giải phóng - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng; được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương giao phụ trách công tác dân vận và Mặt trận.

Tháng 8-1941, với trọng trách Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí dự Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại làng Đông Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ) và có nhiều ý kiến chỉ đạo về công tác củng cố, phát triển Đảng, về đẩy mạnh phát triển phong trào quần chúng cách mạng. Cuối tháng 9-1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ tham dự Hội nghị cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ để triển khai việc quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám tại Dương Húc, Tiên Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Ngay sau đó đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám cho Đảng bộ Hà Nội và chỉ đạo việc thành lập các đoàn thể Cứu quốc và Mặt trận Việt Minh.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25-8-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở Mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song, vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

Đến cuối tháng 1-1944, thực dân Pháp đưa đồng chí Hoàng Văn Thụ ra xét xử tại Tòa án binh. Căn cứ vào hồ sơ, tòa kết án 20 năm tù, nhưng trùm mật thám E. Lanéc - Phó chánh Sở Mật thám hằn học nói tại phiên tòa: “Hoàng Văn Thụ là một lãnh tụ cách mạng. Nếu không xử tử hắn thì nước đại Pháp không thể đàn áp được cách mạng Việt Nam”(4), do đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã bị tòa án thực dân tuyên án tử hình. Đến sáng ngày 24-5-1944, chúng đưa đồng chí đến trường bắn Tương Mai (Bạch Mai), hai loạt đạn dã man của địch không thể át nổi tiếng hô của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ:

- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

- Đảng Cộng sản Pháp muôn năm!

- Liên bang Xô viết muôn năm!

- Việt Nam độc lập muôn năm!

Hiên ngang bước ra pháp trường và hy sinh oanh liệt ở tuổi 35, đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương người cộng sản mẫu mực, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Những dấu ấn còn mãi

Với tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập Báo Giải phóng, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của Báo Cờ giải phóng. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật đầy hiệu quả do đồng chí Hoàng Văn Thụ xây dựng đã giúp cho Đảng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.

Điểm nổi bật ở đồng chí Hoàng Văn Thụ là luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc. Đặc biệt, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn gần gũi, hòa đồng với quần chúng, đặt niềm tin mãnh liệt vào quần chúng nhân dân. Đồng chí luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của cán bộ lãnh đạo luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, với cơ sở, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể. Ðồng chí đã trực tiếp giác ngộ, vận động quần chúng, đóng góp tích cực trong việc thành lập các chi bộ đảng và phát triển tổ chức đảng ở các Ðảng bộ Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Yên; củng cố, xây dựng nhiều tổ chức cơ sở đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Ðồng chí đề ra chủ trương và trực tiếp chỉ đạo việc duy trì, phát triển Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai. Hơn nữa, trong những ngày tháng gian khổ hoạt động cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng tin Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng để giải phóng dân tộc, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn được quần chúng tin yêu và chính đồng chí cũng là người luôn tin tưởng tuyệt đối vào quần chúng.

Mỗi lúc phong trào cách mạng gặp khó khăn, khi kẻ thù khủng bố ác liệt, đồng chí đều khẳng định: “Chúng ta không lo. Cách mạng đã thấm sâu vào quần chúng rồi. Quân địch cố nhiên không để cho chúng ta yên, nhưng quần chúng nhất định không xa rời cách mạng. Chỉ sợ những người lãnh đạo chúng ta xa quần chúng, không sợ quần chúng xa chúng ta. Quân địch không có quần chúng ủng hộ. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ chắp được mối, lúc ấy quần chúng lại che chở cho chúng ta và phong trào lại đi lên”(5). Điều đó làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cách mạng phải biết tin yêu đồng chí, đồng bào, đồng thời cũng làm cho quần chúng nhân tin vào Đảng, tự nguyện đi theo Đảng làm cách mạng.

Không chỉ là người cán bộ, đảng viên lãnh đạo của Đảng gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ do Đảng phân công, khi cách mạng cần, đồng chí Hoàng Văn Thụ còn là một người đồng chí chân thành, giản dị. Với các cơ sở cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn hòa mình vào cuộc sống bình dị. Ở vùng mỏ Hà Lầm, Hòn Gai, đồng chí trực tiếp lao động như một công nhân thực thụ, khiêm tốn, chân thành, giản dị trong cuộc sống đời thường với những người công nhân. Sâu sát thực tiễn và gắn bó với cơ sở, nên dù hoạt động ở vùng biên giới Việt - Trung, khu mỏ, nhà ga, bến tàu hay trong Thành ủy Hà Nội, ở đâu đồng chí Bí thư Xứ ủy cũng được cán bộ, đảng viên và quần chúng kính trọng, chở che.

Trải qua gần 20 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, dấu ấn của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã in đậm trên nhiều nẻo đường đất nước. Trên những cương vị trọng trách được Đảng và cách mạng giao phó, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn hoàn thành xuất sắc. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù khi mới 35 tuổi đời. Không được chứng kiến thắng lợi vinh quang của sự nghiệp mà mình theo đuổi và ấp ủ, nhưng tên tuổi, sự nghiệp, công lao, cống hiến, sự hy sinh của đồng chí là tấm gương sáng đối với nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”(6).

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đi xa về cõi vĩnh hằng gần 80 năm qua (1944 - 2023), nhưng tên tuổi đồng chí đã gắn với tên đất, tên đường, tên trường học, có sức lay động và thôi thúc lòng người. Để biết ơn công lao của đồng chí, tỉnh Lạng Sơn đã đặt tên cho một phường tại thành phố Lạng Sơn; nhiều huyện trong tỉnh đều có các xã mang tên Hoàng Văn Thụ; Trường Chính trị của tỉnh và nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được vinh dự mang tên Hoàng Văn Thụ. Hơn nữa, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là nguồn cảm xúc cho nhiều nhà thơ, nhà văn sáng tác nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật, tiểu biểu là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử “Hoa bất tử” của cố Nhà văn Nguyễn Trường Thanh, cuốn lịch sử “Hoàng Văn Thụ - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất”; cuốn “Hoàng Văn Thụ tên anh sáng mãi” và rất nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca, âm nhạc ca ngợi tấm gương người chiến sĩ anh hùng Hoàng Văn Thụ.

*

Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các vị lãnh đạo tiền bối, trong đó có đồng chí Hoàng Văn Thụ là đặc biệt quan trọng, qua đó nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng đất nước mạnh giàu, đưa Việt Nam vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đời lúc sinh thời, trước tiên là nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(7).

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

-----

1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1931 - 1950, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn, 1998, tr.29-30.

2. Đức Vượng - Nguyễn Đình Nhơn, Những người cộng sản, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr.106.

3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, Hoàng Văn Thụ - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Lạng Sơn, 1984, tr.23.

4. Đức Vượng - Nguyễn Đình Nhơn, Những người cộng sản, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 114.

5. Đảng Lao động Việt Nam, Hoàng - Văn - Thụ người chiến sĩ cộng sản gang thép, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, tháng 5-1964, tr. 11

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.25

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.112.