Giá trị nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều ngắn gọn

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Dàn ý Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
 

I. Dàn ý Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều [Chuẩn]

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả và tác phẩm

2. Thân bài

* Giá trị nội dung:
- Giá trị hiện thực: Phản ánh bức tranh xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, xã hội kim tiền chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- Giá trị nhân đạo:+ Tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa chà đạp con người.+ Tiếng nói thương cảm, xót xa trước số phận bi kịch của con người.

+ Tiếng nói khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người: khát vọng về quyền sống, quyền tự do, công lý, khát vọng tình yêu, hạnh phúc.

* Giá trị nghệ thuật: Tác phẩm là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại:- Ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ.

- Với "Truyện Kiều", nghệ thuật tự sự đã có bước phát triển vượt bậc: Nghệ thuật dẫn chuyện, miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách, miêu tả tâm lí nhân vật.

3. Kết bài

Khái quát giá trị tác phẩm
 

II. Bài văn mẫu Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều

Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Từ trước đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá là kiệt tác văn chương của dân tộc. Thật vậy, để làm nên giá trị đó là những đóng góp, sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

Trước tiên, dù sáng tác dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện [Thanh Tâm tài nhân] song Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới với những sáng tạo về giá trị nội dung. Truyện Kiều mang giá trị hiện thực phản ánh bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam bất công, tàn bạo và xã hội kim tiền chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ...[Còn tiếp]

>> Xem bài mẫu đầy đủ Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du tại đây.

Thông qua dàn ý phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong Truyện Kiều với cách xây dựng các luận điểm ngắn gọn, rành mạch, sự sắp xếp các lí lẽ logic, khoa học, dàn ý mẫu của chúng tôi chắc chắn sẽ là tài liệu cần thiết và hữu ích cho các em học sinh trong quá trình ôn tập lại các kiến thức đã học về tác phẩm này.

Dàn ý phân tích và bình giá trị chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm đàn ghi ta của Lorca Dàn ý phân tích truyền thuyết Sự tích hồ Gươm Dàn ý phân tích cái hay của điệp ngữ "Buồn trông" trong Kiều ở lầu Ngưng Bích Dàn ý phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ để chứng minh nhận định Dàn ý phân tích bài thơ Viếng lăng Bác Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Thánh Gióng

“Truyện Kiều” được biết đến như một kiệt tác của văn học dân tộc ở mọi thời đại. Tác phẩm này có sức sống lâu bền như vậy là vì đã hội tụ nhiều giá trị ở cả phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Bởi vậy, khi tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều, ta sẽ thấy được những giá trị tinh thần lớn lao. Bài viết dưới đây của DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều. 

Giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều qua cốt truyện

Tìm hiểu tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện 

“Truyện Kiều” là tác phẩm thơ Nôm tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. Nhiều thuyết cho rằng “Truyện Kiều” được viết trong khoảng những năm 1813 đến năm 1820. Nhưng trong nhân gian lại có nhiều người tin rằng tác phẩm được ra đời vào khoảng thời gian cuối thời Lê đầu thời Tây Sơn khi Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc. 

Mốc thời gian thứ hai được nhiều người đồng thuận hơn có lẽ. Lí do là vì “Truyện Kiều” được viết dựa trên cốt truyện tác phẩm của Trung Quốc là“Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân mà bộ truyện này lại lấy bối cảnh xã hội Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1521 đến năm 1567. 

Chính vì có dịp tiếp xúc với “Kim Vân kiều Truyện” trong dịp đi sứ nên Nguyễn Du đã có chất liệu sáng tác nên “Truyện Kiều”. Bản in đầu của truyện có tên là “Đoạn trường tân thanh” [có nghĩa là “tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột”] và càng về sau lại càng được lưu hành rộng rãi và ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng dân chúng.

Sáng tác “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân. Câu chuyện được viết xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Vương Thúy Kiều với kết cấu của tiểu thuyết chương hồi với 20 hồi. Nguyễn Du cũng đã lấy cuộc đời của nhân vật Thúy Kiều làm trung tâm như trong truyện của văn sĩ Trung Quốc để làm nền tảng cho tác phẩm của mình. 

Tóm tắt truyện Kiều của Nguyễn Du 

Trước khi tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều, ta cần nắm được những ý chính của tác phẩm này. Truyện kể nhân vật Thúy Kiều là một người con gái sắc nước hương trời và có tài cầm, kỳ, thi, họa. Nàng vốn là con gái của Vương viên ngoại, dưới nàng còn có hai em là Thúy Vân và Vương Quan. Trong ngày đi tảo mộ vào tiết Thanh minh, Thúy Kiều đã có dịp gặp gỡ Kim Trọng và họ đã dành cho nhau những thiện cảm. 

Khi giữa Kiều và chàng Kim Trọng nảy nở tình yêu đôi lứa và thề nguyền gắn kết thì Kim Trọng phải về quê chịu tang. Cùng lúc đó, gia đình Kiều gặp cơn nguy biến vì sự vu oán của người bán tơ nên Kiều đã quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh lấy tiền chuộc cha và cứu lấy gia đình của mình. 

Nào ngờ, Tên họ Mã lại là phường mua thịt bán người, hắn đã cùng với Tú Bà lừa Kiều vào lầu xanh. Đã có lúc nàng trốn chạy, thậm chí là tự vẫn để có thể thoát khỏi sự bủa vây của những thế lực xấu xa nhưng hết lần này đến lần khác, nàng vẫn phải chịu cảnh sống kiếp kĩ nữ lầu xanh. Trong lần gieo mình tự vẫn ở Tiền Đường, Kiều may mắn được sư Giác Duyên cứu vớt. 

Còn về phần Kim Trọng, sau khi nối duyên với Thúy Vân theo ý nguyện của Thúy Kiều vẫn nỗ lực, mòn mỏi tìm kiếm Kiều và cuộc gặp tình cờ giữa chàng và vãi Giác Duyên đã giúp Kiều được đoàn tụ cùng với gia đình. Sau tất cả những đổ vỡ, đau thương, cuối cùng Kiều đã quyết định “lấy tình cầm sắt đổi ra cầm kì” thay vì hàn gắn tình duyên với Kim Trọng.

Giá trị nội dung của truyện Kiều 

Giá trị hiện thực của truyện Kiều

Trước hết, “Truyện Kiều” là một bản cáo trạng đanh thép đã tố cáo hiện thực xấu xa của một xã hội phong kiến mục nát. Quan lại vốn là những người đại diện cho công lí, bình đẳng và đảm nhận trách nhiệm mang lại cuộc sống tốt đẹp cho dân. Ấy vậy mà, những người được xem là cha mẹ của dân ấy lại sẵn sàng bẻ cong cán cân công lí chỉ vì tư lợi cho mình. 

Điều này đã được thể hiện rõ nhất trong việc gia đình Kiều bị kẻ bán tơ vu oan. Nhân cơ hội tên bán tơ đổ vạ cho nhà Kiều, bọn sai nha đã ập vào gia đình nàng với hành động vơ vét không khác gì là những tên cướp. Không những thế, tiền bạc lại chính là thứ có thể khiến chúng đổi chác sự thật chân chính và sự công bằng:“Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Chính những tên sai nha và đặc biệt là tên quan giấu mặt đầu tiên trong truyện đã đẩy nàng bước vào những đau khổ đầu tiên của một cuộc đời đầy giông bão.

Những lần sau đó, Kiều cũng đã rơi vào tay “họ Hoạn danh gia” nhưng lại hành xử không dựa trên bất kì một quy định nào của pháp luật. Chúng là thế lực chuyên quyền, tự do và sẵn sàng “vả miệng bẻ răng” những ai chúng coi là gai trong mắt. Hồ Tôn Hiến cũng là một tên quan vô cùng bỉ ổi và gian xảo. Hắn dùng mưu mẹo để lừa Từ Hải ra hàng và bắt Kiều phải hầu rượu, gảy đàn để trang đời nàng lại tiếp tục được viết vào những dòng ô nhục, tủi hổ. Với sự tồn tại của bọn quan lại nói trên, thử hỏi, công lí có chỗ để tồn tại?.

Tuy nhiên, quan lại không phải là thế lực duy nhất tô vào bức tranh đời sống xã hội cái màu đen tối, xám xịt. Góp vào bức tranh ấy còn là sự nhúng tay của thế lực nhà chứa và quyền lực vô song của đồng tiền. Đọc “Truyện Kiều”, ta khó lòng có thể quên được sự ngang ngược hoành hành của phường buôn phấn bán hoa như tên Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, Tú Bà “thoắt trông nhờn nhợt màu da” và như Sở Khanh với hình ảnh “hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng”

Chính những con người tàn nhẫn ấy đã làm mọi con đường sống của Thúy Kiều đều là những vực thẳm hun hút vô phương thoát khỏi. Nhưng Kiều đâu chỉ khổ vì bị bọn người chốn lầu xanh mà nàng còn chịu những áp lực mà đồng tiền mang tới. Đồng tiền ấy có khả năng đổi trắng thay đen, “làm cho khốc hại”, có thể là phương tiện để đổi chác, mua bán con người đúng như những món hàng. Ngay cả trinh tiết của một người con gái cũng có thể đem ra cân, đong, đo đếm bằng tiền bạc:

“Đã nên quốc sắc thiên hương

Một cười này, hẳn nghìn vàng chẳng ngoa

Về đây, nước trước bẻ hoa,

Vương tôn, quý khách ắt là đua nhau

Hẳn ba trăm lạng kém đâu

Cũng đà vừa vốn, còn sau thì lời…”

Sự tồn tại của những thế lực nói trên đã làm đảo lộn biết bao giá trị đạo đức vốn có của con người để rồi cả xã hội như suy vi, thối nát đến tận cùng trước sự hiện tồn của những thế lực ấy.

Giá trị nhân đạo của truyện Kiều

Giá trị nội dung còn được thể hiện thông qua giá trị nhân đạo của tác phẩm. Trước hết, giá trị ấy bộc lộ ở tấm lòng thương xót sâu sắc mà tác giả dành cho những kiếp người có thân phận bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ. Ở họ có những vẻ đẹp hết sức đáng trọng về cả ngoại hình lẫn nhân phẩm…

Vân và Kiều đều là những người con gái có vẻ đẹp trời phú. Nếu như Vân đẹp ở sự “trang trọng khác vời”, ở “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, thì Kiều lại rạng rỡ với “làn thu thủy, nét xuân sơn” khiến cho “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Không chỉ nổi bật về ngoại hình, họ còn khiến người đời trân trọng vì phẩm hạnh đoan chính, mực thước của mình [“tường đông ong bướm đi về mặc ai”]. Riêng Thúy Kiều sự ngưỡng mộ ấy còn vì ở nàng “sắc đành đòi một”“tài đành họa hai” với biệt tài “nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”.

Lẽ ra những con người có vẻ đẹp đạt đến gần như là sự hoàn mĩ, đặc biệt là như Thúy Kiều xứng đáng được hưởng hạnh phúc vậy mà cuộc đời nàng lại được viết đầy bằng những trang bi kịch. Và với những bi kịch cuộc đời mà Kiều phải gánh chịu, Nguyễn Du cũng bộc lộ sự thương xót vô cùng, nhất là thông qua những đoạn đặc tả về tâm trạng, nỗi niềm và cái nhìn của nàng những khi đối diện với chính mình giữa một không gian hiu quạnh, đơn côi:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”   

Họ là những người sắc tài có đủ thế nhưng lại phải sống trong hoàn cảnh thê thiết, đau thương khi có lúc chỉ được xem là những món hàng có thể “cò kè bớt một thêm hai”. Họ là những người có đạo đức, nhân phẩm nhưng có lúc lại bị chà đạp đến nhẫn tâm vì sự ngự trị của những thế lực quyền năng trong xã hội. 

Ca ngợi những vẻ đẹp đáng quý, thể hiện lòng cảm thương sâu sắc với thân phận cuộc đời nhân vật để rồi từ đó làm bật lên khát khao về quyền sống, tự do và đạt đến cái đích của hạnh phúc chính là những điều góp phần làm nên giá trị của tác phẩm.

Quan điểm nhân sinh mới mẻ trong truyện Kiều

Quan điểm nhân sinh mới mẻ của Nguyễn Du có thể bộc lộ rất tinh tế qua rất nhiều phương diện mà người đời vẫn đang khám phá không ngừng qua sáng tác của ông. Bằng cách nhìn nhận về chữ “trinh”, có thể thấy Nguyễn Du đã phần nào bộc lộ quan điểm nhân sinh mới mẻ của mình. 

Sự coi trọng danh tiết xưa nay vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, ngay cả giới nữ như Kiều cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề khi xem đó là điều tiên quyết đánh giá chuẩn mực người nữ trong nghĩa tình của phu phụ: “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”. Chính vì vậy Kiều luôn tự dằn vặt, xót xa vì nghịch cảnh, trớ trêu đã chà đạp lên giá trị mà nàng tôn thờ:

“Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về”

Thế nhưng, với Nguyễn Du, ông lại có cách nhìn nhận đầy tiến bộ về điều này khi cho rằng:

“Xưa kia trong đạo đàn bà

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”

Theo cách nhìn nhận ấy thì với tác giả, chữ “trinh” – sinh lí với người phụ nữ là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là chữ “trinh” – tinh thần. Có lẽ với Nguyễn Du, một người con gái đẹp và có phẩm hạnh là người dù cho cuộc sống đẩy đưa như thế nào, dù bị tổn thương ra sao nhưng nếu sống có ân tình, hiếu nghĩa thì vẫn giữ được trọn vẹn giá trị của chữ “trinh” ấy. Trong tác phẩm, quan niệm ấy của Nguyễn Du đã ít nhiều lần thể hiện qua nhân vật Kim Trọng:

“Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy thay”

Do thế dù khi trở về, Kiều là người con gái dày gió dạn sương, trải qua những ngày tháng mà Kiều chua chát nhận ra rằng “ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”, Trọng vẫn một mực khăng khăng muốn gắn bó cùng Kiều:

Thương nhau sinh tử đã liều

Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình

Chừng xuân tơ liễu còn xanh

Nghĩ sao cho thoát khỏi vành ái ân

Đến cuối cùng, có lẽ Kiều cũng thấy rung động trước suy nghĩ ấy của Kim Trọng, nhưng nàng đã quyết định giữ lấy chữ “trinh còn một chút này” về tâm hồn ấy bằng cách: “đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”. Cả hai nhân vật có một cách ứng xử riêng nhưng có lẽ xét đến cùng đều đã cho thấy thái độ trân trọng của họ về chữ “trinh” ngàn vàng ấy.

Hình ảnh nàng Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du

Giá trị nghệ thuật trong truyện Kiều

Khi phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều, chúng ta cũng không quên ở phương diện nghệ thuật của tác phẩm, có thể điểm qua một số thành công mà tác giả đã đã đạt được như sau:

Về thể thơ trong truyện Kiều

Việc lựa chọn thể thơ lục bát đã mang lại những thành công to lớn cho việc chuyển tải nội dung tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đây là thể thơ vốn có rất nhiều yếu tố tạo hình và rất giàu tính nhạc, nhất là ở những đoạn khắc họa chân dung nhân vật. 

Đặc biệt, nhạc tính của câu thơ sẽ được thể hiện rất uyển chuyển và hiệu quả trong cách ngắt nhịp. Trong tác phẩm, có những câu thơ với sự cộng hưởng của vần điệu đã tạo nên bức tranh nhuốm màu tâm trạng rất rõ nét. Đó là tâm trạng đau đớn, bẽ bàng, dằn vặt trách mình vì đã phụ một tấm lòng:

“Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”

Có những lúc, màu tâm trạng như phảng phất trong màu của cảnh vật:

“Nay hoàng hôn đã lại mang hôn hoàng”

Nhạc tính trong thơ với sự hài hòa, gieo vần hiệu quả đã mang lại những âm hưởng, dư ba sâu sắc trong lòng người:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Về ngôn ngữ trong truyện Kiều 

Về mặt ngôn ngữ, “Truyện Kiều” đã đạt đến trình độ mẫu mực và hết sức điêu luyện khi Nguyễn Du đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học. Điều này góp phần mang lại sự đơn giản, dễ hiểu nhưng cũng đạt hiệu quả rất cao trong việc biểu hiện những hình ảnh, tình cảm. 

Vô số những từ ngữ gợi nhắc những điển tích, điển cố được sử dụng để miêu tả tâm trạng, phẩm chất [“sông Tương”, “sân Lai”, “gốc tử”, “nàng Ban”, hay “ả Tạ”…] đều là những minh chứng rất rõ rệt cho kiến thức chữ Hán uyên thâm của Nguyễn Du. 

Dùng từ ngữ chuẩn xác và tinh tế là một trong những biệt tài của Nguyễn Du khi miêu tả nhân vật và cảnh vật. Chẳng hạn từ “nhờn nhợt” [“thoắt trông nhờn nhợt màu da”] đã khiến người đọc có cảm giác dè chừng về Tú Bà. Từ “lẻn”[“mặt mo đã thấy Sở Khanh lẻn vào”] làm bật lên thần thái gian manh, xảo quyệt của Sở Khanh, từ “điểm” [“cành lê trắng điểm một vài bông hoa”] như khoác lên chiếc áo tươi sáng, thanh khiết cho bức tranh ngày xuân tràn đầy sức sống, từ “lập lòe” [“đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”] tạo nên sự sống động, sắc màu cho bức tranh cảnh vật vào hè…

Xây dựng nhân vật trong truyện Kiều

Để xây dựng nhân vật, bên cạnh bút pháp tả thực, tác giả đã rất thành công với biện pháp tượng trưng ước lệ. Trong phần miêu tả ngoại hình của Thúy Vân và Thúy Kiều, người đọc sẽ nhận ra ngay từ những dòng viết đầu tiên là những nét vẽ rất chăm chút mà Nguyễn Du dùng để khắc họa chân dung nhân vật. Để tôn lên nét đẹp ở họ, Nguyễn Du đã sử dụng những hình ảnh của thiên nhiên như nước, hoa, mây, liễu, tuyết, núi

Thiên nhiên từ lâu thường được các thi sĩ dùng để làm thước đo cho vẻ đẹp của con người. Và vẫn chừng ấy hình ảnh quen thuộc trong thơ nhưng điều Nguyễn Du làm được không chỉ là phác họa ngoại hình của nhân vật mà còn cho người đọc phần nào hình dung được số phận mai sau của họ: đời Vân xem chừng bình lặng còn Kiều ít nhiều gặp bão giông.

Ngoài khắc họa chân dung, Nguyễn Du còn để cho nhân vật mình bộc lộ rất nhiều những tâm tư, nỗi niềm. Đã không ít lần và bằng không ít câu thơ, nhân vật Thúy Kiều đã hiện trạng thái vừa xót thương, vừa dằn vặt chính mình. Có những câu thơ như tiếng khóc nấc nghẹn về thân phận của mình:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rũ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”

Và cùng rất nhiều lần, bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, tâm trạng của nhân vật được bộc lộ qua sự miêu tả về cảnh vật thiên nhiên. Thiên nhiên, cảnh vật ấy có lúc mang màu ảm đạm và khi được nhìn bằng sự buồn nhớ, cô đơn của con người lại càng trở nên thê lương hơn. Điều đó được thể hiện rõ nét trong những dòng tuyệt bút ở đoạn trích “Nỗi thương mình”:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

Kết bài: Như vậy, mặc dù dựa vào cốt truyện “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng bằng sự sáng tạo của mình, Nguyễn Du đã tạo nên một kiệt tác “Truyện Kiều” vang danh ngàn đời. Làm nên giá trị của kiệt tác ấy chính là nhờ vào những thành công to lớn ở cả nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Dàn ý giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều 

Để giúp các bạn nắm được cụ thể bài viết cũng như các ý chính với đề bài trên, dưới đây DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn khái quát lập dàn ý giá trị nội dung và nghệ thuật trong truyện Kiều của Nguyễn Du. 

Mở bài giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều

  • Giới thiệu đại thi hào Nguyễn Du cùng tác phẩm truyện Kiều.
  • Khẳng định tài năng của Nguyễn Du cũng như giá trị của tác phẩm.

Thân bài giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều

Giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều qua cốt truyện

Đại thi hào đã dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, từ đó sáng tác lên tác phẩm với những sáng tạo riêng, mang đậm hồn dân tộc. Câu chuyện kể về nhân vật Vương Thúy Kiều với những sóng gió trong cuộc đời…

Tìm hiểu về giá trị nội dung của truyện Kiều

Giá trị hiện thực trong truyện Kiều 

  • Phản ánh chân thực đầy đủ về chế độ xã hội phong kiến mục nát, coi trọng đồng tiền. Một xã hội xấu xa tàn bạo và đầy rẫy những bất công với con người, đặc biệt những kẻ “thấp cổ bé họng”. 
  • Đối tượng bị chà đạp nhiều nhất có lẽ là những người phụ nữ, điển hình là nàng Kiều trong tác phẩm. Đồng thời, truyện Kiều còn vạch trần bộ mặt giả tạo của những con người như tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến…

Giá trị nhân đạo trong truyện Kiều 

  • Truyện Kiều là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ những thế lực xấu xa chà đạp con người.
  • Tác phẩm là tiếng nói đồng cảm, thương cảm, đầy xót xa trước số phận bi kịch của con người, điển hình chính là Thúy Kiều.
  • Truyện Kiều của Nguyễn Du còn là tiếng nói coi trọng tài năng, nhân phẩm của con người, đề cao những khát vọng chân chính của con người trong cuộc sống. Bên cạnh đó, tác phẩm còn khẳng định quyền sống, quyền tự do, khát vọng về công lý cũng như tình yêu và hạnh phúc…

Tìm hiểu về giá trị nghệ thuật của truyện Kiều

  • Về thể thơ
    • Thể thơ lục bát.
    • Nhạc tính uyển chuyển.
  • Về ngôn ngữ
    • Văn học dân gian sử dụng các ca dao, thành ngữ, tục ngữ, ẩn dụ, tả cảnh ngụ tình… 
    • Sử dụng ngôn ngữ độc thoại để bộc lộ nội tâm của nhân vật.
    • Sử dụng ngôn ngữ đối thoại để thể hiện tính cách của nhân vật.
  • Về cách xây dựng nhân vật 
    • Nguyễn Du đã lựa chọn bút pháp ước lệ tượng trưng, dùng cảnh tả người…
    • Miêu tả một cách hiện thức hóa rõ nét với các nhân vật phản diện. 
  • Về cách tả cảnh trong tác phẩm
    • Tác giả đã dùng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, sử dụng các hình ảnh đặc trưng của văn học trung đại để toát lên cái hồn của cảnh cũng chính là tâm trạng của con người. 

Kết bài giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều 

  • Khẳng định giá trị và ý nghĩa của tác phẩm khi tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều. 
  • Bày tỏ suy nghĩ của bản thân khi phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều.

Như vậy, bài viết trên đây của DINHNGHIA.VN đã giúp bạn tìm hiểu và phân tích chi tiết về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều. Mong rằng những kiến thức trên sẽ hữu ích với bạn trong quá trình tìm hiểu về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều. Đừng quên để lại nhận xét bên dưới bài viết nếu như có bất cứ câu hỏi, thắc mắc hay đóng góp gì cho chủ đề về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện Kiều. Nhớ chia sẻ nếu thấy hay nha bạn! Chúc các bạn luôn học tốt!. 

Xem thêm:

Please follow and like us:

Video liên quan

Chủ Đề