Giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình như thế nào

Xin gửi đến các em học sinh lớp 12 tài liệu Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Lý Thái Tổ đã được Học247 sưu tầm và chọn lọc dưới đây, tài liệu được biên soạn nhằm giúp các em củng cố kiến thức môn Ngữ văn để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi sắp tới.

TRƯỜNG THPT LÝ THÁI TỔ

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

[Thời gian làm bài: 120 phút]

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU [3 điểm]

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Xã hội và đời sống đã có nhiều thay đổi thì dù ít dù nhiều nếp nhà có biến đổi cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng, quan trọng nhất là hồn cốt của gia phong vẫn còn được giữ, có giá trị định hình, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi thành viên, đặc biệt là con cái.

Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình. Bảo bọc nhau bằng cách là bảo ban giữ những điều tốt đẹp và để ứng xử với người trong gia đình, với người ngoài xã hội. Nếp nhà mà giữ không tốt thì đừng nói chuyện giữ cho xã hội tốt đẹp được. Điều đáng nói, giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình. Quan trọng để giữ nếp nhà là người lớn phải là tấm gương soi chiếu để cho con cái học theo. Cha mẹ mà không tốt – như bây giờ đang có hiện tượng xã hội xảy ra là cha mẹ có quyền có chức mà cố vơ vét rồi tham nhũng khi làm quan – thì con cái không thể nên thành được.

…..

Cho nên, gia đình là cái mốc đầu tiên, gia đình rồi mới tới làng xã, rồi tới môi trường rộng lớn hơn là xã hội. Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình. Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn.

[Nguyễn Sự – Người lớn phải là tấm gương soi chiếu. Dẫn theo Tuổi trẻ online ngày 25.02.2018]

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, nếp nhà là gì?

Câu 3. Anh/Chị hiểu ý kiến: “giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình” như thế nào?

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình.” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN [7,0 điểm]

Câu 1 [2,0 điểm]

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách giữ gìn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại.

Câu 2 [5,0 điểm]

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp hình tượng sông Đà qua đoạn trích sau:

Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.

[Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.190-191]

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

Câu 2. Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình.

Câu 3. Học sinh tự trình bày quan điểm của cá nhân mình về: giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình.

Câu 4. Học sinh có thể trả lời đồng ý hoặc không đồng ý với quan điểm của tác giả. Giám khảo cho điểm tùy vào việc giải thích hợp lý, thuyết phục của thí sinh.

Gợi ý: Đồng tình với quan điểm: “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình.”.

Vì: Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình bao gồm các thành viên, mỗi thành viên cũng chính là một công dân. Khi gia đình có nền tảng tốt, có những thành viên ưu tú thì xã hội sẽ phát triển tốt đẹp. Ngược lại, nếu gia đình đi xuống thì xã hội cũng sẽ kém phát triển, tụt lùi.

II. LÀM VĂN [7,0 điểm]

Câu 1 [2,0 điểm]

Gợi ý:

– Nếp nhà là gì? Một số quan điểm về nếp nhà

+ “Nhà phải có gia phong”, đó chính là nếp nhà, mà bây giờ nếp nhà được gọi là văn hóa gia đình.

+ Nếp nhà là rường cột gia đình.

+ Nếp nhà lung lay sẽ khiến đạo đức gia đình xuống cấp, đời sống trong gia đình theo đó bất ổn.

+ Nếp nhà vững thì gia đình mới ổn định và phát triển.

– Nếp nhà của người Việt: là những cách ứng xử, là lời ăn tiếng nói, là tình yêu đối với truyền thống văn hóa gia đình. [truyền thống kính trọng người già, tôn sư trọng đạo, nếp hiếu học, là tình yêu với nghề gia truyền, nét văn hoá kinh doanh, trách nhiệm với di sản của thế hệ trước để lại… ]

– Trong xã hội hiện đại, những tác động từ sự hội nhập phát triển tới gia đình rất mạnh mẽ, bao gồm cả mặt tích cực và tiêu cực.

+ Tích cực: đời sống gia đình văn minh, tiến bộ, phát triển hơn.

+ Tiêu cực:

  • Đó là tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau, phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo hành gia tăng.
  • Đời sống hôn nhân bất ổn với tỷ lệ “ly hôn xanh” ngày một nhiều.
  • Có không ít gia đình đã thay thế việc giao tiếp với nhau bằng công nghệ; trong những bữa cơm, cha mẹ, con cái cứ mỗi người một smartphone, một mối quan tâm riêng.
  • Ở ngoài xã hội bỏ rất nhiều công sức để chăm sóc nhân viên, chiều chuộng sếp, giữ chân khách hàng nhưng về nhà lại không quan tâm chăm sóc người thân.
  • Gia đình bị chi phối mạnh mẽ bởi công nghệ ngày một nhiều…

– Làm thế nào để giữ gìn nếp nhà trước cuộc sống hiện đại?

+ Người lớn trong gia đình cần làm gương để con cái noi theo.

+ Giáo dục, tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ nếp nhà trong sự hội nhập là cấp thiết.

– Liên hệ với bản thân em và gia đình.

—[Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy]—

ĐỀ SỐ 2

I – ĐỌC HIỂU [3,0 điểm]

Đọc đoạn trích:

Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại – nhất là thất bại trong các mối quan hệ – thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn… Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa… Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.

[Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, Tập 2 -Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, trang 02]

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, điều gì có thể giúp con người đứng lên sau thất bại?

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa…

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với ý kiến: “hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin”? Vì sao?

II. LÀM VĂN [7,0 điểm]

Câu 1. [2,0 điểm]

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày quan điểm của bản thân về cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại trong cuộc sống.

Câu 2. [5,0 điểm]

Trong bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh viết:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

[Theo Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr155]

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét về nét riêng trong cách thể hiện tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. Đọc hiểu

Câu 1

Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2

Theo tác giả, niềm tin vào ngày mai, vào những điều tốt đẹp sẽ giúp con người đứng lên sau thất bại

Câu 3

– Biện pháp tu từ: ẩn dụ: Cầu vồng [thành công], cơn mưa [khó khăn, thất bại]

– Tác dụng: làm cho cách diễn đạt trở nên gợi hình, gợi cảm. Nó cũng giúp chúng ta liên tưởng một điều: Muốn có được thành công, chúng ta phải trải qua những thử thách, gian khổ.

Câu 4

– Thí sinh thể hiện rõ quan điểm: có thể đồng tình/không đồng tình/ đồng tình một phần.

– Thí sinh lí giải được quan điểm của mình một cách hợp lý

II. Làm văn

Câu 1:

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ cách ứng xử của bản thân khi gặp thất bại

Có thể triển khai theo hướng:

– Tìm hiểu nguyên nhân thất bại

– Phải đối diện với thất bại và thừa nhận nó.

– Có thái độ phù hợp: tích cực, không bi quan

– Từ thất bại rút ra bài học kinh nghiệm, học hỏi thêm để hoàn thiện bản thân

– Đừng ngồi yên quá lâu, đứng dậy tiếp tục lập kế hoạch và hành động…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Hình tượng sóng và em trong khổ 5,6,7 của bài thơ Sóng.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ “Sóng” và vấn đề nghị luận.

* Cảm nhận đoạn thơ :

– Nhân vật trữ tình thể hiện chiều sâu nỗi nhớ thiết tha, mãnh liệt. Nỗi nhớ đi cả vào tâm thức, tiềm thức khiến nhân vật trữ tình trăn trở: con sóng dưới lòng sâu…

– Người phụ nữ khẳng định tình yêu thuỷ chung, son sắt dù có đi về nơi nào cũng chỉ hướng về một phương – đó là phương anh : Dẫu xuôi về phương Bắc…

– Nhân vật trữ tình tiếp tục chiêm nghiệm về những con sóng ngoài khơi xa luôn tìm về bờ dù xa xôi cách trở cũng như em luôn hướng về anh, anh là bến bờ bình yên của đời em .Từ những chiêm nghiệm về quy luật của sóng. Con nào…cách trở nhân vật trữ tình thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, lòng thủy chung có thể chiến thắng mọi khoảng cách, trở ngại để cập bến bình yên

+ Đánh giá:

– Nội dung:

+ Đoạn thơ thể hiện hình tượng nhân vật trữ tình – người phụ nữ đang yêu với tình yêu tha thiết thuỷ chung trọn vẹn trước sau không đổi dù bất kì hoàn cảnh nào.

+ Thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ vừa truyền thống, vừa hiện đại luôn tha thiết khắc khoải trong hạnh phúc đời thường.

+ Thể hiện phong cách thơ Xuân Quỳnh và đóng góp của tác giả đối với đề tài tình yêu trong thơ ca

– Nghệ thuật: Thể thơ 5 chữ, nhịp điệu tiết tấu dồn dập tạo âm hưởng dạt dào của sóng; xây dựng hình tượng sóng đôi: sóng và em; ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh, giàu sức biểu cảm; sử dụng thành công các biện pháp tu từ : điệp, nhân hoá, đối lập, ẩn dụ…

—[Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy]—

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU [3.0 điểm]

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả dập dờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Quê hương biết mấy thân yêu

Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.

Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên

Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa

Việt Nam đất nắng chan hòa

Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh

Mắt đen cô gái long lanh

Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung.

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? [0.5 điểm]

Câu 2. Trong bốn dòng thơ đầu, tác giả đã chọn những hình ảnh nào để tái hiện khung cảnh đất nước Việt Nam? [0.5 điểm]

Câu 3. Đoạn thơ đã thể hiện tình cảm gì của tác giả với quê hương, đất nước? [1.0 điểm]

Câu 4. Đọc đoạn thơ, anh/ chị cảm nhận được những vẻ đẹp nào của nhân dân, đất nước? [1.0 điểm]

II. LÀM VĂN [7.0 điểm]

Câu 1 [2.0 điểm]

Dựa vào nội dung của bốn dòng thơ được in đậm trong đoạn thơ ở phần Đọc hiều, hãy viết một đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam.

Câu 2 [5.0 điểm]

Cảm nhận về đoạn thơ sau:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

[Trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Dẫn theo Ngữ văn 12, tập một]

Nhận xét về chất liệu văn học được Nguyễn Khoa Điềm sử dụng trong đoạn thơ trên.

—- HẾT —-

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. Đọc hiểu

1.

Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát

2.

Các hình ảnh: Mênh mông biển lúa; Cánh cò bay lả dập dờn; Mây mờ che đỉnh Trường Sơn.

3.

Tình cảm của tác giả: yêu thương, gắn bó, tự hào, kiêu hãnh,… về nhân dân, đất nước.

4.

– Cần tập trung khái quát những vẻ đẹp của thiên nhiên và con người đất Việt:

+ Thiên nhiên vừa gần gũi, thơ mộng, êm đềm; vừa hùng vĩ, trù phú, tràn trề sức sống.

+ Con người vừa hiền hòa, bình dị; vừa bất khuất, hiên ngang- dẫu nếm trải bao nhiêu vất vả, gian nan, đau thương, mất mát mà tâm hồn vẫn sáng trong, nhân hậu, thủy chung

II. Làm văn

Câu 1:

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong 4 câu thơ…

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận

Tham khảo gợi ý sau:

– Trên hành trình mấy ngàn năm dựng nước và giữ nươc, dân tộc Việt Nam đã phải luôn đương đầu với những thử thách nghiệt ngã, đã phải nếm trải nhiều gian khổ, mất mát, hi sinh…

– Dân tộc Việt Nam đã vượt lên mọi gian nan, thử thách, mất mát, đau thương, bằng sức mạnh của tinh thần bất khuất, sức sống mãnh liệt và tâm hồn nhân ái, bao dung, tình nghĩa…

– Dân tộc Việt Nam mang vẻ đẹp hiền hậu, chất phác trong cuộc sống đời thường.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận về đoạn thơ. Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn học của Nguyễn Khoa Điềm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trường ca “Mặt đường khát vọng” và đoạn trích Đất Nước, dẫn dắt vào đoạn thơ cần phân tích, cảm nhận.

* Cảm nhận về đoạn thơ

– Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cái nhìn mới mẻ, sâu sắc về không gian địa lí của đất nước. Qua cách cảm nhận của nhà thơ, tất cả núi sông, rừng bể ấy đều là tặng vật của nhân dân.

+ Điệp từ góp cho khẳng định công lao vĩ đại của nhân dân.

+ Bằng trí tưởng tượng bay bổng, lãng mạn, nhân dân đã biến những sự vật vô tri, vô giác thành sống động, phi thường.

—[Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy]—

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Lý Thái Tổ. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Ôn Thi HSG.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Video liên quan

Chủ Đề