Làm thế nào để ghi nhớ nhanh nhất?

wikiHow là một trang "wiki", nghĩa là nhiều bài viết ở đây là nội dung của nhiều tác giả cùng viết nên. Để tạo ra bài viết này, 58 người, trong đó có một số người ẩn danh, đã thực hiện chỉnh sửa và cải thiện bài viết theo thời gian.

Bài viết này đã được xem 26.480 lần.

Ghi nhớ nhanh là một kỹ năng quan trọng rất cần thiết. Cho dù là đi học, đi làm hay chỉ đơn giản là để cải thiện bản thân, việc rèn luyện trí nhớ sẽ nâng cao năng lực của bạn và giúp trí não khỏe mạnh. Nghệ thuật ghi nhớ đã có từ thời cổ đại và lịch cũng ghi nhận nhiều cách thông minh để giúp con người ghi nhớ. Bằng việc áp dụng tâm lý học hiện đại, việc cải thiện trí nhớ có thể được chia thành năm phương pháp chính.

Các bước

  1. Đặt trường hợp bạn đang cố nhớ một vài bang và thủ phủ của những bang đó từ bờ Đông sang bờ Tây của nước Mỹ. Các bước trong phương pháp này sẽ hướng dẫn bạn cách nhớ những thông tin trên:

    • Để ghi nhớ bằng cách học thuộc lòng, chúng ta chỉ cần lặp lại những gì cần nhớ nhiều lần đến khi thông tin được khắc sâu trong trí nhớ. Việc lặp lại khiến cho não hình thành những liên kết và khuôn mẫu mới giúp bạn ghi nhớ thông tin - như các chuyên gia thần kinh học có nói: “những tế bào thần kinh nào dùng sóng điện liên lạc với nhau sẽ kết hợp và tăng cường cho nhau”.

  2. Lưu ý rằng phương pháp ghi nhớ bằng cách học thuộc lòng chỉ hiệu quả với một số loại thông tin. Việc ghi nhớ bằng cách lặp lại thông tin khuyến khích não hình thành những liên kết cần thiết để nói hoặc thực hiện những gì bạn đã nhớ.

    • Phương pháp ghi nhớ này phù hợp để nhớ các bước thao tác bằng tay và danh sách thông tin ngắn như danh sách mua sắm, cách khởi động xe ô tô hoặc cách là một chiếc áo sơ mi.
    • Tuy nhiên, phương pháp học thuộc lòng không hiệu quả với việc nhớ nhiều thông tin riêng lẻ hoặc khái niệm phức tạp như bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học từ trái sang phải, khái niệm duy vật biện chứng hoặc các bộ phận của động cơ xe ô tô.

  3. Lập danh sách những điều cần nhớ. Đảm bảo danh sách của bạn phải hoàn chỉnh và sắp xếp theo thứ tự mà bạn cần.

  4. Đọc những gì bạn cần nhớ. Đối với việc ghi nhớ các bang, bạn chỉ cần đọc đi đọc lại tên của từng bang.

  5. Nhắc lại thông tin cần nhớ mà không phải nhìn danh sách. Thử che một phần hoặc toàn bộ danh sách bằng một mẩu giấy và đọc lại phần thông tin đã được che. Thử kéo xuống bên dưới trang để che thông tin của bức ảnh phía trên - bạn có nhớ hai dòng cuối là gì không?

    • Ban đầu bạn sẽ nhớ sai nhiều lần - nhưng đừng nản! Đây chỉ là cách giúp não làm quen với việc ghi nhớ. Hãy cứ tiếp tục và chỉ sau vài phút, bạn sẽ nhớ mọi thứ mà mình cần nhớ.

  1. Hình dung bạn đang phải nhớ tên các quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Danh sách này có 10 quốc gia và bạn có thể chia chúng theo từng nhóm.

  2. Tìm hiểu xem việc chia nhóm thông tin phù hợp với những trường hợp nào. Phương pháp này phù hợp khi bạn muốn nhớ thông tin được hợp nhất từ những chi tiết nhỏ theo thứ tự hợp lý. Trong ví dụ trên, bạn có thể chia các quốc gia theo lục địa; các nguyên tố trong bảng tuần hoàn có thể được chia theo nhóm; hoặc nếu phải nhớ các bộ phận của một động cơ, bạn sẽ chia thông tin theo từng phần phụ (chẳng hạn như ống dẫn, động cơ, ống xả, mạch điện).

    • Nếu phải nhớ một số điện thoại, bạn hãy nhìn vào cách chúng ta viết số - cách viết này được hình thành để giúp ta nhớ thông tin theo nhóm. Ví dụ, số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh là (028) 88 247 247 sẽ dễ nhớ hơn theo từng nhóm ba số - 028 88 247 và 247 - thay vì nhớ theo thứ tự ngẫu nhiên 0, 288, 824, 7247.
    • Việc chia nhóm thông tin không phù hợp với những dữ liệu và ý tưởng lớn, phức tạp không thể chia nhỏ một cách dễ dàng. Ví dụ, bạn sẽ khó mà chia nhóm thông tin để nhớ khái niệm về nhân quyền, khái niệm về tính chất của một quốc gia hoặc danh sách các số điện thoại gần giống nhau.

  3. Chia nhóm thông tin cần nhớ thành những nhóm nhỏ hơn và dễ nhớ hơn. Vì bạn phải chia nhóm thông tin từ một nguồn lớn, phương pháp này thích hợp với nguồn thông tin có thể chia theo những nhóm hợp lý.

  4. Tập nhớ những mẩu nhỏ trong phần thông tin cần nhớ. Đối với ví dụ về các quốc gia trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bạn sẽ cố nhớ các quốc gia theo từng lục địa được liệt kê như trong bức ảnh trên.

  5. Tập liên kết các mẩu thông tin nhỏ. Việc nhớ từng phần thông tin chỉ là khởi đầu để nhớ toàn bộ thông tin khi dùng phương pháp này - bạn sẽ còn phải tập hợp các mẩu thông tin. Thử kéo xuống bên dưới trang để phần thông tin trong bức ảnh trên được che lại. Bạn nhớ được bao nhiêu thông tin trong danh sách đó?

  1. Đặt trường hợp bạn phải nhớ danh sách mua sắm. Danh sách của bạn bao gồm nhiều món đồ không có liên hệ gì với nhau.

  2. Tìm hiểu xem việc tạo chuỗi liên kết phù hợp với thông tin nào. Nếu phải nhớ nhiều món đồ thì phương pháp này không khả thi; vì lẽ đó, phương pháp tạo chuỗi liên kết chỉ thích hợp với những danh sách ngắn chứa thông tin khó nhớ.

    • Việc tạo chuỗi liên kết chỉ thích hợp với danh sách ngắn gồm những thông tin không liên quan đến nhau (chẳng hạn như danh sách gồm “cây cảnh, bàn phím, chai nhựa, gà con). Với danh sách này, bạn sẽ khó mà áp dụng phương pháp khác như chia nhỏ thông tin vì không có bất kỳ danh mục nào phù hợp để xếp thông tin theo nhóm.

  3. Đặt câu hoặc tạo ra hình ảnh có chứa tất cả thông tin mà bạn cần nhớ. Đây là phần thú vị nhất của phương pháp này: câu hoặc hình ảnh càng kỳ quặc và lạ lùng thì bạn sẽ càng dễ nhớ thông tin hơn. Ví dụ:

    • Bơ lạc và bánh mì sandwich hạt cà phê espresso được quấn bằng một sơi dây cáp mạng và được đâm xuyên qua một cây tuốc nơ vít.

  4. Lặp lại câu hoặc tái hiện hình ảnh và sau đó nhắc lại thông tin mà bạn đã cố nhớ qua việc đặt câu hoặc liên tưởng hình ảnh. Bạn sẽ dùng câu hoặc hình ảnh như là chìa khóa để nhớ thông tin cần thiết.

    • Bơ lạc và bánh mì sandwich hạt cà phê espresso được quấn bằng một sơi dây cáp mạng và được đâm xuyên qua một cây tuốc nơ vít
      =
      bơ lạc, hạt cà phê espresso, bánh mì sandwich, dây cáp mạng, tuốc nơ vít

  1. Hình dung bạn cần phải nhớ công thức lượng giác cơ bản. Chẳng hạn như với yêu cầu này, bạn sẽ phải tìm cách nhớ sin, cos, tan của một góc trong tam giác vuông.

  2. Tìm hiểu thuật nhớ. Thuật nhớ chỉ đơn giản là một từ chuyên ngành dùng để chỉ quá trình mà bạn đã được biết đến từ thời còn đi học. Nếu đã từng dùng mẹo nhớ OSACOMP để nhớ trật tự tính từ trong một cụm từ tiếng Anh (Opinion - quan điểm, Size - kích cỡ, Age - độ tuổi, Color - màu sắc, Origin - nguồn gốc, Material - chất liệu, Purpose - mục đích) hoặc “Nàng Mang Áo Sang Phố Sửa Cho Anh” để nhớ một số nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học (Na Mg Al Si P S Cl Ar), bạn đã biết dùng thuật nhớ.

  3. Tìm hiểu xem thuật nhớ phù hợp với thông tin nào. Nếu bạn phải nhớ nhiều thông tin và không thể đặt câu ngắn hoặc cụm từ thì sẽ khó mà áp dụng phương pháp này; vì lẽ đó, phương pháp dùng thuật nhớ, tương tự như việc tạo chuỗi liên kết chỉ thích hợp với số ít thông tin có thể sắp xếp theo nhóm. Thuật nhớ thích hợp hơn với việc nhớ danh sách các từ, nhưng không hiệu quả khi nhớ những danh sách dài không có sự liên kết rõ ràng, như danh sách số điện thoại hoặc dãy số pi.

  4. Tạo ra mẹo nhớ. Mẹo nhớ chỉ đơn giản là câu hoặc cụm từ "chủ đạo" giúp bạn nhớ thông tin. Với ví dụ ban đầu, bạn có thể tạo một từ vô nghĩa, nhưng đơn giản và dễ nhớ.

  5. Tập nhớ mẹo nhớ của bạn và những thông tin mà bạn cần nhớ từ mẹo đó. Thử kéo xuống bên dưới trang để che nội dung ở bức ảnh trên xem bạn có nhớ thông tin từ mẹo nhớ hay không?

  1. Chẳng hạn như bạn phải nhớ các bộ phận trong phần trượt của súng ngắn 1911. Danh sách các bộ phận của súng từ trước ra sau mà bạn cần nhớ gồm có:

    • Thanh trượt
    • Đầu nòng súng
    • Nòng súng
    • Chốt nổ
    • Móc kéo vỏ
    • Búa gõ

  2. Tìm hiểu phương pháp liên tưởng. Trí não của con người rất giỏi liên tưởng mọi thứ. Khả năng này đã ăn sâu đến nỗi chúng ta có thể áp dụng nó để ghi nhớ thông tin. Đối với phương pháp ghi nhớ này, bạn sẽ tạo ra một hành trình hoặc chuyến tham quan bằng hình ảnh liên quan đến thông tin cần nhớ. Việc tái hiện hành trình hoặc chuyến tham quan bằng hình ảnh sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin.

  3. Tìm hiểu khả năng áp dụng phương pháp liên tưởng. Phương pháp liên tưởng rất hữu ích, đặc biệt khi bạn có trí tưởng tượng phong phú. Xuyên suốt thời kỳ lịch sử, con người đã biết áp dụng một vài biến thể của phương pháp liên tưởng (chẳng hạn như tưởng tượng đang đi quanh những ngôi nhà trí óc, nhìn quanh một căn phòng tưởng tượng hoặc lật một quyển sách ảo) để sắp xếp trí nhớ.

    • Thông tin có thể dễ dàng chia nhỏ và sắp xếp trong không gian rất thích hợp với phương pháp liên tưởng - chẳng hạn như những khổ thơ, các bộ phận của một động cơ hoặc phương pháp chế biến một món ăn.
    • Thông tin không thể chia nhỏ thường khó phù hợp với phương pháp này - chẳng hạn như khái niệm cơ bản của Trường phái tranh ấn tượng trừu tượng, lịch sử của Chiến tranh Hoa hồng hoặc các bước để hẹn hò với ai đó.

  4. Hình dung ra một chuỗi trí nhớ bổ sung và liên kết chúng với thông tin cần nhớ của bạn. Bạn sẽ dùng trí nhớ bổ sung như là "chìa khóa quan trọng" để ghi nhớ thông tin.

    • Vì lý do này, nếu bạn có một danh sách thông tin rời rạc không thể liên kết lại với nhau, việc này sẽ khó hình thành "chìa khóa quan trọng". Với ví dụ ở phần đầu, chúng ta chỉ cần tưởng tượng bản thân trở thành một người tí hon có thể đi vào bên trong khẩu súng ngắn 1911.

  5. Luyện tập lướt qua hình ảnh trong trí não của bạn và ghi nhớ thông tin cần thiết. Việc này có thể trở nên thú vị hoặc đơn giản và dễ nhớ tùy theo khả năng của bạn. Với ví dụ của chúng ta, một người tí hon đi vào khẩu súng 1911 sẽ nói:

    • "Đầu tiên, tôi gặp đầu nóng súng và ở bên trong đó tôi có thể nhìn thấy một nòng súng. Phía sau nóng súng và khóa nòng, tôi nhìn thấy một chiếc lỗ nhỏ giúp tôi nhìn rõ chốt nổ và ở bên trái bộ phận này là móc kéo vỏ đặt sát vào thành của thanh trượt; khi đi đến cuối đường, tôi gặp bộ phận búa gõ của súng."

  6. Thực hành đi và khám phá hình ảnh trong trí não của bạn. Vài lần trong ngày, bạn nên tập trung và tái hiện hình ảnh của chuyến đi. Bạn tập luyện càng nhiều thì sẽ càng nhanh chóng nhớ thông tin hơn.

  7. Tập nhắc lại thông tin đã nhớ từ hình ảnh trong trí não của bạn. Khi thực hiện bài tập liên tưởng hình ảnh, trí não của bạn sẽ càng giỏi trong việc hình thành sự mường tượng vốn là "chìa khóa quan trọng", nhưng điều đó vẫn chưa đủ - bạn cần phải nhớ những chi tiết thêm vào phần hình ảnh tưởng tượng của mình. Thử "đi ngược" - bắt đầu với một danh sách thông tin, thử xem bạn có thể tái hiện chính xác hành trình trí não hoặc "chìa khóa quan trọng" ban đầu hay không.