Long beach là ở đâu


Bài và hình: Trịnh Hảo Tâm

Long Beach là thành phố biển xinh đẹp có khí hậu như vùng Côte d’Azur của miền Nam nước Pháp. Long Beach không ở đâu xa ngay cạnh phía Tây của Little Saigon miền Nam California. Thành phố Long Beach thuộc Quận Los Angeles theo thống kê năm 2010 có 462,257 người là thành phố lớn thứ nhì trong vùng đô thị Los Angeles. Long Beach là thành phố kỹ nghệ với nhiều xưởng lọc dầu, những hãng sản xuất máy bay như Boeing, McDonnell Douglas, xưởng đóng tàu, lắp ráp xe hơi, chế tạo vũ khí v.v…và Long Beach sở hữu một hải cảng lớn nhộn nhịp tàu bè nhất nhì trên thế giới. Long Beach lại là một thành phố du lịch với bờ biển dài cát trắng, nhiều địa điểm giải trí như hồ cá Aquarium of the Pacific, con tàu cổ Queen Mary và ngoài khơi là hải đảo Catalina nước xanh cát trắng chỉ cách bờ một giờ tàu chạy.


Tàu Queen Mary trong hải cảng Long Beach.

Dân Việt ta ở Little Saigon không mấy ai mà không biết thành phố Long Beach, nhiều người đến đó hàng ngày vì họ làm trong các hãng xưởng lắp ráp máy bay, đóng tàu hay các nhà máy lọc dầu. Từ khu Little Saigon của thành phố Westminster cứ theo đường Westminster Ave. đi về hướng Tây phía mặt trời lặn khoảng 8 miles là ra tới bờ biển của thành phố Long Beach. Trên con đường này du khách sẽ đi qua khu phố Naples là một hòn đảo nhân tạo bao quanh bằng những con kênh đầy những du thuyền neo đậu. Con đường chính trên đảo là đường Số Hai [2nd Street] chính là đường Westminster Ave. nối dài, nơi đây nhà hàng quán rượu lúc nào cũng đông thực khách. Du khách cứ tiếp tục đi về hướng Tây Nam vào đường Ocean Blvd. sát bờ biển, nếu là tín đồ Thiên Chúa Giáo có thể dừng lại nơi góc đường Redondo Ave. và East Ocean Blvd. để kính viếng tượng “Ðức Mẹ Con Sò.”

Tượng “Ðức Mẹ Con Sò”

Tại sao gọi là “Ðức Mẹ Con Sò” vì sau lưng bức tượng Ðức Mẹ Maria đá trắng là một bệ đứng có hình chiếc vỏ sò. Có nhiều tin đồn cho rằng tượng Ðức Mẹ ở đây rất linh thiêng, nhiều người có bệnh đến cầu xin và đã được khỏi. Câu chuyện tượng Ðức Mẹ ở đây cũng có nhiều điều kỳ lạ: nguyên khu cơ sở này trước kia là tu viện của các bà sơ dòng kín Thiên Chúa Giáo. Sau 40 năm tu kín tại đây, thành phố ngày càng đông đúc, các bà sơ muốn dọn về vùng phía Bắc như Santa Barbara yên tịnh cho việc tu trì. Các bà sơ bán tu viện đi và chủ mới lại là một thiền viện của Phật Giáo Ðài Loan. Theo lời các ông sư trụ trì ở đây cho biết trong sân tu viện các bà sơ bỏ quên lại một pho tượng Ðức Mẹ nằm sát tường rào lẫn trong gạch vụn và các ông sư có ý muốn di dời tượng Ðức Mẹ ra khỏi thiền viện. Ngày qua tháng lại, thiền viện nghĩ rằng Ðức Mẹ là vị thánh cũng như Phật Bà Quán Âm nên đổi ý định không di dời tượng nữa và hàng tuần có nhiều giáo dân người Mễ Tây Cơ vốn trước đây thường đến, xin vào sân chùa cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ. Số giáo dân tới ngày càng đông và họ tin rằng tượng Ðức Mẹ rất linh thiêng, nhiều người đã nhận được ơn chữa lành. Người thăm viếng mỗi ngày đều đến, họ xin vào thiền viện để viếng tượng nằm bên trong tường rào. Ðể giữ sự yên tịnh cho thiền viện, các sư ông phải tìm mua tượng khác và đặt bên ngoài hàng rào để cho giáo dân dễ dàng thăm viếng cầu nguyện. Hiện nay hầu như lúc nào cũng có người tới cầu xin, dâng cúng hoa đèn và phía trước là bãi cỏ luôn xanh tươi. Bên kia đường là bờ biển Long Beach nước xanh bát ngát với hàng cọ vi vu trong gió.

Tượng Ðức Mẹ nguyên thủy của các bà sơ vẫn còn bên trong, chỉ sau bức tường nơi đặt tượng “Ðức Mẹ Con Sò,” trước đây vào sáng Chủ Nhật thiền viện mở rộng cửa cho khách hành hương vào chiêm bái thánh tượng bên trong khuôn viên nhưng kể từ ngày 8 tháng 8, 2009, không còn cho phép người ngoài vào nữa. Riêng tượng Ðức Mẹ bên ngoài có thể thăm viếng bất cứ lúc nào nhưng yêu cầu mọi người đọc kinh trong thinh lặng và không hát lớn vì cần sự tĩnh lặng để tu tập hành thiền. Thiền viện Phật Giáo trên cổng chính có bảng đề “Long Beach Sagely Monastery – Trường Ðê Thánh Tự” và địa chỉ ghi là 3361 East Ocean Blvd., Long Beach, CA 90803.


Tượng “Ðức Mẹ Con Sò” ở bờ biển Long Beach.

Khu phố Cambodia Town Long Beach

Lái xe lên hướng Bắc du khách sẽ gặp khu phố người Cambodia nằm trên đường Anaheim với nhiều cơ sở thương mại kéo dài hơn một mile từ đường Atlantic cho tới đường Junipero. Trên đoạn đường này du khách có cảm tưởng như lạc vào thành phố Nam Vang với những bảng hiệu bằng chữ Khmer, những nhà hàng, tiệm quần áo, mỹ phẩm, nữ trang vàng bạc, lại chen lẫn là những ngôi chùa với mái chóp cong theo kiến trúc Khmer. Lại có những bãi bày bán xe hơi, những tiệm bán phụ tùng và sửa chữa xe cộ, những phòng mạch bác sĩ, văn phòng luật sư, du lịch bán vé máy bay, dĩa nhạc, gởi tiền v.v…

Vào những chợ thực phẩm, du khách sẽ tìm gặp những loại rau trái đặc sản của người Cambodia như đậu rồng, rau nhúc, mò om v.v… không biết trồng ở California hay nhập về từ Hawaii? Trong chợ vang lên những bài hát trữ tình bằng tiếng Khmer, sách báo, tạp chí và ở Long Beach cũng có những đài truyền hình địa phương bằng tiếng Khmer.

Khu phố Camdodia được chính quyền thành phố chính thức công nhận vào năm 2007 với tên Cambodia Town hay còn được gọi là Little Phnom Penh là khu phố Cambodia lớn thứ nhì ngoài Á Châu sau khu phố Cambodia ở Paris. Hiện có khoảng 20,000 người Cambodia định cư ở Long Beach chiếm 4% tổng số dân cư của thành phố. Hàng năm cộng đồng Cambodia tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như ngày Tết thường rơi vào ngày 13 hay 14 tháng 4 Dương lịch. Trên các xa lộ như 710 có các bảng hướng dẫn lối vào khu Cambodia Town.

Nhắc đến cộng đồng Cambodia trên đất Mỹ người ta thường nhắc đến nghề mở tiệm bán bánh donut [doughnuts]. Cũng như nghề nail của người Việt trên đất Mỹ, đa số các tiệm donut ở California là do người Cambodia làm chủ, theo báo Los Angeles Times vào thập niên 1990 con số tiệm donut do người Cambodia làm chủ lên đến 2,400 tiệm.

Vua donut ở Long Beach

Lịch sử nghề kinh doanh Donut của người Cambodia ở Cali ghi lại công lao thành tích của một người có công tiền phong khám phá và truyền nghề lại cho đồng hương của mình. Theo bài viết của ký giả Sam Quinones trên nhật báo Los Angeles Times thì “Vua Donut” là ông Ted Ngoy người Cambodia sinh sống ở Long Beach, ông là triệu phú chủ nhân nhiều tiệm donut nhưng vì ham mê bài bạc sau đó ông trở thành kẻ không nhà.

Theo báo Los Angeles Times, ông Ngoy là thiếu tá trong quân đội Cambodia, dưới thời Tổng Thống Lonnol ông tùng sự tại lãnh sự quán bên Thái Lan. Năm 1975, Pol Pot và Khmer Ðỏ cướp chính quyền, cuộc diệt chủng mở đầu, ông Ngoy thuộc làn sóng người Cambodia tỵ nạn đầu tiên trên nước Mỹ. Sau khi ra khỏi trại tỵ nạn Pendleton gồm hai vợ chồng và ba đứa con do nhà thờ Lutheran ở Tustin bảo trợ, ông Ngoy đi làm nhân viên quét dọn. Sau đó xin được việc làm thứ hai ở trạm xăng. Gần cây xăng có một tiệm donut, ông thường đến mua bánh và quan sát sinh hoạt của tiệm, buôn bán như thế nào? Gặp và làm quen với ông chủ tiệm cho biết hệ thống Winchells Donut có chương trình huấn luyện để làm quản lý. Ngoy xin vào học nghề và làm quản lý cửa tiệm Winchells ở Newport Beach, anh thuê vợ và đứa cháu vào làm trong tiệm. Cả nhà làm 17 tiếng đồng hồ một ngày và dành dụm tiền bạc trong nhiều năm.


Tiệm thực phẩm trong khu phố Cambodia Town Long Beach.

Ngoy mua tiệm donut đầu tiên ở thành phố La Habra do một cặp vợ chồng về hưu sang lại và đổi tên tiệm là Christys Donut là tên của vợ ông. Tiệm trở nên đắt khách và ông mua thêm 4 tiệm khác ở các thành phố lân cận như Fullerton, Anaheim, Buena Park. Tất cả đều nằm trong hệ thống Christys Donut do gia đình ông làm chủ. Lúc đó dân tỵ nạn Cambodia đến California khá đông, ông có sáng kiến giúp những người này có công ăn việc làm với nghề donut. Tiệm donut không khó điều hành chỉ cần thức sớm để làm bánh và lời cũng khá, với một viên bột nhỏ vốn vài xu, sau khi chiên lên sẽ thành cái bánh bán 65 xu và nhân viên thuê mướn toàn người nhà. Ngoy mua và mở thêm nhiều tiệm và cho đồng hương người Cambodia sang lại. Ông chỉ họ cách làm bánh và tính sổ sách, dạy họ thế nào là bánh Old Fashion, Jelly-Filled, Glazed… Ông giúp họ cách thức xin giấy phép, vay tiền ngân hàng mua trang thiết bị lò bánh, mua nguyên vật liệu v.v… Nhờ Ngoy giúp mà hàng ngàn người Cambodia bỏ gánh nặng trợ cấp xã hội, sống bằng nghề donut, học Anh văn, mua nhà, mua xe và đưa con cái vào đại học. Ðến bây giờ Ngoy không nhớ nỗi đã làm chủ và sang cho người khác không biết bao nhiêu tiệm donut. Không phải chỉ ở vùng Los Angeles mà còn tiến lên vùng Bắc Cali như San Jose, San Francisco, Sacramento và lan qua các tiểu bang khác.

Khoảng giữa thập niên 1980, Ngoy đã thành triệu phú và hơn cả tiền bạc, ông được sự kính nể của mọi người nhất là sự thương mến của đồng hương. Vợ chồng ông mua một ngôi nhà 3 tầng rộng 7,000 square-feet trị giá một triệu đô thời ấy ở Mission Viejo. Ngoy thích chơi xe Cadillac và bà vợ thích Mercedes Benz mui trần. Họ có một nhà nghỉ mát ở Big Bear, căn nhà luân phiên sử dụng [time share] ở Acapulco và họ đi du lịch nhiều nơi Âu Châu. Năm 1991, Ngoy gia nhập đảng Cộng Hòa và giúp quỹ tranh cử cho Tổng Thống George Bush.

Rồi giữa lúc giàu sang danh giá, sau một lần đi chơi ở Las Vegas, Ngoy bắt đầu ham mê cờ bạc, ông thổ lộ: “Khi ngồi vào bàn bài, tôi thấy rất hứng khởi, dường như ma lực trong cơ thể sai khiến, không thể cưỡng lại được!” Ngoy trước kia nướng bánh, bây giờ nướng không biết bao nhiêu tiền trong các sòng bài đen đỏ. Hết tiền ông lại đi mượn những người quen biết và không trả được. Ðồng hương từng được ông giúp đỡ, ban bè xa lánh vì sợ ông mượn tiền. Nhiều lần thề thốt hứa với vợ là đoạn tuyệt bài bạc nhưng chứng nào tật nấy, ma lực xui ông trở lại sòng bài.

Năm 1990, sau cuộc thua bài, gia đình xào xáo Ngoy bay lên Washington DC xin vào chùa, cạo đầu, mặc áo cà sa. Ông vua donut tu tâm được một tháng. Sau đó ông còn bay về Thái Lan, ngụ ở ngôi chùa miền quê, sáng sáng đi chân không, ôm bình bát đi khất thực.

Sau chuyến khổ tu, trở lại quận Cam ông lại bài bạc hơn trước, Ngoy than thở: “Sư sãi không giúp được tôi. Phật cũng chẳng cứu nỗi tôi!” Ông trở lại Cambodia hoạt động chính trị, thành lập đảng Cộng Hòa Tự Do và tin rằng chính trị sẽ giúp ông bỏ được cờ bạc. Tuy nhiên với nhà nước CS Ngoy không thể sinh hoạt chính trị với họ được. Ông tố cáo họ tham nhũng và bay trở lại Los Angeles với trong túi chỉ còn 50 đô. Trong thời gian ở Cambodia, Ngoy lại quen với một cô gái trẻ và có với cô này hai đứa con.

Ngày nay trở về Long Beach với hai bàn tay trắng, bị vợ ly dị, tuổi già sức yếu không còn làm được việc gì. Không tiền bạc, nhà cửa, ông phải sống nhờ sự giúp đỡ của một đồng hương cho ông một chiếc giường trong một căn mobile home.

 
Sách du lịch Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản 8 quyển ký sự du lịch:

1. Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam 2. Miền Tây Hoa Kỳ 3. Ký Sự Du Lịch Trung Quốc 4. Mùa Thu Ðông Âu 5. Tây Âu Cổ Kính 6. Miền Ðông Nước Mỹ Và Canada 7. Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái

8. Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Tất cả đều dầy trên 300 trang trình bày đẹp, mỗi quyển đồng giá 15 USD [bao cước phí trong nước Mỹ] xin liên lạc: Trịnh Hảo Tâm [714] 528-1413. Email:

Video liên quan

Chủ Đề