Nguyên nhân viêm da cơ địa

30-11-2021

Bệnh viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa hay gọi là bệnh chàm thể tạng, chàm trẻ em (Eczema, Atopic Dermatitis) là một bệnh da phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi: từ trẻ em đến người già, phụ nữ và nam giới đều có thể mắc bệnh. Nếu không điều trị đúng và đủ liệu trình có thể dẫn đến tình trạng bệnh mạn tính, hay tái phát. 

Nguyên nhân viêm da cơ địa

Bệnh này hay gặp ở người có da khô, người trẻ và người già không chăm sóc da hoặc chăm sóc da không đúng. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nếu bệnh nhân gãi nhiều gây xây xát da, có thể dẫn đến nhiễm trùng da và biến chứng nặng khác như: nhiễm trùng máu,… Viêm da cơ địa gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh trong các sinh hoạt hằng ngày.

Bệnh liên quan đến yếu tố môi trường như: môi trường ô nhiễm có khói, bụi, rác thải,... và cũng liên quan đếu yếu tố di truyền: Tùy vào các thể bệnh mà các triệu chứng sẽ có tính chất, biểu hiện cùng với mức độ tiến triển khác nhau:

-    Thể cấp tính: các triệu chứng xuất hiện gồm các đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to. 

  • Vị trí hay gặp nhất là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới các chi,… Hay gặp ở trẻ sơ sinh, có thể khởi phát sau 3 tuần tuổi.

-    Thể bán cấp: các triệu chứng xuất hiện các sẩn đỏ, vết trợt, da dày, mụn nước khu trú hay lan toả cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát. 

  • Vị trí hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm da dạng mạng lưới, ít khi ở mặt duỗi các chi. Bệnh gặp ở trẻ lớn (hơn 2 tuổi)

-    Thể mãn tính: các triệu chứng xuất hiện: mụn nước, sẩn đỏ dẹt, có vùng da dày thành mảng, lichen hoá, ngứa.

  • Vị trí hay gặp: nếp gấp khuỷu, khoeo, cổ, rốn, vùng da quanh mắt,... Khi bệnh lan toả thì vùng nặng nhất là các nếp gấp,… Bệnh thường xuất hiện ở thanh thiếu niên và người lớn.

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng được chia làm 2 loại chủ yếu là yếu tố bên trong cơ thể và yếu tố bên ngoài tác động vào:

Yếu tố bên trong cơ thể 

-    Di truyền là yếu tố thường gặp nhất trong những gia đình có người thân mang bệnh này. Nếu trong gia đình có người thân đã mắc bệnh này thì có yếu tố di truyền cho con cháu của họ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khi cả bố lẫn mẹ đều mang bệnh thì tỉ lệ con cái gặp các biểu hiện bất thường trên da thường sẽ rất cao. Khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này và nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con khi sinh ra có đến 80% cũng bị bệnh.

-    Những người có làn da dễ khô, thiếu độ ẩm, hoặc da nhạy cảm,… là điều kiện thuận lợi cho bệnh này phát triển. 

-    Những trường hợp mắc phải các bệnh lý da như viêm nang lông, chốc lở,... và các tổn thương da như các vết thương, trầy xước da,... nếu không được chăm sóc, điều trị đúng trong một thời gian dài, sẽ xuất hiện nhiễm khuẩn nặng hơn, cũng có khả năng là nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa.

-    Bệnh cũng gặp ở người bệnh có thể chất bị suy yếu liên quan đến độ tuổi (người già, trẻ em, phụ nữ mang thai,...), bị suy yếu hệ miễn dịch bẩm sinh như suy dinh dưỡng, sinh non,... hoặc mắc các bệnh lý khác khiến sức đề kháng trở nên kém hơn người bình thường.

Yếu tố từ bên ngoài 

-    Môi trường sống ô nhiễm do tác động từ các chất thải dạng khí và lỏng từ xe cộ và nhà máy là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh. Ở những khu vực có môi trường sống ô nhiễm hơn sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn các khu vực khác.

-    Vệ sinh cá nhân kém, không thường xuyên rửa tay bằng các sản phẩm tẩy rửa, diệt khuẩn,... thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn dễ bị mắc bệnh hơn.

-    Chế độ ăn không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất,... khiến hệ miễn dịch suy yếu và thể trạng kém, không đủ sức bảo vệ và ngăn chặn các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

-    Thời tiết hanh khô cũng là một yếu tố khiến làn da mất đi độ ẩm cần thiết, trở thành môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, nấm ký sinh,... phát triển của bệnh.

Các liệu pháp điều trị

Ngoài sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định, một số liệu pháp sau có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm da cơ địa:

Băng thuốc:

Với những trường hợp nặng, băng thuốc là cách điều trị hiệu quả và chuyên sâu. Liệu pháp này thường được thực hiện ở bệnh viện, do bác sỹ Da liễu chỉ định điều trị và theo dõi. Có hai dạng băng vùng bị viêm bằng corticosteroid dạng bôi và băng ướt.

Liệu pháp ánh sáng

Với những trường hợp bệnh không đáp ứng thuốc bôi hoặc bệnh thường hay tái phát, sẽ áp dụng liệu pháp ánh sáng, đó là phơi da dưới ánh sáng tự nhiên nhất định. Một số dạng khác của liệu pháp này là sử dụng tia UVA và UVB nhân tạo, có thể kết hợp với thuốc điều trị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, nếu sử dụng liệu pháp này lâu dài có thể gặp tác dụng phụ bao gồm lão hóa da sớm và cũng làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, liệu pháp ánh sáng hạn chế sử dụng ở trẻ nhỏ và tuyệt đối không được dùng cho trẻ sơ sinh.

 Liệu pháp tâm lý

Các liệu pháp giúp thư giãn, sửa đổi hành vi và phản hồi sinh học có thể giúp hạn chế tình trạng gãi.

Biện pháp phòng ngừa viêm da cơ địa

Để ngừa bệnh bùng phát và giúp cải thiện tình trạng khô da, có thể áp dụng các cách sau:

-    Dưỡng ẩm cho da: Bôi kem dưỡng ẩm phù hợp với da ít nhất hai lần một ngày
-    Tránh và hạn chế các tác nhân có hại cho da: tránh môi trường khô lạnh, thừa cân, béo phì, tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa quá mạnh, khói bụi và phấn hoa có thể làm bệnh viêm da cơ địa nặng thêm. Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể bị viêm da cơ địa khi ăn một số loại thực phẩm như trứng, sữa, đậu nành và lúa mì
-    Hạn chế tắm quá lâu: Tắm nước ấm trong khoảng thời gian 10 - 15 phút là hợp lý
-    Sử dụng xà phòng có tính chất dịu nhẹ: Hãy chọn những loại xà phòng có tính dịu nhẹ với làn da và phù hợp lứa tuổi. Những loại xà phòng có chất khử mùi và kháng khuẩn có thể khiến da bị khô do làm mất một lượng dầu tự nhiên trên da
-    Lau khô người thật kỹ sau khi tắm: Sau khi tắm, nhẹ nhàng dùng khăn mềm vỗ nhẹ lên da để thấm nước, tránh cọ xát khăn với da quá mạnh.

Người bệnh viêm da cơ địa nên ăn gì?

-    Thực phẩm nên ăn: Các loại cá giàu omega như cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá mòi và cá trích (giúp kháng viêm); thực phẩm lên men như sữa chua, súp miso... có chứa nhiều probiotic (giúp kháng khuẩn); trái cây và rau củ nhiều màu như táo, cherry, súp lơ xanh, cải bó xôi hay cải xoăn có chứa nhiều flavonoid (kháng viêm) hỗ trợ điều trị viêm da cơ địa;

-    Thực phẩm nên tránh: Trứng, cà chua, đậu nành, các loại hạt, trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ sữa, các thực phẩm có chứa gluten, các gia vị như vani, đinh hương và quế, các thực phẩm có chứa nhiều niken như trà đen, socola, thịt đóng hộp, các hải sản có vỏ như ốc, sò, cua,... các loại đậu như đậu nành, đậu lăng, đậu Hà Lan,...;

-    Kiêng một số thực phẩm gây dị ứng: như lê, cà rốt, hạt phỉ, cần tây, táo xanh

Người bệnh có nhu cầu khám và tư vấn các bệnh về Da nên đến khám tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng 

BS. CKI Nguyễn Quang Phúc 
Chuyên khoa Da liễu – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng