Ba lần tiễn con đi 2 lần khóc thầm lặng lẽ

STO - Như bao bà mẹ khác, khi đất nước cần, mẹ Lê Thị Nuôi ở ấp Đắc Thắng, xã Thiện Mỹ (Châu Thành) cũng sẵn sàng để con theo cách mạng. Đất nước thống nhất, mẹ mừng mừng, tủi tủi vì hai người con của mẹ đã ra đi mãi mãi không về.

Mẹ Lê Thị Nuôi cho biết, mẹ có 4 người con trai, 4 người con gái. Thời chiến tranh ác liệt, gia đình mẹ vừa lo cái ăn, vừa lo chạy giặc. Các con mẹ cũng dần lớn lên trong cảnh mưa bom bão đạn, từ trong gian khổ mà hình thành ý chí cách mạng. Nói về hai người con liệt sĩ, mẹ thở dài: “Chiến tranh mà, sao tránh khỏi kẻ còn người mất”.

Trong chiến tranh, gia đình mẹ sống giữa hai đồn giặc, đồn Nhà Thờ và đồn Hàng Xoài. Không chịu được cảnh bị kìm kẹp, con trai thứ hai của mẹ, anh Lâm Duy Bình thoát ly gia đình theo cách mạng ở Tiểu đoàn Tây Đô, với nhiệm vụ là trinh sát đặc công. Năm 1973, trong một lần tham gia đánh đồn giặc ở xã Phú Tâm (thuộc huyện Châu Thành ngày nay), anh Duy Bình đã hy sinh.

Ba lần tiễn con đi 2 lần khóc thầm lặng lẽ

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nuôi xúc động khi xem lại hình ảnh của con. 

Nói đến đây, ký ức ngày xưa như hiện về, nước mắt mẹ lại rơi. Mẹ kể: "Khi nhận được giấy báo tử, cùng lá thư của đơn vị nói về hành động dũng cảm của con, mẹ khóc như mưa. Nghe đồng đội của nó kể, thằng Bình chết trong đồn giặc, xác bị để ngoài trời khá lâu. Trong đợt đánh đồn tiếp theo, đồng đội mới mang được thi thể con mẹ về, nghe nói đã phân hủy. Làm cha làm mẹ ai nghe mà không đau lòng. Kỷ vật gởi về mẹ đào đất giấu ngay trong đêm, ngày hòa bình kiểm tra lại thì có một số đã mục nát".

Đau thương tiếp nối đau thương, con trai thứ ba, anh Lâm Văn Đấu xin mẹ tham gia du kích xã, giết giặc trả thù cho anh. Theo lời mẹ, anh Đấu là chiến sĩ cách mạng vô cùng gan dạ, nhiều lần đối đầu địch đều không sợ, cứ liều chết mà đánh. Bọn ác ôn ở hai đồn gần nhà biết chuyện, bao lần đến nhà gây khó dễ, bắt vợ chồng mẹ tra tấn "thừa chết thiếu sống". Mẹ nhớ lại: “Trong hoàn cảnh đó, mẹ cố tình đánh lạc hướng nói Lâm Văn Đấu là con nuôi, hồi nhỏ thấy nó bị bỏ rơi nên đem về chăm sóc. Giờ nó bỏ nhà đi, theo ai, làm gì sao tôi biết được. Lúc đó lòng mẹ đau lắm, vì hoàn cảnh mà ngay cả con mình cũng không dám nhận. Mẹ hận chúng thấu xương, nếu lúc đó giết chúng nó được mẹ giết ngay”. Vậy rồi, một ngày đầy tiếng súng của năm 1974, mẹ lại nghe tin dữ, anh Lâm Văn Đấu bị lính đồn Nhà Thờ bắn chết. Bọn chúng đem xác anh về vứt ở bên sông đối diện nhà mẹ, nhìn con mẹ đau đớn nhưng nước mắt phải chảy ngược.

Hai người con của mẹ hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 19. Các anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, góp phần tô đậm thêm những trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Mẹ xúc động chia sẻ: “Mẹ rất tự hào về con mình, không ngại hiểm nguy cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ quê hương. Nhưng mẹ cũng thấy buồn vì chúng nó hy sinh khi đất nước gần thống nhất, không có cơ hội được chứng kiến ngày đại thắng mùa xuân”.

Lướt đôi bàn tay nhăn nheo sờ từng kỷ vật, mẹ dừng lại chỉ vào bức ảnh chụp với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, rồi kể: "Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2014, sau có chuyến đi theo đoàn ra Thủ đô Hà Nội. Lúc đi mẹ nói là có mong ước được chụp ảnh cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi chụp ảnh lưu niệm, đồng chí Vũ Đức Đam hỏi ai là mẹ Lê Thị Nuôi, rồi mời lại đứng gần và nắm tay động viên, an ủi. Lúc đó mẹ rất run, nhưng thấy ấm lòng vì sự quan tâm, thái độ thân thiện của lãnh đạo cấp cao". 

Trong căn nhà tình nghĩa được Nhà nước hỗ trợ xây dựng gần 10 năm trước, mẹ cẩn thận dành một góc riêng để lưu giữ đồ kỷ niệm. Hàng ngày, mẹ có thể đi chợ mua đồ với khoảng cách hơn 2 cây số, tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, tự chăm sóc bản thân để con cháu an tâm đi làm. Ước nguyện của mẹ là tìm được phần mộ của anh Lâm Duy Bình đưa về an nghỉ nơi quê hương, vì sau nhiều biến cố đến nay đã bị thất lạc. Lúc còn khỏe mạnh, mẹ đã đi rất nhiều lần ở các nghĩa trang, đặc biệt ở TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang nhưng chưa tìm thấy...

Phước Liêu

Cập nhật, 11:02, Thứ Sáu, 30/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Tôi sinh ra vào những năm tháng đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh chống Mỹ. Các anh tôi, từ năm 1967 đến 1969 cứ mỗi năm lần lượt hết anh Hai, đến anh Ba, rồi anh Tư lên đường nhập ngũ mang theo tinh thần "phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang" ước mong một ngày đất nước thanh bình.

Ba lần tiễn con đi 2 lần khóc thầm lặng lẽ
Má tôi cũng ba lần tiễn con ra trận và chỉ có một anh trở về.

Lúc tôi mới lên ba, lên năm không biết sao lâu lâu lại không thấy một anh. Và mỗi lần như thế tôi cứ khóc mè nheo đòi anh với má. Má cũng không giải thích với tôi mà chỉ im lặng...

Lớn lên chút, chừng 6, 7 tuổi gì đó, tôi thấy má cứ lâu lâu lại chở một xuồng, sau đuôi đặt máy KOHLE 4, phía dưới là gạo, mắm muối, thức ăn, thuốc men, mùng mền, bên trên che lại bằng lá dừa từng bó, từng bó đi đâu đó vài hôm mới về. Không biết má đi đâu, nhưng tôi cũng khóc đòi đi theo cho bằng được.

Cuối cùng có một ngày rồi cũng tôi được má cho đi theo. Cũng đầy ắp những vật dụng ấy, chiếc xuồng băng băng lướt sóng qua những con sông có rộng, có hẹp đầy dừa nước, lau sậy, tràm, đước...cứ đi mãi, đi mãi. Trong mắt tôi lúc đó má rất oai phong, rất anh hùng!

 Xuồng chạy liên tục 4- 5 tiếng đồng hồ, trời tối, cuối cùng má tấp vào một nơi hoang vu, rừng rậm, nhưng rất nhiều bộ đội.

Và bất ngờ hơn, tôi được gặp anh Hai, anh Ba của mình mà trong lòng thấy mừng mừng tủi tủi. Các anh giải thích là đi theo cách mạng để đáng Mỹ, giải phóng thống nhất đất nước.

Các anh cho biết đây là vùng căn cứ kháng chiến ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Bộ đội cũng thân thiện, chăm sóc tôi rất chu đáo, thương yêu tôi như em gái của mình.

Tôi được các anh cho những bọc bánh hình xoắn vị sầu riêng rất lạ, rất ngon (giống bánh snack hiện nay) và được các anh ấy giải thích là chiến lợi phẩm thu được sau những trận đánh với Mỹ.

Tối ấy tôi được chơi, được ngủ với anh Hai, anh Ba thật là vui. Rồi tờ mờ sáng, tôi và má lại bịn rịn chia tay các anh về lại quê nhà.

Một lần, chạng vạng tối má lại lấy xuồng chở đầy ắp những vật dụng như mấy lần trước, cũng máy KOHLE chở tôi đi, bảo rằng đi thăm anh Tư. Lần này đi gần hơn, độ gần 1 giờ là tới. Má ghé vào một nơi hoang vu, chung quanh là dừa nước, lau sậy, ôrô...

Tình cờ hôm ấy là ngày lễ cưới của 2 anh, chị bộ đội, được trang hoàng rất lạ mà lần đầu tôi mới thấy. Trên trời che một cái dù rất to, to ơi là to (dù bằng chiến lợi phẩm thu được từ trái pháo sáng của địch), bên dưới là các hàng dài trải mặt bàn cao su hoa, bánh ngọt và xôi, chung quanh trang trí bằng các khẩu hiệu  "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ", "Tổ quốc là trên hết"... 

Khi lớn lên tôi mới biết đó là đám cưới trong vùng kháng chiến được tổ chức theo đời sống mới, gọi là tuyên hôn, tuyên bố gì đó.

Sợ địch phát hiện nên không tổ chức ban ngày, chỉ tổ chức ban đêm, không nấu nướng và phải che dù hạn chế ánh sáng và khói. Và nơi ấy là khu trù mật ở xã Song Phú, giáp Ngãi Tứ, Tam Bình.

Một ngày cuối tháng 7/1973, tôi thấy má đi ra đi vào, nước mắt rưng rưng, lặng người, buồn buồn cả ngày không làm được chuyện gì cả.

Nhưng tôi còn nhỏ quá cũng không suy nghĩ nhiều, cũng không biết nói gì để chia sẻ cùng má. Cho đến một lần đâu khoảng cuối năm 1974 gì đó, tôi đòi đi thăm anh Hai, anh Ba, má mới cho tôi xem 2 giấy báo tử và nói “Anh Hai, anh Ba con đã hy sinh rồi”! Tôi và má  ôm nhau khóc...

Đất nước hòa bình, tâm nguyện của anh Hai, anh Ba cùng hàng vạn chiến sĩ chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã hoàn thành...

Ngày độc lập, mừng khi anh Tư trở về nguyên vẹn, nhưng lòng má tôi luôn đau đáu khi chưa tìm được mộ anh Hai, anh Ba để đưa về với má. Mỗi lần nghe câu hát "Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ..." là lòng tôi cứ thắt lại. Câu hát ấy như ám vào chính cuộc đời má tôi. Má tôi cũng ba lần tiễn con ra trận và chỉ có một anh trở về khi đất nước thanh bình!

Tựa theo bài hát "Đất nước" của Phạm Minh Tuấn

THANH THỦY (TPVL)

Dù đã ở tuổi 93 nhưng sự minh mẫn vẫn còn thể hiện rõ trên ánh mắt, khuôn mặt của mẹ và những lời mẹ nói.

Mẹ kể rằng, mẹ lấy chồng khi chưa đầy 20 tuổi,sinh được 6 người con. Ba anh con trai của mẹ: Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Đỏ đều hy sinh trong Cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người con đầu Nguyễn Văn Nhật vào chiến trường khi vừa tròn 17 tuổi và tham gia chống càn ở thị xã Long Khánh đúng vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh Nhật vào chiến trường chưa đầy 3 tháng thì người con thứ hai của mẹ, anh Nguyễn Văn Minh cũng noi gương anh đi đánh Mỹ. Giấu nước mắt vào lòng, mẹ động viên các anh vững vàng ra trận. Bản thân mẹ cùng chồng và các con ở nhà cũng đều tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Một buổi chiều mùa mưa năm 1967, khi mẹ vừa từ ruộng lúa trở về thì nhân được tin như sét đánh ngang tai: anh Nguyễn Văn Nhật đã ngã xuống trong một trận chống càn tại đồn bốt Long Khánh. Cầm Giấy báo tử con trai, mẹ gắng gượng lập bàn thờ và tìm tấm di ảnh cũ để thờ con.

Chưa đầy một năm sau, anh Nguyễn Văn Minh, người con trai thứ hai của mẹ tiếp tục ngã xuống nơi chiến trường khói lửa, để lại vợ trẻ và con thơ. Một mình mẹ lại lặng lẽ lập thêm một bàn thờ nữa thờ con…

Sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968,, anh Nguyễn Văn Đỏ, người con trai thứ ba lại xin phép mẹ được xung phong đi bộ đội. Mẹ lặng đi. Nỗi đau mất hai anh Nhật và Minh còn vẹn nguyên, nhức nhối trong tim mẹ. Nhưng mẹ hiểu rằng, đất nước đang chiến tranh…

Ngày tiễn con lên đường, mẹ thầm ao ước chiến tranh nhanh kết thúc để anh Đỏ được về bên mẹ. Vậy mà, năm 1971, tình thế giằng co giữa ta và địch ngày càng căng thẳng, người con trai thứ ba của mẹ cũng vĩnh viễn nằm lại mảnh đất quê hương trong một trận chống càn ác liệt. Ngày chiến thắng đã cận kề mà con của mẹ không còn về được nữa, đau đớn là thế, mất mát là thế, mẹ âm thầm lập thêm một bàn thờ nữa thờ con. Không khuất phục, mẹ cùng chồng và những người con còn lại tiếp tục là cơ sở vững chắc nuôi giấu cán bộ cách mạng cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng…

Chiến trạnh đã lùi rất xa, nỗi đau chiến tranh đã dần dần được hàn gắn nhưng trong đôi mắt sâu thẳm của người mẹ ấy vẫn không thể nguôi ngoai nỗi nhớ về những người con đã ra đi mãi mãi không trở về. Dù đã ở tuổi 93 nhưng hàng ngày mẹ vẫn nói với người con dâu út lấy tấm di ảnh của anh Nhật để mẹ ngắm và lau chùi rồi thắp hương cho anh, còn tấm bằng ghi công của anh Đỏ, anh Minh, vợ và con trai các anh đã xin phép mẹ đưa về thờ cúng.

Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của mẹ cho cách mạng, Nhà nước đã phong tặng cho mẹ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ngay đợt đầu tiên năm 1994. Gia đình mẹ liên tục được công nhận là gia đình văn hóa và gia đình cách mạng gương mẫu.

Dù mất 3 người con nhưng các con của mẹ từ mọi miền đất nước vẫn luôn về thăm, chăm sóc mẹ. Ai cũng cầu chúc mẹ sẽ sống lâu để làm tấm gương sáng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.