Tổng quan ngành ngân hàng Việt Nam

Tổng quan ngành ngân hàng Việt Nam

Thống đốc NHNN vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu

Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xác định 7 nhóm mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát của ngành ngân hàng.

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, hỗ trợ điều hành CSTT...

Thứ hai, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” sau khi được phê duyệt, trong đó tập trung xử lý các TCTD yếu kém. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn (dưới 3%); ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính thao túng, chi phối trong các TCTD liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, nhất là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Thứ tư, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trật tự kỷ cương, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế.

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hoàn thiện khung pháp lý ngành ngân hàng

Để thực hiện các mục tiêu,Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tích cực tham mưu, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn, trọng tâm là: xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); rà soát, tổng kết, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật các TCTD… nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về điều hành CSTT, tín dụng và quản lý ngoại hối; khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh tra, giám sát,…

Về điều hành CSTT, tín dụng, ngoại hối và vàng: Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ và giải pháp CSTT phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra. Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ. Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh…

Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

NHNN sẽ chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường vàng, các chính sách giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; phòng chống rửa tiền; Triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng…

Đối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu tổ chức triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối; chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; tuân thủ các quy định về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ tại TCTD, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh mới; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng… Các TCTD tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán và chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ giảm phí cho khách hàng, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.

Huy Thắng


Sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam có thể được đánh dấu từ sự ra đời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 06/05/1951. Tuy nhiên, trước 1990, hệ thống ngân hàng Việt Nam là hệ thống một cấp, không có sự tách biệt giữa chức năng quản lý và chức năng kinh doanh. NHNN vừa đóng vai trò Ngân hàng Trung ương vừa là Ngân hàng thương mại. Đến năm 1990, do nhu cầu chuyển đổi từ cơ chế quản lý kinh doanh xã hội chủ nghĩa sang cơ chế thị trường có sựđiều tiết của nhà nước trong chủ trương phát triển nền kinh tếđa thành phần, ngày 23/05/1990, Hội đồng Nhà Nước ban hành pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp lệnh về các tổ chức tín dụng.

Hai pháp lệnh này đã chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ hệ thống một cấp sang hệ thống hai cấp. Từ đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được tổ chức tương tự như hệ thống ngân hàng các nước có nền kinh tế thị trường: chức năng của NHNN được thu hẹp lại, chỉ còn giám sát chính sách tiền tệ, phát hành tiền, quản lý hệ thống tín dụng, giám sát các ngân hàng thương mại, quản lý dự trữ ngoại hối với mục tiêu hàng đầu là bình ổn tiền tệ và kiểm soát lạm phát, trong khi chức năng trung gian tài chính (huy động và phân bổ vốn) được chuyển sang cho các ngân hàng thương mại.

Cải cách hệ thống ngân hàng năm 1990 đã xoá bỏ được tính chất độc quyền nhà nước, góp phần đa dạng hoá hoạt động ngân hàng về mặt hình thức sở hữu cũng như về số lượng ngân hàng. Cụ thể, số lượng ngân hàng TMCP (NHTMCP) đã tăng lên nhanh chóng. Từ năm 1991-1993, số lượng NHTMCP nhảy vọt từ 4 ngân hàng lên đến 41 ngân hàng và đạt đỉnh điểm là 51 ngân hàng vào năm 1997. Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997, một số NHTMCP do kinh doanh không hiệu quả, bị phá sản hoặc rút giấy phép hoạt động nên con số này đã giảm.

Giai đoạn 2000 – 2007, là giai đoạn đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu lại toàn diện hệ thống ngân hàng nhằm củng cố và phát triển theo hướng tăng cường năng lực quản lý về tài chính, đồng thời giải thể, sáp nhập, hợp nhất hoặc bán lại các NHTMCP yếu kém về hiệu quả kinh doanh. Do đó, thời kỳ này số lượng các ngân hàng TMCP đã giảm xuống đôi chút so với những năm cuối của thập kỷ 1990. Ngoài ra, số lượng các chi nhánh và đại diện của các ngân hàng nước ngoài có xu hướng gia tăng theo các cam kết đã ký, trước hết là hiệp định thương mại Việt-Mỹ, hiệp định khung về thương mại dịch vụ (AFAS) của ASEAN. Kết quả là, tỷ trọng về số lượng NHTMCP giảm xuống so với toàn hệ thống ngân hàng thương mại, từ đỉnh cao 73% ở năm 1993 xuống còn 40% vào năm 2007. Đến năm 2008 và 2009, do hai ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) là ngân hàng Ngoại thương và ngân hàng Công thương lần lượt chuyển đổi sang hình thức cổ phần nên tỷ lệ này đã tăng lên chiếm khoảng 42% năm 2008 và 43% năm 2009 so với toàn ngành.

Số lượng các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn tương đối ổn định, từ bốn NHTMNN được thành lập ban đầu tăng lên 7 ngân hàng trong năm 2015. Trong số các NHTMNN, có bốn ngân hàng lớn nhất hệ thống: NHTMCP Ngoại thương (VCB), NHTMCP Công thương (CTG), NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Các ngân hàng còn lại bao gồm Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương và Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng. Số lượng các ngân hàng được chia thành các nhóm ngân hàng nhà nước (NHNN), ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNN) và ngân hàng liên doanh được thể hiện cụ thể tại bảng cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại giai đoạn 2009-2015 dưới đây:

Tổng quan ngành ngân hàng Việt Nam

Nguồn: Thống kê của NHNN

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thu Nga (2017). Phân tích mối quan hệ giữa rủi ro tín dụng với hiệu quả kinh doanh của các NHTMCP Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  2. Berger, A. N., De Young, R. (1997), ‘Problem loans and cost efficiency in commercial Banks’, Journal of Banking And Finance, (21) 6, pp. 849-870.
  3. Williams, J., ( 2004), ‘Determining management behaviour in European Banking’ Journal of Banking and Finance 28, pp. 2427-2460.
  4. Rossi, S., Schwaiger, M., and Winkler, G. (2005), ‘Managerial Behaviour and Cost/Profit Efficiency in the Banking Sectors of Central and Eastern European Countries’, Working Paper, No. 96, Austrian National Bank.