Chấm dứt khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn

Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM) trình bày quan điểm trên trong tham luận: "Xây dựng Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".

Ông khẳng định, sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, "tiên học lễ hậu học văn", đề cao sự phục tùng. Trong khi đó, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.

GS Trần Ngọc Thêm kiến nghị: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".

"Chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển", ông nhấn mạnh thêm.

Quan điểm trên đã gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt của dư luận. 

"Tiên học lễ…" không còn hợp thời?

Trao đổi với Dân Trí, phụ huynh Lê Hải Nam (Hà Nội) chia sẻ, nên bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", thay thế bằng môn học giáo dục nhân cách để học sinh thích ứng và hòa nhập với xã hội hiện đại.

"Cốt lõi của câu "Tiên học lễ, hậu học văn" là nhấn mạnh việc trau dồi đạo đức bên cạnh việc học lấy tri thức, kỹ năng. Đây là phương châm mà nền giáo dục của nhiều quốc gia hướng đến.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, chữ "lễ" trong khẩu hiệu quả là khó hiểu với trẻ em, bởi ngay cả người lớn (trong đó có tôi) cũng hiểu lơ mơ về nó. Chữ "lễ" trong đầu tôi có cái nghĩa rất đẹp, rất rộng, nhưng cũng rất chung chung, tới mức trừu tượng và thậm chí khó có thể diễn tả bằng lời.

Cho đến bây giờ, chín người thì mười ý về chữ "lễ" trong "Tiên học lễ, hậu học văn". Sự tranh luận không hồi kết này phần nào cho thấy sự không hiệu quả của việc treo các câu khẩu hiệu. Giáo dục không dựa trên những tiêu chí cụ thể rõ ràng sẽ không mang lại hiệu quả. Do đó, đã đến lúc phải chấm dứt hô hào khẩu hiệu. Thay vì nói khơi khơi là học "Tiên học lễ..", chúng ta nên dạy học sinh cách giao tiếp, ứng xử xã hội. Trực tiếp giáo dục nhân cách học trò như vậy sẽ tốt hơn so với việc chỉ nói đến một chữ "lễ" mơ hồ và vẫn còn gây tranh cãi rất nhiều năm".

Chấm dứt khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn

"Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu được nhiều trường sử dụng như một lời nhắc nhở mỗi học sinh và giáo viên khi đã bước chân vào môi trường giáo dục thì điều đầu tiên phải học là học về lễ độ, cách ứng xử. (Ảnh: K.P)

Tương tự, thầy N.T.H. (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) bày tỏ, lâu nay, nhiều ngôi trường duy trì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" nhưng lại không chú trọng chuyển hóa nó thành hiện thực. Thậm chí, một số cơ sở giáo dục còn đầu tư làm khẩu hiệu và treo rất hoành tráng, nhưng giáo viên lại không có cơ hội và cũng không biết làm thế nào để có thể dạy "lễ" cho học sinh. Đây là lý do dẫn đến nhiều sự việc đáng trách như học sinh "xử" nhau bằng vũ lực; trò hỗn láo, đòi "solo" với giáo viên hay người thầy không tôn trọng ý kiến, quan điểm cá nhân của trẻ…

"Nếu chỉ đơn giản là treo khẩu hiệu rồi quên đi việc thực hiện phương châm ấy, thì theo tôi là nên chấm dứt để giảm thiểu căn bệnh hình thức. Trên thực tế, bất cứ khẩu hiệu nào, dù hay và ý nghĩa đến đâu, nhưng cũng sẽ trở nên vô giá trị khi nó mãi chỉ là khẩu hiệu suông, nói mà không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn.

Chẳng cần reo hò "Tiên học lễ, hậu học văn", mỗi thầy cô hãy tạo ra môi trường kỷ cương, nề nếp bằng cách trở thành tấm gương đạo đức cho học sinh, song song với việc truyền đạt kiến thức. Dù không "đao to búa lớn" như những câu khẩu hiệu, nhưng đây chính là việc làm chuẩn mực và thiết thực với nền giáo dục nước nhà".

Bàn luận về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, dưới sự ảnh hưởng của lễ giáo Nho học, "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành khẩu hiệu không thể thiếu ở hầu hết các trường phổ thông. Nó mang ý nghĩa tốt đẹp, như một lời nhắc nhở mỗi học sinh và giáo viên khi đã bước chân vào ngành giáo dục thì điều đầu tiên phải học là học về lễ độ, cách ứng xử.

Tuy nhiên, đã đến lúc nên chấm dứt khẩu hiệu này bởi mỗi thời đại cần đưa ra một khẩu hiệu, phương châm giáo dục riêng. Không nên đem khẩu hiệu từ thời Nho học, phong kiến để áp vào thời đại xã hội chủ nghĩa; nhất là giai đoạn kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp như hiện tại.

"Trong giai đoạn kinh tế tri thức, cần phải xem xét để đưa ra khẩu hiệu mà ở đó đòi hỏi con người làm chủ được tương lai, tri thức và công nghệ; chứ không đơn thuần là "lễ và văn" như thời xưa. Giáo dục kiến tạo, giáo dục hướng đến sự tự do… rất cần cho việc giáo dục con người trong thời đại mới" - GS Phạm Tất Dong cho biết.

Bỏ đi vai trò của giáo dục đạo đức là sai lầm

Tuy nhiên, nhiều cá nhân bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

"Tôi đồng ý trong giáo dục hiện nay, cần đề cao tư duy phản biện, khai phóng, nhưng chấm dứt triết lý "Tiên học lễ, hậu học văn" thì không nên. Hai vấn đề này thuộc về hai phạm trù khác, không hề mâu thuẫn, không nhất thiết phải hy sinh cái nọ để vun trồng cho cái kia" - cô Khổng Hà (giáo viên Ngữ văn cấp 2 tại Hải Phòng) nêu quan điểm.

Nhà giáo này cho rằng, không nên hiểu hai chữ "lễ" và "văn" trong câu "Tiên học lễ, hậu học văn" một cách quá thiển cận, gò bó giống như kiểu lễ lạc, phục tùng hay chỉ học về thơ văn. Ý nghĩa của câu nói này rất rộng. "Lễ" nhắc nhở con người về khía cạnh đạo đức, nhân cách con người, bao gồm cả lòng yêu nước thương nòi, tinh thần nhân đạo…; còn "văn" thì thuộc về phạm trù tri thức, khoa học…

Theo đó, trong giáo dục, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần đặt việc rèn luyện đạo đức, nhân cách con người lên hàng đầu. Kiến thức thì có thể trau dồi vào năm lên 5, lên 6, nhưng đạo đức con người phải được uốn nắn ngay từ thuở "bập bẹ" và cần liên tục thực hành, học hỏi suốt năm tháng về sau.

"Để một nền giáo dục thành công, cần chú trọng đầu tư về nhân cách, đạo đức, bởi Bác Hồ đã nói "Người tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Điều đó cho thấy cái "đức" quan trọng hơn "tài", cái "lễ" phải học trước cái "văn" - cô Hà nhấn mạnh.

Gắn bó 15 năm với sự nghiệp trồng người, giảng viên Q.H. (trường ĐH Quản lý và Công nghệ) chia sẻ, đạo đức là gốc rễ, góp phần hình thành nên nhân tài. Trên thực tế, có những người không cần quá giỏi, nhưng cách hành xử giao tiếp với mọi người luôn trọn tình, trọn nghĩa, phù hợp chuẩn mực thì ai cũng kính trọng và dễ dàng thành công.

Vì lẽ đó, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" - với ý nghĩa nhắc nhở con người cần chú trọng việc rèn luyện nhân cách, chính là phương châm giáo dục đúng đắn muôn đời, không gì có thể loại bỏ hay thay thế.

Đặc biệt, trong xã hội hiện tại, khi một bộ phận con người đang bị vật chất, kim tiền làm cho tha hóa, nhiều giá trị văn hóa đang dần mất đi… việc chúng ta chấp nhận bỏ đi giá trị của giáo dục đạo đức thì chẳng khác nào cái cây đang tự chặt đứt rễ của mình.

Chấm dứt khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn
Nếu hiểu chữ "lễ" cho đúng, vận dụng cho linh hoạt thì "lễ" hoàn toàn không xung đột với tư duy phản biện hay sự chủ động, sáng tạo trong học tập. (Ảnh: K.P)

"Tôi cho rằng, quan điểm "Tiên học lễ, hậu học văn" không hề cản trở quá trình khai mở tư duy phản biện hay giải phóng sức sáng tạo. Nếu chúng ta hiểu chữ "lễ" cho đúng, vận dụng hợp lý thì "lễ" không những không xung đột với tư duy phản biện hay sự chủ động trong học tập, mà thậm chí hai yếu tố này còn nâng đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Một học trò có lễ nghĩa, đạo đức, kính trên nhường dưới… thì sẽ càng có nền tảng để phát triển tư duy.

Vì vậy, đừng tranh cãi xem vấn đề này có quan trọng, hay bỏ nội dung này, nội dung kia. Đổi mới quan điểm giáo dục là cần thiết, nhưng không phải là gạt bỏ hoàn toàn những giá trị truyền thống. Phương châm giáo dục nào tốt, mang giá trị cốt lõi thì cần được trân trọng, gìn giữ, phát huy… Và quan trọng hơn cả, cần phát triển song song việc "học chữ" với "học làm người", tuyệt đối không được phủ nhận một yếu tố nào, có như vậy nền giáo dục mới có thể nâng cao" - giảng viên Q.H nhấn mạnh. 

Thiếu vắng "Tiên học lễ, hậu học văn" trong hướng dẫn

Trong tham luận phát biểu tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. HCM) nêu quan điểm: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo…

Đa phần ý kiến cho rằng, khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo trong giáo dục con người là mục tiêu tốt đẹp và cần hướng tới; song không thể vì điều này mà chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Trở lại với câu khẩu hiệu, một bất ngờ thú vị mà chúng tôi được biết, theo văn bản số 282/BGDĐT- CTHSSV năm 2017 về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học của Bộ GD-ĐT, ở mục định hướng khẩu hiệu, không có câu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Một số nhà quản lý giáo dục cũng cho biết, hiện nay nhiều trường học tại các địa phương ít duy trì khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", mà thay bằng các khẩu hiệu khác có tính thời sự hơn.

Chấm dứt khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn

Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trước đây được treo nhiều ở các nhà trường (Ảnh: Sở GD-ĐT Lai Châu). 

Cụ thể, theo văn bản 282, ở phụ lục 2 về định hướng nội dung và sử dụng khẩu hiệu trong trường học, Bộ GD-ĐT đưa ra các định hướng khẩu hiệu phù hợp với từng cấp học.

Chẳng hạn ở cấp mầm non, việc lựa chọn khẩu hiệu phải kết hợp cả chữ và hình ảnh, nội dung tập trung mối quan hệ giữa thầy cô giáo và trẻ em như: Ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con ; Trường mầm non - Ngôi nhà ấm áp của bé ; Cô giáo như mẹ hiền; Bé vui khỏe - Cô hạnh phúc; Hãy dành những điều tốt nhất cho trẻ...

Ở cấp tiểu học, khẩu hiệu nên tập trung các nội dung giáo dục ý thức học tập; giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục bảo vệ môi trường… như: Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan - Trường khang trang - Lớp thân thiện; Mỗi ngày đến trường là một ngày vui; Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực; Tất cả vì học sinh thân yêu…

"Hướng dẫn về khẩu hiệu trong nhà trường, Bộ GD-ĐT không quy định "cứng" nhà trường bắt buộc phải treo khẩu hiệu nào. Theo đó, tùy đặc điểm của từng địa phương, từng trường học để có lựa chọn khẩu hiệu sao cho phù hợp hoặc còn khuyết thiếu mà nhà trường đó cần phấn đấu".  

Với cấp THCS, các nội dung khẩu hiệu về cơ bản tương tự như ở Tiểu học, tuy nhiên ngôn ngữ thể hiện phải phù hợp với đối tượng học sinh THCS. Ngoài ra, cần có thêm nội dung định hướng cho học sinh lên cấp THPT hoặc định hướng lập nghiệp, như: Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan; Thi đua Dạy tốt - Học tốt; Đoàn kết, kỷ cương, giúp nhau cùng tiến bộ…

Trong khi đó, ở cấp THPT, khẩu hiệu vừa mang tính giáo dục ý thức đạo đức, trách nhiệm học tập với học sinh, vừa thể hiện đạo đức trách nhiệm và mối quan hệ thầy trò và tôn chỉ, mục đích, nề nếp của nhà trường, chẳng hạn: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để cùng chung sống; Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Tri thức là chìa khóa mở cửa tương lai; Hôm nay em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường tự hào về em..

Đối với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo cần sử dụng hệ thống khẩu hiệu phù hợp với đặc thù đào tạo ngành nghề; cơ bản cần thể hiện được các nội dung về: Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; Thể hiện được mục tiêu lập nghiệp của sinh viên…

Trao đổi với PV Dân trí ngày 26/11, một đại diện ở Bộ GD-ĐT cho hay, ở hướng dẫn về khẩu hiệu trong nhà trường, Bộ GD-ĐT không quy định "cứng", yêu cầu hay áp đặt trường học phải treo khẩu hiệu nào.

Theo đó, tùy đặc điểm của từng địa phương, từng trường học để có lựa chọn khẩu hiệu sao cho phù hợp hoặc còn khuyết thiếu mà nhà trường đó cần phấn đấu. 

Chấm dứt khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn

Các nhà trường nên lấy yếu tố giáo dục con người làm phương châm đầu tiên, thay vì đặt nặng câu "Tiên học lễ, hậu học văn". (Ảnh: M. Hà). 

Không sai nhưng đừng lạm dụng "Tiên học lễ, hậu học văn"

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, Hà Nội cho hay, khẩu hiệu trong trường học trước hết phải đáp ứng tính giáo dục, dễ hiểu, dễ thực hiện.

"Dựa trên hướng dẫn trên đây của Bộ GD-ĐT, các trường học ở địa phương chúng tôi chủ động chọn các khẩu hiệu phù hợp với đặc điểm trường mình.

Hiện nay, các trường trên địa bàn ít xuất hiện khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", thay vào đó là trích dẫn một số câu nói nổi tiếng của Bác Hồ hoặc các vị lãnh tụ, về mối quan hệ thầy trò, thậm chí cả vấn đề an toàn giao thông hoặc an toàn chống dịch", ông Oanh cho biết.

Nhà giáo, TS Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cũng ủng hộ nên đổi mới các khẩu hiệu trong nhà trường. Ông nói: "Tiên học lễ, hậu học văn" không có gì sai, có điều không nên lạm dụng". 

Theo nhà giáo này, mấy chục năm trước, câu "Tiên học lễ, hậu học văn" rất có ý nghĩa nhưng từ khi làm giáo dục, đặc biệt trải nghiệm ở môi trường giáo dục ngoài công lập nhiều năm, ông thấy thời đại hiện nay, câu nói đó không còn phù hợp nữa.

"Ngày xưa chúng ta chưa có nền công nghiệp phát triển, việc giáo dục phần lớn là lễ nghi, hạn chế năng lực nên cái "Lễ" hay nói cách khác là phương pháp ứng xử rất quan trọng, thậm chí phải đi đầu.

Nhưng hiện nay, chúng ta kế thừa cái cũ nhưng có mức độ và đặt khẩu hiệu đó trong hoàn cảnh nhất định, không quá đặt nặng trong các nhà trường nữa.

"Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới trong giáo dục nói rằng, chúng ta đào tạo con người thì nhân cách, phẩm chất và năng lực phải đi đôi với nhau. Chúng ta không chỉ coi trọng phẩm chất và cũng không thể coi trọng năng lực, cả hai đều phải song hành, gắn chặt làm một thể thống nhất.

Trong khi dạy phẩm chất phải hình thành năng lực và trong khi dạy năng lực, phải giáo dục để phát triển phẩm chất", thầy Hòa phân tích.

Cũng theo nhà giáo này, ở trường ông và nhiều trường học hiện nay vẫn đang chú trọng phát triển cả giáo dục năng lực và giá trị sống bởi cả hai đều quan trọng, không nên tách bạch hoặc đặt cái gì lên trước, cái gì sau, tránh hiểu lầm.

 Nhà trường muốn treo khẩu hiệu thì hãy treo những câu khác phù hợp hơn, lấy yếu tố giáo dục con người làm phương châm đầu tiên, chẳng hạn: "Giáo dục hãy vì sự tiến bộ và phát triển của mỗi học trò; Giáo dục vì sự phát triển của mỗi người"… thì hay hơn.

Chấm dứt khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn

Một lớp học của Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Giáo dục trong nhà trường hiện nay, câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không còn là yếu tố hàng đầu, bởi mục tiêu của giáo dục trước hết phải vì sự tiến bộ và hạnh phúc của những đứa trẻ.

"Ở trường chúng tôi, khẩu hiệu hiện nay là: "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" và câu thứ hai là: "Giáo dục hướng tới con người, hướng tới sự phát triển của học sinh thân yêu".

Sở dĩ tôi chọn hai câu này vì đây là tư tưởng cơ bản của Nghị quyết 29 và tôi cho rằng, đây mới là điều tuyệt vời, là chân lý thực sự của giáo dục.

Giáo dục phải hướng đến sự phát triển toàn diện của con người, không phải chạy theo thành tích, không chạy theo điểm số hoặc giải nọ giải kia. Giáo dục nhằm phát triển con người, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Và điều này đã được soi sáng bởi Nghị quyết 29, nên tôi chỉ đạo thầy trò trong nhà trường quyết tâm thực hiện.

Thứ hai, muốn thực hiện được điều này, phải thay đổi về mục tiêu giáo dục, về cách ứng xử giữa người với người. Muốn như vậy, thầy cô phải thay đổi trước thì học sinh sẽ thay đổi theo.

Một khi giáo dục thay đổi, xã hội thay đổi, chúng ta sẽ tạo ra một nền tảng mới, diện mạo mới và đây chính là mục tiêu mà chúng tôi phấn đấu", TS Nguyễn Văn Hòa nói.