Nhân vật trữ tình trong bài Sóng

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Sóng Ngữ văn lớp 12 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Sóng này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 12 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 12.

Câu hỏi: Nhân vật trữ tình sóng và em trong bài thơ Sóng?

Trả lời:

Bài thơ có hai hình tượng xuyên suốt: sóng và em.

- Em - cái tôi trữ tình của nhà thơ.

- Sóng - hình ảnh ẩn dụ của người con gái đang yêu, là sự hóa thân của em - một kiểu đặc biệt của cái tôi trữ tình nhập vai.

⇒ Sóng soi chiếu vào nhân vật em để làm sáng lên tâm hồn em với những sắc thái tâm trạng phong phú, đa dạng; có khi sóng hoà điệu vào tâm hồn em để giãi bày, bộc bạch. Thực chất hai hình tượng tuy hai mà một, đều thể hiện một cái tôi Xuân Quỳnh tha thiết yêu thương, mãnh liệt mà đầy nữ tính.

Giải chi tiết:

1/ Giới thiệu chung:

- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.

- “Sóng” là bài thơ tình đặc sắc được Xuân Quỳnh sáng tác nhân chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng: tình yêu thiết tha, nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thuỷ, vượt lên mọi giới hạn của đời người nhưng cũng chất chứa nhiều day dứt, lo âu.

2/ Phân tích:

Sóng và Em song hành với nhau trong suốt chiều dài bài thơ cùng thể hiện những trạng thái cảm xúc, những khao khát mãnh liệt trong tâm hồn em.

- Em băn khoăn thức nhận về tâm hồn mình và về khát vọng tình yêu của mình (Khổ 1): 

+ Những trạng thái tâm lí phong phú, đa dạng, luôn chứa đựng những biến động, thao thức thất thường, vừa nồng nàn, táo bạo, tha thiết, vừa tỉnh táo, đắm say "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ..."

+ Trong tình yêu, "em" không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể"

- Em trăn trở cắt nghĩa, lý giải về tình yêu của mình (Khổ 2, 3): Tình yêu luôn thường trực, "Bồi hồi trong ngực trẻ" nhưng chính em cũng không trả lời được "Khi nào ta yêu nhau?".

- Em giãi bày nỗi nhớ tha thiết trong tình yêu:

+ Thể hiện gián tiếp qua hình tượng "sóng". "Sóng" được miêu tả trong nhiều không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, trong sự dàn trải của thời gian "ngày - đêm" nhưng lúc nào cũng triền miên trong nỗi nhớ bờ đến "không ngủ được". Sóng thức bởi tình yêu và nỗi nhớ luôn thức mãi! 

+ Tình yêu của "Em" chân thành, sâu sắc, mãnh liệt, thủy chung: Nỗi nhớ được đo bằng không gian và thời gian; nỗi nhớ đầy ắp cả trong thực và trong mộng. "Em" không chút dè dặt, mạnh dạn bộc lộ nỗi nhớ một cách trực tiếp “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Hình ảnh người yêu luôn ngự trị trong trái tìm cuả người thiếu nữ, là "một phương" duy nhất lòng em luôn hướng tới. Đằng sau nỗi nhớ ấy là một khao khát cháy bỏng về tình yêu và mái ấm hạnh phúc. 

- Khẳng định sự thuỷ chung và niềm tin tưởng:

+  Với em không chỉ có phương Bắc, phương Nam mà còn có cả “phương anh”. Đó là phương của tình yêu đôi lứa, là không gian của tương tư:

"Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương"

+ "Em" cũng luôn tin tưởng: Cũng như sóng, dù muôn vàn cách trở  rồi cuối cùng cũng đến được bờ, em và anh cũng sẽ được ở bên nhau:

"Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

COn nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở"

- Những suy tư trăn trở và khát vọng về một tình yêu vĩnh hằng, bất tử hóa tình yêu của "em":

+ Giả thiết: “dẫu xuôi”, “dẫu ngược” chất chứa dự cảm về những trắc trở trong tình yêu. “Phương Bắc”, “phương Nam”: gợi không gian xa cách, ẩn giấu những phấp phỏng lo âu về sự cách trở => Ngay cả khi tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, say đắm, lòng người phụ nữ vẫn không tránh khỏi những dự cảm không lành. 

+ Từ những lo âu, trăn trở khi nhìn thấy sự đối lập ghê gớm giữa con người và vũ trụ, "em" đã tìm ra một con đường để có thể bất tử hóa cùng vũ trụ - đó là nhờ tình yêu: trong tình yêu con người sẽ sống mãi với thời gian. "Em" muốn hòa cái tôi nhỏ bé vào cái chung rộng lớn, mang tình yêu của đôi mình hòa vào tình yêu cuộc đời, tình yêu cuộc sống để tình yêu vĩnh hằng.

3/ Đánh giá:

- Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu vừa truyền thống vừa hiện đại:

+ Truyền thống: say đắm, dịu dàng, nữ tính, thủy chung.

+ Hiện đại: táo bạo, chủ động trong tình yêu; khao khát bất tử hóa tình yêu.

- Bài thơ xứng đáng là một trong những bài thơ tình hay nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại.

Giải chi tiết:

1/ Giới thiệu chung: (0,5 điểm)

- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, chân thành, đằm thắm, da diết trong khát vọng đời thường.

- Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

2/ Trình bày cảm nhận: (3,0 điểm)

- “Em” trong bài thơ là nhân vật trữ tình – một người con gái đang yêu và tôn thờ tình yêu. Qua những điều “em” đã nghĩ “trước muôn trùng sóng bể”, người đọc nhận ra được nhiều điều về bản chất của tình yêu cũng như những nỗi niềm rất cụ thể của nhân vật trữ tình – sự hóa thân của chính tác giả.

- “Em” – nhân vật trữ tình đã thật tinh tế khi mượn “sóng” làm ẩn dụ tình yêu. Nhờ ẩn dụ này, bao nhiêu điều “em” khám phá về tình yêu được nói ra một cách đầy cảm xúc. Sóng có nhiều đối cực như tình yêu cũng có nhiều đối cực. Sóng luôn “tìm ra tận bể” như tình yêu chân chính hướng về những điều cao cả. Sóng có nguồn gốc bí ẩn cũng như sự bí ẩn vô tận của tình yêu. Sóng không bao giờ ngừng lặng như tình yêu luôn trăn trở, bồi hồi. Sóng luôn hướng về bờ như tình yêu luôn hướng đến sự gắn bó chung thủy. Sóng còn mãi giữa cuộc đời như tình yêu chân chính có sức sống vượt thời gian. 

- Những điều “em” đã nghĩ cho thấy “em” vừa có khát vọng hiểu thấu tình yêu nói chung, vừa có mong muốn cháy bỏng được hiểu mình và bộc lộ mình trong tình yêu. Quả thật, “em” đã bộc lộ mình như một người con gái cả nghĩ, đầy lo toan, đầy trách nhiệm. Đặc biệt, em cũng là một con người táo bạo, muốn dâng hiến tất cả cho tình yêu dù trong lòng luôn có nỗi thao thức trước thời gian.

- Bài thơ Sóng bộc lộ khá rõ nữ tính của nhân vật trữ tình và phần nào của chính tác giả. Những điều “em” nghĩ về cơ bản cũng là những điều “em” đã trải nghiệm. Chính vì vậy, bài thơ có tính triết lý mà không hề khô khan. Nó là triết lý của trái tim, triết lý được chưng cất từ những dữ kiện cuộc đời của một người đã sống hết mình cho tình yêu.

- Bên cạnh những điều “em” đã “nghĩ”, cách “em” bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng gây cho người đọc những ấn tượng đặc biệt. Câu thơ 5 chữ được sử dụng rất phù hợp để tạo nên giọng điệu tự sự nồng nàn. Ân dụ “sóng” vừa kín đáo vừa phơi mở tự nhiên hé lộ một nội tâm vừa già dặn, sâu sắc, vừa trẻ trung, bồng bột. Sự xuất hiện luân phiên của hai hình tượng là “sóng” và “em” cũng góp phần tạo cho bài thơ một nhịp sóng đầy sức gợi…

3/ Đánh giá: (0,5 điểm)

- Qua "Sóng", Xuân Quỳnh đã nói hộ đầy đủ nỗi lòng của người phụ nữ đang yêu một cách chân thành, sâu sắc và sinh động. Bởi vậy, "Sóng" được xếp vào một trong những bài thơ tình hay nhất của nền thơ hiện đại Việt Nam.

I. Mở bài

- Bài thơ Sóng được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967, in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào. Bài thơ là tiếng nói của tình yêu, là khát vọng muôn đời của tuổi trẻ, gắn liền với cuộc sống.

- Sóng thực chất đó là lời độc thoại nội tâm của một người phụ nữ đang yêu; đây còn là “tiếng nói đầy cảm xúc và có sắc thái rất riêng” của một trái tim phụ nữ “giàu yêu thương”.

II. Thân bài

1. Bài thơ có hai hình tượng, hai nhân vật trữ tình là “Sóng” và “Em” (cái tôi trữ tình của nhà thơ). Quan hệ giữa chúng là quan hệ thống nhất, hai mà một, không tách rời nhau. “Sóng” là ẩn dụ, chỉ tâm trạng của người con gái đang yêu, hay đúng hơn là chỉ chính “em” - người đang yêu và suốt đời mong được sống trong tình yêu.

2. Dùng hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã diễn tả một quy luật muôn thuở của tình yêu: tình yêu gắn liền với tuổi trẻ, tuổi trẻ luôn khát khao yêu đương, tình yêu là sự trẻ trung của tâm hồn:

Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

3. Bằng hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh diễn tả sự băn khoản, trăn trở của đôi lứa yêu nhau: muốn giải thích, cắt nghĩa về tình yêu, về người yêu và về chính bản thân mình, nhưng đều không có câu trả lời thỏa đáng. Vì khó giải thích, cắt nghĩa, nên tình yêu luôn luôn mới mẻ, luôn luôn là sự khám phá:

Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

4. Tình yêu luôn gắn liền với nỗi nhớ. Bằng việc khai thác trạng thái đa dạng, đối lập của hình tượng “sóng”, tác giả đã diễn tả nỗi cồn cào, khắc khoải trong lòng những người yêu nhau.

5. Nhân vật trữ tình bày tỏ khát vọng về một tình yêu thủy chung và vĩnh cửu. Em muốn hóa thân thành sóng để còn tồn tại mãi mãi bằng tình yêu và trong tình yêu:

Làm sao được tan ra Thành trăm con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Nhờ khai thác sáng tạo tính đối lập, đa dạng, phức tạp, vĩnh hằng của hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh bộc lộ sinh động những khát vọng... của người phụ nữ với một tình yêu thiết tha, mãnh liệt.

III. Kết bài

Trái tim khao khát hạnh phúc của người phụ nữ đã được thể hiện rõ ở bài thơ Sóng. Trái tim ấy thật chân thành, đằm thắm, chứa đựng những tìm cảm rộng lớn, mạnh mẽ, có khả năng làm cho tình yêu đôi lứa biến thành một giá trị tinh thần cao quý của con người.