Xử lý nợ ngân hàng

  • Xử lý nợ là một công việc đòi hỏi kỹ năng mà không phải ai cũng có thể hoàn thành tốt. Vậy kỹ năng cần có để trở thành chuyên viên xử lý nợ giỏi là gì? Bí quyết nào dẫn đến thành công của họ?

    Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự thành công của một chuyên viên xử lý nợ. Trong đó kỹ năng là một trong những yếu tố tạo nên bí quyết giúp họ nhận được sự tín nhiệm và thành công trong công việc. Cùng tìm hiểu những kỹ năng cần có để trở thành một chuyên viên xử lý nợ giỏi nhé!

     1. Bản chất của chuyên viên xử lý nợ là gì?

    Chuyên viên xử lý nợ là người làm việc cho một tổ chức tài chính, thường là ngân hàng đóng vai trò quản lý các thông tin khách hàng đặc biệt, là những người có khoản vay xấu. Nhiệm vụ của chuyên viên xử lý nợ là  đốc thúc khách hàng hoàn trả lại tiền cho tổ chức, hoặc có những biện pháp xử lý, can thiệp khác nếu cần thiết.

    Bản chất của chuyên viên xử lý nợ là sự kết hợp giữa nhân viên telesale và nhân viên pháp lý. Điều này có nghĩa họ là một chuyên gia trong việc giao tiếp đòi nợ thông qua hệ thống thông tin có sẵn và chịu trách nhiệm đứng ra pháp luật với những trường hợp không hợp tác hoặc khó đàm phán.

    Từ những thông tin trên, có thể đưa ra những kỹ năng cần thiết cho một chuyên viên xử lý nợ như sau:

    2. Những kỹ năng cần có để trở thành chuyên viên xử lý nợ giỏi

    2.1. Kỹ năng đọc và xử lý thông tin

    Đây là kỹ năng đầu tiên cần phải có ở một nhân viên xử lý nợ. Trước dữ liệu được cung cấp, cần phải hệ thống và nắm bắt cụ thể, chắc chắn, nhìn nhận vấn đề trước khi có một động thái tìm hiểu hay giao tiếp với khách hàng.

    Xử lý thông tin còn được thể hiện ở việc lên kế hoạch, đưa ra một quy trình cụ thể dựa trên những phân tích đánh giá về các hồ sơ. Từ đó, chuyên viên xử lý nợ sẽ có những bước đi chính xác và quyết đoán để hoàn thành công việc của mình.

    Kỹ năng đọc và xử lý thông tin là một trong những yêu cầu tối thiểu đối với một chuyên viên xử lý nợ, họ cần phải  có những kỹ năng này để có thể thực hiện tốt được những bước tiếp theo trong quy trình xử lý nợ.

    Xử lý nợ ngân hàng

    2.2. Kỹ năng đàm phán, thương lượng

    Kỹ năng đàm phán, thương lượng tốt sẽ giúp ngân hàng/tổ chức giảm bớt được những thủ tục không cần thiết, nhận lại tiền một cách nhanh chóng, tiết kiệm công sức và thời gian.

    Đây là một kỹ năng vô cùng cần thiết mà một chuyên viên xử lý nợ cần có. Đối với khách hàng, những người có khoản vay chưa trả, quên trả hoặc với lý do cá nhân nào đó chưa hoàn tất cho tổ chức/doanh nghiệp thì việc nhắc nhở một cách lịch sự, tế nhị là một trong những cách thức làm việc hiệu quả.Chuyên viên xử lý nợ phải sử dụng kỹ năng giao tiếp của mình để đàm phán với các đối tượng đang có nợ xấu, thuyết phục họ thực thi những điều khoản đã được đề ra trong kế hoạch.

    Khách hàng không chấp thuận thanh toán đủ hoặc đúng hạn là trường hợp xảy ra khá thường xuyên. Nhiệm vụ của các chuyên viên xử lý nợ chính là bằng nhiều các cách thức khác nhau như cung cấp cho họ những tùy chọn, những hướng xử lý có lợi, kèm các mốc thời gian cụ thể để đàm phán với bên nợ thực thi hoàn thành các khoản nợ một cách nhanh chóng.

    2.3. Kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng

    Với bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, khách hàng là đối tác luôn luôn cần tìm hiểu và nắm bắt thông tin. Khi tiếp cận với khách hàng, một chuyên viên xử lý nợ cần phải thể hiện mong muốn trợ giúp cho khách hàng bằng cách hiểu nhu cầu của họ.

    Cần phải nắm được nhu cầu và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, từ đó sẽ tạo ra điều khác biệt trong việc xử lý nợ.

    Công việc này không đơn thuần là việc đốc thúc khách hàng nhanh chóng thanh toán các khoản vay mà hơn hết nó là sự thấu hiểu và lắng nghe, đây là một cách làm tinh tế và nhạy bén không phải ai cũng có thể làm được.

     2.4. Kiến thức về pháp luật

    Tại sao một chuyên viên đòi nợ cần có kiến thức về pháp luật?

    Câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì, trước những khoản vay mà mọi phương pháp đều không có hiệu quả thì việc can thiệp từ pháp luật  để hoàn thành công tác đòi nợ xấu là vô cùng cần thiết.

    Chuyên viên xử lý nợ chính là người đại diện pháp luật cho tổ chức trực tiếp tham gia vào công việc liên quan đến tố tụng, làm việc với công an, tòa án. Chính vì thế, kiến thức về pháp luật là điều tối cần thiết để trở thành một chuyên viên thực thụ trong công việc xử lý nợ.

    Những vấn đề liên quan đến pháp luật mà các chuyên viên xử lý nợ cần phải có kiến thức vững chắc đó là: pháp chế, quản trị rủi ro, xử lý nợ, quản lý tín dụng, đánh giá, thẩm định tài sản, thanh lý tài sản…

    Xử lý nợ ngân hàng

    2.5. Sự kiên trì và khả năng chịu áp lực

    Công việc xử lý nợ không đơn giản chỉ là một công việc văn phòng liên quan đến giấy tờ và báo cáo mỗi ngày. Những người làm công việc này luôn phải xoay vòng và chịu áp lực lớn từ nhiều phía, từ tổ chức đến khách hàng.

    Một mặt họ phải làm thế nào để giải quyết hoàn tất các hồ sơ vay nợ, hoàn thành công việc do tổ chức giao cho, mặt khác họ phải giữ mối quan hệ với khách hàng để có thể đạt được mục tiêu trong công việc.

    Những chuyên viên xử lý nợ luôn bị áp lực về thời gian, họ được tổ chức/doanh nghiệp giao cho những kỳ hạn để hoàn thành quy trình xử lý nợ. Khi làm việc với khách hàng, họ có thể gặp những đối tượng hung dữ, bị la hét, bị thẩm vấn, ngay cả bị buộc tội…Với những áp lực công việc như vậy, những chuyên viên xử lý nợ họ phải cực kỳ kiên định, khéo léo xử lý các tình huống để có thể để đáp ứng tất cả các bên.

     Sự kiên trì và luôn nỗ lực là yếu tố rất cần để hoàn thành công việc, cũng là một đức tính cần duy trì ở bất cứ nhân viên nào. Ngoài ra, chuyên viên xử lý nợ cần có sự nhẫn nại và tâm lý hòa nhã cùng cái đầu lạnh để bình tĩnh giải quyết đầy đủ mọi khía cạnh của vấn đề trong công việc.

    Với những chia sẻ trên, hy vọng bài viết sẽ đem đến cho bạn định hướng và cái nhìn đa chiều hơn về công việc của một chuyên viên xử lý nợ.